Những biến chuyển cho tuổi 20
Có những người thành công và hiện thực hóa mục tiêu của mình từ rất sớm , ngay từ những ngày đầu của tuổi đôi mươi , thế nhưng đó chỉ...
Có những người thành công và hiện thực hóa mục tiêu của mình từ rất sớm , ngay từ những ngày đầu của tuổi đôi mươi , thế nhưng đó chỉ là số ít.Phần lớn chúng ta đều đang chật vật với bản thân, với hiện tại và tương lai , với nội tâm và bên ngoài trong giai đoạn này. Bắt đầu biết nghĩ ngợi , lo âu từng ngày , thay vì việc la cà , thay vì việc vô tư trong sinh hoạt , thay vì việc một chút lại gọi "mẹ ơi" , "bố ơi" thì chúng ta bắt đầu cân nhắc về việc đó:"Có nên không?" ; "Thay vì gọi liệu chúng ta có thể tự giải quyết không?". Bố mẹ chúng ta sẵn sàng giải quyết và cứu vớt chúng ta chỉ cần ta gọi một cuộc, thế thế nhưng, bây giờ chúng ta cảm thấy có gì đó chưa đúng, vì chúng ta không nên như vậy mãi.
Có phải trong những năm tháng này lúc nào chúng ta cũng canh cánh chuyện bài vở , và những dự định học tập cho đến khi ra trường? Trước kia, mỗi lần đi học về, chỉ muốn lăn ra giường và đánh một giấc , tối tối thì chờ trực những cuộc hẹn vui chơi từ bạn bè. Sống như vậy và thấy thật thoải mái , vô tư , vô lo. Bây giờ thì không thể như vậy , mỗi phút ngủ đều canh cánh nhìn vào đồng hồ, vì còn bài tiểu luận đang dang dở, vì thời gian là không đủ để học hỏi những kiến thức bổ trợ cho quá trình tích lũy kiến thức. Chúng ta thấy không lúc nào ngồi yên được, không lúc nào có thể ngừng lo lắng và ngừng tìm kiếm những điều khiến mình trở nên bận rộn. Chúng ta thích ra ngoài , nhưng thay vì ra ngoài ngồi lê la quán xá hay vui chơi, ta bắt đầu tìm kiếm thứ gọi là việc làm thêm ngoài giờ, dù ít hay nhiều , dù phải lao động chân tay hay may mắn hơn là công việc đúng chuyên môn , đúng đam mê,.. thì chúng ta cũng thấy ổn hơn so với việc rảnh rỗi là nằm lì ở nhà cả ngày hoặc nướng một phần của quỹ thời gian 24 tiếng vào các series phim hay games.
Tuổi 20 nhận thức ra rằng , chúng ta lớn và thời gian trôi qua thật nhanh , chúng ta ngày càng rắn rỏi, từng trải và dần dần khôn ngoan hơn trong cuộc sống,... nhưng hãy nhìn tới những người sinh ra chúng ta, họ bắt đầu có nếp nhăn trên khóe mắt và khóe môi, vẫn cái nhìn âu yếm đấy với chúng ta, thế nhưng không phải nhìn theo cách nhìn một đứa con bé bỏng của mình , mà nhìn theo cách đầy lo toan và hi vọng, họ nghĩ làm sao để có thể giúp đỡ và định hướng con mình theo cách tốt nhất, để cuộc sống sau này của con sẽ tiến bộ và tốt đẹp hơn của họ. Nhưng chúng ta đủ hiểu là điều này phụ thuộc rất lớn vào bản thân chúng ta...
Tuổi 20 cũng là lúc cảm thấy bản thân cô độc hơn bao giờ hết. Bớt đi chơi đi bời với bạn bè cùng chăng lứa vì mỗi người đều có mối bận tâm riêng. Những mối quan hệ trở nên thực tế và đều có mục đích của nó , thay vì những sự vô tư quý mến như trước. Bắt đầu khép mình lại và ít nói hơn, ít bộc lộ tâm tư tình cảm ra một cách tự nhiên hơn, vì lo rằng mình sẽ bị khai thác điều đó như một điểm yếu. Trở nên hoài nghi với mọi thứ, và những thứ chúng ta thực sự tin tưởng ngày càng thu hẹp phạm vi lại. Thay vì việc tìm người khác than thở, kêu khóc như những ngày còn vô tư thì chúng ta làm quen với việc gặm nhấm nó mỗi buổi tối. Và dần dần nó trở thành một thói quen, như một phản xạ định kỳ của tâm lý.
Trên phim ảnh thường thấy việc tuổi trẻ thường đi rất nhiều, hay được nghe thấy câu khẩu hiệu như :"Bỏ lại tất cả, xách balo lên và đi" , hoặc những câu chuyện về những con người trẻ dành tuổi thanh xuân để đi khám phá mọi nơi. Thế nhưng trong thời đại này, đó chắc cũng chỉ là chuyện phim ảnh hoặc những câu chuyện vui hy hữu. Nếu chúng ta bỏ lại tất cả và đi đâu đó một thời gian chỉ vì những áp lực hiện tại, thì khi quay trở về những gì chúng ta phải đối mặt , những sự thay đổi và những thứ phải làm sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Chả lẽ lúc đấy lại xách balo lên và đi tiếp...Cách này có thể đúng với người này người kia, thế nhưng, ngay khi xét về phương diện kinh tế và sự khả thi khi thực hiện nó trong hiện tại đã thấy rất khó rồi.
Những biết đổi về tâm lý, biến đổi về nhận thức là chưa đủ, vẫn phải kể đến những biến đổi về tình cảm. Tuổi 16 chúng ta có một cách yêu và rung động khách , tuổi 20 lại có một cách yêu và rung động ngược lại. Thay vì việc "uống nhầm một ánh mắt cơn say theo cả đời" thì chúng ta phải nhìn nhận mọi thứ thực tế hơn. Chúng ta sẽ tìm kiếm những người cho chúng ta cảm giác yên tâm và an toàn hơn là những người nhìn đẹp đôi với mình. Chúng ta không thích một tình yêu có quá nhiều sự dỗ dành, giận hờn nữa, chúng ta cần một tình yêu theo kiểu một câu hỏi thăm, một cái ôm sau một ngày rã rời, chỉ bấy nhiêu là đủ, chúng ta cần một người cùng ta và vì ta mà phấn đấu chứ không cần thiết phải chiều chuộc và nâng niu như những ngày trước. Và tình yêu của bản thân lúc này cũng không hề cho đi dễ dàng như trước, ta cẩn trọng và cẩn thận hơn khi lựa chọn một ai đó, bởi vì lúc ấy chúng ta cần một người ở bên tiếp sức và đi với chúng ta tiến xa trên con đường đời chứ không cần thứ gọi là cảm giác yêu đơn thuần hay chỉ là một sự rung động. Sẽ không còn chuyện mỗi lần bế tắc hoặc xung đột là lấy từ "chia tay" ra để giải quyết, hợp rồi lại tan. Mà lúc này thứ chúng ta cần là gìn giữ mối quan hệ đến cuối cùng, mọi quyết định xảy ra đều có ảnh hưởng nhất định và chúng ta phải chịu trách nhiệm với nó.
Thời gian trôi qua thật nhanh , và mỗi ngày ta đều nhận ra chúng ta phải đấu tranh, đánh đổi và hy sinh rất nhiều cho những gì cần thiết với tương lai của mình. Dù vậy, hãy lạc quan và sống chậm lại , tận hưởng những gì được cho là tốt nhất có thể để khi nhìn lại không cảm thấy uổng phí...
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất