Những con đường mang tên "lối mòn"
Có nhà văn từng nói rằng những con đường không tự nhiên mà có, người đi lại lâu ngày ắt thành đường thôi. Đúng là chẳng tự dưng ai...
Có nhà văn từng nói rằng những con đường không tự nhiên mà có, người đi lại lâu ngày ắt thành đường thôi. Đúng là chẳng tự dưng ai lại mở lối, "kẻ chỉ" đến những nơi mà họ không muốn tới cả. Có thể bây giờ khác xưa nhiều rồi, đường xá là nhà nước mà ra. Nhưng dù có là kẻ mù đường đến đâu thì đường về nhà vẫn luôn là điều ăn sâu vào tiềm thức mỗi người - đặc biệt là những người con xa xứ. Đó là "lỗi mòn" trong mỗi chúng ta.
Không phải tự dưng mà người Việt ta lại cứ hay gọi là đường mòn, lối mòn như thế. Con đường từ những thuở sơ khai hình thành một cách tự nhiên như chính đời sống thường ngày. Ta phạt cây, mở lối để đi nương làm rẫy; và cũng chính con đường ấy dẫn lối ta về nhà sau mỗi ngày lao động. Hay lối ta đi qua nhà nàng, nhiều đến nỗi cỏ cây cũng phải dạt sang hai bên để dẫn đường cho tình cảm đôi lứa. Và cũng như vậy, con đường cùng chúng em tung tăng băng qua đồi băng qua suối đi tìm con chữ rồi lại dẫn chúng em về với bố mẹ, về với mái nhà tranh cùng bữa cơm ngọt lành. Con đường khi xưa đi vào trong mỗi người như bữa cơm gia đình như tình yêu đôi lứa một cách dung dị như vậy đó.
Còn bây giờ khi khoa học, công nghệ ngày càng phát triển với những chất liệu mới, máy móc mới. Đường mòn đã bị thay thế hoàn toàn bởi đường nhựa, đường sắt, đường hàng không,... và muôn vàn loại đường khác. Con người đã có thể xẻ núi, phạt rừng để xây những con đường tít tắp và thênh thang. Bên châu Âu, có con đường vượt qua eo biển dài nối liền 2 bờ đất nước – Anh với Pháp và có những chuyến tàu hỏa xuyên qua những quả núi của dãy Alps hùng vĩ. Hay chính tại Việt Nam, hàng ngàn kilomet cao tốc đang nối liền những vùng đất tưởng chừng xa xôi như Hà Nội – Lào Cai lại với nhau, kéo gần hơn “khoảng cách” của người với người. Tất cả đều minh chứng cho một điều: không gì là không thể. Những con đường giờ đã có thể đưa ta đến mọi ngóc ngách của thế giới, không bằng đường này có thể bằng đường kia. Nhưng "đường mòn" và "lối mòn" vẫn luôn tồn tại. Đó chính là trong tâm thức mỗi người. Đấy là đường về nhà. Sao mình lại nói như vậy? Giờ hãy thử đặt câu hỏi rằng bạn đã từng nghĩ: về nhà kiểu gì khi mình vừa lên học đại học chưa. Chắc chắn là rồi. Nếu không, trừ khi bạn học gần nhà luôn. Nói vậy để mọi người hình dung ra rằng về nhà là một nhu cầu và mong muốn tất yếu. Như tôi, ngay từ khi lên đại học, tôi đã hỏi rất nhiều người cách để bắt xe về nhà như thế nào, đi tàu hay đi xe khách ra sao, bắt xe thì bắt ở đâu và giá vé thì bao nhiêu.... Rất nhiều điều chúng ta phải nhớ để về được nhưng chừng ấy không là gì so với việc ta có thể trở về. Và ngày qua ngày, việc bắt xe hay con đường xe khách đi cũng trở nên quen thuộc như vô thức. Đó chính là "lối mòn" trong tiềm thức của các bạn.
Nhưng lối không đi lâu ngày cỏ dại mọc, người không gặp lâu ngày hóa người dưng. Khoảng cách và tuổi tác, cũng như lo toan đang dần khiến đường về nhà bớt "mòn" trong mỗi người. Vì học, vì thi nên ít về hơn. Vì bận đi làm nên ít về hơn. Vì hẹn bạn bè nên ít về hơn.... Vô vàn lý do để ta bớt đi những lần "hồi hương". Nhưng nghĩ lại thì tất cả đều là cách chúng ta chống chế và đổ thừa cho sự vô tâm của mình. Như tôi trước đây, có những khi chiều thứ 7 thi xong mới được về và chiều chủ nhật đã phải lên nhưng tôi vẫn quyết, dù chỉ để ăn bữa cơm và ngủ một giấc ở nhà. Nhưng giờ cũng "đỡ" rồi, nào là lười, nào là thi, đi lại mệt nên bớt về nhà hơn. Tự mình cảm thấy nó không cần thiết. Đấy là do "lối mòn" về nhà "cỏ " đang lên dần rồi. Đấy là do lòng mình đang bị hao mòn bớt bởi thời gian và khoảng cách. Vũ Cát Tường còn từng hát "Khoảng cách giết đôi ta trong phút giây". Thứ mà níu con người với những "lối mòn" là tình cảm, là trách nhiệm. Và khi những điều ấy giảm xuống thì con đường kia cũng mờ dần, lối cũ về nhà cũng xa hơn.
Nhưng dù mờ hay xa, lâu ngày cỏ mọc có dày thế nào thì trong sâu thẳm mỗi người "lối cũ" đã hằn vào từng nếp sống. Ta chỉ cảm nhận rõ "vết hằn" đấy khi có những biến đổi xảy ra, cũng như cơ thể con người phản ứng lại với thay đổi thời tiết. Biến động đó có thể từ ngoài tác động vào hoặc từ trong phát ra. Những thứ biến động từ bên ngoài ta có thể hoặc không mong nó đến vì ta chẳng thể đoán biết kết quả như thế nào. Nhưng từ bên trong, ta có thể thay đổi bản thân mình. Suy nghĩ về nơi ta muốn về và dồn tình cảm cho nó, chính là cách mà ta từ từ thay đổi. Đơn giản từ việc hỏi han, dành ra một vài phút thôi để gọi một cuộc về nhà hay nhắn cái tin cho bố mẹ. Và đừng ngại để họ biết, mình đang nhớ họ thế nào. Biết là đang mệt mỏi đấy nhưng nhà vẫn hơn, bố mẹ sẽ hiểu cho bạn thôi mà. Đường về nhà cũng là chân ta đi, khi có thể hãy về bên gia đình.
"Lối mòn" hay "lối cũ" chỉ là cách tôi gọi. Tuy mòn tuy cũ nhưng nó lại đong đầy. Cảm giác trên con đường được trở về nó xao xuyến lắm. Người con xa nhà mà trở về quê hương thì cũng bồi hồi lắm. Đến đây, ta chỉ muốn nói một điều cuối để kết lại cho những dòng dông dài của mình: Tôi nhớ nhà! Còn bạn?
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất