Mùa xuân năm ngoái, tôi đã có cơ hội giảng dạy một học phần về Phân tích Hệ thống Kinh doanh tại Đại học Waterloo, và tôi đã nắm lấy cơ hội này để đưa game hóa vào trong khóa học. Vì tôi chỉ là giảng viên chuyên trách trong một học kỳ, và để không thay đổi cấu trúc khóa học quá nhiều, tôi quyết định sẽ chỉ game hóa một phần thay vì toàn bộ khóa học. Tôi chọn game hóa các bài tập trong khóa học. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời.
Khi nghĩ về cách game hóa các bài tập của khóa học, tôi không muốn chỉ thay thế điểm số bằng điểm kinh nghiệm (XP) một cách vô tâm. Mục tiêu chính của tôi là sử dụng game hóa để cung cấp cho sinh viên một cách học tự nhiên hơn cho các chủ đề của khóa học. Trong các học phần đại học, các bài tập thường được chấm điểm sau khi sinh viên đã hoàn thành, đôi khi kèm theo một số phản hồi để giúp sinh viên hiểu mình đã làm gì sai. Tuy nhiên, học sinh thường không có cơ hội thử lại sau khi học được từ những sai lầm của mình, và cơ hội duy nhất để chứng minh thứ mình đã học được là trong các kỳ thi. Nhưng đó không phải là cách việc học diễn ra một cách tự nhiên: mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn được học thông qua việc thử nhiều lần, học từ những sai lầm trong các môi trường an toàn. Đó là cách học tự nhiên xảy ra trong cuộc sống thực, và đó cũng là điểm mạnh của các trò chơi. Tôi dựa vào đó để thiết kế bài tập cho khóa học: nếu học viên không làm đúng trong lần đầu tiên, tôi sẽ cung cấp một số phản hồi và yêu cầu họ thử lại (sửa câu trả lời) và gửi lại cho tôi.
Không chỉ vậy, tôi muốn cho sinh viên tự do tập trung vào các chủ đề khóa học mà họ quan tâm nhất. Vì vậy, tôi đã giao cho họ một loạt các bài tập khác nhau về các chủ đề khác nhau và cho họ tự do lựa chọn cái nào họ muốn hoàn thành. Bài tập bao gồm nhiều chủ đề với nhiều định dạng khác nhau, chẳng hạn như đọc và tóm tắt một bài báo, phân tích một vấn đề rồi đề xuất giải pháp hoặc vẽ một sơ đồ.
Tôi vẫn sử dụng XP trong thiết kế, như một cách đo lường xem học sinh có hoàn thành đủ bài tập hay không. Tổng cộng 1.000 XP (hoặc hơn) sẽ tương ứng với điểm tối đa cho phần bài tập của khóa học (10% điểm tổng kết của khóa học) và bất kỳ số điểm nào nhỏ hơn điểm đó sẽ thể hiện dưới dạng điểm tỉ lệ. Mỗi bài tập có giá trị từ 100 đến 150 XP (tùy thuộc vào khối lượng bài tập yêu cầu), như vậy mỗi học sinh cần phải hoàn thành trung bình tám bài tập để đạt được điểm cao nhất. Có vài chục dạng bài tập khác nhau, học sinh có thể thoải mái lựa chọn.
Tôi cũng sử dụng một công cụ trực tuyến để giao tiếp với 85 sinh viên trong khóa học. Sau một số tìm kiếm, tôi quyết định sử dụng 3D Game Lab của Rezzly. Tôi có thể đăng các bài tập dưới dạng nhiệm vụ, xem xét các câu trả lời của học viên, chấp nhận chúng (từ đó sẽ trao số XP tương ứng) hoặc từ chối chúng kèm phản hồi về những gì họ cần cải thiện trong câu trả lời của mình trước khi gửi lại. Bên cạnh XP, công cụ này cũng cung cấp các tính năng như cấp độ và huy hiệu, tôi có dùng nhưng chúng không phải là một phần nổi bật trong thiết kế. Tôi không tin rằng học sinh quan tâm nhiều đến chúng, bởi đến cuối cùng thì không quan trọng là học sinh đạt cấp độ nào hay nhận được bao nhiêu huy hiệu.
Sau khi xem xét trải nghiệm tổng thể, tôi cảm thấy kết quả rất tích cực. Hầu hết sinh viên đã hoàn thành 1.000 XP hoặc gần đạt, một số thậm chí còn nhiều hơn vì họ muốn hoàn thành nhiều bài tập hơn để nhận được phản hồi trong khi ôn tập cuối kì. Trong phần đánh giá, một số sinh viên nhận xét điểm trải nghiệm là phần tốt nhất của khóa học; họ cũng khen ngợi những phản hồi mà họ nhận được khi hoàn thành bài tập, thứ đã giúp họ tìm hiểu nội dung khóa học một cách hiệu quả và một số thậm chí còn đề xuất áp dụng mô hình này cho tất cả các khóa học.
Từ những phản hồi trên, tôi thấy có hai bài học thú vị có thể rút ra (hoặc khẳng định) từ trải nghiệm này:
- Game hóa có thể được sử dụng để giúp học viên học theo cách tự nhiên hơn, bằng cách cho họ cơ hội thử nhiều lần cho đến khi họ làm đúng cũng như cho họ phản hồi về những gì họ cần cải thiện sau mỗi lần thử.
- Game hóa có thể được thiết kế để cung cấp cho sinh viên sự tự do theo đuổi các chủ đề mà họ quan tâm , bằng cách tạo cho họ nhiều con đường để hoàn thành các yêu cầu của khóa học.
Tuy nhiên, tôi cũng đã quan sát thấy một số khía cạnh cần cải thiện, từ đó cũng có một số bài học cho tương lai:
- Một số sinh viên yêu cầu sự đa dạng hơn nữa đối với các loại nhiệm vụ và chủ đề được đề cập, dù hiện tại nó đã khá nhiều.
- Việc cung cấp cho sinh viên phản hồi để thực sự cải thiện câu trả lời của họ cho mỗi bài tập đòi hỏi nhiều thời gian hơn vì loại phản hồi này cần chi tiết hơn phản hồi chấm điểm thông thường. Như vậy, người hướng dẫn cần phân bổ đủ thời gian.
- Mặc dù một số sinh viên đã phân bổ việc hoàn thành nhiệm vụ trong suốt khóa học, nhưng cũng có một số lượng lớn tập trung hoàn thành nhiệm vụ ngay trước kỳ thi giữa kỳ, thậm chí là ngay trước kỳ thi cuối cùng, cũng là thời hạn hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, người hướng dẫn cần lập kế hoạch thời gian cho phù hợp hoặc cố gắng và khuyến khích sự phân bổ đồng đều hơn khi hoàn thành nhiệm vụ (có lẽ nên thiết lập thời hạn trung gian để hoàn thành số lượng nhiệm vụ khác nhau, thay vì chỉ là thời hạn cuối cùng).
Như tôi đã nói lúc đầu, đây là một trải nghiệm với game hóa chỉ là một phần nhỏ của khóa học. Tuy nhiên, đó là một trải nghiệm tuyệt vời và tôi chắc chắn rằng những bài học hôm nay sẽ hữu ích cho những trải nghiệm trong tương lai. Tôi hy vọng chúng cũng có thể hữu ích cho bạn!
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: