Những chai dầu rửa bát, dầu ăn, cây cọ nhà vệ sinh và hai người bạn già
Tình yêu giống như ấm trà, mặn nồng mấy rồi cũng sẽ nguội dần. Nhưng tình bạn lại giống như dầu ăn, dầu rửa bát, cây cọ nhà vệ sinh,... Tưởng chừng là một tổ hợp chẳng liên quan gì đến nhau, cuối cùng lại đi cạnh nhau một con đường dài.
Hôm bữa có một bác bạn thân của mẹ tôi đến chơi. Câu chuyện thực ra cũng không có gì đặc biệt, đúng như trên tiêu đề đã viết, chỉ toàn dầu rửa bát, dầu ăn, cọ nhà vệ sinh,... nếu tôi không dành cả buổi trưa và buổi chiều hôm đó để nghe lỏm họ nói chuyện.
Ai cũng biết, khi hai người bạn thân lâu ngày không gặp có cơ hội ngồi cùng nhau thì có trời mới biết điểm dừng cho câu chuyện của họ. Nhưng câu chuyện của hai người bạn già, một người xấp xỉ 50, một người đã ngoài 50 thì có gì thú vị đây?!
Chắc chắn họ sẽ nói về con của mình. Trước khi kể câu chuyện này ra, tôi phải thành thực gửi lời xin lỗi tới bác L., bạn thân của mẹ vì đã mang chuyện gia đình nhà bác ra kể khi chưa được cho phép. Cô con gái lớn của bác, cách đó mấy hôm, đã cùng chồng đánh xe từ Hà Nội về Hải Phòng và đón phắt con lên chỉ vì bác nhất quyết không đi Hà Nội để hướng dẫn người giúp việc mới giùm chị. Nói thêm một chút, con gái chị, tức cháu ngoại bác, được đưa xuống Hải Phòng để ông bà ngoại chăm sóc từ bé. “Nó dỗi tao vì không lên canh ô sin cho nó. Thế là nó đón phắt con bé đi ngay được. Mà tao bệnh đau lưng, đi đi lại lại Hải Phòng - Hà Nội thì có chết không… Dưới này nhà mình, thiên hạ của mình, đang thoải mái. Tao chả đi đâu cả.” Bác nói với mẹ tôi. Giọng ấm ức. Mắt hậm hực. Câu chuyện vẫn tiếp diễn và kéo dài sang cả phần của mẹ tôi, với những lời than vãn và kể lể về chuyện hai cô con gái bằng ấy tuổi đầu mà chẳng biết nấu nướng gì. (Không sao, cái này thì tôi nghe quen rồi. Nếu mẹ không kể có khi còn thấy thiếu!)
Chắc chắn họ sẽ chia sẻ về những thương hiệu đồ dùng gia đình đang sử dụng. Mẹ tôi tấm tắc khen mấy chai dầu rửa bát, dầu ăn, thậm chí là cây cọ nhà vệ sinh hay bối rửa bát nhờ người mang về được từ bên Nhật. Ngày hôm đó, trong giỏ chiếc xe đạp mà bác chuẩn bị đi về, ứ hự nào là 3 chai dầu ăn, 1 chai dầu xả, 1 cây cọ nhà vệ sinh. Đổi lại thì khi đến bác đã mang cho nhà tôi 2 con gà và một túi dâu da đất. “Bà để giọ xe thế này đi đường đông liêu xiêu lại ngã mẹ nó mất. Thôi để ra ghế sau, đưa tôi lấy cái dây buộc vào cho.” Và thế là hai người bạn già lúi húi buộc dây…
À, họ còn giở váy vóc, quần áo ra để bàn kiểu dáng với nhau. Mẹ tôi giới thiệu cho bác chỗ may ruột.
Chiều hôm đó mẹ tôi nghỉ làm chỉ để ngồi tâm sự.
Bác L. hơn mẹ tôi 10 tuổi. Những năm 90, khi mẹ tôi một mình từ Hà Nội xuống Hải Phòng học đại học rồi đi làm, đã sống cùng gia đình bác cho đến khi lấy bố tôi. Là người đã nhìn con gái lớn của bác lớn lên, từ lúc là học sinh chuyên Lý TPC, có giải quốc gia cho đến khi đỗ thủ khoa Kinh tế Quốc dân, đi làm và lấy chồng. Không ngừng kể với chúng tôi những câu chuyện khi còn ở cùng gia đình bác. Bác Quân nấu ăn rất ngon. Cái Linh - tên con gái lớn bác L. ngày xưa toàn lén ra sau nhà đổ cơm đi vì lười ăn mà mẹ và bác đều không biết. Vân vân và mây mây.
Không phải ngẫu nhiên mà giữa hàng trăm tấm ảnh gia đình tôi, từ những năm tháng thời bao cấp, tôi tìm được hai tấm ảnh. Một tấm mẹ chụp cùng gia đình bác L. khi đi lễ đầu năm, vào cái thời mà cả mẹ, cả bác, cả chị Linh vẫn còn buộc tóc đuôi gà lệch bên, đi dép cao su và sơ vin lưng quần tới ngang bụng. Và một tấm chụp bố mẹ bác L.
Tình bạn của họ đúng là tình bạn của những năm 90, của thời bao cấp.
Thời bao cấp
Thời bao cấpp
Thời bao cấppp
Thời bao cấpppp
Thời bao cấppppp
Và tôi cũng chỉ mong tình bạn của tôi, cỡ đôi ba chục năm nữa được “bao cấp” như thế mà thôi. Khi về già. Khi mọi tranh đấu, sân si chỉ còn là những thờ ơ. Khi con cái đều có cuộc sống riêng của chúng, một cuộc sống toàn cạnh tranh và si sân như vừa nói ở câu trên, khiến chúng mệt mỏi, rồi chẳng may làm tổn thương bố mẹ mình mà không hề hay biết. Khi chẳng còn vừa lòng với những ông chồng già cạnh bên nữa. Thì có một vài đứa bạn từ thời trẻ để cùng nhau thở than, tâm sự chuyện chồng con, chuyện cơ quan cũ, chuyện nồi niêu xoong chảo dầu rửa bát cây cọ nhà vệ sinh, chuyện con gà thịt lợn rau muống toàn chất độc hại, thật là hạnh phúc biết bao.
Ừ đấy lại quên. Hơn hai mươi năm quen nhau, hai người bạn già chưa từng một lần hẹn nhau ra quán cafe nói chuyện. Nếu có thì chỉ là những cuối tuần kéo cả gia đình đến nhà nhau làm gà, mua bún ăn cơm. Tất nhiên có người sẽ nói, mỗi thời mỗi khác. Đúng rồi, thời nào xu hướng nấy. Nhưng các bạn có công nhận khi đọc những dòng này, các bạn cũng thèm khát một tình bạn hai mươi năm chưa từng đi cafe mà chỉ đến nhà nhau bày biện ăn uống đánh chén no say, một tình bạn toàn những dầu rửa bát dầu ăn cọ nhà vệ sinh thịt gà dâu da đất, một tình bạn nghỉ làm để ngồi tâm sự cùng nhau, một tình bạn lúi húi cặm cụi buộc đồ vào xe cho nhau bỏ xừ ra không? Cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu, người ta lại càng muốn có cho mình những điều thật giản dị và chân thành bấy nhiêu.
Tình yêu giống như ấm trà, mặn nồng mấy rồi cũng sẽ nguội dần, để rồi người ta hắt nó đi. Nhưng tình bạn lại giống như dầu ăn, dầu rửa bát, cây cọ nhà vệ sinh, bối rửa bát và những thứ tương tự. Tưởng chừng là một tổ hợp mà mỗi “cá tính” chẳng liên quan gì đến nhau, cuối cùng lại đi cạnh nhau một con đường dài. Tôi có một nhóm bạn thân 7 người. Những cuộc hẹn 5, hẹn 6, hẹn 7, rồi lại hẹn 5. Ba năm rồi chúng tôi mới gặp nhau đầy đủ. Đứa có trà, đứa vẫn chưa. Thôi thì cứ là dầu rửa bát, dầu ăn, cọ nhà vệ sinh, bối rửa bát,... bên cạnh nhau, cùng nhau chứng kiến đứa này, tới đứa kia thay trà, rồi lại trở về bên nhau, cùng nhau khiêu chiến với cả thế giới, không phải vẫn là nhất sao?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất