Mình đã định viết gì đó cho ngày 27/07 – Ngày thương binh, liệt sĩ, nên chiều hôm qua mình đã suy nghĩ khá nhiều… Nhờ gợi ý của một người bạn mình quyết định dành thời gian đến thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh – bức tranh lớn về hậu quả chiến tranh Việt Nam.
Trưa tranh thủ giờ nghỉ trưa, mình ghé thăm bảo tàng. Tiếc là chỉ chỉ có khoảng 1,5 giờ ngắn ngủi mình không thật sự đọc hết chú thích của từng bức tranh.
Thật khó để bạn đến thăm các bảo tàng lưu giữ những thứ về chiến tranh mà không khiến bạn ám ảnh. Bảo tàng chứng tích chiến tranh còn trưng bày cả những hình ảnh rất chân thực tới mức phải làm khu cho trẻ em gần đó. Mình đoán là dành cho những em bé không nên thấy những hình ảnh quá ám ảnh, bạo lực. Mình đã từng đến nhà tù Hỏa Lò và cũng có những cảm xúc u ám, hỗn độn như lần đầu đến bảo tàng chứng tích chiến tranh. Mình sẽ không kể nhiều về hậu quả của chiến tranh trong bài này. Bạn có thể tìm đọc trên internet hoặc đến thăm, chứng kiến và cảm nhận.

Phát quyết của toà án quân sự quốc tế Nuremberg được hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 11/12/1946
Mình chỉ nói về những điều mình muốn nói nhất.
Thiệt hại của chiến tranh không chỉ dừng ở việc chiến tranh kết thúc
Còn lại gì sau chiến tranh: Những anh hùng, những người vô tội mãi nằm lại với đất, hậu quả chất độc màu da cam, sự chia ly, bệnh tật, đói nghèo…

Phòng Hồi Niệm – Bộ sưu tập ảnh của các phóng viên chiến trường đã chết trong chiến tranh Đông Dương
Có nhiều quan điểm về bảo tàng chứng tích chiến tranh, phán xét đúng sai, hay góc nhìn của người chiến thắng. Đa số các bảo tàng đều có mục đích tuyên truyền nhưng không có nghĩa là sai. Những quả bom dội xuống để những mái nhà, những con người vô tội mãi nằm lại với đất, luôn ở đó, mãi còn ở đó, là sự thật. Chiến tranh luôn bị lên án dù xảy ra ở bất kì quốc gia nào.
Ý nghĩa của bảo tàng (với mình): chúng ta không bao giờ được lãng quên lịch sử.
Và ngày 27/07: chúng ta không bao giờ được lãng quên những người đã ngã xuống trong thời kì lịch sử ấy.
Nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng đất nước muốn tự đứng trên đôi chân của mình đã trải qua rất nhiều mất mát, khó khăn.
Bảo tàng về chiến tranh luôn đáng được ghé thăm dù ở thời kì lịch sử nào, bất kì quan điểm chính trị nào.
Những họa sĩ nhí với những bức tranh mang thông điệp yêu thương, hòa bình
Mình muốn kể về phòng trưng bày những bức tranh của các họa sĩ nhí nhất!


Lọt thỏm giữa những sắc màu trắng – đen nặng nề, ám ảnh xung quanh, căn phòng là những bức tranh được trưng bày với nhiều màu sắc. Một nơi khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhưng vẫn gợi nhắc về hậu quả của chất độc da cam. Một số bức tranh hướng tới thông điệp yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ những trẻ bị chất độc màu da cam trong cuộc sống hòa bình. Không thể thay đổi quá khứ nhưng lòng yêu thương có thể xoa dịu và khiến mọi thứ tốt đẹp hơn.
Đi học cùng bạn bị chất độc màu da cam này, chơi cùng bạn này hay có bức tranh còn nhắn nhủ hãy đến thăm các bạn bị chất độc màu da cam. Trong tâm hồn của những em nhỏ, thế giới đã bớt tàn bạo, nặng nề hơn rất nhiều.
(Tiếc là mình đã không chụp nhiều)


Hãy đến thăm những em bé bị nhiễm chất độc da cam
Hồi bé, mình nhớ có một lần trường cấp 1 của mình phát động cuộc thi về vẽ tranh, mình không nhớ rõ đề tài, hình như là về môi trường. Bài dự thi ấn tượng sẽ được gửi dự thi ở tỉnh và có thể được trưng bày ở đâu đó. Mình chắc là đã không hiểu rõ toàn bộ ý nghĩa của cuộc thi vẽ lắm cho tới khi đứng giữa phòng tranh lúc này, mình biết có gì đó xa hơn…