(Những) Chúa tể của những chiếc nhẫn
Chiếc nhẫn trong tiểu thuyết của Tolkien có quyền năng ghê gớm đến mức tất cả đều muốn có nó. Nhưng nếu kẻ đeo nhẫn không đủ mạnh sẽ...
Chiếc nhẫn trong tiểu thuyết của Tolkien có quyền năng ghê gớm đến mức tất cả đều muốn có nó. Nhưng nếu kẻ đeo nhẫn không đủ mạnh sẽ bị nó thao túng. Để rồi cuối cùng chính chiếc nhẫn mới là chủ nhân, còn kẻ đeo nó trở thành nô lệ. Nghĩ rộng ra 1 chút, cuộc sống này có rất nhiều chiếc nhẫn như thế. Trong số đó, mạnh nhất có lẽ là 2 thứ này: Tiền bạc - quyền lực, và kiến thức.
Tiền bạc - quyền lực
Mình gộp tiền - quyền làm 1 vì chúng thường song hành. Cũng giống như chiếc nhẫn, bộ đôi này hấp dẫn đến mức tất cả mọi người đều khao khát. Và cũng giống như chiếc nhẫn, rất nhiều người không đủ khả năng làm chủ để rồi cuối cùng trở thành nô lệ cho nó.
Nhìn lại lịch sử, chuyện cha con, anh em, vợ chồng mâu thuẫn vì tranh đoạt tiền - quyền xuất hiện trong mọi thời kỳ, ở khắp mọi nơi. Nặng thì như Nero của La Mã, Chu Đệ của nhà Minh, hoặc Lê Thánh Tông của Đại Việt, giết cả người thân vì vương vị. Nhẹ thì anh em không nhìn mặt nhau vì tranh giành đất cát bố mẹ để lại. Chuyện này không hiếm.
Một kiểu bị tiền - quyền chi phối khác là những người nghèo bỗng dưng có của. Ai đó có thể cho rằng đấy là vận may, nhưng mình nghĩ là vận rủi. Nhanh thôi, số tiền họ bất ngờ có được sẽ mất sạch. Vô sản lại hoàn vô sản. Nhưng không chỉ có vậy. Họ còn đánh mất bản thân. Họ trở xấu xa hơn, đau khổ hơn, dằn vặt hơn so với lúc trước khi núi tiền xuất hiện.
Gần đây, trên mạng có câu chuyện “ba chúc con đủ” mình thấy rất hay. Nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần thấy đủ là được. Làm vua như Nero mà không thấy đủ thì vẫn là đau khổ, để rồi giết hại cả người thân. Liệu Nero có hạnh phúc khi làm điều đó? Liệu có ai hạnh phúc khi làm điều đó? Ta cảm thấy đủ tức là ta đã làm chủ được chiếc nhẫn. Ta nhận ra rằng nó không phải mục đích mà chỉ là công cụ. Rằng ta cần nó để mưu cầu hạnh phúc chứ không nên hi sinh hạnh phúc để mưu cầu nó. Vui thay cho những người biết đủ.
Kiến thức
Hẳn là nhiều người ngạc nhiên khi mình nói rằng kiến thức có sức mạnh tàn phá ghê gớm không kém gì tiền - quyền. Nhưng đúng là vậy đấy. Chúng ta không còn lạ gì các tâm gương ngộ chữ. Dưới đây mình xin tóm tắt lại tâm sự của 1 anh chàng như vậy trên Quora. Anh ta kể rằng:
1. Những thứ anh ta viết mang nét đặc trưng của các tác giả mà anh ta đọc. Anh ta đánh mất bản sắc của mình, trở thành cái loa nhại lại lời của họ.2. Anh ta không phân biệt được thế giới thực và thế giới mà các tiểu thuyết giả tưởng dựng nên.3. Anh ta gặp khó khăn trong việc hiểu và giao tiếp vì luôn áp dụng những chuẩn mực của sách lên mọi việc và mọi người xung quanh.
Hay như ngay trên Spiderum này và nhiều diễn đàn trí thức khác. Mình thấy không ít bạn chỉ nói được những gì đã đọc, không có thế giới quan riêng. Tựa như con vẹt nhại lại lời người khác. Họ không thực sự hiểu những điều mà họ thốt ra. Kiến thức khiến họ ảo tưởng rằng mình hiểu biết. Chưa kể đến một bộ phận sẵn sàng miệt thị, chửi bới bất cứ ai không cùng quan điểm. Hãy xem kiến thức đã tàn phá con người họ đến mức nào.
Họ ngộ nhận rằng kiến thức là trí tuệ. Nhưng không. Các vị thiền sư đắc đạo sống ấn mình đâu có biết nhiều chuyện trên đời. Vậy mà họ thông tuệ hơn tất thảy chúng ta. Biết là 1 chuyện, hiểu lại là chuyện khác. Giống như Einstein từng nói 1 câu rất hay thế này:
Kiến thức có gánh nặng của nó. Để lĩnh hội kiến thức, ta cần có chiều sâu trong tư duy. Cùng 1 sự vật hiện tượng, mỗi người có cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào khả năng tư duy của họ đến đâu. Nếu tư duy nông cạn, càng biết nhiều sẽ càng hại mình hại người. Tựa như không biết dùng dao mà lại cầm trong tay con dao sắc, sớm muộn gì cũng đứt tay.
Giống như tiền - quyền, kiến thức là công cụ nhất định phải có để vươn tới hạnh phúc. Và cũng giống như tiền - quyền, kiến thức sẽ làm chủ ta nếu ta không đủ sức làm chủ nó.
Những chiếc nhẫn trên đặc biệt nguy hiểm vì ...
... Chúng khiến ta thay đổi một cách từ từ, đến mức ta không nhận ra rằng mình đang thay đổi. Chiếc nhẫn của Tolkien làm con người thay đổi đột ngột. Được thế thì đã may vì nhiều người sẽ biết mà dừng lại. Nhưng không.
Gian dối một chút, ta kiếm bộn tiền. Và ta cảm thấy mình vẫn là người tốt. Rồi thêm chút nữa, chút nữa. Cứ như thế, con người ta dần biến chất. Cho đến khi nhận ra thì đã quá muộn để quay đầu.
Biết thêm 1 chút, ta thấy mình giỏi hơn 1 chút. Một gợn sóng tự mãn lăn tăn, nhưng ta vẫn ý thức được rằng mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Rồi mỗi kiến thức mới được thu nạp, con sóng ấy lại lớn lên. Ta dần coi mình là thượng đẳng và coi kẻ khác là ngu dốt. Ta quên mất rằng chỉ mới hôm qua thôi ta cũng ngu dốt như vậy; chỉ mới hôm qua thôi, ta còn đồng tình với những kẻ ngu dốt kia.
Ta tự mãn vì biết những điều họ không biết. Ta quên mất rằng cũng có những thứ họ biết còn ta thì không. Vậy nên, họ nghĩ khác ta có thể không phải vì họ ngu hơn ta, mà vì họ thông thái hơn ta.
Bản thân mình luôn giữ thói quen thường xuyên tự biện để không rơi vào vòng xoáy đó. Để luôn ghi nhớ rằng ta chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Bất cứ ai cũng là ếch ngồi đáy giếng, chỉ khác nhau ở độ rộng của cái giếng thôi.
Đúc kết lại
Tiền - quyền, kiến thức, tình bạn, tình yêu, hay bất cứ thứ gì khác trên đời, đều có gánh nặng. Khi ta không đủ khả năng làm chủ chúng thì chúng sẽ làm chủ ta. Xin được mượn lời của nhân vật Tyler Durden trong bộ phim kinh điển Fight Club để kết thúc cho bài viết này:
Những thứ anh sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu lại anh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất