Năm 2022 mình tự nhận là một năm mình đọc được tàm tạm sách, nhiều cuốn hay, nhiều cuốn khiến mình suy ngẫm và ít nhiều không còn trải qua cảm giác đọc giữa chừng và tự hỏi “có nên đọc tiếp không, có đang nuông chiều bản thân không.”
Vậy nên trong bài viết này, mình cũng muốn tổng hợp lại những cuốn sách khiến mình thấy cởi mở và rộng lớn hơn.
1. Tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao
Năm nay mình đã đọc khá nhiều (so với các năm trước) các tác phẩm văn học của Việt Nam. Khởi đầu là cuốn Chân trời cũ Hồ Zếnh, sau tiếp là Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Tuổi thơ dữ dội và Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Nhưng sau cả, mình nghĩ không có truyện ngắn nào chạm đến mình như truyện của Nam Cao.
Mình từng bảo với bạn rằng đọc Nam Cao giống như nhìn thẳng trực diện vào những thứ đắng cay, đau khổ của những con người bình thường, những thứ rất hèn mọn, rất nhỏ nhen, những thứ mà chắc đời này hay đời sau vẫn có thể thấy mình ngay trong đó.
Nam Cao viết về sự nhỏ nhen khi người ta nghèo, rằng những điều thiêng liêng như tình ái hay tình bạn khi đứng trước tiền bạc, dù là là món tiền nhỏ hay lớn, cũng có thể khiến thứ tình cảm tưởng như cao quý ấy sụp đổ. Nam Cao cũng viết về “mặc cảm” của những con người lương thiện sinh ra trong cảnh nghèo túng, không thể làm khác, dù rất muốn làm khác.
Nhưng nhìn chung, câu chuyện mà Nam Cao thường kể nhất, là về những thanh niên trẻ tuổi nhà nghèo, được gia đình dành hết tiền của cho ăn học với mong ước trở thành ông phán, ông quan đổi đời. Thường thường giấc mơ này chẳng bao giờ thành hiện thực, họ chỉ có thể chôn chân làm ông giáo nghèo, cố gắng kiếm thêm đôi đồng bằng nghề viết văn.
Đó cũng chính là cuộc đời của Nam Cao, vì vậy ông viết về chủ đề này với nhiều trải nghiệm chân thực nhất. Như “tôi ham viết lắm. Nhưng giả thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi” hay “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than.”
Đọc văn của Nam Cao, mình thấy rất ngưỡng mộ. Nam Cao giúp mình nhận ra rằng có lẽ không cần phải viết về những thứ to tát làm gì, khi đến cuối bản chất con người chỉ xoay vần với những mối lo cỏn con mà thôi.
2. Chuyện kể năm 2000 của Bùi Tấn
Năm qua, Bên phía nhà Z tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học Việt Nam thế kỷ 20 và nhờ đó mình biết đến Chuyện kể năm 2000. Trong quá trình đọc, mình phải dừng lại ở rất nhiều đoạn, không phải vì khó hiểu, mà vì nó cay đắng quá.
Chuyện kể năm 2000 là cuốn tự truyện của nhà văn Bùi Tấn khi bị tập trung cải tạo 5 năm. Bối cảnh câu chuyện là sau khi miền Bắc đã giành được độc lập và những cuộc đấu tố lên ngôi, sự nghi ngờ và sợ hãi bao trùm lên khắp xã hội lúc bấy giờ.
Bùi Tấn viết rất chi tiết về một ngày ở trại như thế nào, mỗi sáng phải gắng làm việc, gắng qua mắt giám thị để cầm một mớ rau ngọn cỏ ăn vội, để nướng với đá than mốc meo, những lúc không có nước tắm thì phải chắt chiu ra sao. Đêm xuống không thể ngủ được, đứng ở vách phòng nhìn trân trân, nghe thấy những tiếng thở dài nối nhau trong đêm tối.
Rồi những lúc vợ con đến thăm, những lúc bị giám thị gây khó dễ, và đau đớn nhất, là câu hỏi luôn đau đáu trong lòng Bùi Tấn “Rốt cuộc mình đã làm gì sai?” Tại sao mình lại ở đây?” Tại sao không ai giải thích cho mình?”
Kể cả khi ra tù, quá khứ vẫn không ngừng ám ảnh còn hiện tại thì từ chối ông. Các tác phẩm của Bùi Tấn đều bị thu hồi, ông không bao giờ làm báo được nữa, ông cũng không thể quay ngược thời gian để có thể ở cạnh các con mình, nhìn chúng lớn lên.
Thời gian bị đánh cắp, tương lai bị xóa sổ, đời Bùi Tấn, vì vậy, “chỉ còn lại quá khứ”. Sự thành thật trong cuốn Chuyện kể năm 2000 là điều xinh đẹp nhất, cũng là điều đáng buồn nhất.
3. Ếch của Mạc Ngôn
Ếch đi từ chính sách một con hà khắc đến cực đoan, những cuộc đấu tố trong cách mạng văn hóa và sau đấy là sự xa hoa lẫn đen tối trong đời sống xã hội tại Trung Quốc.
Ếch sử dụng một lối kể chuyện thường thường, điềm đạm, cứ như một cuốn hồi ký không ngừng tuôn trào. Giống như một đường thẳng nối liền các dấu chấm lại với nhau, cuốn sách này làm mình thấy rất đỗi bất lực. Đúng sai, phải trái, nên, không nên: Không thể nào đưa ra câu trả lời xác đáng.
Mạc Ngôn đã chia sẻ trong Ếch rằng “khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình.” Ếch, với bản thân mình, là một cuốn sách như vậy, cố gắng nhìn vào những nỗi đau khổ của kiếp người và không cố – cũng không thể – cho ra một lời giải thích xác đáng.
4. Hoa Bên Bờ – Xuân Yến – Đảo Tường Vy của An Ni Bảo Bối
Mình là đứa đọc nhanh và cũng nhanh quên. Như trong cách mình sống, mình cũng hay quên đi nhiều thứ và cố gắng không nghĩ đến nhiều thứ. Thế nên, khi đọc một mạch hết 3 tác phẩm của An Ni Bảo Bối là Xuân Yến, Đảo Tường Vy và Hoa Bên Bờ, giờ đây thứ mình nhớ là hỗn hợp đan cài của ba cuốn truyện này.
Thứ nổi bật nhất, và thu hút mình nhất ở An Ni Bảo Bối, là sự cô đơn. Mình yêu sự cô đơn trong sách của cô. Chẳng có thứ gì có cảm giác chạm đến mình như thế.
Cảm giác như sẽ chẳng bao giờ có được tình yêu. Vì tình yêu trong cô luôn lệch lạc. Cảm giác sẽ luôn luôn chỉ có một mình. Không phải vì cô không dám mở lòng, mà vì cô sẽ luôn yêu mà không được như ý. Là vì tình yêu khi ở gần sẽ chỉ khiến cô thêm đau khổ.
Cảm giác khi đọc An Ni Bảo Bối là cảm giác của một người không thể hòa hợp với cuộc đời, cố gắng né tránh cuộc đời nhưng đến cùng vẫn yêu mến cuộc đời, bằng thứ tình cảm chân thành nhất.
5. Nhật ký cá sấu của Khâu Diệu Tân
Khâu Diệu Tân tự ví mình như một con cá sấu (hay một con quái vật) mặc lốt người, vì cô chỉ thích phụ nữ. Nhưng mình thầm nghĩ rằng có lẽ nếu cô sinh ra ở thời đại khác, kể cả khi cô yêu đàn ông, cái lốt vỏ ấy cũng không thể biến mất. Có một thứ ở trong cô, thứ gần như vô phương cứu chữa, khiến cô luôn phải e sợ thế giới.
Mình thích cách Khâu Diệu Tân chống chọi và giằng xé trong cảm xúc, thích sự đa cảm đa sầu ở cô, thích cách cô nhìn mọi thứ bằng cách xoáy thật sâu vào thứ đấy, cố gắng cắt nghĩa, cố gắng tìm kiếm những ẩn dụ để miêu tả đời mình. Ở cô có sự vật lộn trầy trật để chỉ nhận ra những điều cô vốn đã tự biết từ lâu.
Khao khát yêu và được yêu ở Khâu Diệu Tân, đi kèm với sự sợ hãi và e dè thế giới, cũng là điều mình muốn viết được thành lời. Giờ mình chưa làm được, nhưng có thể đọc được những dòng văn chân thật chạm đến trái tim ấy, cũng là một dấu mốc đáng nhớ để mình kết thúc năm 2022.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Dù hơi muộn nhưng mong 2023 sẽ là một năm đáng nhớ với bạn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất