Những dấu hiệu về chấn thương tâm lý và phương án tự chữa lành
Ngoài tự nhiên, cơ chế tự chữa lành được xem là một hoạt động bản năng của rất nhiều loài động vật. Trong một bài giảng của thiền sư...
Ngoài tự nhiên, cơ chế tự chữa lành được xem là một hoạt động bản năng của rất nhiều loài động vật. Trong một bài giảng của thiền sư Minh Niệm về vấn đề này, thầy đã lấy ví dụ về một con cọp bị thương trong lúc đang đi săn. Gần như ngay lập tức, con cọp này sẽ tìm một nơi an toàn để dưỡng thương và ngừng lại tất cả những hoạt động khác cho đến khi cơ thể nó sẵn sàng trở lại. Riêng đối với con người, việc chịu đựng những tổn thương một cách thụ động vẫn đang được vô thức ưu tiên hơn so với việc chữa lành, đặc biệt là những vết thương không để lại dấu hiệu mà ở đây - tôi gọi là Chấn thương về tâm lý.
Cụm từ chấn thương tâm lý lần đầu tiên được tôi đọc được là vào năm 2017, trong cuốn sách Chấn thương tâm lý hiện đại của Vương Trí Nhàn. Có vẻ như liên quan mà không liên quan, lối hành văn có phần nho giáo, thâm sâu, phiếm luận của ông gần như đã làm tôi cảm thấy bị ngợp (ngay sau khi tôi đọc xong cuốn Bức xúc không làm ta vô can, một cuốn sách nghị luận xã hội khác rất hay của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang). Trong Chấn thương tâm lý hiện đại, tác giả đã chỉ ra rằng - việc có sẵn quá nhiều phương tiện, công cụ để khỏa lấp những sự bất ổn trong tâm trí của người trẻ, khiến họ trở nên thờ ơ và yếu đuối hơn với vấn đề của chính bản thân mình. Tôi hoàn toàn hiểu được điều này vào năm 27 tuổi đó, và gần như luôn phải tự nhắc nhở về việc thật sự nghiêm túc và triệt để với các vấn đề về bản thân.
Chữa lành tâm hồn là không nên trì hoãn.
Trong nhiều tài liệu tổng hợp về những dấu hiệu chấn thương tâm lý đã được đăng trên website psych2go.net, mọi người tổng hợp lại thành 9 dấu hiệu cảm xúc cho thấy bạn đang có những vết thương chưa được chữa lành, bao gồm :
Hoài nghi những biến động tích cực
Lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống
Ám ảnh thất bại
Sợ hãi sự thành công
Khó khăn trong việc tập trung
Ngại nhờ vả
Gắt gỏng với ngươi thân, hoặc chính mình.
Đấu tranh nội tâm vì sự tự tôn thấpMang những triệu chứng tâm lý khó lý giải
Một cách tình cờ, tôi phát hiện chính mình có đủ tất cả những đầu dòng này. Vào thời điểm đọc cuốn Chấn tương tâm lý hiện đại, thứ tôi bắt gặp thường xuyên trong cảm giác đọc là sự bất đồng và không hòa nhập được với cách lập luận của tác giả, ngoài sự đồng tình về một số ý chính. Hiện tại khi nhìn lại những gì đã qua, tôi có lẽ đã thay đổi góc nhìn, và chấp nhận rằng mình đang mắc kẹt ở đâu đó trong những thứ đã kể trên. Một vài điều trong đó đã được giải quyết, một vài đã vội vã thỏa hiệp, và một vài vẫn đang là vấn đề lớn. Tôi muốn phân tích kỹ hơn về vấn đề này, vì khi bước qua thêm nhiều biến cố, tôi hiểu đây không phải là những thứ hỗn mang hậu dậy thì, hay sự lạc lối của những thanh niên mới bắt đầu xây dựng cuộc sống. Nó là vấn đề chung của mọi độ tuổi, và có thể lặp lại ngay cả khi mình đang già đi, mặc dù nguyên nhân nguồn cội của hầu hết những đầu dòng này đều đến từ tuổi thơ của mỗi con người.
1. Hoài nghi những biến động tích cực.
Hay một cách diễn giải khác, đó là bạn bi quan và cảm thấy không xứng đáng với những điều tích cực đang đến. Tôi đã từng có một thời gian dài cảm thấy mình là một looser, vì không tìm thấy sự khả quan trong những thứ mình đang làm. Tuy nhiên, khi những tín hiệu khả quan kéo tới, phản xạ đầu tiên của tôi khi đó không phải là việc ăn mừng, chia vui, mà là sợ hãi, vì cảm thấy mình không xứng đáng, hoặc nghi ngờ về những thứ kéo theo sau nó sẽ là tồi tệ hơn. Tôi biết, đây chính xác là hệ quả của một chấn tương tâm lý.
Suy nghĩ bi quan này bắt nguồn từ những biến cố trong quá khứ, khiến cho người bị tổn thương không cảm thấy xứng đáng với tín hiệu tích cực nào đó, bao gồm cả những mặc cảm tội lỗi, những thất bại không thể tự tha thứ của bản thân. Cảm giác "don't deserve to be happy" này vô tình trở thành một rào cản để bản thân tiếp nhận những điều tốt đẹp đến sau đó. Nặng nề hơn, nó có xu hướng khiến người ta dễ bỏ cuộc.
2. Lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống
Một vài người trong chúng ta, nếu không muốn nói là phần lớn, đang cố gắng kiểm soát mọi thứ trong đời. Chúng ta đọc nhiều sách, kiếm nhiều tiền và cố theo đuổi những thứ đã hoạch định từ trước đó. Thậm chí, đối với một số đầu sách self-help còn rao giảng rằng đây là kỹ năng cần trang bị để có một cuộc sống thành công - nếu tôi nhớ không lầm thì nó nằm trong chương hai của cuốn 7 habbit of effective people (Stephen R. Covey). Tôi không cố ý anti-self-help hay bất cứ gì, nhưng cũng như câu tôi đã ghi trên bio facebook từ những ngày đầu mở account hồi mười một năm trước - "Cái gì quá cũng không tốt". Chúng ta chi li cho kế hoạch, cho các cột mốc, cho chỉ tiêu của bản thân và cố gắng nghiêm túc với nó, bon bon một cách vồn vã như con tàu trên đường ray đến đích và trở nên choáng váng, mất phương hướng khi có một hòn đá, cây gậy nào đó nào đó làm con tàu vỡ toang, dẫn đến khó chịu, thất vọng và mất niềm tin vào bản thân. Tóm lại, bạn muốn đặt mọi thứ trong cuộc sống vào tầm kiểm soát, và khi mất kiểm soát, bạn trở nên lạc lõng, giận dữ, thịnh nộ và đay nghiến chính mình. Đó là dấu hiệu khác của một vết thương về tâm lý chưa được chữa lành, và chính nó lại sắp sửa mang tới cho chúng ta một vết thương tâm lý khác.
Điều này đến từ tâm lý chắt chiu có một phần bắt nguồn từ việc bị thờ ơ, bị tách ly/khó hòa nhập với đám đông. Một phần khác xuất phát từ tâm lý tham vọng và cầu toàn, ở những người đặt kì vọng cho bản thân quá cao và họ luôn sống trong tâm lý thiếu thốn thời gian để phát triển hoặc hoàn thiện. Dĩ nhiên chúng ta sẽ có những số phận khác nhau, những thành quả cũng như hậu quả khác nhau trong quá trình cố gắng phát triển bản thân, nhưng việc gặp một trở ngại ngẫu nhiên nào đó là gần như không thể tránh khỏi, và hậu quả mà nó mang lại thường sẽ nghiêm trọng hơn khi chúng ta đặt quá nhiều ảo vọng vào kế hoạch ban đầu.
3. Ám ảnh thất bại
Gần đây tôi rất hay nói về điều này. Loài người là giống loài yếu đuối, dựa theo cấu trúc tự nhiên và bản năng sinh tồn. Chúng ta là loài vật duy nhất không thể cam chịu sự thiếu thốn vật chất, kèm theo khả năng sinh tồn cực thấp về cả lý tính và cảm tính, lại là loài duy nhất có tâm lý tự kết liễu bản thân khi gặp bế tắc. Chúng ta sợ yêu vì chúng ta đã từng đau khổ vì yêu. Chúng ta cảm thấy sợ hãi với những viễn cảnh không sáng sủa, sợ hãi về việc bị tước đi những tiện nghi, những nhu cầu khi phiêu lưu bước ra khỏi vùng an toàn, đi kèm nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội về những mảng tối - nhiều lúc đơn giản như đọc bài báo về một anh thạc sĩ phải chạy xe ôm công nghệ.
Sự ám ảnh thất bại này có thể đến từ trải nghiệm thực tế như chính tôi, người đã trải qua vô vàn những thất bại, hay cũng từ những tấm gương của người đi trước. Năm 2016, tôi từ biệt một người anh diễn viên khá điển trai - anh Tiếp. Sau nhiều năm làm diễn viên và nghề tay phải khá ngon lành trong ngành dầu khí, anh Tiếp quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, để lại vợ con ở Sài Gòn mà bay ra Hà Nội khởi nghiệp. Tôi bắt tay, chúc anh thành công và hẹn đưa anh trở lại TV trong một ngày trở về gần nhất. Hai năm sau, tôi gặp lại anh với một vẻ tiều tụy hơn hẳn, vẻ điển trai năm nào đã bị hư hao bằng những nếp nhăn, hai gò má hóp lại và mái tóc lúng phúng không buồn chải. Tôi biết anh đã thất bại, và đó là quá trình mà anh đang ủ mình trong cái kén thất bại đó. Anh chỉ nói với tôi - "Hãy cân nhắc thật sự kỹ khi bước ra khỏi vùng an toàn".
Dù là từ những tấm gương như anh, hay là chính trải nghiệm bản thân, thì tôi đã trải qua nhiều lần cảm giác thất bại, và nó luôn có tính ám ảnh lớn với tôi, và tỉ lệ thuận với nền tảng, với vùng an toàn mà tôi đã dựng nên trước đó. Chúng ta sẽ không bắt gặp quá nhiều người thành công với việc đánh margin và all-in một mã nào đó trên bảng điện mà làm giàu. Ám ảnh thất bại là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của con người, khi bị đặt ở một vị trí không an toàn. Nhưng nếu chúng ta bắt gặp mình hình dung quá nhiều về thất bại trước khi bắt tay vào, thì chính xác đó chính là một biểu hiện của chân thương tâm lý.
4. Sợ hãi sự thành công
Điều này không lặp lại ở mục số một, theo tôi là vậy. Nó gần giống với "học thuyết năm con khỉ định kiến" hơn. Theo cách hiểu này, nghĩa là bạn đang lo sợ sẽ gặp phải một vấn đề gì to lớn ẩn nấp phía sau thành công đó. Nghe chừng thật mâu thuẫn, vì ai mà không muốn mình thành công? Vâng, chúng ta vẫn thường nghĩ có một số thứ là hiển nhiên, cho đến khi tự mình đi thăng bằng trên dây một cách tự tin và rớt xuống đất khi cách đích chỉ vài bước chân.
Tôi có một anh bạn khách quen làm kinh doanh gỗ và thuốc lá, lớn hơn tôi chừng 8 tuổi hoặc hơn. Anh này đã từng là một thương nhân bảnh bao vào mười lăm năm trước, dành phần lớn thời gian để làm ăn xa nhà. Mẹ anh đột quỵ vào một lần anh đang chốt một kèo làm ăn vô cùng lớn ở Bình Phước. Phải đến hơn một ngày sau, anh về đến Sài Gòn thì đã quá muộn. Anh gần như buông bỏ sự nghiệp của mình sau đó, vì không tìm thấy động lực kiếm tiền, không tìm thấy niềm vui của thành công khi mặc cảm tội lỗi là quá lớn. Vợ anh cũng đã bỏ anh đi một thời gian sau đó không lâu. Thời điểm anh gặp tôi ở quán bia, cũng là lúc anh chỉ vừa mới vượt qua được vết thương đó, dù trong cách anh kể vẫn đượm buồn.
Và tin tôi đi, không phải ai cũng dễ dàng và hăng hái với việc lên bục nhận cúp cả. Với một số người có vết thương tâm lý quá lớn, chuyện dám bước lên mà nhận lấy thành công cũng là rất khó khăn. Xuất phát từ một biến cố quá lớn trong quá khứ có quan hệ mật thiết với ký ức về thành công, sợ hãi sự thành công chính là một biểu hiện rất phổ biến và rõ ràng trong những người đang mắc phải những chấn thương tâm lý. Nếu tôi không tìm thấy cho mình một phương án để chữa lành điều này, việc không thể đạt được mục đích sống của chính tôi sẽ gặp phải cản trở vô cùng to lớn.
5. Khó khăn trong việc tập trung
Khi gặp phải những tổn thương trong quá khứ gây ra bởi chấn thương tâm lý, một hoặc nhiều vùng ký ức sẽ trở nên hoặc trống trải, hoặc hỗn độn và có xu hướng ẩn hiện trong đầu tôi một cách mất kiểm soát. Nói một cách dễ hình dung hơn, tôi luôn bị tâm trí điều khiển phải liên tưởng mỗi khi bắt gặp một hình ảnh gì đó liên quan tới việc làm mình tổn thương, và hầu hết những trường hợp này đều đến từ chuyện tình cảm. Dễ thấy tôi đang viết blog một cách say sưa và tình cờ nhìn thấy một kỷ vật nào đó để trên bàn làm việc, gần như một điểm gãy trong vô thức diễn ra ngay sau đó và khiến tôi cảm thấy trống rỗng, không thể tiếp tục công việc trước đó một cách bình thường.
Tôi được biết, ngày nay mọi người vẫn hay sử dụng những công cụ mang tính chắp vá để cải thiện sự tập trung, thay cho việc thừa nhận những vết thương tâm lý và điều trị nó nghiêm túc hơn. Mọi người ưu tiên những phương án nhanh gọn, như thuốc lá, chất kích thích, những video mang tính giải trí để tạm gác những điểm gãy qua một bên. Mọi người vẫn hay tìm cách tập trung vào một điểm khác để xao lãng khoảng trống trong ký ức đó một thời gian. Cách làm đó không có tác dụng lâu dài cho dạng chấn thương tâm lý này. Não bộ của chúng ta không được lập trình để trích xuất những gì cần thiết như một bộ máy. Chúng ta không thể xóa vùng ký ức theo kiểu bấm nút "delete" và đợi xác nhận.
6. Ngại nhờ vả
Thật ra, tôi vẫn hay tự nhủ về bản thân trong những bài viết của mình rằng, tôi sợ phải xuất hiện trong đời một ai đó. Khi tôi dùng can đảm của mình để nói về quan điểm này cho một số người, thường tôi vẫn nhận lại nhiều câu hỏi tại sao và những đánh giá bề mặt và nó không hề có tác dụng giúp tôi cải thiện tình hình. Về sau, tôi được biết có rất nhiều người luôn hì hục để giúp đỡ mọi người nhưng luôn mắc kẹt với những vấn đề của chính mình.
Điều này càng dễ bắt gặp ở người Việt Nam hơn, khi nền giáo dục và gia đình chính là nguyên nhân lớn gây ra chấn thương tâm lý dạng này. Chúng ta lớn lên trong thời kì khó khăn, khi cả bố mẹ đều bận rộn công việc và một vài đứa con luôn nhận lại thái độ tiêu cực từ chính bố mẹ mình khi nó nhờ vả hoặc thắc mắc một điều gì đó. Từ đó sinh ra tâm lý sợ phiền nhiễu đến mọi người xung quanh cho đến lúc lớn lên. Không phải ngẫu nhiên mà khả năng tương tác và làm việc nhóm của người Việt Nam không được đánh giá cao trong mắt mọi người trên thế giới.
Nếu bạn cũng đang như tôi, đang cảm thấy không thể từ chối giúp đỡ mọi người, nhưng lại không thể cho người khác có cơ hội được giúp đỡ ngược lại mình, chúng ta đang gặp phải một vấn đề không nhỏ trong chấn thương tâm lý. Điều này sẽ khiến khả năng tương tác xã hội và hòa nhập bị ảnh hưởng rất lớn, vô tình đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn và bế tắc khi phải tự mình giải quyết mọi chuyện mà sợ phải làm phiền đến mọi người xung quanh.
7. Gắt gỏng với người thân, hoặc chính mình.
Dễ thấy trong tôi mỗi khi gặp vấn đề, hoặc cả những lúc bình thường khác. Ở đây tôi phải nhắc lại, tôi đang dùng góc nhìn và trải nghiệm của chính mình để chứng minh cho những dấu hiệu về tâm lý, vì chẳng ai đi lạc mà lại hỏi đường từ những người chả bao giờ sống ở khu đó.
Tôi đã có thời gian dài kìm nén những vấn đề nội tại. Khi không có nơi để giải phóng những nguồn năng lượng xấu phát sinh trong quá trình chấn thương tâm lý, tôi có xu hướng bộc phát năng lượng xấu đó đến những người xung quanh mình. Đây là một dạng vấn đề mãn tính nếu tôi không thật sự triệt để với cơ chế phản ứng của chính tôi. Những thứ dồn nén, những cảm xúc hư hao và không có chỗ chứa sẽ tuôn trào vào những lúc chúng ta mất bình tĩnh nhất, thường vô tình làm tổn thương những người thân thuộc hay chính bản thân mình.
Điều tồi tệ đến kèm sau đó là một mặc cảm tội lỗi mà bạn không thể lý giải hay dùng sự ăn năn để xoa dịu chính mình. Không một ai muốn bị tổn thương bao giờ, nhưng sự "sốc phản vệ" trong tâm lý của mỗi con người luôn không cho phép họ giữ được sự kiềm chế cần thiết. Lẽ ra cách đây vài tuần, tôi đã có thể cùng nhau trò chuyện, thỏa hiệp và tìm ra giải pháp cho câu chuyện tình cảm của tôi và bạn người yêu, nhưng sự kìm nén cảm xúc bị dồn lại sau nhiều ngày giãn cách xã hội đã không cho phép tôi đủ tỉnh táo để cư xử tốt nhất. Ai cũng biết lời xin lỗi luôn là muộn màng khi phải nói ra, nhưng không có nhiều người có thể giữ cho mọi thứ bình ổn trước khi quá muộn cả.
8. Đấu tranh trong hạ thấp sự tự tôn
Một cách ít học thuật hơn, đây là cảm giác thấy bản thân mình vô dụng. Ở đó, cảm nhận này không phải là trạng thái của một người theo hệ Nihilism, những người tin vào hư vô, những điều vô nghĩa và lý giải mọi thứ trong vũ trụ đều là rỗng tuếch. Việc cảm thấy bản thân vô dụng thường được bắt nguồn từ việc bạo hành, chê bai, so sánh khi chúng ta còn nhỏ. Tôi đã từng bị bố mình xé nát tấm hình ngay khi hăm hở gửi qua Đức cho chú tôi nhận diện, chỉ vì bị người trong nhà chê là "ngáo ngơ và xấu xí thế này thì không cần phải gửi". Tôi đã sống với một mặc cảm về ngoại hình trong suốt một thời gian khá dài, và không quá nhiều người đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của những lời miệt thị đó.
Cách đây khoảng hơn 50 năm vào thời chiến, giai đoạn mà khủng hoảng hiện sinh được xem là một vấn đề của giới trẻ bấy giờ. Họ sinh ra, lớn lên trong khổ đau, mặc một bộ đồ lính ra trận, và trở về bằng một nắm tro và thẻ bài khắc tên mình. Họ chứng kiến mọi người lao ra và chết đi khi không thật sự rõ mình đang có nhiệm vụ gì trên cuộc đời này. Việc tự cảm thấy bản thân vô dụng, hoặc tồn tại một cách không mục đích khiến họ cảm thấy khó cởi mở, khó giải bày, khó tiếp cận hơn.
Khủng hoảng hiện sinh và những vấn đề về tâm lý cảm thấy bản thân vô dụng đang trở lại vào thời đại này. Tôi cảm thấy mình rất dễ bị bỏ lại phía sau, rất dễ bị lạc loài với thế giới, rất dễ để trở thành một người ngoài cuộc và thỉnh thoảng, tôi nghĩ mọi thứ có vẻ sẽ trở nên tốt hơn khi không có tôi ở đó. Đây là một dấu hiệu cực kì nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí xã hội, quá trình cải thiện và thăng tiến của mỗi cá nhân.
9. Mang những triệu chứng tâm lý khó lý giải
Sẽ là một cảm giác thật tệ, nếu bạn không cảm thấy bất cứ gì khi làm một việc mà bạn đã từng rất thích. Chúng ta không cảm thấy ngon khi ăn một món tủ, không cảm thấy vui khi nghe bài nhạc hay, không cảm thấy hưng phấn, ham muốn, hay bất cứ gì khác. Đó không phải là lười, cũng không phải là chạy trốn cảm xúc của bản thân. Nói một cách nghiêm trọng, nó là một vài trong các dấu hiệu rõ rệt của PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Việc khó ăn, mất ngủ, vô cảm, hoảng sợ, mất kiên nhẫn và dễ cáu gắt là một vòng xoắn ốc có liên quan nhau, nếu không tua đúng chiều, chúng ta sẽ siết chặt chính mình vào những vấn đề không lối thoát. Tất cả những triệu chứng này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân khi tôi vấp phải những vấn đề cá nhân, mà ở đó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, nó còn hủy hoại nội tại theo hiệu ứng Domino. Từ khi chúng ta bắt đầu cảm thấy nhạt nhòa hơn với những sở thích của chính mình - như một dấu hiệu ít hệ quả về mặt lý tính nhất, chúng ta nên bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận nó như một vết thương cần được chữa lành.
Vì khi tôi để những dấu hiệu còn lại xảy ra, tất cả những thứ có thể cải thiện bản thân gần như bị xô đổ hoàn toàn.
Khi bạn nhập viện bằng một vết rách toạc trên đầu, một vũng máu tươi trên cơ thể hay những tác động vật lý khác có thể thấy rõ bằng mắt thường, bạn vẫn có cơ hội được sống sót, được trở lại cộng đồng, được làm việc và vui chơi như mọi người bình thường khác. Đối với những vết thương vô hình đã kể ở trên, rõ ràng hậu quả là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các thể loại tổn thương về vật lý. Tôi đã phải chấp nhận sống trong sợ hãi, trong bế tắc và chết ngạt trong những suy nghĩ của bản thân suốt thời gian không ngắn, và có tần suất lặp lại thường xuyên. Việc phải tồn tại trong một chất lượng đời sống tinh thần dưới trung bình không khác gì một khối u ác tính không hẹn ngày bộc phát.
Vậy mà, rất nhiều người trong chúng ta ngày nay thờ ơ, xem nhẹ hoặc thậm chí chê bai, bỡn cợt trên những vết thương tâm lý từ những ngươi quanh mình, đẩy họ đến gần những bờ vực hơn, trở nên mong manh và dễ vỡ hơn bao giờ hết, mà chúng ta không thể lý giải theo một cách lý trí, rằng cá nhân đó vẫn chưa đến nỗi nào quá bế tắc đến nỗi phải tự kết liễu mình như cách họ đã chọn. Tôi rất tiếc chưa thể đọc được cuốn Đại dương đen của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, để nghe ông kể thêm về những câu chuyện từ những con người bị rớt lại bên lề của xã hội, sau những chấn thương tâm lý. Nhưng phần nào đó tôi có thể hiểu được, việc chấp nhận những người xung quanh mình với những vết thương họ đang mang, chấp nhận sự khác biệt và thật sự kiên nhẫn với họ, là một chiếc phao cứu sinh tuyệt vời để kéo những con người khổ tâm đó trở lại với cuộc sống họ xứng đáng được hưởng.
Trong quá trình viết về những ngày giãn cách xã hội, tôi có những nhìn nhận đa chiều về chính bản thân mình, và có đủ thời gian để lắng nghe nó. Quá trình cảm nhận về những nỗi đau khó hàn gắn, những trở ngại khó vượt qua và những nỗi lòng khó giải thích khiến tôi cảm thấy mình đâu đó chưa nhìn nhận đúng mức độ quan trọng cho vấn đề bản thân. Bài học đầu tiên cho chính tôi khi tiếp cận với mình trong những vấn đề tâm lý, là ở nội tại của những bệnh nhân đó đều không muốn bị quy chụp là chính họ đang làm quá lên. Dạng quy chụp đó chỉ làm cho tình trạng tâm lý của họ trở nên tồi tệ thêm mà thôi.
Phương án tự chữa lành
Hầu hết những nghiên cứu khoa học và tài liệu về tâm lý học, về PTSD đều đánh giá mức độ quan trọng của dấu hiệu chấn thương tâm lý là cực kì đáng báo động, ảnh hưởng đến nhân sinh quan, môi trường sống, chất lượng sống và cả tính mạng của một con người. Nhưng cũng lần theo những báo cáo, nghiên cứu khoa học đó, tôi chưa thật sự tìm được một tài liệu nào hướng dẫn về cách mà những người chịu tổn thương tâm lý có thể tự chữa lành/vượt qua. Về cá nhân tôi, việc chữa lành những vết thương đó vẫn chưa là triệt để, cho đến hiện tại tôi đã cảm thấy ổn hơn với những phương án của chính mình, tôi dù sao vẫn cảm thấy nó thật sự thiết thực hơn so với việc khuyên một cơ thể mệt nhoài nào đó chơi thể thao, hòa nhập cộng đồng hay nối lại những quan hệ cũ.
Tôi tự hỏi, đã rất nhiều tài liệu ghi chép về hiện tượng, về triệu chứng của những vết thương tâm lý, nhưng cách họ viết về phương án chữa lành thì tại sao chỉ toàn là những đầu dòng như thể được viết ra cho đủ ý như tôi vừa nói tới ở trên. Riêng về những ngày tự chữa lành, tôi cảm thấy quá trình này không phải là thời điểm lý tưởng để tiếp nhận những lời khuyên hay động viên sáo mòn. Mọi thứ dành cho những con người đang dần mong manh hơn vì thương tổn trong tâm lý cần phải được dễ hiểu, dễ thực hiện và không khuôn mẫu. Hãy cứ tự do sắp xếp những thứ sau theo ưu tiên của cá nhân, và tin tưởng rằng nó sẽ là một chuỗi dây chuyền - khi làm được một điều nào đó, nghĩa là tôi đã sẵn sàng cho điều tiếp theo.
1. Nuôi thú cưng
Bằng cách lý giải y học, cơ thể chúng ta có thể tự cân bằng trước những biến động về tinh thần, những căng thẳng hay các vấn đề lý tính liên quan đến nội tại như huyết áp và nhịp tim - thông qua việc tiết ra Cortisol, một loại hormone được đảm trách bởi vùng thượng thận. Nồng độ Cortisol trong cơ thể tăng cao đồng nghĩa với việc chúng ta đang đối diện với các vấn đề tinh thần, những căng thẳng hoặc lo âu kéo dài. Theo đó, các loại thuốc dùng cho PTSD cũng dựa vào nguyên lý này để chữa trị cho những bệnh nhân tâm lý nghiêm trọng thông qua việc ức chế nồng độ Cortisol trong cơ thể. Ở một mức độ ít nghiêm trọng hơn, việc chăm sóc và vuốt ve thú cưng cũng có thể có tác dụng tương tự thậm chí trong thời gian ngắn hơn, vừa đủ để chúng ta vượt qua những cơn đau về mặt tâm lý.
Nói như vậy không có nghĩa là những người đã hoặc đang nuôi thú cưng không mắc kẹt về các vấn đề nội tại. Việc lẩn tránh những tổn thương có thể gây ra bởi các mối quan hệ xã hội khiến họ dành nhiều tương tác và niềm tin cho những người bạn lắm lông của họ hơn. Khi tôi phải cân nhắc giữa việc xem nuôi thú cưng như tìm một người bạn và đơn giản là tìm kiếm một liệu pháp tâm lý cấp bách cho bản thân, điều đó thường không mang lại hiệu quả như các tổng hợp về báo cáo khoa học như ban đầu.
Với tôi, việc nuôi thú cưng sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất ngoài yếu tố cân đối lượng Cortisol trong cơ thể, khi chúng ta cảm nhận được mình đang muốn tập và sẵn sàng chăm sóc một điều gì đó khác. Việc có một điều gì đó ở bên cạnh để vuốt ve, chăm sóc và tương tác có thể dần dần kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy về "cảm thấy bản thân vô dụng". Tất nhiên, hãy cố chăm sóc bọn nó thật tốt trước khi chứng kiến bọn nó chết đi và để lại một vết thương khác.
2. Tán dương bản thân
Bẽ bàng sau những kỳ vọng, thất bại sau những lần không dám với tay đến thành công hoặc cảm thấy thua thiệt ai đó khi kết thúc những mối quan hệ thật sự là một cảm giác tồi tệ. Tồi tệ hơn cho tôi khi chính mình đã trải qua tổ hợp những điều này nhiều lần trong đời, và thường chúng nó không kéo đến một cách riêng lẻ.
Nhìn nhận một cách thấu đáo và nghiêm túc, việc khen thưởng chính là một công cụ hiệu quả trong quản trị con người. Nhiều người trong số chúng ta đã từng bị chê bai, chỉ trích khi đạt điểm 7 vì vài trong số các bậc phụ huynh tập trung vào 3 điểm còn thiếu hơn 7 điểm của nỗ lực từ chính con họ. Giờ thì với cương vị của một người đã trưởng thành, tôi nghĩ chính mình nên tự nói nhiều hơn về điểm 7 của sự nỗ lực đó.
Tôi đối diện với cảm giác lạc lõng của thất nghiệp cách đây 3 năm khi trước đó đã là một team leader tương đối ổn định. Tôi liên tục hoài nghi và chất vấn bản thân một thời gian trước khi nỗ lực thu về từng bạc cắc nhờ vào việc đóng tủ bếp, sào phơi đồ và cải tạo những căn phòng nhỏ. Tôi có 7 ngày trong tuần về nhà trong bộ quần áo lấm lem và tương đối mặc cảm khi hẹn hò cùng bạn gái.
May thay, tôi tìm được sự thỏa mãn khi nhìn vào thành quả mà mình làm được sau sự lấm lem đó. Không bàn về số tiền mà tôi nhận được, tôi đang nói về những căn phòng nhỏ mà tôi cải tạo đã trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều sau khi có đôi bàn tay tôi chạm vào đó. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân, một nhà thiết kế khi còn bé, và thành quả vào lúc đó nghe chừng không đáng kể. Nhưng hãy tận hưởng, và tán dương bản thân đi, vì đó là những thứ chỉ có chính mình trải qua và đạt được mà thôi.
3. Tiếp nhận sự giúp đỡ
Tôi đã vô cùng sợ hãi khi nhận một số tiền viện trợ từ bất kì ai, kể cả chính những người thân của mình. Đó là tâm lý chung của những người luôn cảm thấy bản thân vô dụng và bị ám ảnh bởi sự thất bại hay thành công. Cảm giác của riêng tôi lúc đó rất tệ, như thể mình đang vô hình trung trở thành gánh nặng của người khác, ngay cả khi tôi vẫn thường giúp đỡ, viện trợ những người quanh mình. Tôi nhận ra, chính tôi khi đó là một dạng người cố chấp và không thể thỏa hiệp, vì cảm thấy vô tình bị chạm vào sự tự tôn vốn đã rất thấp của chính mình.
Và vấn đề đó không thể lý giải được bằng logic của đối phương.
Chỉ cho đến khi tự bản thân hiểu được theo một cách tích cực, rằng chính chúng ta đã sống đủ tốt để nhận được những sự quan tâm giúp đỡ từ mọi người xung quanh đã là một điều rất tuyệt vời rồi. Họ giúp tôi không phải để xoáy sâu vào sự thất bại, mà vì họ không muốn chứng kiến một tôi khốn khổ chật vật. Việc phản ứng tiêu cực hay khước từ sự giúp đỡ của người khác sẽ đẩy chính chúng ta, những con người vốn đã tổn thương trở nên lạc lõng hơn với phần còn lại của thế giới.
Thật sự, đây là một khả năng cần được luyện tập theo quá trình. Đó không phải là một công thức toán học mà chúng ta điền số vào có thể tìm ra ngay kết quả. Đón nhận một cách cởi mở dần, bằng lời cảm ơn, xin lỗi hay sự trân quý đúng mực với sự giúp đỡ từ người khác là nền tảng ban đầu cho việc tái xây dựng lại những rạn nứt trong quan hệ xã hội do chấn thương tâm lý gây ra.
4. Viết ra hết mọi suy nghĩ
Phần lớn trong chúng ta - những người trưởng thành bận rộn - cư xử hời hợt với những vấn đề của bản thân mình. Đối với những người đang mang trong mình một vài chấn thương tâm lý, điều này có vẻ thậm chí nghiêm trọng hơn. Khi quá nhiều luồng suy nghĩ xuất hiện trong đầu tôi trong một thời gian ngắn, xu hướng mà tôi thường chọn giải quyết tương tự như việc vò lại một cuộn dây và cất vội vào ngăn tủ. Những cuộn dây sẽ rối rắm vào nhau, và nguyên vẹn trong ngăn tủ đó cho đến khi tôi không còn chỗ để chứa những bó dây hỗn độn khác.
Việc viết ra suy nghĩ của mình, giống như cách mà tôi đã đối diện và tháo gỡ những nút thắt trong đống bùi nhùi đó. Tôi phác thảo lại câu chuyện của chính mình ở góc nhìn thứ ba, và viết ra mọi thứ tôi đã đối diện cũng như phản ứng với nó. Tôi không đặt bất cứ kì vọng hay thành quả nào trong việc này, chỉ đơn giản là những dòng chảy nguệch ngoạc trong chữ viết có khả năng khiến mình trút bỏ được nhiều điều hơn, thay cho việc không tìm ra một ai đó để tâm sự hoặc kìm hãm những vấn đề không tên của bản thân.
Cứ viết thôi, không vì gì cả. Thỏa mãn những yếu tố dramatic hay thậm chí là romantic, từ một câu chuyện đã qua, hoặc cả những thứ chưa bao giờ xảy ra. Khi tôi học được cách để chấp nhận những vấn đề nội tại, tôi đồng thời cảm nhận được một sự bắt đầu nào đó tích cực hơn đang nhen nhóm bên trong. Dĩ nhiên, tâm lý tiêu cực của hiện tượng "ám ảnh bởi thành công" hay "sợ thất bại" vẫn đeo bám và bao trùm mọi suy nghĩ của tôi trong thời điểm đó, nhưng cùng với việc đọc lại chính bản thân mình qua những gì tôi viết ra, tôi cảm thấy mình như đang dần vẽ được một tấm bản đồ, thay vì tiếp tục lạc lối.
5. Trì hoãn cơn thịnh nộ
Về cá nhân, tôi nghĩ mình cần nhiều hơn là 10 giây lằm bằm như lời của Dale Carnegie đã nói trong cuốn Đắc nhân tâm. Bạn làm gì khi nhận được cuộc gọi mang đến một tin tiêu cực? Ai đó sắp sửa tống cổ bạn ra khỏi nhà? Người yêu bạn muốn kết thúc câu chuyện của cả hai? Tất cả những sự việc này sẽ đến với một người bình thường như thể là một ngày không vui, nhưng với những sự kìm nén bên trong con người đầy bão táp, thì nó kinh khủng hơn thế.
Tôi đã không thường xuyên giải phóng những năng lượng tiêu cực của mình suốt thời gian phải giãn cách xã hội một mình. Tôi luôn loay hoay với hàng tá những câu hỏi không có lời giải đáp và chìm sâu vào những vấn đề của bản thân. Từ đó, việc bộc phát những cơn thịnh nộ khi nhận một tin xấu là điều mà tôi đã không chuẩn bị từ trước. Và thôi nào, khi chúng ta đã biết rõ vấn đề của bản thân mình ở góc nhìn thứ ba, hãy cho nó một cơ hội tỏa sáng. Chúng ta cần nhiều hơn là mười giây - tất nhiên rồi, tôi đoán nó sẽ lâu bằng một bài nhạc mà tôi ưa thích. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận lời khuyên rằng bạn nên cởi mở hơn, nên thư giãn hơn hay tích cực hơn trong tình huống này là vô bổ cho những người như tôi.
Thay vào đó, hãy tập trung vào những thứ còn lại xung quanh mình, bằng một thái độ chân thành nhất. Tín hiệu đầu tiên mà tôi đáp trả lại với những tiêu cực chính là thứ quyết định tôi sẽ giữ lại được gì sau cơn thịnh nộ. Nếu thời gian một bài nhạc là đủ lâu để vận dụng đầu óc cho một câu punch-line hay ho nào đó, hãy tin vào nó, và nói ra một cách chân thành. Tôi không chắc có thể cứu vãn được nhiều hơn bằng cách làm này, nhưng tối thiểu nó sẽ không đẩy tôi sâu thêm vào những trăn trở khác của bản thân, những cảm giác đại loại như ăn năn, dằn vặt, tù túng đến khó thở. Và tôi dám chắc, nếu bạn không trì hoãn được cơn thịnh nộ ngay cả khi công lý đang đứng về phía mình, bạn vẫn sẽ tự trở thành một trò đùa cay nghiệt của quá khứ, bạn sẽ không thôi trách bản thân mình vì sự bồng bột trong ăn năn kia đâu. Trì hoãn cơn thịnh nộ theo cách này có thể giúp chúng ta tránh khỏi vũng lầy tiếp theo của những hệ lụy về chấn thương tâm lý khác.
Hãy hít đủ sâu. Sau đó, hãy thở đủ sâu. Nếu chưa đủ sâu, cứ làm lại cho đến khi bạn thật sẵn sàng.
6. Thiết lập lại mục tiêu
Không có quá nhiều người vượt qua được nỗi ám ảnh của sự vô dụng và những cú sẩy chân trước ngưỡng cửa thiên đường. Alan Smith, một cựu thần đồng bóng đá của Leeds United, đã không thể gượng dậy sau cú chấn thương rúng động vào năm 2005, khi mà thành công vừa chớm đến với anh này không lâu. Đội ngũ y tế và điều trị tâm lý của Manchester United khi đó đã làm rất nhiều cách, nhưng không thể nào vực dậy trở lại con quỷ bên trong nhân tài xui xẻo này.
Việc chệch khỏi đường ray khi gần đến bến, vấp ngã trước dây văng chỉ vài bước chạy thật sự là nỗi kinh hoàng. Vài người trong số chúng ta dành rất nhiều hoài bão, khát vọng và có hẳn một kế hoạch thật sự chi tiết để vươn đến khát vọng đó, nhưng không mấy ai trong số họ "dám thất bại". Thậm chí là một thất bại huy hoàng được đề cập trong bài viết "vẻ đẹp của người chạy Marathon cuối cùng về đích" (Đặng Hoàng Giang). Ở đó, không có quá nhiều người đủ khỏe mạnh để ôm một tâm hồn giẻ rách mà tiến về vạch đích. Chúng ta cũng không thể tự kêu gọi bản thân mình đặt ra những mục tiêu vừa sức hơn. Giấc mơ tuổi trẻ chết đi, bạn sẽ gần như lạc loài với mọi kế hoạch còn dang dở trên bàn giấy.
Thế thì, tôi chọn cách bắt đầu lại từ những thứ nhỏ nhặt nhất, để tận hưởng sự thành công từ những điều nhỏ nhặt đó. Tôi thử chăm một chậu hồng và đợi ngày nó ra hoa, tập một đoạn nhạc khó, hay viết một lá thư cho bất cứ ai. Có những cảm giác rất tuyệt vời qua một lời cảm ơn của chính bạn đến một người nào đó xứng đáng được nghe, một lời xin lỗi muộn màng nào đó mà bạn không thể nói khi mối quan hệ đó đã tan vỡ. Tất cả những điều này đều chỉ là những mục tiêu nhỏ bé, nhưng vẫn đem lại cho chính chúng ta niềm tin lớn lao khi thực hiện được.
Và nếu bạn không cảm thấy mình được sinh ra để làm điều gì vĩ đại, hãy cân nhắc làm những thứ thật dễ thương. Miễn là bạn tin rằng mình có thể làm được nó.
Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều phương án tự chữa lành khác được đề cập đến một cách đầy học thuật trên các diễn đàn về điều trị tâm lý, dựa theo bốn nhóm hoạt động chính bao gồm :
Vận động : tập thể dục, thiền...
Không tự cô lập : Kết bạn, nối lại quan hệ cũ, tham gia thiện nguyện và các cộng đồng...
Tự cân đối hệ thống thần kinh
Giữ gìn sức khỏe
Các dạng lời khuyên thiên về học thuật phía trên không dành cho những con người đang bị chấn thương tâm lý, và việc cưỡng cầu họ làm theo các phương án tự chữa lành này một cách rập khuôn chỉ có khả năng làm cho tình hình của họ trở nên tồi tệ hơn. Điều này không đồng nghĩa với việc phủ nhận những cách làm trên, nhưng về khía cạnh của một người đã trải qua đủ các trạng thái về dấu hiệu nhận biết, tôi cho rằng nó cần được thực hiện sau khi bản thân người gặp vấn đề đã sẵn sàng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất