Thật ra câu nói là: "Những chuyện ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành sử sách". Là câu nói mà các nhân vật lịch sử có lẽ thường nói với nhau. 
Nhân chuyện SHV đang nóng chất thời sự nên tôi muốn nói một chút về sử.
Lịch sử, không phải chỉ gồm những con người, con số, sự kiện, ngày tháng, trận đánh khô khan. Lịch sử là quá trình vận động và phát triển của xã hội, của thời cuộc, của quá trình kháng chiến chống xâm lược hay chiến tranh vệ quốc vĩ đại... lịch sử cũng là nơi để người ta xem lại quá trình hình thành và phát triển, những khó khăn đã trải qua ở các lĩnh vực, như lịch sử phát triển của Toán học, quá trình tiến hóa của Vật lý, vân…vân. 
Học lịch sử không chỉ để thỏa mãn sự tò mò về Nguồn Gốc mà còn học được nhiều bài học bổ ích về cách nhìn người, xử việc, đánh giá và bình luận, quá trình phát triển, các yếu tố khó khăn, thuận lợi ở mỗi giai đoạn…

Nói về Lịch Sử Việt Nam là nói về toàn bộ xã hội Việt Nam tại một thời điểm cụ thể nào đó. Các mặt như Văn Hóa, Kinh Tế, Giáo Dục, Tư Tưởng, Tín Ngưỡng, Con Người….vân vân. Giống như chúng ta hàng ngày mở báo lên đọc cũng chính là đang đọc Lịch Sử đương đại.

Lẽ dĩ nhiên, báo chí hay tin tức cũng có tin lá cải, tin giật gân, tin giả. Thì các chi tiết trong lịch sử cũng khó mà tránh khỏi. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận lợi ích của việc đọc báo, càng không thể phủ nhận vai trò và giá trị của lịch sử
Nói về Lịch sử Việt Nam, khái niệm đầu tiên phải nói đến là Dân Tộc. Ngày nay chúng ta biết Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm đa số. Nhưng rốt cuộc dân tộc là gì? Và dân tộc Kinh đến từ đâu ?

Dân Tộc : là một nhóm người cùng chia sẻ một nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ chung, có chung nguồn gốc văn hóa như ăn ở, tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Dân tộc là một trong những khái niệm cơ bản như thế.
Nhưng trước dân tộc là gì ? Vào thời sơ khai, con người sống quần thể thành thị tộc, bộ lạc. Họ cũng có chung nguồn gốc nhưng bản sắc văn hóa còn rất sơ khai. Khi các bộ lạc này đủ lớn,  tách rời, di cư, sống xen kẽ lẫn nhau thì sẽ có sự giao lưu văn hóa, sản sinh thêm văn hóa, lúc đó có thể gọi là dân tộc, bộ tộc hay sắc tộc.

Vào thời xa xưa, có 2 dân tộc sống xen kẽ với nhau trên vùng đất phía nam Trung Quốc và phía Bắc Việt Nam ngày nay. Đó là Âu Việt và Lạc Việt. 2 dân tộc này nằm trong nhóm liên kết lỏng lẻo, sống chung hòa bình với nhau gọi là Bách Việt. Bách Việt là từ gọi chung của nhóm dân tộc chưa bị Hán hóa, chưa bị ảnh hưởng, đồng hóa bởi văn hóa Trung Hoa.

Hùng Vương thực chất là vua của dân tộc Lạc Việt. Vì lúc đó đất rộng người thưa, dân Lạc Việt sống rải rác từ Bắc Bộ Việt Nam lên tận Hồ Động Đình phía nam Trung Quốc, nên nói lãnh thổ nước Văn Lang rộng bằng ấy cũng không sai.
Sau đó Thục Phán lãnh đạo dân tộc Âu Việt đánh bại Hùng Vương. Không lâu sau đó, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất 6 nước, mang quân xuống phía nam để bình định Bách Việt. Do liên kết lỏng lẻo, không có kinh nghiệm chiến tranh nên liên minh Bách Việt sớm bị tan rã. Duy chỉ có Thục Phán lãnh đạo 2 dân tộc Âu Việt và Lạc Việt chống lại nhà Tần, vừa đánh vừa lui về phía nam.
Bằng cách lợi dụng đường xa, hiểm trở, lại sử dụng cách “vườn không nhà trống” nên quân Tần càng tiến về phía nam càng rơi vào kiệt quệ, cuối cùng bại trận.
Sau khi đánh bại nhà Tần, Thục Phán thành lập nhà nước Âu Lạc , ghép từ Âu Việt và Lạc Việt. Đến đây thì ta biết chữ Việt trong Việt Nam từ đâu mà ra.
Còn dân tộc Kinh ? Đó là sự hòa trộn văn hóa giữa 2 dân tộc Âu Việt và Lạc Việt giới hạn trong lãnh thổ của nước Âu Lạc, từ đó dần dần hình thành dân tộc Kinh. Nhưng đó chắc là chuyện mãi về sau này tận thế kỷ 12, khi mà bản sắc văn hóa và ngôn ngữ đã đủ nhiều và ổn định.
Lan man như trên để thấy rằng lịch sử không phải chỉ là quá khứ. Lịch sử là nguồn cội, gốc tích, xã hội, câu chuyện, bài học để con cháu sau này vẫn biết nơi tổ tiên mình sinh ra, để học được những bài học từ lịch sử: về văn hóa, xã hội, thời cuộc, về những con người hành xử khác nhau trong quá khứ, để rồi có người được gọi là trung thần, thậm chí được phong thánh, còn kẻ khác là gian thần, phản quốc (hay Việt gian)....vân vân và mây mây.
Chúng ta không thể học sử như học vẹt, chỉ nhớ tên nhân vật mà không biết người đó sống ở thời nào, đã có những hành động gì, và vì sao lại hành động như thế. Chúng ta học lịch sử cũng không thể học về 1 nhân vật mà phải tìm hiểu cả một xã hội lúc nhân vật đó sinh sống. Đơn giản bởi vì nhân vật ấy được cả một đất nước nuôi lớn lên!
Vậy nên tôi có quyền nghi ngờ rằng...chơi game thì chắc khó mà học giỏi sử!