Phim: Forrest Gump
Cậu à,
Vào một buổi sáng có nắng và gió nhẹ, cơn mưa tối qua đã trôi vào một cái hốc của thời gian, tớ nhìn vào cửa kính và thấy gương mặt mình trông cứ như tảng băng cằn cỗi trôi trên mặt biển. Lúc này, điều tớ muốn làm ngay lập tức là xỏ chân vào một đôi giày thật nhẹ và êm, rồi chạy đến trước cửa nhà cậu. Tớ sẽ đứng trên vỉa hè, ngước lên phía ban công, gọi tên cậu, chờ cho đến khi cậu mở cửa ra, ngó xuống bên dưới và nghe tớ hỏi:
“Này, cậu có muốn chạy cùng tớ không?”
Đợi cậu nắn nót buộc dây giày xong, chúng mình sẽ bắt đầu chạy, không phải trên những chiếc máy tập hiện đại và đắt tiền, cũng không phải trong một giải marathon đã biết rõ điểm đi và điểm đến.
Chỉ với hai đôi giày và những sải chân đều đặn, chúng mình sẽ lướt đi như con tàu vừa nhổ neo, băng qua những tòa nhà cứ xây lên cao mãi, qua mảnh đất trống vốn là sân chơi của trẻ em mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành một cửa hàng sáng choang hay bãi đậu xe cho mấy chiếc xe bóng loáng và sang trọng, qua những gương mặt người nhòa đi trong ánh sáng đèn đường, còi xe, tiếng động cơ rì rầm và khói bụi.
Chúng mình sẽ chạy miết về phía trước, như Forrest Gump. Cậu có còn nhớ Forrest Gump không, gã khờ trong bộ phim cùng tên ấy, một kẻ không thông minh nhưng biết tình yêu là gì, biết rất nhiều về chiến tranh, mất mát, niềm tin, sự trung thực và lòng can đảm?
Rất lâu về trước, khi vẫn còn nhỏ, tớ đã từng thất vọng nhiều khi đọc được câu chuyện về đôi cánh của Icarus. Chàng trai trong thần thoại Hy Lạp thoát khỏi mê cung Labyrinth với đôi cánh làm từ hàng trăm chiếc lông chim được gắn lại bằng sáp ong, cuối cùng lại bỏ mạng dưới đáy biển cũng chỉ vì sáp ong và đôi cánh không chịu được sức nóng từ Mặt Trời. Tớ không thất vọng vì Icarus đáng thương đã vĩnh viễn chìm xuống nước, hay vì những lời cảnh báo về tham vọng và sự ngông cuồng của con người đã được bao nhà phân tích rút ra như bài học từ câu chuyện. Tớ chỉ hụt hẫng trước một sự thật mà ai cũng biết, rằng con người không bao giờ có thể tự do bay lượn như loài chim, mà chỉ có thể nhờ đến các cỗ máy và công nghệ. Khi buồn, chúng ta ước mình có đôi cánh để bay lên, thoát khỏi mặt đất đang níu giữ nhưng kết cuộc, chúng ta vẫn chỉ có thể chao liệng trong những giấc mơ. Chúng ta chỉ có những bộ não thích suy tư và liên tưởng, thích sáng tạo và phá hủy, và những đôi chân không bao giờ có thể đạt tới tốc độ như báo Cheetah.
Với những đôi chân ấy, tớ và cậu bắt đầu chạy trên đường.
Khi chạy, chúng mình sẽ để tâm trí trải ra như hồ nước trong suốt và phẳng lặng. Chúng mình sẽ không nghĩ đến những câu hỏi kiểu như bao giờ thì mi sẽ sống giống như người khác. Chúng mình sẽ như những cái đầu đầy mây của Salvador Dali, sẽ tạm không bận lòng đến những khuôn mặt người cáu kỉnh và cũ kĩ, đến những vết thương cứ lỗ chỗ như tổ ong bên dưới cái vỏ bình thản và đẹp đẽ hàng ngày, đến những người mình từng yêu, những người mình không yêu, đến bài hát mình đã từng nghêu ngao với một người bạn mà giờ không còn liên lạc nữa, đến năm tháng đã qua cứ trôi tuột như nước mưa đổ xuống khỏi mái nhà. Chúng mình sẽ chỉ chạy thôi và không nghĩ gì nhiều hết.
Khi mệt, chúng mình sẽ ngồi nghỉ ở ven đường, dưới một gốc cây nào đó. Tớ và cậu sẽ không chạy như Pheidippides – người đưa thư Hy Lạp di chuyển không ngừng nghỉ từ Marathon về thành Athen để báo tin chiến thắng, rồi ngay sau đó  gục xuống, qua đời. Chúng mình không chạy đua hay chạy trốn. Khi nào mỏi, chúng mình chỉ đơn giản là không chạy nữa. Và khi ngồi nghỉ, tớ và cậu có thể nói chuyện với nhau trong lúc những vì sao đang nháy mắt trên bầu trời. Bất cứ chuyện gì, kể cả là những chuyện vụn vặt về tôm, thuyền câu tôm, các món ăn chế biến từ tôm, như anh chàng Bubba hay huyên thuyên với Forrest Gump. Cậu biết không, khi có thể kể lể với cậu về những mảnh mẩu kì quặc, nhạt nhẽo nhất của đời tớ, tớ vẫn thấy mình quá chừng may mắn. Ít ra tớ vẫn còn có người lắng nghe mình dông dài, còn Forrest Gump, sau cái chết của Bubba, đã không còn có người bạn nào dông dài về tôm với anh ấy nữa.
Dưới bầu trời đêm, tớ sẽ hát cho cậu nghe vài câu trong một bài hát của Bob Dylan về người chơi trống lắc tay (tambourine).
Này người chơi trống lắc tay ơi, hãy vì tôi mà chơi một khúc nhạc
Trong buổi sáng leng keng, tôi sẽ đi theo người
Đưa tôi đi theo hành trình trên con tàu ma thuật của người
(Lời bài hát Mr. Tambourine Man – Bob Dylan)
Nắng lên và ngày mới bắt đầu, chúng mình sẽ chạy tiếp. Sẽ có những lời tò mò, xôn xao, đồn thổi về mục đích việc chạy bộ của chúng mình. Vì môi trường? Vì hòa bình thế giới? Vì phúc lợi động vật? Vì bình đẳng giới? Vì người vô gia cư? Vì muốn nổi tiếng? Vì muốn truyền cảm hứng? – Hẳn là sẽ xuất hiện những câu hỏi như vậy, kiểu câu hỏi đã chờ đợi sẵn một đáp án hợp lý.
“Chúng tôi chỉ muốn chạy thôi.” Cậu đáp.
Và tớ có thể nghe được những lời xì xào, rằng hai đứa mình thật kì quặc, điên rồ, lãng phí thời gian đi hành xác. Có thể họ cũng nói đúng phần nào. Nhưng cậu này, chúng mình không chạy vì muốn sống lâu hơn hay vì muốn trở nên vĩ đại. Cũng như rất nhiều người khác trên thế giới này, một ngày nọ tự dưng làm điều gì đó chỉ vì họ thích, như vào bếp nấu ăn, bắn cung, lái xe ra khỏi thị trấn, ngồi vào bàn viết văn, vẽ một bức tranh, trồng một cái cây, đi vào lòng hang động ẩm ướt, lặn xuống biển ngắm cá mập hay học đại học ở tuổi 30, thì tớ và cậu sải bước trên đường như những hòn đá lăn bụi bặm.
Chạy. Chạy. Chạy.
Sải bước trên đường, trong tay chúng ta không có gì cả, nhưng đồng thời chỉ với đôi mắt, tớ và cậu lại có cả thế giới. Nhổ neo khỏi mái nhà quen thuộc và an toàn, chúng mình không chỉ đối mặt với hoài nghi, hoang mang và sợ hãi, mà còn với bầu trời xanh như một giấc mơ mùa hạ, với cánh đồng hoa nở rộ dưới ánh Mặt Trời, những cơn gió vi vu tràn vào mặt, vào tóc, với đại dương nơi chính những con người như chúng mình đã bắt nguồn từ đó, với sa mạc nơi trước đây đã từng là đại dương.
Vừa chạy, tớ vừa nghĩ đến khoảng thời gian cách đây gần 3000 năm trước, có một đội thuyền Phoenicia từ Ai Cập đã khởi hành đi vòng quanh châu Phi theo lệnh của Pharaoh Necho. Thuyền bè của họ thô sơ, dụng cụ hàng hải và công nghệ định vị không thể sánh với bây giờ, chỉ có lòng can đảm và tinh thần phiêu lưu là rộng lớn. Họ đi để ngắm nhìn thế giới – một nơi còn đầy bí ẩn với những vùng đất chưa được biết đến, một nơi mà khi dấn thân vào họ còn chưa biết có gì chờ đợi ở tít tắp chân trời. Khởi hành từ Biển Đỏ, những người Ai Cập cổ đại ấy men theo bờ đông châu Phi, xuôi tới Đại Tây Dương rồi băng qua Địa Trung Hải trở về quê nhà.
Vào những đêm lênh đênh trên biển, ngước mắt quan sát những chòm sao để định vị đường đi, những người thủy thủ ấy đã nghĩ gì nhỉ? Họ có giống như tớ, vừa nhìn vào những đám mây, vừa nhìn sâu vào chính mình? Tớ ngước lên Mặt Trăng, và tớ thấy lại mình của nhiều năm về trước. Từng có lúc chán chường, tớ ước sẽ có phi thuyền đậu ở sân nhà, đưa tớ khỏi Trái Đất tội nợ này, và sau khi ngủ một giấc dài trên phi thuyền ấy, tớ sẽ tỉnh dậy và trở thành một con người như tớ muốn. Khi ấy, tớ chưa xem được bức ảnh chụp Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng do tàu Apollo cung cấp. Từ Mặt Trăng xam xám, đầy sỏi đá nhìn về, Trái Đất trông như quả cầu xanh điểm trắng lơ lửng giữa màn đêm thăm thẳm. Một hành tinh đẹp đẽ, mong manh và đầy sự sống. Biết tìm đâu ra một nơi như thế này nữa trong vũ trụ mênh mông? Tớ đang ở thiên đường quý giá mà không biết, cũng như tớ đã không biết rằng sẽ chẳng thể trở thành ai khác ngoài chính mình, trên hành tinh nhỏ bé này.
Từ lúc nào tớ đã dần chấp nhận sự thật rằng tớ không thể trở thành bất cứ ai mình muốn, mà chỉ có thể trung thực với bản thể còn nhiều thiếu sót, và nỗ lực hơn, can đảm hơn để sống. Sống như tất cả những  người bình thường khác trên một quả cầu màu xanh, ngày ngày miệt mài đi về phía trước bất chấp thử thách, nhọc nhằn và biến cố.
Chạy. Chạy. Chạy.
Sẽ có lúc chúng mình mệt mỏi rã rời, toàn thân rệu rã và đau đớn. Hoặc một chiếc xe vụt qua nước mưa và bùn đất trên đường, tạt ào qua, biến chúng mình thành hai hình nhân bẩn thỉu. Hay nắng thiêu đốt và mưa dữ dội. Hay những tai nạn rình rập trên đường. Sao chúng mình vẫn còn chạy tiếp?
Tớ chợt nhớ đến bộ phim tài liệu có tên Trà – Mã huyền bí, trong đó có tập phim kể về một gia đình hành hương đến tu viện Phật giáo ở Tây Tạng. Họ cũng là những kẻ trên đường như chúng mình, nhưng thay vì chạy thì họ đi. Họ đi rất chậm. Cứ ba bước họ lại trượt xuống mặt đường lạy một lần. Chân họ nhức, da họ sạm lại và chai sần, trán họ rỉ máu. Vì lẽ gì mà họ bắt đầu một hành trình dài đằng đẵng và khổ cực đến vậy? – Từ xó xỉnh ngôi nhà thân quen của mình, tớ không ngừng thắc mắc. Những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt những người đàn ông và đàn bà nhăn nheo và khắc khổ khi họ lấy ra tấm ảnh gia đình, chỉ vào đó, nhắc tới người con trai đã mất. Hóa ra họ không chỉ thành tâm hướng Phật. Hóa ra đi bộ, bái lạy và cầu nguyện chính là nghi thức giúp họ xoa dịu và chữa lành phần linh hồn tổn thương sau cái chết của người thân.
Họ tiếp tục đi, cũng như tớ và cậu tiếp tục chạy, như Forrest Gump, như hàng bao con người trên thế giới này vẫn phải hướng về tương lai, dù có lúc đôi chân nhức mỏi, cuộc đời có vui, buồn, đầy rẫy phi lý, tan vỡ đến đâu.
Có một ngày, một nhóm người bỗng chạy theo chúng mình. Khi ấy, hai đứa mình không còn đơn độc.
Có một ngày, tớ và cậu dừng lại, ngoảnh về phía sau và lên tiếng:
“Chúng tôi mệt rồi và sẽ không chạy nữa.”
“Vậy thì chúng tôi phải làm gì đây?” Nhóm người băn khoăn.
Và tớ sẽ nói với họ rằng, cứ làm tất cả những gì họ muốn, cứ chạy tiếp hoặc dừng lại, cứ sống và cứ đi, như con tàu nhổ neo ra khơi hay đoàn thám hiểm tiến vào rừng thẳm, và trở về nhà như những hòn đá lăn kiêu hãnh.
Việt Anh  

Bài đã đăng trên Học Học Trò số 1324