Hôm bữa đi ăn trưa với nhóm mấy bạn ở công ty. Hôm đó ăn cơm. Cơm thì thường sẽ có 2 dạng: cơm phần và "cơm gia đình". Cơm phần là ăn kiểu mỗi người một khay mạnh ai nấy ăn. Còn cụm "cơm gia đình" là một dạng thất bại ngôn ngữ trong việc mô tả chuyện dọn hết các món ra đĩa và mỗi người một chén cùng share tất cả các món. Nói thất bại cho vui vì nó mô tả (đa phần là) sai bét đối tượng của bữa ăn. 
Nhưng ai nghĩ ra việc lấy một danh từ đứng đó với chức năng như một tính từ cũng sáng tạo phết.
Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi anh kia đang ngồi đối diện với cái bảng hiệu. Anh đang ăn cơm dở trên miệng, đã nhai sắp xong miếng đó rồi, miệng lưỡi vui vẻ chuẩn bị nuốt để chuẩn bị hấp tấp ăn tiếp miếng khác. Đột nhiên mắt anh đi ngang qua chữ "cơm gia đình", anh bỗng nhai chậm lại, chậm lại rồi dừng hẳn. Rồi anh đưa mắt ra xa khỏi tấm bảng, nhìn vào một khoảng xa xa, cố dừng ánh mắt ở nơi không có gì chắn tầm nhìn. Anh thở ra một hơi dài thườn thượt và nói tone giọng trầm: lâu rồi ko ăn cơm-gia-đình. 
Anh ko nói, nhưng với sự quan sát tổ hợp tất cả biểu cảm khuôn mặt cộng với cường độ giọng nói của anh, mình mạnh dạn đoán chữ "gia đình" anh nói đó là danh từ chứ hổng phải tính từ. 
Trong đúng cái không khí hơi đặc đặc đó, lại một tiếng nói khác chen vô. Bạn nói, "cơm-gia-đình đó thì em cũng chưa hề biết".
(Không khí càng đặc hơn. Rồi may quá con bé hay phá game hỏi một câu trớt quớt và chủ đề được đổi trong vòng một nốt nhạc).
Ba mẹ bạn chia tay từ khi bạn 1 tuổi. Bạn hổng nói câu này, câu này mình đang kể chuyện thôi. Nhưng bản nói mình biết vào một hôm khác, một hôm đi ăn khác. Hôm đó là ăn tối. 
Tối đó là thứ 6. Hôm đó cuối tháng nên mình có nhiều việc cần phải xong trong ngày. Làm xong là thấy lười về nhà vì quá mệt. Bạn rủ đi ăn bò lửa hồng gì đó mà bạn bảo ngon lắm hay lắm. Đó là một quán ăn rất ngonnnnnnnnnnn ở vỉa hè siêu đỉnh nơi có gió thổi luồn vào từng kẽ tóc và làm mắt bạn phải căng lên để giữ hai mí không chạm vào nhau.
Tụi mình ngồi ngay dưới chân một cây chùm ruột. Hôm đó gió mát, cũng có thể là đang mùa thu cây thay lá nữa, tụi mình ngồi đó, lâu lâu có mấy chiếc lá rơi xuống trông cũng thơ lắm. 
Tụi mình vừa ăn vừa xuýt xoa bò ngon quá ngon quá, vừa kể những câu chuyện không đuôi không đầu như chùm ruột dầm đường có màu nâu ngon như nào, đố biết trong chén bò đó có mùi lá lốt lá gì nữa. Cuộc đời công sở với mấy thứ quy trình quy tắc chán ngắt bỗng trở nên thơm phức và chua lè nhờ nền ẩm thực phong phú của miền Trung. 
Những câu chuyện linh tinh tiếp diễn trong tiếng xuýt xoa ngon quá nóng quá cay quá đã quá. Cho tới một đoạn, mình cũng chả nhớ nó bắt đầu như nào. Bạn kể mẹ bạn ở xa, ba mẹ chia tay từ khi bạn 1 tuổi. Lúc đi xa mẹ bạn để lại một lá thư kể lại chuyện bạn được sinh ra như nào, mẹ mong bạn mạnh mẽ ra sao, rồi bạn thay đổi như nào sau đó. Bạn kể nhiều, bằng một giọng bình thản, đôi lúc vừa ăn sồn sột vừa kể. Mình cũng buồn nên ngồi lấy rau răm chấm muối tiêu ăn để nghe mùi rau răm hăng nồng đỡ buồn hơn.
Đôi khi bạn dừng lại, giọng căng lên - như một đứa trẻ bướng bỉnh không được người lớn cho thứ mình muốn, gỡ mắt ra khỏi nồi lẩu bò nhìn ra đường nhìn mấy chiếc xe đang hờ hững chạy xẹt qua.
Đó cũng là một trong rất nhiều câu chuyện về gia đình của những bạn có những gia-đình-không-tròn mà mình được nghe. Tại sao những câu chuyện buồn thường hay được kể trong những bữa ăn ngon? Có ai nghiên cứu ra việc con người có xu hướng mở lòng nhiều hơn khi họ được ăn ngon như ăn bò lửa hồng chưa?
Mình còn một câu chuyện về gia đình khác.
Mình có một thằng bạn. Một kiểu bạn mà dư hiểu nhau để gọi là bạn, nhưng mà cũng chả thân thiết nhau theo kiểu biết tên cả đứa em họ của ông anh rể tên gì. Mỗi lần gặp nhau chỉ toàn nói đến những chuyện nhân tình thế thái, hay bộ não sẽ hoạt động như nào khi nghiện cafe... Những chuyện đại loại kiểu vậy.
Nó kể nó đã từng tin có ông già Noel cho tới năm 8 tuổi. Vì mỗi năm cứ đến đêm Giáng sinh là nó đều nhận được một món quà bất ngờ từ ông già Noel mà. Tới năm 9 tuổi thì ông già Noel không đến nữa. Lúc đó nó mới lờ mờ nhận ra có cái gì đó không đúng với niềm tin đó. Ba nó mất năm đó.
Tuổi thơ nó lớn lên với một trái tim bị nứt, một sự hoài nghi lớn về ông già Noel, và nhiều câu hỏi.
Ngày nó chào đời, ba nó viết nhật ký những ngày đầu vụng về làm cha. Ông để lại trong một cuốn sổ, loại sổ mà giấy cưng cứng với những ô ly kẻ nhỏ xíu điển hình hồi xưa. Trong những trang giấy ố vàng vì thời gian, những nét chữ hiện lên thật đẹp.
"Khải con,
Ngày con mở mắt chào đời với tiếng khóc oa oa cũng là ngày ta mang trọng trách làm cha.
Cha, đó là thiên chức của con người mà mỗi người đàn ông đều phải biết trân trọng và gìn giữ nó luôn luôn tốt đẹp. Để đến khi con khôn lớn thì khi nhắc đến cha, thì đó là niềm tự hào của con. Để cho con luôn luôn ngẩng cao đầu thì hôm nay ta càng gắng sức hơn trong cuộc đời này.
Con có hiểu vì sao Ba đặt tên cho con là Thiên Khải không? Thiên Khải là không còn sự ngu dốt u mê, chỉ có trí tuệ và lòng từ bi. Chỉ có trí tuệ mới giúp con người tìm đến chân, thiện, mỹ. Từ chân, thiện, mỹ đó – con hướng cho mình một cuộc sống thanh cao hơn gần với từ bi và hỷ xả mà đức Phật Thích ca đã dạy. Hãy tung đôi cánh ước mơ của con vào con đường hiểu biết và tìm cách sống sao cho đừng hổ thẹn với chính cái tên của mình.
Con chính là sự tiếp nối những cái Ba đang tìm. Ba đi tìm kiếm trên cuộc đời này và nhặt góp lại để thấy cuộc đời còn có ý nghĩa hơn và ý nghĩa của cuộc đời ba hôm nay đó là con. Con đó là khởi đầu của một dòng suối yêu thương mà trong tâm hồn ba và mẹ là biển cả để con hòa trộn trong đó. Ba mẹ không là gì trên cuộc đời này nhưng đối với tình yêu thương mà ba mẹ có thì đang giành cho con. Bởi vậy ba vẫn mong muốn sau này khi con khôn lớn, con trở thành một người đàn ông thực sự, sống có lý tưởng của mình và biết đấu tranh cho lý tưởng đó.
Khải con, hãy biết sống chân chính dù cho cuộc đời đầy sóng gió, dù cho tiếng thị phi của con người vẫn không ngã lòng mình. Hãy biết yêu thương mọi người phát xuất từ chính con tim của mình.
Vài dòng viết cho con.
7-92"
Mình tin những vết nứt này là điều làm nên anh, nên bạn, nên Khải của hôm nay. Dù đôi khi cuộc đời khó khăn bỏ mẹ, nhưng có phải cái game cuộc đời thú vị và hấp dẫn hơn nhờ những vết nứt đó không? Còn theo triết lý Wabi-Sabi, họ nói vầy nghe hay hơn:
Authenticity is a big part of Wabi-sabi, so cracks and imperfections are cherished for symbolising the passage of time and loving use.[...] Imperfection is the basic principle of Wabi-Sabi, the Japanese philosophy of accepting your imperfections and making the most of life.
the tiny dots.