Những Tiếng Hát Thầm – Sự êm ái dịu dàng mà không nhàm chán
Âm nhạc của Mademoiselle rất dễ dàng thu hút các bạn trẻ bởi tiếng guitar chủ đạo đơn giản, giọng hát ngọt ngào trung tính rất gần...
Âm nhạc của Mademoiselle rất dễ dàng thu hút các bạn trẻ bởi tiếng guitar chủ đạo đơn giản, giọng hát ngọt ngào trung tính rất gần với những gì đang hot trên youtube hay soundcloud hiện nay. Nhưng Mademoiselle vượt lên hẳn các youtuber hay ca sĩ bán chuyên trên soundcloud khác bởi cô có khả năng sáng tác rất tốt, và cô giữ được chất lượng đó cho toàn bộ album đầu tay của mình.
Từng nổi lên như một hiện tượng với “Loanh Quanh”, Mademoiselle gây ấn tượng với thứ âm nhạc mộc mạc bình dị nhưng nhưng không hề đơn điệu. “Loanh Quanh” dễ dàng trở thành bài hát nằm lòng của nhiều bạn trẻ với những ca từ đậm hình ảnh, gây bât ngờ giữa các verse và rất dễ đồng cảm. Từ verse 1 với một câu chuyện tưởng như rất đẹp: “Có một chiều tôi đi theo anh/Loanh quanh loanh quanh đi khắp phố phường/Thì thầm đọc tên những con đường, gió lùa qua mái tóc, xem nắng nhuộm vàng trên hàng cây già”, cô ngay lập tức lật ngược câu chuyện ngay ở verse 2: “Màu hoàng hôn trên lá, anh cũng đâu thiết tha/Dòng người đi qua hối hả, phải chăng anh không mặn mà/Nếu tôi có nhạt nhòa trong tâm trí anh, cũng đâu bất ngờ”. Cô kết bài hát bằng một câu hát như nói lên tâm sự của những người mãi chưa quên được chuyện cũ: “Câu chuyện tình một thời, xin anh hãy buông lơi, và cho tôi một con đường”. Nếu tự quên được anh thì tôi đâu nhớ anh đến vậy, tôi chỉ biết mong chờ anh buông lơi để tôi có thể bước tiếp. Những tâm sự rất thật và nữ tính của Mademoiselle dễ dàng chạm đến trái tim rất nhiều người.
Mademoiselle còn là một trong sáu nhân vật xuất hiện trong đĩa tuyển tập “Đi và đi” – được giới thiệu bởi nhạc sĩ Dương Thụ như là 6 nghệ sĩ indie trẻ nổi bật hàng đầu tại Hà Nội hiện nay. Trong đĩa này, Mademoiselle đưa đến cho người nghe bài “Rơi”, một lần nữa chứng minh sự phức hợp trong sáng tác của cô nhiều thế nào mặc cho việc cô chỉ dàn dựng nó trên nền guitar. Cô cho thấy mặt u tối trong tâm hồn mình, ngay cả khi cô hát rất trung tính và lời ca cũng chẳng hề quá bi lụy: “Cuộc tình tôi đan tôi may, người vui người đốt người xé/Nụ cười theo tôi lâu nay, giờ như giọt nắng cuối ngày/Vì sợi tơ duyên ai xe, người cắt giữa chừng…”. Cô chỉ đơn giản là kể lại một câu chuyện như chẳng phải là của mình, dửng dưng như không mà như đau đến tận cùng. Cô chứng minh không cần phải bi lụy, không cần gắng gượng, sự chân thật mới dễ dàng chạm đến cảm xúc nhất.
Cá tính của Mademoiselle cũng dịu dàng, an nhiên như chính âm nhạc của cô. Cô lựa chọn chỉ phát hành album trên các nền tảng trực tuyền vì lo ngại những chiếc CD bản cứng có thể ngây hại tới môi trường. Ngoại trừ “Loanh Quanh”, cô đưa vào album “Những tiếng hát thầm” 6 bài hát hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trước đây. Cô hợp tác với người đã hòa âm phối khí cho cô trong suốt 5 năm. Nhiều lo ngại cho việc các bài hát mới ở đây có thể sẽ là những phiên bản khác nhau của “Loanh Quanh”, nhưng Mademoiselle đã làm hài lòng những người yêu mến cô bằng việc chứng minh rằng: việc cô an tĩnh nhẹ nhàng không bao giờ đồng nghĩa với sự nhàm chán.
Trước hết, về mặt âm thanh, ở “Những tiếng hát thầm” không còn chỉ có những tiếng guitar đơn thuần. Ngay ở bài hát đầu tiên “một giấc mơ”, Mademoiselle đã xây dựng một bầu không jazzy bằng những tiếng tambourine (?), tiếng kèn ngọt ngào. Ở “lơ lửng” thì lại có thêm tiếng đàn dây rất dịu dàng. Đặc biệt là ở “lặng”, Mademoiselle gần như loại bỏ tiếng guitar sở trường, thay vào đó là không gian đậm đặc của piano. Ai cũng biết rằng Mademoiselle có sở trường ở guitar, và dĩ nhiên cô cũng không cố gắng để thay đổi triệt để điều đó. Tiếng guitar vẫn hiện diện như là âm thanh chính trong toàn bộ album (ai lại không ấn tượng bởi đoạn guitar đẹp mê hồn mở màn trong “một giấc mơ”?). Tuy nhiên, như đã nói, nếu chỉ có guitar, các bài hát nghe sẽ chẳng khác gì những phiên bản khác nhau của “Loanh Quanh”. Mademoiselle tinh tế lựa chọn nhiều nhạc cụ khác nhau rất đa dạng, nhưng chúng đều có một điểm chung: ngọt ngào, dịu dàng và rất trung tính. Nhờ thế, cô giữ cho tổng thể một sự thống nhất mà không nhàm chán, và ở đó cô thỏa sức kể cho người nghe những câu chuyện với nhiều sắc thái khác nhau.
Điểm mạnh nhất của Mademoiselle chắc chắn là nằm ở khả năng sáng tác, cụ thể là ở viết lời. Tuy chỉ bằng những giai điệu đơn giản và lặp đi lặp lại, không có cao trào, cô vẫn giữ chân được sự chú ý của người nghe đến cuối cùng bằng khả năng viết lời tuyệt vời. Như cô tâm sự trong một bài phỏng vấn, chủ đề của “Những tiếng hát thầm” là sự yêu thương. Yêu thương ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu với gia đình, yêu bản thân. Và đúng như những gì Mademoiselle thể hiện từ trước đến nay, cái tình yêu thương của cô cũng nhẹ nhàng, êm ái, không mãnh liệt xô bồ mà cũng chẳng buồn bã bi lụy.
Như ở “lơ lửng”, bài hát với 4 phần là 4 giai đoạn trong câu chuyện tình yêu của riêng cô: Từ khi tình yêu vẫn đang hạnh phúc (“Hãy để chuyện yêu nhau/Làm cuộc sống thêm màu”), khi tình yêu ngày càng mơ hồ (“Vì thấy giữa thân mình, sự lửng lơ thân mình”), đến khi câu chuyện chấm dứt (“Cứ để tình phiêu du, qua bao núi bao đèo”) và cuối cùng là nỗi nhung nhớ (“Rồi những tiếng hát thầm chưa bao giờ thức giấc/Vào giữa đêm vắng lặng, lại cất lên ru lòng”). Cô không cố gắng đặc biệt hóa câu chuyện của mình (Điều này rất giống với Nhạc của Trang), cái kết của câu chuyện như đã được cô dự đoán từ trước, vì thế cô kể lại một cách hoàn toàn bình thản, không có giai đoạn nào đặc biệt hơn giai đoạn nào. Cả câu chuyện cứ chỉ ở mức “lơ lửng”, không quá hạnh phúc cũng không quá u buồn.
Những câu chuyện Mademoiselle viết về tình yêu đều luôn có một sự nữ tính rất nhẹ nhàng. Nó khác với sự nữ tính hay u sầu ở Tiên Tiên, khác với sự nữ tính hơi rắc rối của Trang, sự nữ tính ở Mademoiselle là kiểu hơi hoài niệm và rất hiền lành. Ở “một giấc mơ”, Mademoiselle kể một câu chuyện về việc cô vẫn chưa quên được câu chuyện cũ: “Nhẹ nhàng ngày quá khứ đã lâu từ đâu về đây vẫn nguyên màu xanh/Thấy em bật khóc biết mình đang nhớ, vẫn mơ về anh”. Hay ở “không là hôm nay”, cô lại thừa nhận mình chưa đủ can đảm gặp lại người cũ: “Nếu có ngày gặp nhau giữa mênh mông vô chừng/Nếu có ngày, xin không là hôm nay”. Cảm xúc của Mademoiselle vẫn giống hệt cô gái ở “loanh quanh” 4 năm trước: muốn quên mà không được, đành đặt hy vọng vào một chữ “xin”. Cô thậm chí ghi nhớ mọi khoảnh khắc trong cái ngày chia tay ấy (“Nhớ hôm nào mưa phùn theo em bay bay/chiếc ô ở đấy mà mắt em ướt lạnh/Vì hôm ấy là ngày ta chia tay”). Cô cứ chân thành kể chuyện, cứ dịu dàng nhìn lại chuyện cũ và nhìn lại bản thân mình, chẳng oán trách cũng không bị lụy. Chính thế mà người nghe lại càng đồng cảm, càng xúc động hơn. Bởi, cái đau sâu bên trong đến mức không thể hiện ra bên ngoài là những cái đau âm ỉ lâu dài nhất.
Khác với những câu chuyện tình yêu hơi u buồn và hoài niệm, khi Mademoiselle kể chuyện về tình cảm gia đình, cô ngọt ngào và luôn hướng về tương lại. Mademoiselle tâm sự cô viết “thương” để kể về người cháu của cô luôn phải sống xa mẹ trong những ngày còn bé. Thế là, cô dành trọn bài hát để nói cho cháu cô biết mẹ của bé thương bé nhiều thế nào. “Thương em từ khi chưa ra đời, yêu em từ khi còn trong nôi”, “tiếng khóc hay tiếng cười, ở nơi đây hay xa xôi/Mẹ mong em luôn thấy được yêu”. Mademoiselle là một cô gái giàu tình cảm, thế nên những ngôn từ cô lựa chọn cứ ấm áp, ngọt ngào và luôn có một niềm tin, hy vọng vào tương lai.
Mademoiselle, tuy luôn nhẹ nhàng không ồn ào, thậm chí chẳng cần xây dựng một cao trào nào, vẫn luôn là một cá tính không thể trộn lẫn. Kiểu âm nhạc của Mademoiselle làm tôi liên tưởng nhiều đến Lê Cát Trọng Lý – cô gái cầm guitar và hát những khúc ca dịu dàng. Nhưng, ở Mademoiselle có một sự nữ tính rất riêng biệt, có sự hoài niệm rất dễ đồng cảm, và một tình yêu cuộc sống, yêu con người ngập tràn. Chắc chắn rất nhiều người có thể nhìn thấy mình trong âm nhạc của Mademoiselle, đồng cảm với cô, và tự nhiên trong lòng cũng dịu lại và bình yên theo dòng chảy của “Những tiếng hát thầm”.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất