Mỗi năm, chúng ta xay bột hàng tỉ con gà. Thường là gà trống con, chỉ vì chúng không thẻ để trứng cũng không thể tăng trọng nhanh, nên những cục bông này bị một cái thanh gạt đẩy xuống băng truyền, rơi vào bao tải, hoặc bị chôn sống hoặc bị băm thành cám, hoặc ở vài nơi nhân văn hơn thì thành thức ăn cho chó mèo. Bọn gà mái, tưởng được sống, nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Bọn gà này, có tên là Gallus gallus, mỗi năm trong tự nhiên chỉ đẻ 20 trứng. Giờ đây, chúng phải đẻ 300 trứng, sống chỉ vài tháng đến hơn năm, hỏng hóc đủ thứ, và lúc chết thì có mùi của cá và đất mục.
Tuy nhiên, khi các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phản đối thì giới thẩm quyền khó xử. Đã thử cấm rồi đấy, nhưng trứng gà tăng giá, dân chê đắt không mua, rồi đống gà kia thì ai nuôi, rồi bao thứ kéo theo. Cuối cùng đã nghĩ ra một cách, rất…linh động, tức là cấm thì cấm nhưng có vi phạm thì cũng nhắc nhở thôi, không sao. Đúng là một nước cờ cao tay, dân biểu tình cứ biểu tình, dân mua trứng giá rẻ cứ mua, dân xay gà cứ xay gà, ai cũng có việc để làm cả. Giới thẩm quyền lập luận rằng: việc giết gà trống là một phần của quá trình sản xuất trứng, thịt cho xã hội, là nhu cầu thiết yếu, vì thế, cần được duy trì ở mức hợp lý để bảo đảm sự ổn định trong xã hội. Tất cả vì nhân dân, các bạn phải thông cảm với chúng tôi chứ, họ bảo vậy. Còn “mức hợp lý” là thế nào thì họ không nói, để dân tự biết với nhau. Linh hoạt có số có má thế này, Việt Nam cũng phải kính cẩn chắp tay.
Chuyện này xảy ra ở Châu Âu đáng kính, là mẫu nghi của văn minh. Dân châu Á, nhiều người sống còn khổ hơn mức tiện nghi của một con chó bên châu Âu, nghĩ chuyện thật nực cười. Cười xong rồi lại nghĩ: Ồ, hóa ra luật pháp cũng vì lợi ích của nền kinh tế, thế hóa ra luật pháp cũng là thứ để sử dụng mà thôi. Khi không đủ ăn, chẳng ai nghĩ đến động vật. Đủ ăn rồi thì mới nghĩ ra lắm trò, rồi mới đi giao giảng cho thiên hạ. Việc này không có gì lạ, vì vốn con người là loài đạo đức giả. Đạo đức giả cũng được, nhưng có vẻ hơi khó khăn khi đạo đức giả với nhau. Tuyên truyền văn minh nhưng không chịu từ bỏ bàn ăn phè phỡn. Tăng giá trứng lên thì ế, mà tăng nữa, ép mua thì lại ăn kiện. Dân chúng, về cơ bản, phân hóa và mông muội, tầm nhìn không quá sáng mai. Dân Âu đã chửi nhau như cờ là thế, chưa kể Âu với Á, rồi với cả phần còn lại thế giới.
Con gà là thế, con bò thì sao? Cũng chẳng khá hơn. Sữa bò có như nước Hoàng Hà mà chảy ra vô tậu đâu. Con bò mẹ có sữa cần bê con bên cạnh, và thường phải 3 đến 5 năm khi bê con lớn thì bò mẹ mới đẻ lứa mới. Nhưng như thế thì làm gì có phô mai Parmesan hay Mozzarella để con người tự khen với nhau? Nếu cụ tổ giống bò rừng Bos primigenius mà sống lại, thấy con cháu của mình bị vắt đến hơn 10000 cân sữa một năm, chắc cụ bò này cắm đầu xuống vực mà chết. Thế con bò cười của Vinamilk là bịa à? Đúng rồi, thế nên dân tình ở mấy nước văn minh nọ mới phản đối ầm ầm, vài người còn cởi hết đồ đóng giả con bò đi đi lại lại trên phố cho diễn cảm. May mà ở Việt Nam dân vẫn thiếu sữa nên chưa ai cố gắng trả lời câu hỏi: bọn bê con đi đâu rồi?

Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh con bò cười, chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên về cách con người có thể dắt mũi nhau. Tuy nhiên nếu Vinamilk mà hạ giá sữa (và các thành phẩm từ sữa) xuống thì đa số chúng ta sẽ vỗ tay rào rào và hết ngạc nhiên ngay. Xét cho cùng, con bò và con người, chỉ một con được cười thôi.