Mình có cơ hội được mắt thấy tai nghe và gặp những người bạn dân tộc ở những miền đặc biệt khó khăn này, do trường cấp 3 hồi trước của mình có nhận sinh viên vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số, cũng như những lần được đi tình nguyện ở những nơi còn khó khăn. Cái bụng của người dân tộc trong như nước suối. Bạn biết đấy, cái khó cái khổ của họ thì được nói rất nhiều trên báo đài cũng như internet rồi, bài này mình muốn nói về cách mà nhiều người nhìn nhận về người nghèo, và sự lãnh cảm mình nhìn thấy.
Ảnh một bạn học sinh trường mình
Những người mà, dù bạn có lấy đi đôi cân của họ thì họ vẫn rắn rỏi timg cách để tiến lên phía trước.
Cảm giác của bạn khi nhìn thấy những bức ảnh này là gì? Đã bao giờ bạn nghĩ những bức ảnh này chỉ là làm màu? 
Hẳn người chụp phải có mục đích gì đó, người up những bức ảnh này lên có lẽ cũng vậy...
Bạn đã bao giờ nghĩ thế chưa? Mình không biết các bạn nghĩ gì về những bức ảnh như thế này, trên mạng xã hội bây giờ hay xuất hiện do học sinh, sinh viên đang trong thời gian học online và có nhiều bạn điều kiện học tập thì không được tốt. Mình thấy nhiều bình luận theo hướng tiêu cực bên cạnh những bình luận tích cực.
Vì những bức ảnh này xuất hiện rất nhiều, được nói đến cũng rất nhiều nên hệ quả ngược là nhiều người cũng dần bình thường hóa chúng. Nhiều người vì thấy chúng quá nhiều thành ra... thấy ghét, nghĩ là làm màu. Rồi bình luận tiêu cực kiểu như "ôi dồi nghèo mà vẫn có điện thoại xịn dùng", "Diễn tốt lắm, cut"... Thành ra mục đích của người đăng đơn giản chỉ là cho mọi người thấy những tấm gương sáng thôi, nhưng lại bị nhìn theo cái nhìn ngược lại. 
Càng ngày con người ta càng vô cảm, họ chỉ nghĩ về bản thân họ và cảm nhận của họ.
Không phải tất cả, nhưng nhiều anh hùng bàn phím như thế. Họ thấy bình luận kiểu như "trưa nay đang ăn cơm bố mẹ mà thấy tin là kiểu gì cũng bị chửi"... Họ thậm chí chả thèm quan tâm đến những bức ảnh đó mà quan tâm mình nói thế nào cho hài hước nhất. Rất khó để thay đổi cái thói vô cảm đó do những yếu tố ngoại vi ảnh hưởng tới họ từ rất lâu (internet, lối sống cũng thay đổi), cũng giống như thay đổi tâm lý của một ai đó vậy. Nhưng nếu không thay đổi, thì sẽ dẫn đến hậu quả gì? Như việc những chiếc khẩu trang bán ra với mục đích giúp mình cũng như giúp người thôi, mà nhiều người vẫn tăng giá lên gấp nhiều lần... Chẳng phải do lối sống vô cảm sao?
Chả ai muốn nghèo cả, họ cũng chẳng lười, là những yếu tố hoàn cảnh tác động đến họ, và ở đó sẽ có "những người mà rũ bùn đứng dậy sáng lòa"
Có chăng là nhiều người nói những người nghèo "lười trong suy nghĩ", không phải, họ rất chăm chỉ, chỉ là họ không có cơ hội để suy nghĩ thôi. Vậy nên nhiều phụ huynh cố gắng cho con mình đi học, để biết cái chữ, để thoát nghèo. Mình từng được nghe các bạn kể các bạn còn chưa được ăn thịt trâu, thịt bò bao giờ vì nhà không có điều kiện mua, lần bọn mình tổ chức sinh nhật cho cũng là lần đầu được ăn bánh sinh nhật. Mỗi tháng bọn mình được cấp 300k tiền ăn sáng thì các bạn gửi lại cho gia đình chứ không tiêu vì bữa trưa và tối ở trường không mất phí.
Và chính những người bạn đó với niềm tin và hy vọng tương lai to lớn, rất nhiều người đã đạt những thành tích mà nhiều người nói "bọn dân tộc sao mà làm được", đó là những lần đi thi Học sinh giỏi Quốc Gia được giải cao, những lần tham dự trại hè được đủ loại huy chương...  Điều này có thể không chứng tỏ họ giỏi hay thông minh... Nhưng tất cả chắc chắn đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được mơ ước. 
Vậy mà nhiều người lại dựa vào sự ngây thơ, cái bụng trong như nước suối của họ để mà lừa đảo, như những lần buôn bán người trái phép, mỗi lần đọc được thấy thương tâm ghê gớm. Tất cả chả phải do sự lãnh cảm của con người sao?
Chúng ta phải chấp nhận là có bất bình đẳng, nhưng không phải để kệ mọi thứ tự vận hành
Mình luôn muốn làm những điều bản thân mình thích, nhưng nó phải đúng chuẩn mực và không ảnh hướng đến người khác (danh dự, nhân phẩm của họ hay đơn giản là làm người khác buồn thôi). Bạn luôn đặt lợi ích bản thân mình lên trên người khác, nhưng ngàn vạn lần hãy suy nghĩ xem có ảnh hưởng xấu đến ai (hay nhiều người) không, vì có thể  đôi khi bản thân chúng ta có nhiều lựa chọn nhưng người khác thì không.
"Sống vô tư cho đời ta vô thường" nhưng mà "vô tư" theo đúng nghĩa nhé, đừng vô tư theo kiểu việc mình mình lo, việc họ mình kệ để dần rồi thành lãnh cảm.