Chắc chắn không dễ dàng để “chơi khăm” bất kỳ ai trong ngày Cá tháng Tư bởi lẽ mọi người đều hết sức cảnh giác đề phòng. Thế nhưng, cảnh giác bao nhiêu là đủ nếu kẻ đi lừa lại chính là những nguồn tin đáng tin cậy và nổi tiếng “nghiêm túc”?
Dưới đây là những trường hợp “độc nhất vô nhị” khi các hãng truyền thông trên thế giới “chơi khăm” hàng ngàn người theo dõi nhân ngày 1/4.
*Tổng hợp lại từ hai bài hôm qua mình viết cho Cafebiz và Kênh 14.

Hãng truyền hình Thụy Điển và hướng dẫn chuyển hóa tivi từ không màu thành... có màu

Ngày 1/4/1962, hãng truyền hình duy nhất ở Thụy Điển thời đó là SVT giới thiệu lên sóng một chuyên gia kỹ thuật - ông Kjell Stensson - để thông báo với khán giả một tin mừng. Cụ thể là, nhờ công nghệ mới, người xem nay có thể chuyển hóa chiếc tivi đen trắng của mình thành tivi màu.
Cách thực hiện được đưa ra cũng rất đơn giản: Tất cả những gì khán giả phải làm chỉ là trùm một chiếc... tất chân ni-lông lên màn hình tivi. Lớp tất này sẽ tự động khiến ánh sáng bị bẻ cong một cách đặc biệt, giúp người xem cảm thấy như đang xem màn hình màu.
Để thuyết phục người xem, vị chuyên gia thực hành ngay trên sóng truyền hình, khiến cho hàng ngàn người lập tức bị lừa. Nhiều người Thụy Điển tới nay vẫn nhớ như in hình ảnh các ông bố chạy khắp nhà cố gắng tìm tất chân để trùm lên màn hình tivi trong ngày đó.


Tờ báo lớn nhất Na Uy và cú lừa rượu giảm giá

Ngày 1/4/1950, hãng tin lớn nhất Na Uy Aftenposten thông báo trên trang nhất cho toàn dân rằng doanh nghiệp độc quyền rượu do Nhà nước sở hữu Vinmonopolet mới nhận một khối lượng lớn rượu chứa trong các thùng phuy, nhưng lại thiếu chai để đựng.
Để giải quyết lượng rượu thừa này, các cửa hàng sẽ tổ chức 1 ngày đặc biệt không những hoàn toàn miễn thuế mà còn giảm giá lên tới 75%! Người mua chỉ cần tự mang đồ để đựng rượu, có thể là xô, chậu hay bất cứ thứ gì tương tự là đủ.
Khi các cửa hàng rượu của Vinmopolet mở cửa lúc 10h sáng, rất nhiều người Na Uy vội vã tới xếp những hàng dài chờ đến lượt mình. Sau khi phát hiện ra tất cả chỉ là một trò đùa, rất nhiều người đã không giấu nổi sự thất vọng và quẳng xô chậu lăn lóc trên đường phố không thương tiếc...


Kênh truyền hình Úc và những cú lừa trong thập niên 70

Những người Úc vui vẻ dĩ nhiên cũng không bỏ qua ngày Cá tháng Tư để trêu chọc khán giả xem truyền hình.
Đầu những năm 70, Kênh This Day Tonight ở Úc đưa tin Nhà hát Opera Sydney đang… chìm xuống đáy đại dương. Kênh này thậm chí còn đưa ra những thước phim trong đó các thợ lặn đang kiểm tra kết cấu nhà hát còn các “chuyên gia” thì được phỏng vấn và đưa ra ý kiến như... thật.

Nhà hát Opera Sydney
Trong một ngày Cá tháng Tư khác, kênh này lại tiếp tục “chơi khăm” khán giả khi giới thiệu chiếc cần câu điện mang tên “Dial-O-Fish” được cho rằng có thể dùng để câu mọi loại cá. Lại một “chuyên gia câu cá” được mời đến biểu diễn và hướng dẫn sử dụng trực tiếp, thu hút được khá nhiều chú ý. Hàng trăm người đã “cắn câu” và lập tức gọi điện hỏi địa chỉ có thể mua chiếc cần câu không có thực này.


Kênh truyền hình quốc gia Nga và trò lừa về con suối giúp mọc tóc

Ngày 1/4/2001, đài truyền hình Nga thông báo mới tìm ra một con suối có khả năng giúp nam giới chữa bệnh hói đầu.
“Theo những thống kê mới nhất, tỉ lệ nam giới hói đầu đã giảm mạnh ở Adygea” - kênh này cho biết, đồng thời đưa ảnh về sự thay đổi của một người đàn ông “trước” và “sau” khi biết tới con suối này.
Trên thực tế, cú lừa này rất có thể đã lấy cảm hứng từ đài BBC trong một trò chơi khăm tương tự vào năm 1977.



"Thánh lầy" BBC và những cú chơi khăm lịch sử

Từ trước tới giờ, BBC luôn được biết tới như một trong những hãng thông tấn uy tín hàng đầu thế giới với những bản tin và phân tích chất lượng. Thế nhưng ít ai biết được rằng đây cũng là một trong những kênh truyền thông "lầy" nhất mỗi dịp ngày Cá tháng Tư. 
Thu hoạch Spaghetti ở Thụy Sĩ (1957)
Truyền thống "chơi khăm" người xem của BBC khởi phát từ những năm 60 của thế kỷ trước với vụ việc tới hiện tại vẫn được đánh giá là một trong những cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử. Cụ thể, ngày 1/4/1957, hãng thông tấn này đưa tin về "một vụ mùa bội thu spaghetti" của những người nông dân Thụy Sĩ.
BBC còn cho chiếu những thước phim trong đó người nông dân ở Thụy Sĩ "hái" từng sợi mì spaghetti từ... trên cây. Hàng loạt người xem mắc lừa và lập tức gọi điện cho BBC để hỏi các thức trồng loại cây đặc biệt này. Trước hàng loạt những câu hỏi được gửi tới, hãng thông tấn Anh chỉ thản nhiên hồi đáp: "Bạn hãy đặt một "chồi" cây spaghetti vào hộp nước sốt cà chua và chờ đợi điều kỳ diệu".

Tivi có khả năng truyền... mùi (1965)
Năm 1965, BBC phỏng vấn một giáo sư Đại học London, người được cho rằng đã hoàn thiện công nghệ có tên "smellovision" (viết ghép của "smell" - ngửi và "television" - tivi). Công nghệ này cho phép người xem có thể "ngửi" mùi hương được tạo ra ở trường quay khi xem chương trình qua tivi. Vị giáo sư sau đó biểu diễn kỹ thuật này bằng cách đặt một chút hạt cà phê & hành củ vào "chiếc máy smellovision" của mình, đồng thời yêu cầu người xem thông báo nếu họ thực sự ngửi thấy mùi các món đồ này khi xem trực tiếp.
Kết quả hài hước xảy ra ngay sau đó khi rất nhiều người gọi tới để khẳng định họ đã cảm nhận được mùi hương một cách rõ ràng. Một số khác còn đi xa hơn khi cho biết mùi hành đã khiến họ... chảy nước mắt.
Những quả lừa bất hủ nhân ngày Cá tháng tư của kênh BBC - Ảnh 2.
Năm 2007, BBC tiếp tục tái lập trò chơi khăm này trong một phiên bản mới hơn trên website tin tức của hãng. Cụ thể, người truy cập được yêu cầu thử "công nghệ ngửi màn hình" bằng cách nhấp chuột vào các ô màu khác nhau, đồng thời dí mũi vào màn hình để ngửi xem mỗi ô màu ứng với mùi gì.

Xung đột trong trường quay (1989)
Khi người dẫn chương trình Desmond Lynam còn đang mải mê nói về các sự kiện sẽ được đề cập trong show truyền hình Grandstand của đài BBC Sports, các kỹ thuật viên hậu đài đột nhiên xô xát và lao vào tấn công nhau... ngay sau lưng ông.
Kết quả là khán giả được xem một màn tường thuật hết sức thú vị: Lynam thì vẫn bình thản dẫn chương trình, thậm chí còn khẳng định "Đội ngũ chuyên nghiệp của chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin thể thao theo cách khán giả muốn tiếp nhận"; còn phía sau ông, "đội ngũ chuyên nghiệp" đó đang lao vào "tẩn" nhau trước hàng triệu khán giả xem truyền hình.
Tuy nhiên, ngay sau đó màn kịch đã kết thúc khi tất cả các kỹ thuật viên cùng đứng lại với nhau và cầm trên tay biển hiệu: "Chúc mừng ngày cá tháng tư".

Cấm khoai tây chiên ở các trường học (2003)
Lần này, BBC lựa chọn đối tượng "chơi khăm" là các thanh thiếu niên và đưa tin chính quyền các nước thuộc Liên hiệp Anh cấm toàn bộ khoai tây chiên khỏi căng-tin các trường học.
"Nhà chức trách cho rằng thứ đồ ăn yêu thích này của lũ trẻ không tốt cho sức khỏe và quyết định sẽ nghiêm cấm toàn bộ - thay vào đó, trẻ con sẽ phải ăn khoai tây nghiền để bù lại! Theo chuyên gia thực phẩm chính phủ - ông Steve P.U. Denton - trẻ em đang dành quá nhiều thời gian chơi games, vậy nên người lớn phải nghĩ ra cách để giữ cho chúng khỏi bị béo phì. Và cấm khoai tây chiên khỏi trường học là một hình thức dù có thể sẽ vấp phải nhiều tranh cãi nhưng rất cần thiết"


Đặt tên lại cho các hành tinh (2004)
Một lần nữa, BBC lại nghĩ ra cách "độc nhất vô nhị" để trêu chọc các khán giả nhí của mình khi thông báo rằng các nhà thiên văn học đã quyết định đổi tên các hành tinh trong Hệ mặt trời theo... tên các nhân vật trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn.
Cụ thể, Trái đất sẽ đổi tên thành Gandalf, Sao Hỏa thành Frodo, Sao Diêm Vương thành Sauron còn Mặt Trăng thì thật xấu số khi phải trở thành... quỷ lùn Gollum.

Mặt trăng có lẽ không thích điều này
Đổi mặt hiển thị tháp đồng hồ Big Ben (1980)
Không phải lúc nào những trò đùa của BBC cũng đem lại sự vui vẻ cho người xem. Ngày 1/4/1980, hãng truyền thông này lại "chơi khăm" khán giả khi thông báo tháp đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang hiển thị thời gian bằng màn hình điện tử. Lần này, phản ứng dữ dội của người dân đã khiến hãng thông tấn này phải mất nhiều ngày sau đó tiếp nhận hàng loạt cuộc điện thoại đầy giận dữ. (Đừng đùa với niềm tự hào của người Anh!)
Ảnh hơi liên quan, đừng hỏi mình đây là cái gì nhé



Tóm lại là, chúc mọi người một ngày Cá tháng Tư vui vẻ :3 Anh em FA cố gắng bình tĩnh, đừng đớp nhiều thính quá không mai lại sặc...