Kể cho mọi người cùng nghe, Mary đã có 3 tháng thực tập tại một doanh nghiệp chuyên về mảng cung ứng và quản lý nguồn lao động. Mary phụ trách công việc telesale và admin xử lý giấy tờ. Trước khi đi vào nội dung chính thì Mary xin được phép dành ra vài dòng để gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi anh chị trong công ty từ bên nhân sự, kế toán, sản xuất.. đã cho mình cơ hội làm việc, cho mình sửa sai và rút kinh nghiệm.
Bài học 1: Vượt qua cái sợ của bản thân
Câu hỏi rằng: Tại sao mày lại tự tin dám nộp đơn thực tập ngay khi chỉ mới năm nhất thế?
Trả lời rằng: Vì tao không sợ, tao chấp nhận mọi sự biến động, thay đổi để tìm cho mình một vị trí mới, một vai trò mới.
Có rất nhiều bạn của Mary lựa chọn những công việc như phụ quán cơm, quán trà sữa… Mary không có ý phân biệt ngành nghề ở đây (vì bản thân của Mary cũng từng trải nghiệm qua các công việc này rồi) nhưng khi bảo mọi người nộp đơn apply thực tập sớm thì mọi người lại rất sợ. Sợ rằng bản thân mình không giỏi, không có chứng chỉ này chứng chỉ nọ hay đơn giản sợ không đậu thì lại mắc công. Chúng ta thường rất hay sợ, sợ đủ thứ trên đời, cũng vì sợ mà không dám thử. Tuy nhiên, sự thật là gì? Việc một số doanh nghiệp hạn chế tuyển thực tập sinh năm nhất cũng có lý do, nhưng tại sao chúng ta không thử, tại vì sao chúng ta lại ngại ngùng trong việc làm một chiếc CV apply vào một doanh nghiệp hay một startup. Thử làm một bài toán tính xem mức độ rủi ro của việc apply ‘thử’ thì Mary tính rằng chúng ta vẫn lời chán.
Tóm lại, bài học Mary nhận được trong giai đoạn này là phải thử, ừ. Có thể kĩ năng của bạn thiếu, kinh nghiệm làm việc lại càng không, nhưng sự tự tin và lòng quyết tâm học hỏi thì phải có thừa.
Bài học 2: Sự trách nhiệm trong công việc
Mary là một người rất dễ chán trong nhiều thứ, có vài lúc yêu cũng chán, học cũng chán, ngủ cũng chán thì tất nhiên làm việc cũng thấy chán. Mỗi ngày Mary dành ra hai giờ đồng hồ cho việc đi xe buýt tới chỗ làm. Thế nên lúc nào Mary cũng phải dậy sớm để chuẩn bị và về nhà khá muộn. Nếu trừ đi thời gian ngủ, thì thời gian cho Mary để học, thư giãn, ăn uống chỉ có 4 tiếng. Giai đoạn đầu Mary thực sự rất có hứng thú trong công việc một phần do cũng chỉ có mình là thực tập sinh phụ trách bên mảng đó nên công việc cũng khá nhiều cộng thêm sự hứng thú khi làm việc trực tiếp với anh, chị quản lý. Thế nhưng, đến giai đoạn nửa sau mình bắt đầu thấy chán một phần do có thêm intern mới nên công việc cũng ít hơn cùng với thời gian dài đi đi về về mình dần cảm thấy bị đuối. Gần như mình về nhà là ngủ chứ không có làm gì thêm cả.
Cho đến một hôm, mình ỷ lại có intern mới làm nên mình không quan tâm công việc lắm dẫn tới tiến trình công việc bị chậm đi. Lần đó, chị quản lý của mình đã nhắn tin với nội dung như vậy em là em, bạn ấy là bạn ấy, bạn ấy chỉ là đang thử việc, em phải có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Em xem bạn ấy có đang làm đúng không? Thực sự thì giây phút ấy Mary rất sợ, sợ vì chị ấy sẽ la mình, nhưng thực sự thì dù mắc nhiều lỗi sai nhưng mọi người chưa ai nặng lời với mình thực sự rất biết ơn về điều này. Từ đó, mình nhận thấy rằng mình phải có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Thay vì nghĩ, chà ngày hôm nay thật mệt mỏi, trời đổ mưa, làm biếng đi làm, thì xin off một hôm vây. Mình lại nghĩ: “Chà, hôm nay thật mệt mỏi, trời đổ mưa, công việc chưa xử lý xong hôm qua ai sẽ làm đây ta?” Mary thực sự đã có thêm nhiều động lực mỗi khi chán hay lười mà nghĩ rằng công việc cần mình, mình không làm thì ai làm đây? Giây phút này hãy có giá lên, hãy kiêu hãnh lên, cứ suy nghĩ, tao đi làm vì mày cần tao đó thôi, chứ bà đây có người yêu lo rồi nha.
Bài học thứ 3: Sự chủ động
Có thể bạn chưa biết, Mary là chúa tể của sự ngại ngùng, là thần đồng lặng thinh, là cụ tổ của ngành im lặng. Mary là kiểu người ai biểu gì làm đó, ai nhờ gì, sai gì mới làm thôi. Mary đâu có khờ mà làm tự nhiên năng nổ chi. Nhưng đó là Mary khi chưa đi thực tập. Thêm một sự thật nữa, có thể mọi người không biết nhưng Mary đã trả giá rất đắt cho sự không chủ động của mình. Chủ động là gì? Nói chung là đừng bị động, chủ động là một chủ đề rất rộng nhưng theo Mary thấy thì nó đơn giản là cách giải quyết một vấn đề luôn trong một tâm thế chủ động, làm chủ được những tình thế hiện tại và tương lai xảy ra, nắm bắt những nhiệm vụ được giao một cách rõ ràng. Và trong giai đoạn này, đừng ngại hỏi, đừng mắc bệnh sợ người khác la vì nếu so cơn phẫn nộ với trước và sau khi xảy ra sai sót, Mary nghĩ bạn cũng hiểu rõ. Mary cũng tin chắc là không có ai sẽ nỡ la bạn vì việc hỏi lại cho rõ cả, hãy dùng thái độ chân thành để hỏi lại và nắm rõ vấn đề.
Mở rộng ra thêm nữa thì Mary thấy rằng việc chủ động này thực sự rất quan, sự chủ động này không chỉ để cập đến việc chủ động trong làm việc mà còn cả học tập đơn giản như chủ động trong việc học ngoại ngữ, chủ động mở rộng các mối quan hệ như làm quen với bạn mới, với thầy cô,...
Bài học thứ 4: Diễn đạt là một chuyện cực kỳ quan trọng
Nói thực sự là, diễn đạt nội dung là một kỹ năng mà Mary thấy cực kỳ quan trọng hay là do chỉ mình Mary thấy thế nhỉ?
Mỗi lần trình bày gì với quản lý của mình, ảnh luôn hỏi, em tóm lại dùm anh, Mary đừng vòng vo. Quê, thực sự rất quê!!! Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc chúng ta không diễn đạt được ý chúng ta muốn, đó được coi là một sự bất hạnh. Có lẽ là thế, nếu chúng ta có ý tưởng nhưng chúng ta lại không thể nói ra, còn sự tệ hại nào bằng nữa?
Thông qua việc làm việc trực tiếp với quản lý mà mình đã học được cách trình bày một vấn đề tức là cách ăn nói có trước sau, có đầu có đuôi có thống nhất các nội dung. Khi trình bày một vấn đề là phải tóm gọn nội dung của mình bằng các đầu mục như kiều:
1,
2,
3,
Trình bày một vấn đề phải thực ngắn gọn, làm sao cho người đối diện hiểu được một cách rõ ràng, đừng văn chương trong môi trường công sở, đừng khiến người nghe cảm thấy như lạc quẻ, vì không hiểu nội dung?
Trong kì sau thì Mary sẽ review những cuốn sách mà Mary dùng để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình nhé!
Bài học thứ 5: Bài học về sự tin người và option thứ 2
Trong quá trình làm việc sống và học tập trước đây mình rất ít khi dự trù, cho bản thân mình option thứ 2. Ví dụ đơn giản nhất là mình chẳng biết nếu rớt đại học mình sẽ làm gì? Mình thực sự chưa bao giờ nghĩ là bản thân khi rớt đại học sẽ làm gì cả? Cứ như thể, sinh ra là biết chắc phải làm như vậy, bản thân chưa tính đến rủi ro khi kế hoạch đó sụp đổ.
Và tất nhiên trong một môi trường lớn hơn, option thứ 2 thực sự rất quan trọng. Mình đã phải trả giá bằng thời gian vì chỉ có một sự lựa chọn. Nhiều người thường hay nghĩ có cả mình nữa, mình hay nghĩ khi có quá nhiều option thì bản thân sẽ tốn thời gian để lựa chọn, nhưng suy đi tính lại mức độ tốn thời gian của việc chỉ có 1 lựa chọn vẫn cao hơn nhiều.
Dù mình rất sợ anh quản lý, nhiều lúc kiểu thấy anh ấy hay sai vặt mình quá, nhưng nói thật, nhờ vào những điều này mà mình học được rất nhiều thứ. Lúc anh ấy nhắn: “Sau này em đi làm hay đi học gì cũng vậy, cái gì cũng phải là 2 option, 2 sự lựa chọn”. Anh ấy không nói về lý do nhưng mình nghĩ mình hiểu được và tất nhiên các bạn cũng sẽ hiểu được. 
Chốt hạ cho phần 1 những bài học mà mary nhận được khi đi thực tập sớm là vượt qua nỗi sợ của bản thân, trách nhiệm trong công việc, sự chủ động, diễn đạt và option 2.