Những Chiến binh Cầu vồng quả cảm trong cuộc chiến giành lấy con chữ
Những thứ không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn
“Những thứ không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn’’
Chiến binh cầu vồng là một cuốn sách nhiều màu sắc về giáo dục, về tình bạn, tình yêu, và ở phía bên kia chân cầu vồng, cuốn sách cũng phản ánh những mảng tối của chính trị xã hội và hệ thống giáo dục Indonesia những năm thập niên 80. Cuốn sách là chuyến hành trình có thực của tác giả Andrea Hirata trải qua sự nghèo khó để vươn lên chạm lấy chân trời tri thức. Từng trang sách lật qua không chỉ đọng lại trong mình những niềm vui thơ ngây và thuần khiết của tuổi học trò, nó còn là những ngậm ngùi, tiếc nuối cho những mảnh đời bị cái nghèo dày vò và cả sự tức giận với sự kìm kẹp của các thế lực quyền uy với nhóm người yếu thế trong xã hội.
Thật sự rằng, Chiến binh cầu vồng là áng văn hiện đại xuất sắc của Indonesia khi tái hiện lại những góc nhìn về xã hội rất chân thực và thể hiện nhưng tư duy giáo dục rất tiến bộ từ những năm thập niên 80. Dưới đây là những cái nhìn giáo dục mà mình đã chiêm nghiệm được khi vừa gấp lại cuốn sách đầy cảm xúc này.
1. Trân trọng sự bình đẳng và những điều khác biệt
Trong xã hội Indonesia bấy giờ, PN là công ty thu hút toàn bộ lực lượng lao động của đảo Belitong – hòn đảo trù phú với nguồn tài nguyên thiếc dồi dào và là bối cảnh chính diễn ra câu chuyện. PN được chính quyền tiếp quản từ thực dân Hà Lan, nên cách đối xử của PN đều phân cấp bậc rõ rệt giữa chủ - tớ, giữa những người quản lý – những người nhân viên, hay có cái tên khác là cu-li.
“….cách đối xử của PN đối với người làm công bản xứ vẫn mang tính phân biệt đối xử hà khắc. Cách đối xử khác nhau dựa trên vị trí khác nhau….vị trí thấp nhất không ai khác ngoài những ông bố bà mẹ làm thuê cho PN với những công việc kiểu như khuân ống, hoặc nặng nhọc hơn là vận chuyển thiếc, hay làm công nhật.”
Xã hội ấy chia rõ cấp bậc giàu-nghèo. Trường học của trẻ em, cũng có sự phân cấp. Trường PN là một “ngôi trường ưu tú’’ nguy nga, có quy định nhân viên của PN cấp bậc nào thì được chọn vào trường. Dĩ nhiên, những người cấp bậc thấp nhất xã hội không hề có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng. Nằm phía bên đối diện với trường PN, là ngôi trường làng Muhammadiyah nghèo nàn xập xệ. Ngôi trường đáng thương này có thể bị đóng cửa bất cứ khi nào nếu như năm học mới không có đủ 10 học sinh.
Trong nỗi sợ sệt cánh cửa tri thức bị đóng lại trước mắt của các em học sinh con nhà lao động nghèo khó không thể có tiền mua con chữ, học sinh thứ 10 cũng xuất hiện và cứu lấy ngôi trường bé nhỏ đáng thương. Học sinh đó là Harun – một cậu bé có đầu óc hơi kém phát triển. Harun không đủ khả năng để đi học ngôi trường dành cho trẻ đặc biệt ở đảo xa nên Muhammadiyah là lựa chọn duy nhất.
Trái với quan niệm thông thường về việc trẻ đặc biệt nên học trong môi trường đặc biệt, cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan vô cùng hân hoan chào mừng cậu bé Harun, bởi cậu là người đã cứu ngôi trường, mở ra một tương lai, dù là le lói cho Muhammadiyah khỏi tay chính quyền và PN. Cô Mus yêu thương Harun và sẵn sàng bảo vệ cậu trước những lời dèm pha mà lãnh đạo PN đã buông ra chỉ để nhằm lấy cớ đóng cửa trường học.
Ở xã hội thu nhỏ của Muhammadiyah, mỗi cá thể là một màu sắc của cầu vồng, mỗi học sinh là một chiến binh quả cảm. Mỗi em lại mang trong mình một khả năng, một phẩm chất, cả những ước mơ rất đẹp, rất riêng. Lintang là thần đồng toán học, thì Mahar lại là người nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết. Ikal giỏi kiến thức về Lịch sử đạo Hồi, Kucai lại quảng giao và yêu thích chính trị hay Flo lại thích những phép màu huyền bí.
Ở Muhammadiyah, các thầy cô luôn tôn trọng sự khác biệt. Harun dù đã lớn, chưa đọc được, chưa viết được, nhưng trong hoạt động bỏ phiếu bầu lớp trưởng, cô Mus vẫn tôn trọng ‘’quyền lực chính trị’’ của cậu bé như một học sinh bình thường. Chính sự mở lòng của thầy cô và mái trường, Harun cũng được hòa mình vào một xã hội bình thường, dám nuôi nấng những hoài bão và ước mơ, dù là ước mơ gì đi chăng nữa.
Ở Muhammadiyah, các thầy cô cũng rất “mở’’. Thay vì đóng khung trong những chiếc hộp cứng nhắc, những quy định ngặt nghèo như trong lớp phải có ảnh các vị nguyên thủ quốc gia Indonesia, cô Mus đồng ý với thỏa thuận của học trò khi treo ảnh những ‘’thần tượng’’ của chúng: ảnh Lý Tiểu Long – thần tượng của thằng Mahar, hay John Lennon – thần tượng của nhân vật chính Ikal, hay thậm chí bức ảnh của cha mẹ Lintang – thần tượng của chính cậu. Chính những tư duy táo bạo phá bỏ mọi khuôn khổ này, cô Mus thực sự đã tạo ra một môi trường giáo dục vô cùng mở, tôn trọng cá tính của từng cá thể, khuyến khích sự phát triển bản thân. Những điều này giúp các em được truyền cảm hứng, trở nên tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ.
2. Ai cũng có quyền ước mơ và hoài bão không còn là xa xỉ
“Hoài bão của em là gì nào, Harun?’’
Đây là câu hỏi của ông Samadikun khi đến kiểm tra và đánh giá trường Muhammadiyah. Harun thậm chí còn không hiểu từ ‘’hoài bão’’ nghĩa là gì, nhưng ai cũng biết, cậu luôn muốn trở thành Trapani – cậu học trò đẹp trai, sáng sủa nhất lớp. Đúng vậy, Harun chẳng có mơ ước gì cao sang, cậu chỉ mong được trở thành như Trapani mà thôi.
Cái đói nghèo gặm nhấm tâm hồn và cả những ước mơ của những đứa trẻ trên đảo Belitong – cái đảo mà như nhà văn mô tả, có những người làm công đến hết đời như những con chuột nhắt chết đói trong cái kho đầy gạo. Của cải của Belitong dồi dào, nhưng đều rơi vào tay PN. Còn những người lao động, họ chẳng dám ước mơ, hay hoài bão. Đó đều là những thứ xa xỉ vượt ngoài tầm với.
“Nếu không có Lintang, không đứa nào dám mơ gì. Suy nghĩ duy nhất trong đầu chúng tôi – và đầu của mọi đứa con trai sống trên đảo Belitong này – là sau khi học xong tiểu học, hay cùng lắm là cấp hai, chúng tôi sẽ đăng tên vào langkong PN; nói cách khác chúng tôi là những người làm thuê trong tương lai, rồi cả đời quần quật với công việc của người thợ mỏ, và rồi cuối cùng về làm cu-li. Đó là những gì chúng tôi trông thấy xảy ra với cha chúng tôi và ông chúng tôi, hết đời này qua đời khác.’’
Suy nghĩ ấy nảy mầm trong đầu óc của những cậu bé tiểu học, một suy nghĩ thực tế đến mức đau lòng. Thế nhưng, dưới mái trường Muhammadiyah, nhờ có giáo dục, nhờ có sự yêu thương và những lời động viên, các chiến binh cầu vồng đều tạm gác lại những nhọc nhằn âu lo và nuôi cho mình những ước mơ. Sahara muốn trở thành nhà hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ, A Kiong muốn trở thành thuyền trưởng, Syahdan muốn trở thành diễn viên, dù bị nhạo báng và bị lũ trẻ đòi ‘’xem lại ước mơ của mình’’, Samson muốn làm nhân viên rạp hát, Lintang thì muốn trở thành nhà toán học, và Harun thì chỉ cần trở thành Trapani.Những ước mơ ấy được nuôi dưỡng nhờ tình yêu học tập của Lintang, cậu bé thần đồng đã ‘’mở mắt cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể trở thành con người lớn hơn so với chúng tôi từng mơ tới.”
Trong thực tế, nhiều năm sau đó Lintang đã không tránh khỏi vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói và số phận nghiệt ngã, khiến cho ước mơ của cậu đột ngột vụt tắt ngay trên ghế giảng đường, dẫu vậy, Lintang đã truyền cảm hứng và cho những người bạn của cậu để họ nhận ra một sức mạnh tinh thần quan trọng – sự tin tưởng vào bản thân và khả năng bứt phá khỏi những rào cản vô hình mà ta tự gán lên mình.
3. Sức mạnh của tri thức, sự sẻ chia, tình yêu giáo dục hay hình ảnh chiếc cột trường vĩ đại
Thầy Harfan, cô Mus hay Lintang đều là những cá nhân điển hình mang sức mạnh của tri thức, của sự sẻ chia đùm bọc lẫn nhau và tình yêu giáo dục mãnh liệt.Nếu như những cô cậu bé là những chiến binh cầu vồng gai góc, thì thầy Harfan và cô Mus là những người truyền lửa vĩ đại.
“Thầy khơi gọi nơi bọn tôi sự ham học hỏi và khiến bọn tôi bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ được đầu hàng khó khăn gian khổ. Bài học đầu tiên của bọn tôi từ thầy Harfan là phải giữ vững niềm tin và khát khao mãnh liệt để đạt được ước mơ. Thầy thuyết phục bọn tôi rằng cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho ta dù trong đói nghèo, miễn là ta hãy cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức để lấy đi thật nhiều."
Dù có đòi nghèo, cô Mus cũng không chịu khuất phục trước những cám dỗ vật chất của PN mà luôn cống hiến hết mình cho giáo dục, cho học trò, cô “không muốn mất đi dù chỉ một đứa’’. Khi đám học trò quyết tâm bỏ học để mưu sinh đỡ đần gánh nặng gia đình, chính cô cũng là người đi tìm từng đứa một và thuyết phục chúng không được bỏ cuộc. Cô đã gạt đi những tư lợi cá nhân, gạt đi những hào nhoáng vô nghĩa để bảo vệ cho quyền được học tập của đám học trò yếu thế: “Cứ phá ngôi trường này đi nếu các người muốn, cứ phá đi. Nhưng trước tiên hãy bước qua xác tôi!’’
Dẫu ngôi trường làng Muhammadiyah có đổ nát bên ngoài, thí ý chí và sức mạnh của con người vẫn vững chãi như sắt đá, với niềm tin và sự lạc quan phi thường. Dẫu cho ngôi trường có đang đổ sụp xuống, thì Lintang vẫn sẽ “tiếp tục học cho đến khi cái cột thiêng chống đỡ ngôi trường này ngã xuống mới thôi”. Cái cột thiêng ấy xuất hiện xuyên suốt câu chuyện, đại diện cho tinh thần thép của những con người khát khao giành lấy tri thức. Cái cột ấy vươn mình bám trụ và nâng đỡ những con người khốn khổ mà chủ nghĩa thực dụng và nền giáo dục mục ruỗng đang gặm nhấm từng ngày, “giống như một người đang níu giữ cả một gia đình đang trôi nổi trên biển khơi để họ không bị chết đuối’’ khỏi những trường học của xã hội tư bản ''…để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực.”
Với những con người này, giáo dục không nằm ở những lớp học hào nhoáng, với những tấm ảnh và quốc huy trang trọng, với cơ sở vật chất đắt đỏ hay những chiếc cúp bóng bẩy. Với thầy Harfan, giáo dục là chân giá trị.
“Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.”
Lời kết
Trải qua cuộc hành trình với những chiến binh cầu vồng, mình thấy biết ơn và cả đượm buồn. Mình biết ơn những người làm giáo dục có tâm và có tầm như thầy Harfan và cô Mus, biết ơn những người có tri thức và hoài bão như Lintang khi đã khơi gợi những tiềm năng quý giá trong những đứa trẻ nghèo đói trên hòn đảo Belitong. Song mình cũng không khỏi tiếc nuối và xót xa đến tận cùng khi những đứa trẻ này không thể thoát khỏi những vòng luẩn quẩn mà xã hội thực dụng tạo nên, không thể thoát khỏi những kế mưu sinh cơm-áo-gạo-tiền nhọc nhằn đáng ra chúng không cần bận tâm ở độ tuổi đẹp đẽ này.
Cuốn sách khép lại với lời trích bản Hiến pháp Nước cộng hòa Indonesia, Điều 33:
“Mọi công dân đều có quyền được học hành’’
Lời kết như một tuyên bố đanh thép, nhấn mạnh một quyền lực cơ bản và cũng tối quan trọng mà mọi người đều xứng đáng có được – quyền tiếp cận với tri thức – mà mỗi Chiến binh cầu vồng đã phải giành giật lấy trong suốt quãng đời ấu thơ của mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất