Sài Gòn, hoặc bất cứ thành phố nào nếu bạn bỏ ra một chút chú ý, đều có những điều nhỏ nhặt có thể yêu. Tình yêu này hối hả, chớp nhoáng và đầy dư vị. Có nhiều cách để thể hiện tình yêu, tôi nghĩ vậy; và có thể bạn cũng nghĩ như thế. Tình yêu cặp đôi là những lần gắp một miếng gà vào chén của người yêu; tình yêu gia đình là những lần khen món ăn mẹ nấu là tuyệt vời; tình yêu bạn bè là những lần ngồi cà phê ngắm những chiếc xe đi vút qua trước mắt; và tình yêu thành phố, với tôi, là những lần chú ý về những phần tử trong nó, từ con người cho đến những ngọn gió bất chợt bay tới. May mắn cho tôi, những ngày ăn ngủ ngoài đường cùng chiếc máy ảnh đã mang đến thứ tình yêu đó, lan tràn vào trí óc, không phải là một định nghĩa, một ý tưởng, một khái niệm, nó như là một cảm xúc - theo tôi.
  Những ngày trôi nổi trên phố Sài Gòn, cầm trên tay là chiếc máy ảnh Sony a6400 mượn được từ bạn của em gái tôi, tôi vẫn còn nhớ những ngày trước hôm được cầm nó trên tay, tôi chạy dọc xuôi để tìm kiếm một chiếc máy ảnh mirrorless - máy ảnh không gương lật - để thuận tiện cho dự án chụp phố. Sở dĩ như vậy vì trong những lần thử trước, chiếc máy DSLR Canon cồng kềnh mang đến cho những người lạ một cảm giác không thoải mái cho lắm. Và cho triệt để, tôi khoác lên một chiếc áo khoác jean đen; một chiếc mũ nồi đen; áo phông trắng và quần loe đen cùng đôi giày Converse màu chìm, tôi cuối cùng đã hòa nhập vào dòng người trên phố Sài Gòn, trông như một gã du khách mò mẫm từng con đường để chụp lại những bức ảnh ngẫu nhiên không đâu vào đâu. Đa phần, mọi người sẽ bỏ qua một gã như vậy.
  Sài Gòn rất hối hả - một điều đa số mọi người đều sẽ gật gù chấp nhận - tôi sẽ không đi sâu vào “tại sao?” mà sẽ là “như thế nào?”. Ngày đầu tiên, dừng chân tại Chợ Bà Chiểu - ý kiến từ cô Châu Trần, giảng viên của tôi (mà tôi cho là đúng, khi mà một khu chợ cũng thú vị lắm chứ) - đi bộ trước một vòng khu chợ để tìm kiếm những mấu chốt nhỏ nhặt thú vị, đó có thể là những tiếng gọi lớn, tiếng trả giá, tiếng xe máy và cả tiếng chửi rủa nữa. Nhưng sự hối hả của Sài thành là đó, khi những thân người chèn qua rất vội, những lời nói rất mau để kịp giờ về, hoặc nếu chỉ rề rà một chút thôi, con cá ngon cuối cùng sẽ mất vào tay người khác. Như đã nói, mọi người đa phần sẽ không chú ý đến tôi - một gã du khách lạ lạc vào khu chợ chiều - và như vậy, những con người vội vàng này sẽ càng không quan tâm hắn đang chụp rất mau những khung hình mà họ đang vật lộn bằng lời nói. Từ đây, tôi nhận ra chụp hình phố có thể không dành cho người xem ảnh, thật sự là vậy, mà dành cho chính người chụp thì đúng hơn. Khi mà ngón tay vội vã bấm vào nút chụp, những âm thanh và mùi của cảnh sắc đều đi và trí óc của tôi, lưu trữ  trong một góc nhỏ tí teo nào đó, giúp cho việc nhớ lại khoảnh khắc đó dễ dàng hơn một xíu khi mai sau tôi nhìn lại. Người xem lại không may mắn như vậy, nhưng may mắn là chúng ta có một trí tưởng tượng siêu phàm, một bức ảnh được xem chăm chú có thể sẽ đem lại một trải nghiệm mới hoàn toàn, có lẽ.
Chợ Bà Chiểu
Chợ Bà Chiểu
  Sài Gòn cũng rất chớp nhoáng nữa, ngày thứ hai ghé qua phố đi bộ Nguyễn Huệ một cách rất tình cờ, vì hàng trăm chú chim bồ câu đậu tại đường Lê Lợi hấp dẫn ánh mắt tôi. “Mình cần chụp khu này” - tôi nghĩ vậy và chạy vòng đỗ xe tại Hồ Tùng Mậu. Phố đi bộ trông rất giống Thành phố New York trên phim. Từng bóng người đi qua rất nhanh, và đặc biệt mọi kiểu người đều có ở đây. Chụp lại những khoảnh khắc mong muốn ở Phố đi bộ rất khó, chúng đi qua nhanh, bất chợt và lẫn vào dòng người đông đúc. Chỉ cần một giây chùn tay, tôi có thể mất đi một khung ảnh đẹp - một thứ làm tôi tiếc nuối không thôi. Nhưng điều đó lại tạo nên những kết quả tôi thích nhất, những đường nét, hành động và cả những lần lia máy chớp nhoáng đều mang đến một cảm giác tuyệt mỹ. 
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
  Sự vội vàng hối hả và chớp nhoáng của Sài Gòn đều để lại dư vị vào cuối ngày. Ngày cuối, tôi ra đường vào chiều muộn, đích đến của tôi là Léon Bar trên Hồ Tùng Mậu, không phải để uống một ly Old Fashioned mà chỉ để nhìn xem ngoài đời Léon Bar như thế nào sau rất nhiều thời gian theo dõi quán trên mạng xã hội. Sau khi được tận mắt thấy, tôi để đôi chân rảo bước trên Hồ Tùng Mậu và lang thang xung quanh thẳng ra Hàm Nghi hay Ngô Đức Kế. Trời dần về tối, những bóng người dần hòa vào màn đêm. Những lần lia máy cũng dần ít đi, chân tôi cũng chậm lại chỉ để nghỉ mệt dưới mái hiên của một ngôi nhà nào đó đã đóng cửa. Hình người vất vưởng qua ánh sáng mờ đèn led trên những bảng hiệu và cả trên những thân cây. Tôi ước rằng mình sẽ có một điếu thuốc Captain Black cho những tối khuya thế này, rất giống cảnh sắc của bộ phim kinh điểm Blade Runner, à và cả những giọt mưa lất phất trên vai.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
 Tổng kết từ hơn hai ngàn bức ảnh, hai mươi bức ảnh đen trắng với định dạng vuông đã ra đời. Cảm ơn Daido Moriyama đã truyền cảm hứng rất nhiều cho dự án này, bỏ qua màu sắc để đưa người xem tập trung hơn vào những hối hả, chớp nhoáng và dư vị của Sài Gòn là một ảnh hưởng từ ông. Có thể, tổng hợp những bức ảnh này là những ký ức vội vàng của tôi hoặc là một cách thể hiện tình yêu với Sài Gòn, phải không? Khi yêu có thể là nhiều cách, nhỉ.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ