Oscar 2020 ngày càng cận kề, mình xin phép giới thiệu những bộ phim sở hữu những cú máy đặc biệt, giúp định hình phong cách làm phim năm nay cùng những ý tưởng cách tân. 
Cảnh phim biến chuyển mối quan hệ của hai nhân vật trong Ash is The Purest White. Ảnh: FilmThreat.
Bên cạnh những ứng viên nổi tiếng, hiện tại có 3 phim trong list này đã nhận hàng loạt đề cử Oscar. Mình xin đưa thêm những bộ phim ít được soi sáng dưới ánh đèn truyền thông và tất nhiên, đây cũng là khu vực Oscar chưa thể hoặc không muốn vươn tới.

Ash Is The Purest White

Khẩu súng trên sàn nhảy.
"Không được để một khẩu súng trường trên sân khấu", Anton Chekhov, nhà văn, biên kịch người Nga từng viết. Thấm nhuần tinh thần của ông, Giả Chương Kha để nam chính trong phim làm rớt khẩu súng lục giữa lúc khiêu vũ. Ash Is The Purest White xoay quanh mối quan hệ giữa Bin, một gangster hết thời và Qiao, người yêu của anh. 
Qiao mong Bin hãy chạy trốn cùng cô và cùng nhau lập gia đình, nhưng Bin vẫn cố chấp níu giữ quyền lực. Trường đoạn Bin làm rớt khẩu súng giữa lúc khiêu vũ là một ẩn dụ cho sự hết thời và bất lực của một người đàn ông mạnh mẽ, không thể giữ nổi vũ khí của chính mình. Luận điểm này được chứng minh ngay tức khắc trong cảnh quay tiếp theo, Bin bị tập kích bởi những thủ hạ thân tín và Qiao phải dùng súng bắn chỉ thiên để cứu anh. Từ đó, mối quan hệ của cả 2 nhân vật bắt đầu có những biến chuyển dữ dội, đây cũng là điểm mấu chốt trong tác phẩm Giả Chương Kha.

Atlantics

Atlantics là bộ phim đầu tiên do một nữ đạo diễn da màu cầm trịch được tham dự Liên hoan phim Cannes. Bộ phim được vinh danh giải Grand Prix, giải thưởng lớn thứ 2 theo quy chế của LHP và chỉ đứng sau Parasite của Bong Joon Ho với giải Palme d'Or. Mati Diop, nữ đạo diễn người Senegal sở hữu khả năng vận dụng các chất liệu điện ảnh tưởng chừng trái ngược nhau một cách hài hòa.
Bức tượng siêu thực ngoài khơi.
Atlantics là bộ phim đa thể loại, sử dụng câu chuyện tình yêu của người trẻ Phi châu làm cốt lõi, Mati kết hợp những yếu tố liêu trai, sci fi và xung đột tầng lớp trong bối cảnh đất nước Senegal đầy rẫy định kiến cổ hủ. Cảnh quay nhân vật chính bắt gặp một bức tượng ở giữa biển tượng trưng cho linh hồn bị bão tố nhấn chìm của những người vượt biên sang Châu Âu, người yêu của cô cũng nằm trong số đó.

Domino

Brian De Palma là bậc thầy trong kỹ thuật làm phim chia đôi màn hình. Từ cảnh quay buổi tiệc prom trong Carrie, hai cảnh quay song song trong Dressed to Kill và cảnh trận đấu boxing trong Snake Eyes, Brian kể hàng loạt câu chuyện khác nhau trong cùng một thời điểm để tạo nên sự liền mạch cho cốt truyện.
Cảnh quay chia nửa màn hình.
Cụ thể, thay vì chỉ tập trung vào 1 khoảnh khắc bó chặt trong một khung hình, vị đạo diễn của Carrie phân phối hàng loạt hành động hay khoảnh khắc và xếp chúng thành nhiều khung hình nhỏ trong cùng một thời điểm mà không gây rối mắt. Phong cách làm phim kiểu này đã được hồi sinh cùng với sự quay lại của Brian qua tác phẩm Domino năm 2019.
Cảnh phim miêu tả kỹ năng đặc biệt của ông là phân cảnh tên khủng bố đang thực hiện hành vi khủng bố một LHP tại Châu Âu, hai nửa màn hình chia nửa làm đôi, một bên trình chiếu khuôn mặt của gã khủng bố còn một bên là góc nhìn theo dõi của nạn nhân. Bên cạnh đó, phân cảnh tàn sát còn được quay và phóng chiếu ở nhiều góc quay, góc bắn súng khác nhau tạo nên một khung cảnh hỗn loạn máu me đầy chân thật. Bộ phim Domino buộc ta phải tự bản thân nhìn nhận vấn đề bằng đôi mắt, thay vì bị chúng nuốt chửng lấy.

High Life

Chúng ta chính là khán giả.
Hãy nhìn vào phân cảnh này, phía bên trái là một trích đoạn trong The Land of Head Hunter (1914), một bộ phim câm của Edward S. Curtis được chuyển thể hư cấu từ một câu chuyện cổ có thật. Phía bên phải, khung cảnh của một nhà du hành không gian ở nơi tận cùng vũ trụ, Robert Pattinson đang xoay xở bộ đồ phi hành gia trên một con tàu kì lạ. Thế còn ở chính giữa, mắc kẹt giữa những câu chuyện cổ tích hư cấu và tràng thiên sử khoa học viên tưởng trong tương lai, ngồi đó một cô bé, cô là khán giả duy nhất hay đó chính là bản thân chúng ta.

The Irishman

Martin Scorsese, bậc thầy điện ảnh nổi tiếng với hàng loạt phim gangster kinh điển đã quay trở lại với The Irishman. Tác phẩm dài 3 tiếng mô tả sự hồi tưởng của một gangster già về vườn đã giúp Martin đem về hàng loạt giải thưởng và đề cử cao quý cũng như ghi dấu ấn tích cực trong giới phê bình phim. Martin Scorsese luôn tập trung miêu tả nỗi sợ cô đơn, người nhân viên ra về cuối cùng sau buổi chiều tàn hay một nỗi sợ mãnh liệt của việc bị bỏ lại bởi dòng chảy lịch sử.
Nỗi sợ cô đơn cùng cực.
Dòng phim gangster đã hoàn thành sứ mệnh của nó, khắc họa một xã hội Mỹ loạn lạc và dự đoán một tương lai tươi sáng. Cảnh quay cuối cùng trong phim đặc tả cảnh Frank ngồi trên một chiếc xe lăn, máy quay hướng từ bên ngoài khe cửa khép hờ tạo cho nhân vật một cảm giác chật hẹp, cô đơn tột cùng. Frank ngồi đó im lặng, ông không cònđủ sức để kéo một cánh cửa, Frank chấp nhận và bình thản đón chờ điều phải tới.

Once Upon a Time ... in Hollywood

Một cảnh quay Brad Pitt khoe thân thể hoàn mỹ trên mái nhà đầy nắng tưởng chừng như vô nghĩa nhưng hàm chứa một ý nghĩa nhất định. Brad Pitt trong vai Cliff Booth, một nhân vật hư cấu đưa ánh mắt ngắm nhìn Sharon Tate, nữ minh tinh có thật trong lịch sử. 
Brad Pitt khi đóng phim này đã 55 tuổi.
Khán giả khi xem phim tới đoạn này đều có suy nghĩ Cliff Booth sẽ tự ý phá vỡ rào cản, đưa bản thân anh tiến nhanh hơn trong ngành giải trí bằng cách quyến rũ quý cô Polanski. Nhưng, Cliff Booth yêu nghề và biết rõ vị thế của anh. Tuy nhiên, ở đoạn cuối của bộ phim, Cliff thực sự đã viết lại lịch sử khi vô tình cứu thoát Sharon khỏi số phận chết chóc trong câu chuyện thực ngoài đời.

The Souvenir

Phân cảnh nhân vật chính đứng trong một căn phòng được phóng chiếu bằng nhiều mảnh gương từ các góc khác nhau tạo nên một góc nhìn đa chiều về hình thức lẫn cảm xúc. Julie, một nhà làm phim trẻ gặp Anthony, một nhân viên văn phòng và cả hai phải lòng nhau từ lần gặp đầu tiên.
Sự phóng chiếu các bản thể của nhân vật.
Bất chấp tình yêu của Julie, Anthony phản bội và tiêm chích heroin. Julie đã gần như chia tay Anthony nhưng anh vẫn trở lại. Đây là phân cảnh Anthony đứng trong căn phòng nhiều gương, Julie có thể thấy hình bóng hay nói cách khác bản chất của anh phản chiếu khắp mọi góc cạnh. Cô vẫn chấp nhận và yêu anh như ngày đầu tiên, bất chấp sự ái kỷ độc hại vô phương cứu chữa của Anthony.

Us

Ở đây chúng tôi có lời nguyền.

Tác phẩm của Jordan Peele sở hữu nhiều yếu tố gợi nhớ đến thập niên 80 và phân cảnh Vision Quest chính là một lời tiên tri cho plot phim. Dòng chữ Find Yourself in trên cánh cửa miêu tả một dạng khủng hoảng bản ngã theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về sự tranh đấu của các nhân vật - nhân bản trong bộ phim. Đồng thời, lối vào Vision Quest còn là một ẩn dụ về sự xung đột giai cấp và sắc tộc chia cắt nước Mỹ thời đó.  

Parasite

Người đàn ông dưới tầng hầm trưng ra cặp mắt trắng dã.
Parasite không phải là phim kinh dị nhưng trường đoạn người đàn ông sống dưới tầng hầm xuất hiện và ăn cắp đồ ăn trong tủ lạnh thực sự đáng sợ. Cảnh quay người đàn ông xuất hiện nửa mặt chỉ còn chừa lại đôi mắt trắng dã là một ẩn dụ cho nỗi sợ của những người ở tầng lớp thượng lưu, luôn sợ hãi một ngày nào đó sẽ có người từ bên dưới chiếm lấy căn nhà họ. 
P/s: Mời mọi người ghé xem page nhỏ của mình viết vài dòng về phim ảnh nhe :3
http://bit.ly/34HM57h