Những cuốn sách đầu tiên tôi đọc
Khi còn nhỏ, tôi sống ở một vùng thôn quê, một thị trấn nhỏ không có đến hơn 3 cửa hiệu sách. Gọi là cửa hiệu sách, nhưng ở đó chỉ có sách giáo khoa, sách bổ trợ, chẳng có cái gì để bọn trẻ chúng tôi giải trí được ngoài mấy bộ phim chiếu trên chiếc tivi cũ. Thời ấy tôi còn chẳng biết conan, itou là cái gì, có ăn được không? Nhưng tôi có phần may mắn hơn bạn cùng lứa, tôi không nhớ rõ đó là khi nào, nhưng lần ấy là lần đầu tôi biết tới manga. Một người em họ từ Sài Gòn xuống và cho tôi hai chồng truyện Conan. Từ ấy tôi bắt đầu say mê loại truyện này, mỗi dịp ba tôi đi công tác, tôi đều dặn ba mua truyện tranh về, và như một thói quen đều đặn, mỗi lần có dịp lên thành phố, ba hay chị tôi đều mang về những cuốn truyện tranh đầy thú vị.
Nhưng đó không phải là sách. Tôi lại phải một lần nữa cảm thấy mình quá đỗi may mắn, cảm ơn ba mẹ tôi rất nhiều, tôi được tiếp cận “sách chữ” từ khi rất sớm. Tuy mất một thời gian lâu tôi mới bị sách thu hút, nhưng những cuốn sách này có một ý nghĩa vô cùng to lớn với tôi, nó là nền tảng cho những câu chữ, những suy nghĩ sau này của tôi. Những cuốn sách ấy là: Lang thang trong rừng, Từ trong cổ tích, Nét bút tri ân. Những cuốn sách này có vẻ hết 90% là lạ lẫm với nhiều người. Mấy hôm trước dọn lại tủ sách thì tôi chợt nhớ ra, nó giống như một cuốn phim trắng đen vừa được bật lên ấy. 
Lang thang trong rừng là một tập nhỏ trong Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, một cuốn sách mỏng dính chưa đến hai trăm trang. Lần đầu tiên tôi đọc nó, tôi vứt sang một xó vì tôi không thể nào tập trung mà xem hết cái đống chữ ấy cho nổi. Nhưng rồi một đêm đẹp trời, tôi nổi hứng mang ra đọc, và ơn trời cũng may hôm đó tôi nổi hứng, nếu không tôi đã bỏ lỡ một tác phẩm tuyệt vời. Tuy chỉ là một đoạn ngắn, kể về lần lạc vào rừng của nhóm bạn, nhưng theo những gì tôi còn nhớ, tôi đã ngấu nghiến từng con chữ, tò mò không biết cái quái gì sẽ xảy đến. Tôi hoàn toàn nghĩ đó là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Mà buồn cười thay, mãi đến mấy năm sau, một lần tôi vô tình xem một bộ phim chiếu trên tivi, tôi đã rất bất ngờ vì có những phân cảnh bám sát theo cốt truyện mà tôi đã đọc và nhớ như in. Mãi đến khi ấy tôi mới biết đó là tác phẩm Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã cày đi cày lại bộ phim suốt mùa hè ấy.

Từ trong cổ tích có vẻ không phải là truyện, mà là một câu chuyện cực kì cảm động, giàu nghị lực của Nguyễn Sơn Lâm, tuy vậy lần đầu tôi đọc nó, tôi còn nghĩ nhân vật này không có thật, mãi sau này tôi mới biết và thốt lên :”Ôi thế là có thật á?”. Tôi không phải kiểu người thích đọc mấy mẩu chuyện nghị lực vươn lên cuộc sống, tôi xem chúng trong sách giáo khoa, nhưng cuốn sách này thu hút tôi kì lạ. Cuốn sách viết bởi Trần Khải Thanh Thuỷ, của nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 2003. Bây giờ tìm kiếm trên Google sẽ chẳng có mấy kết quả, đây là một cuốn sách được Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường THCS miền núi - vùng sâu - vùng xa, tôi cũng không rõ tại sao trong nhà mình lại có cuốn sách ấy, cũng khá là may mắn. Cuốn sách kể từng ngày tháng gian nan, cực khổ của Sơn Lâm, một cậu bé bị chất độc màu da cam, hai chân không thể di chuyển, phát triển được. Bố là bộ đội nhưng lại mất 81% sức khoẻ sau trận chiến ác liệt. Nhà đông người, Lâm có hai người anh trai, một người em, trong đó một người anh cũng mắc di chứng của chất độc màu da cam, khiến anh không khác gì một em bé. Và một người mẹ vĩ đại đã gánh vác cả gia đình, dù phải chịu nhiều tủi hờn, đau đớn về cả thể xác và tinh thần. Bố Lâm do quá buồn khổ về những đứa con không lành lặn mà ông luôn uống rượu say xỉn rồi về đánh đập mẹ con Lâm. Và trải qua một quá trình dài dăng dẵng đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu. Lâm đã làm nên kì tích, đỗ cùng lúc 2 trường Đại học. Sau này khi tìm hiểu tôi biết anh giờ đã là một nhà diễn thuyết có tiếng. Cuốn sách cho tôi rất nhiều cảm xúc, và phải nói có lẽ đây là cuốn sách kể về một nhân vật nghị lực duy nhất mà tôi yêu thích đến vậy. Và tôi đã yêu mẹ mình đến thế nào sau khi đọc xong cuốn sách ấy.

Cuốn sách cuối cùng là Nét bút tri ân. Một cuốn sách tập hợp những bài viết trên diễn đàn cuộc thi cùng tên do báo Tuổi trẻ tổ chức, cũng khá là tình cờ, ba tôi đi rút tiền và được ngân hàng tặng, tôi thì cũng tò mò đọc thử và thấy mình đã có lựa chọn đúng đắn. Những mẩu chuyện ngắn về những con người tốt đẹp, bố mẹ, anh chị, thầy cô, một người lương y, một người đồng nghiệp, hay thậm chí chỉ là một bà lão bán rau ngoài chợ. Tôi đã khóc khi đọc những mẩu chuyện ấy. Và tôi đã từng tốn công tìm mua những tập còn lại nhưng không nơi nào có. Sau này lên diễn đàn mới biết nó đã dừng hoạt động từ lâu. Đây là cuốn sách góp phần cho tôi thêm kĩ năng viết văn, và từ khi nào đó, tôi đã biết viết văn bằng cảm xúc thay vì cái dàn bài cứng nhắc mà tôi được dạy trong trường. Tôi không hiểu sao đọc nó tôi có cảm giác như mình đang trải qua chuyện đó.

Sau này tôi cũng có đọc Harry Potter, không phải loại cuốn giấy đẹp dày cộp như bây giờ mà là cuốn mỏng dính có bốn năm nghìn một quyển, tôi xin của chị hàng xóm về đọc, cũng là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng tới tôi.
Có lẽ tôi nên xuất bản một cuốn sách có tựa đề là “Cảm ơn” và rồi bên trong chỉ toàn là lời cảm ơn. Không có những cuốn sách đó, có lẽ tôi đã là một người khác hẳn, nhạt nhẽo và vô cảm.
(Bây giờ thì mình thích đọc truyện voz, không phải vì lý do gì cao xa, mà nó cho mình trở lại khung cảnh gần 10 năm về trước, lúc mà con gái vẫn để mái xéo chụp hình chu mỏ ấy, cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại hồi ấy, ngày nào cũng lang thang trên mấy cái diễn đàn chém gió, rồi xin Yahoo của nhau nhắn tin suốt ngày, mình nhớ mình có gặp một anh hơn mình khá nhiều tuổi, Giáng sinh hay Tết là anh ý lại nhắn tin mấy cái icon ghép lại với nhau rồi chúc mình đủ thứ, vui lắm)
(À mình cũng thích nhạc của TayNguyenSound vì lý do tương tự :3)