Nhu cầu viết lại lịch sử thời Pháp thuộc
Bản đồ Đông Dương thuộc Pháp Tại miền Nam trước 1975, nền giáo dục phổ thông dựa trên bộ Việt Nam Sử Lược (1920) của Trần Trọng...
Tại miền Nam trước 1975, nền giáo dục phổ thông dựa trên bộ Việt Nam Sử Lược (1920) của Trần Trọng Kim. Đào sâu về thời Pháp thuộc hơn, có bộ Việt Nam Pháp thuộc sử 1884-1945 (1961) của Phan Khoang. Các nhà viết sử lớp sau như Phạm Văn Sơn cũng chỉ dựa trên hai cuốn sử này mà viết rộng ra, chứ không có khám phá mới.
Trong bài tựa cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)) của Charles B. Maybon, in năm 1920, Henri Cordier cho biết cuốn sử đầu tiên mà độc giả Pháp được biết về nước Nam là cuốn Cours d’histoire annamite (Giáo trình lịch sử An Nam) của Trương Vĩnh Ký in năm 1875.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết xong năm 1919, in lần đầu năm 1920, dưới thời Pháp thuộc, tất nhiên có sự kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa. Học giả họ Trần, uyên thâm chữ Nho và chữ Pháp, tuy dùng những bộ sử của nhà Nguyễn để soạn sách, nhưng khi xác định lý do của cuộc xâm lăng, Trần Trọng Kim hoàn toàn lấy lại ý kiến của các sử gia Pháp, cho rằng vì triều đình Huế không chịu canh tân đất nước, và áp dụng chính sách bế quan toả cảng, cấm đạo, diệt đạo, nên người Pháp mới đánh Việt Nam, để cứu giáo dân, giáo sĩ và bảo vệ tự do buôn bán.
Phan Khoang đào sâu hơn, tiếc rằng ông cũng vẫn nghiêng theo lối trình bầy sự kiện và cách đánh giá của các sử gia thuộc địa.
Nguyễn Thế Anh trong Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ dùng phương pháp nghiên cứu khoa học hơn, đã đưa ra những nhận xét mới, tuy nhiên, ông vẫn chỉ dựa vào tài liệu Pháp. Đến cuốn Monarchie et fait colonial au Việt nam (1875-1925) Le crépuscule d’un ordre traditionnel (Nền quân chủ và vấn đề thuộc địa ở Việt Nam (1875-1925) Ngày tàn của trật tự truyền thống) ông đã có một thái độ quân bình hơn.
Học giả Đào Đăng Vỹ khi viết Nguyễn Tri Phương cũng không tham khảo Đại Nam Thực Lục mà lại dựa rất nhiều vào cuốn La conquête de L’Indochine (Sự chinh phục Đông Dương) của A. Thomazi, được nhiều người tham khảo. Thomazi là một quân nhân, ông không nhắc đến các chiến bại của Pháp mà chỉ đề cao chiến thắng. Vì vậy, tác phẩm của Đào Đăng Vỹ dù xuất hiện khá muộn (1974) vẫn còn nằm trong khuôn khổ các sử gia viết theo quan niệm thuộc địa.
Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn Việt Nam ngày xưa, qua các ký họa Tây Phương đã có công sưu tầm nhiều hình ảnh, ký họa, vẽ lại các trận chiến, các vụ xử tử giáo sĩ, để người đọc hôm nay, có thể hình dung được không khí hiện trường thủa trước. Nhưng khi in lại những sản phẩm này mà không giải thích rõ ràng, là đã gián tiếp góp phần vào việc tuyên truyền cho quan điểm thuộc địa.
Cuốn sách sau cùng mà chúng tôi muốn đề cập ở đây, là Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, được giải thưởng Văn học Toàn quốc, môn Sử, 1973, ở Sài Gòn. Ông là một người viết sử thuộc lớp trẻ hơn, có đọc cả tài liệu Pháp-Việt, sách của ông được giải thưởng, khiến cuốn Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam có một uy tín nào đó, được nhiều người trích dẫn, đưa lên Wikipedia tiếng Việt. Tiếc rằng, ông cũng vẫn lại rập theo lập luận của sử quan thuộc địa, nhiều khi còn phóng đại hơn, để xác định công lao của Bá Đa Lộc và những "sĩ quan" Pháp, trong việc giúp Gia Long dựng lại cơ đồ.
Vậy sử quan thuộc địa là gì? Tại sao chúng ta phải nghi ngờ lối viết này?
Sử quan thuộc địa
Hầu như tất cả mọi người nghiên cứu về giai đoạn Pháp thuộc đều phải dựa vào thông tin của các vị thừa sai, vì họ mới chính là những người đi sâu, đi sát với dân, có tai mắt ở khắp nơi, được sự ủng hộ của giáo dân, biết nhiều thông tin ngoài lề, không có trong chính sử; hơn nữa họ là các nhà tu hành, đứng trên mọi nghi ngờ. Vì lẽ đó mà rất nhiều sử gia đã chép lại những thông tin bịa đặt của giáo sĩ La Bissachère mà không đặt vấn đề. Trường hợp Bissachère là một ngoại lệ, sẽ nói đến sau, không phải giáo sĩ nào cũng tồi tệ như thế.
Tuy nhiên, giáo sĩ là một tập đoàn riêng biệt, có những nhu cầu và mục đích không đi đôi với sự tìm hiểu sự thật lịch sử: Đầu tiên hết, khi nhận nhiệm vụ truyền giáo, là họ đã quyết rời bỏ gia đình, "một đi không trở lại", xả thân vì đạo Chúa. Nghĩa vụ tử vì đạo là nghĩa vụ cao cả mà họ đón nhận như một cứu cánh. Nghĩa vụ thứ hai là dìu dắt con chiên, không bỏ rơi con chiên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việc này giải thích tại sao các giáo sĩ khi bị đuổi khỏi Việt Nam, từ Alexandre de Rhodes (1591-1660) luôn luôn tìm cách quay trở lại ngay (bốn lần bị bắt, bốn lần trở lại), bất chấp luật lệ triều đình, bất chấp án tử hình. Nhiệm vụ thứ ba của họ đối với toà thánh là truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa trong vùng họ phụ trách. Nhiệm vụ thứ tư là phục vụ đất nước họ, đó là quyền lợi của nước Pháp, từ Alexandre de Rhodes đến Bá Đa Lộc (1741-1799), cả hai linh mục này đã xả thân suốt đời để phục vụ nước Pháp, dẫn đường cho người Pháp đến Việt Nam.
Để hoàn tất những nhiệm vụ này, một số giáo sĩ đôi khi đã, không phải bẻ cong ngòi bút, mà chỉ viết một nửa sự thật: ví dụ, mô tả việc xử tử giáo sĩ một cách cực kỳ dã man, nhưng không nói đến nguyên nhân tại sao các giáo sĩ này bị xử tử; không nói đến luật hình ở Việt Nam; giấu kỹ những hoạt động chính trị của những giáo sĩ khi giúp những phe nổi loạn chống lại triều đình (Lê Văn Khôi, Lê Duy Lương, Tạ Văn Phụng…) với tham vọng lập một nhà nước thiên đạo hoặc nhà nước Thiên Chúa giáo. Thậm chí giáo sĩ Louvet, còn "dịch" một đoạn dụ rất tàn ác, bảo là của Vua Tự Đức, trong đó có câu: "Những thầy tu người Việt, dù có chịu bước qua thánh giá hay không cũng bị chém làm đôi (…) những kẻ tàng trữ người Âu trong nhà cũng bị chém ngang thân vứt xuống sông" không hề tìm thấy ở đâu; hoặc ông "ghi lại" những lời vô nhân đạo, bảo do vua ra lệnh truyền miệng, không cho phép in, để không ai có thể kiểm chứng được. Những giáo sĩ này, dường như cố tình đưa bộ mặt "dã man" diệt đạo của vua quan nhà Nguyễn, để giáo hoàng can thiệp, để chính quyền Pháp có "chính nghĩa" đưa quân vào đánh. Nhiệm vụ của họ là vinh thăng sứ mệnh truyền giáo.
Một trong những sử gia thuộc địa ảnh hưởng lến đến sử gia Việt, lớp trước, phải kể đến Charles Gosselin và cuốn L'Empire d'Annam (Đế Quốc An Nam), 1904. Gosselin nguyên là đại úy trong quân đội viễn chinh, có mặt trên chiến trường và đã nghiên cứu rất kỹ về xã hội Việt Nam. Ông viết về phong tục tập quán của người Việt khá sâu sắc, đặc biệt vấn đề thờ cúng tổ tiên, như một triết lý sống, một hình thức tâm linh trên mọi tôn giáo, mà đạo Thiên Chúa thời ấy đã sai lầm bác bỏ. Ông viết rất kỹ về việc vua Hàm Nghe bị bắt, qua thông tin của những người trực tiếp tham dự chiến dịch này, và tỏ lòng khâm phục sâu xa hai người con của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm, đã phò vua đến chết. Tuy nhiên, ông đã không thể gạt bỏ được đầu óc chủ quan của người viễn chinh, đến đây với mục đích "chinh phục" và "giáo hóa", vì thế ông phải biện minh chính nghĩa thực dân qua hai điểm chính:
- Đổ tội cho các vua nhà Nguyễn trách nhiệm mất nước.
- Biện minh cho cuộc xâm lăng bằng cách thổi phồng sự tàn sát đạo Thiên Chúa giới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; nêu cao "thiên chức cứu đạo" của đoàn quân viễn chinh.
Hai mục đích này được trình bày rất rõ trong bài tựa: "Những vị hoàng đế nước Nam, bởi sự bội bạc đối với những người Pháp lẫy lừng, đã làm quan cho Gia Long, mà nhờ họ, mới lấy lại được ngai vàng; bởi sự thàn ác đối với những chiến sĩ đồng bào của chúng ta; bởi sự cứng đầu điên dại bế quan tỏa cảng; bởi sự khinh bỉ nền văn minh phương Tây, vì kiêu căng ngu muội, cho là man rợ; bởi sự kiên trì từ chối tiếp xúc với nước ngoài, trừ nước Tàu; những hoàng đế này, tôi bảo, phải chịu trách nhiệm sự suy đồi và sụp đổ của nước họ, phải gánh vác một mình, sự nhục nhã trước lịch sử".
Những lời lẽ trịch thượng, hồ đồ của Gosselin, chẳng những không có sử gia Việt nào đáp lại, mà còn được các ngòi bút đứng đắn cẩn trọng như Trần Trọng Kim tiếp tay, ông viết: "Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những ngườigiảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Y Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh lấy nước ta vậy".
Phan Khoang, cũng không đi ra ngoài những luận điểm ấy: "Vua Minh Mệnh cũng có ý tự cường, tự chủ, nhưng không hiểu tình thế thiên hạ, lại không dung nạp đạo Gia Tô, nên cái mầm xung đột sinh ra từ đó. Vua Thiệu Trị tiếp tục chính sách ấy, người Pháp có cớ mà gây hấn, và tiếng súng đầu tiên nổ ở Đà Nẵng năm 1847, đã báo hiệu những ngày mai đầy giam hiểm".
Phan Khoang viết tiếp: "Ngài [vua Tự Đức] không hiểu rõ thời thế, cứ tưởng chỉ có nước Tàu, nước Việt Nam mới là văn hiến (…) chứ các nước khác là dã man (…) phần đông các quan đại thần lúc bầy giờ như các ông Nguyễn Đăng Giai, Trương Đăng Quế, Võ Trọng Bình, Nguyễn Tri Phương… đều là hạng người bảo thủ (…) người nước ta còn cho người Âu châu cũng như rợ Đột- khuyết đời Đường, rợ Kim đời Tống mà thôi, nghĩa là tuy về võ bị họ tài giỏi, nhưng cũng là giống người dã man, không đáng cho ta bắt chước. Vì vậy, Vua Tự Đức đối với đạo Thiên Chúa và với người Tây Dương cứ theo chánh sách của Vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị (…) cho nên khi vua quan đã sai đường, lầm nẻo thì cả nước bị bại vong".
Nguyễn Thế Anh, sau khi mô tả biến cố Pháp đánh Đà Nẵng ngày 15/4/1847 theo luận cứ của sử gia Pháp, nhận định: "Sự thị uy của các chiến thuyền Pháp tại Đà Nẵng cho thấy rõ nguy cơ đương đe dọa nước Việt Nam. Các quan trong triều Vua Tự Đức mới kế vị Thiệu Trị không phải là không ý thức được mối đe dọa ấy; trong các bản sớ tâu lên nhà vua, nhiều người đã đề cập đến sự bành trướng thế lực của người Âu tại Viễn Đông. Nhưng triều đình đã không có một biện pháp đối phó nào, ngoài sự cấm đạo Thiên Chúa ngặt nghèo hơn trước. Nhân vụ An Phong Công Hồng Bảo mưu nghịch, tìm sự ủng hộ của các giáo sĩ Âu Châu để đoạt ngôi báu. Vua Tự Đức nghi ngờ các nhà truyền giáo nhúng tay vào đời sống chính trị Việt Nam, và cho công bố 2 đạo dụ cấm đạo mới năm 1848 và 1851. Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt bị xử tử. Tại Nam Việt Nam vào khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đày".
Không hiểu Nguyễn Thế Anh căn cứ vào đâu để xác định hai điều:
1- Triều đình đã không có một biện pháp đối phó nào, ngoài sự cấm đạo Thiên chúa ngặt nghèo hơn trước.
2- Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt bị xử tử. Tại Nam Việt Nam vào khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đầy.
Về điểm thứ nhất: Vua Minh Mạng, trước kinh nghiệm mất nước của Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, rồi sau đến chiến tranh nha phiến ở Trung Hoa (1839), và vị trí chiến lược của nước ta trên Thái Bình dương, đã thấy mối đe doạ ngoại xâm không thể nào tránh được, nên đã thiết lập một lực lượng quân sự hùng mạnh. Sau lá thư đe dọa của Roberts, năm 1804, Vua Gia Long đã tổ chức phòng bị người Anh, bằng cách xây các thành trì và pháo đài. Minh Mạng tiếp tục chính sách của cha, từ năm 1826, đã cho xây Hải Vân Quan, trên đèo, chặn đường tiến của những đạo quân từ Đà Nẵng có thể đánh vào Huế. Năm 1836, củng cố các thành đài An Hải và Điện Hải để bảo vệ vịnh Đà Nẵng. Đà Nẵng được Barrow, người Anh đến đây năm 1793, gọi là vịnh Gibralta của Á Đông. Nhờ những pháo đài phòng thủ, xây từ thời Gia Long, Minh Mạng, khiến nhiều lần quân Pháp đánh Đà Nẵng đều thât bại: chỉ đến bắn phá rồi bỏ đi. Năm 1847, Lapierre và Rigault de Genouilly oanh tạc lén 5 chiến thuyền đồng của vua Thiệu Trị rồi bỏ đi. Năm 1848, 14 chiến hạm của liên quân Pháp, Y Pha Nho đánh vào Đà Nẵng, chiếm được An Hải và Định Hải, nhưng không thể vượt đèo Hải Vân để đánh Huế, đành phải bỏ vào đánh Sài Gòn. Thiệu Trị và Tự Đức tiếp tục việc phòng thủ. Cho nên người Pháp phải để ra 30 năm mới chinh phục được Việt Nam (1858-1888).
Tóm lại, khó có thể nói là Triều đình đã không có một biện pháp đối phó nào, ngoài sự cấm đạo Thiên Chúa ngặt nghèo hơn trước, như Nguyễn Thế Anh viết.
Việc cấm đạo đối với triều Nguyễn không phải là quốc sách, như các giáo sĩ thổi phồng, nên chỉ được ghi lại vài dòng rải rác trong Đại Nam Thực Lục. Dù bị các vị thừa sai gọi là "bạo chúa", Vua Minh Mạng không cấm hẳn đạo mà chỉ ngăn chặn việc đạo Thiên Chúa lan rộng. Thấy mối liên lạc mật thiết giữa giáo giới và các chính quyền thực dân, vua cấm giáo sĩ xâm nhập vào Việt Nam và ra lệnh cho các giáo sĩ, đã ở trong nước, về Kinh dịch thuật.
Từ năm 1835, sau khi bắt được một số giáo sĩ nhúng tay vào hai vụ loạn nổi tiếng Lê Văn Khôi trong Nam và Lê Duy Lương ngoài Bắc, mục đích lật đổ triều Nguyễn, xây dựng một nhà nước Thiên Chúa giáo, Linh mục Marchand (Cố Du) bị bắt với 5 phần tử nòng cốt của cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi, cùng bị xử lăng trì, từ đó, việc cấm đạo mới nghiêm ngặt hơn: Giáo sĩ bị bắt sẽ bị ném xuống sông.
Về điểm thứ hai: Con số những người tử vì đạo, cũng cần phải kiểm chứng lại. Bởi nếu đọc các điều khoản cấm đạo dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì không thấy lệnh nào giết dân; các vua thường khoan hồng, truyền cho các quan phải tìm cách giảng giải cho họ hiểu, và giải tán không cho tập trung ở một nơi, để thoát khỏi ảnh hưởng các cha cố. Vậy con số hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đày mà Nguyễn Thế Anh đưa ra, khó có thể tin được nếu không có bằng chứng cụ thể, nói rõ ở đâu, trong những hoàn cảnh nào. Bởi vì, thông tin của các vị thừa sai thường rất tương phản, một mặt họ thổi phồng việc tàn sát giáo dân, một mặt họ đưa ra những con số rất lớn về những người đã được rửa tội, trong thời kỳ cấm đạo.
Tiếp tục phỉ báng các vua Nguyễn, Gosselin viết: "Những lời nguyền rủa dữ dội và những cơn phẫn nộ vô ích của Thiệu Trị, những than van bất lực và những lễ tế trời của Tự Đức bộc lộ những cố gắng tột độ của các quân vương yếu đuối như đàn bà này để chống lại sự tiến công của chúng ta trên vương quốc của họ".
Theo Gosselin, nếu vua Gia long còn sống thì đã không có chiến tranh, có lẽ nhà vua đã "dâng" nước cho Pháp vô điều kiện, như giấc mơ của vị Giám mục yêu nước [Pháp] Bá Đa Lộc:
"Nếu chúng ta có được trước mặt một ông hoàng thông minh, sáng suốt, chủ động như Gia Long, chiến tranh sẽ không xẩy ra (…) nếu những kẻ kế vị đại đế này có được một vài đức tính của cha ông, thì, dưới sự bảo trợ của chúng ta, đất nước này sẽ đi vào con đường canh tân giống như nước Nhật. Sự biến chuyển có thể chậm hơn, vì cá tính hai dân tộc khác nhau trên nhiều điểm, nhưng cũng đủ để cho người ngoài nể trọng, và thay vì nước Nam ngày nay sống nhục nhã dưới nền đô hộ của chúng ta, được che bằng hai chữ bảo hộ khả kính, có thể, sẽ là đồng minh và bè bạn của nước Pháp, thực hiện giấc mơ cao quý của vị Giám mục yêu nước Bá Đa Lộc."
Có lẽ đây là lần đầu "giấc mơ cao quý của vị Giám mục yêu nước" được một sử gia nói ra.
Dĩ nhiên vấn đề Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh sẽ phải nghiên cứu lại. Ông Bá có thực tâm giúp Nguyễn Ánh hay ông chỉ muốn dẫn đường cho Pháp vào Việt Nam, như Gosselin "gián tiếp" cho biết. Còn Nguyễn Ánh tới đường cùng, ở tuổi 22, đã trao đứa con 3 tuổi cho Bá Đa Lộc để tránh nạn tuyệt tự, việc đưa Quốc ấn cho Bá Đa Lộc thì có, vì được Nguyễn Ánh xác nhận, nhưng "quốc thư" chắc là giả. Lúc ấy Nguyễn Ánh tìm nhiều lối thoát, định nhờ cả Anh, Hoà Lan, Y Pha Nho… cứu giúp. Bản hoà ước cầu viện, ký giữa Bá Đa Lộc và ngoại trưởng Pháp Montmorin ngày 28/11/1787, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bá Đa Lộc viết ra, không có gì cho thấy là ông đã "tham khảo" ý kiến Nguyễn Ánh. Bởi vì khoản nhường các vùng Đà Nẵng, Hải Vân và Côn Đảo, trong hòa ước, là điều tối kỵ: từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn là khu chiến lược cực kỳ quan trọng, các chúa đều giao cho Hoàng tử trưởng làm trấn thủ; đèo Hải Vân là yết hầu của Huế, chiếm được ải này là có đường đánh vào Kinh đô. Một người tài trí như Nguyễn Ánh chẳng thể không biết điều đó.
Cuối cùng, vì nhiều lý do, Louis XVI không giúp, khiến Nguyễn Ánh thoát mọi nợ nần với Pháp mà có lẽ trong bước đường cùng, ông đã không chủ động được. Lá thư ông viết ngày 31/1/1790, cám ơn Pháp hoàng một cách hoan hỉ vì đã không giúp, đã chứng tỏ sự kiện này.
Tất cả những điểm này cần được khảo sát lại từng chi tiết, từng ngõ ngách, đọc kỹ thư từ của Bá Đa Lộc gửi Hội Thừa sai và Chính phủ Pháp, mới có thể tìm được một phần sự thật và hiểu tại sao các sử gia thuộc địa vinh thăng Bá Đa Lộc lên hàng "vĩ nhân yêu nước" và cho rằng nếu Vua Gia Long còn, thì nước Nam sẽ vào tay Pháp không tốn một xu, như nguyện ước của Bá Đa Lộc.
Trở về lý do của cuộc xâm lăng, thì đây mới là lý do thực sự cuộc xâm lược qua lời Gosselin thổ lộ với độc giả Pháp:
"Đồng bào ta, không thông hiểu lịch sử, cho rằng nước Pháp đã bị lôi kéo can thiệp vào nước Nam chỉ vì muốn hỗ trợ các giáo sĩ, hay muốn trả đũa những hành động gây hấn đối với họ và sự tàn sát đạo Thiên Chúa. Thực ra, những giáo sĩ chỉ là cái cớ để chúng ta tấn công nước Nam. Bị mất Ấn Độ trong thế kỷ thứ mười tám, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh, ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh bỉ. Nước Nam đã cho ta cơ hội, sự tàn sát các giáo sĩ người Pháp đã cho ta cái cớ, chúng ta vội vàng nắm lấy là điều dễ hiểu, và đến giờ này sự chiếm hữu đã toàn vẹn."
Gosselin đã nói rất rõ: "những giáo sĩ chỉ là cái cớ để tấn công nước Nam". Và lý do tấn công là vì Pháp đã bị mất Ấn Độ trong thế kỷ thứ mười tám, sự thực là Pháp đã mất cả Canada và Mỹ nữa. Ngoài ra, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh, ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, bắt buộc Pháp phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh bỉ. Các sử gia việt Nam khi nói đến lý do cuộc xâm lăng, nên để ý đến những lời quan trọng này của Gosselin. Khi nói đến lý do "số mệnh" tạo ra từ vị thế địa lý chính trị của Việt Nam, Gosselin còn viết những hàng tự cao tự đại sau đây:
"Bởi lỗi của những hoàng đế nước Nam sau Gia Long, mà chúng tôi sẽ trình bày những khía cạnh khác nhau, đất nước họ nằm trên đường dẫn đến nước Tầu, định mệnh bắt buộc phải rơi vào vào tay một cường quốc Âu Châu. Không kiêu ngạo, chúng ta mạn phép cho rằng rơi vào tay ta là một đặc ân của số mệnh. Thử hỏi nếu rơi vào tay nước Anh thì sẽ ra sao? Không ai lạ gì chính sách của Anh đối với thổ dân ở Úc, sự trấn áp những nước cộng hoà Nam Phi bằng những hành vi bỉ ổi, sự xấc xược hỗn hào hành hạ những dân tộc mà họ đã chinh phục bằng võ lực…".
Những lời trên đây của Gosselin bộc lộ quan niệm sử học thực dân: biện minh cho thiên chức giáo hoá của người Âu và đạo Thiên Chúa, kể lại "công ơn" của người Pháp đối với Việt Nam. Nhờ Pháp mà Nguyễn Ánh mới "xây dựng lại được cơ đồ". Lên ngôi, Nguyễn Ánh "biết ơn" Bá Đa Lộc, trọng dụng các sĩ quan Pháp "đã giúp ông lấy lại ngai vàng" như Chaigneau, Vannier… phong làm quan lớn trong triều. Nhưng sau khi Gia Long mất, Minh Mạng "vô ơn bạc nghĩa", đuổi họ về, "bế quan toả cảng, tàn sát đạo Thiên Chúa". Thiệu Trị, Tự Đức rập theo đường lối "dã man" hậu tiến này. Vì vậy mà Pháp phải can thiệp để cứu giáo sĩ, giáo dân, "khai hoá" cho dân Việt. Nhưng những lý do "vững như bàn thạch" này lại hoàn toàn bị triệt tiêu, khi chính Gosselin đưa ra lý do tối hậu: Giáo sĩ chỉ là cái cớ, Pháp đánh chiếm Việt Nam, vì ở thế cùng. Việt Nam có vị trí thuận lợi lợi: nằm trên đường dẫn đến nước Tàu, định mệnh bắt buộc phải rơi vào tay một cường quốc Âu Châu.
Nhìn dưới những góc độ này, thì chúng ta không còn có lý do gì để mơ tưởng rằng cứ mở cửa cho Pháp vào tự do giảng đạo là mọi chuyện xong xuôi, êm đẹp, sẽ không có sự xâm lăng! Vấn đề cần được đặt lại: Nếu các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, không đề phòng người Âu và hạn chế sự phát triển của đạo Thiên chúa, thì nước ta đã bị đã bị xâm chiếm từ bao giờ?
Silvestre, cựu Giám đốc Chính trị và dân sự Bắc Kỳ, Giáo sư trường Cao Đẳng Chính Trị, đã không ngần ngại nói lên sự mãn nguyện của ông và nước Pháp, sau khi ký xong hiệp ước 5/6/1862, lấy được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hoà, Gia Định (Sài Gòn), Định Tường (Mỹ Tho) và đảo Côn Lôn (Côn Đảo), ông viết:
"Ngày mùng 5 tháng 6 năm 1862 này đánh dấu sự thành công, chúng tôi không dám nói là của đường lối chính trị Pháp mà là của một ý tưởng Pháp. Sa xuống từ 180 năm trước trong địa hạt hoạt động của Pháp (…) ý tưởng Pháp đã được thực hiện, dẫn chúng ta đến sự sở hữu trọn vẹn và toàn thể một đất nước rộng lớn và phì nhiêu và nắm trong tay một trong những đế quốc hùng mạnh nhất vùng Đông Á".
Paul Doumer, Toàn quyền Pháp, nhận định về người Việt Nam: "Điều không thể chối cãi được là những người này [người Việt] hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Miên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm".
Những nhận xét có ý khen ngợi của Paul Doumer, cũng là để thầm khâm phục chính nước Pháp đã thắng một dân tộc như thế, và ông còn đi xa hơn nữa: "Đế quốc An Nam đã đạt tới mức hùng mạnh nhất, cách đây một thế kỷ [tức là 1803], khi được người Pháp cố vấn và lãnh đạo".
Doumer, dù nhũn nhặn hơn Gosselin, nhưng vẫn một giọng bề trên, kể những công lao (chưa bao giờ có thực) của nước Pháp đối với vua Gia Long, với nước Việt.
Những lời trên đây của Silvestre và Doumer, đối với người Việt ngày nay có một nghĩa khác: Chúng ta không thể dựa vào đó để kiêu căng, cũng không phải họ phỉnh phờ vô bằng cớ. Mà những lời đó chứng tỏ rằng khi Pháp đánh chiếm nước ta, họ đã đứng trước một đất nước hùng mạnh vào bậc nhất vùng Đông Á, một dân tộc có cá tính giống như dân Nhật, khiến ngày nay, bắt buộc chúng ta phải nhìn lại chính mình, phải làm sao để khỏi hổ thẹn với tiền nhân và tiến tới sự ngang bằng với Nhật Bản.
Giới nghiên cứu Pháp
Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp, tiên phong trong việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam, là Maybon và Cadière.
Linh mục Cadière, chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), đã có nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ này, trải dài trên toàn bộ tập san BAVH và Bulletin de l’École d’Extrême Orient (BEFEO), đặc biệt hai loạt bài Les documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) và loạt bài Les français au service de Gia Long (Những người Pháp giúp Gia Long), in trên BAVH trong 9 năm, từ 1917 đến 1926.
Sử gia Maybon, với hai cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820) và La relation de la Bissachère (Ký sự Bissachère) do ông sưu tầm, viết lời giới thiệu và chú thích, đó là hai tác phẩm chủ yếu của ông về giai đoạn lịch sử này. Chúng tôi sẽ giới thiệu nội dung hai cuốn sách này trong những phần sau.
Trẻ hơn có Georges Taboulet với bộ La geste française en Indochine (Huân trạng của Pháp ở Đông Dương) 2 tập, với lối trình bày mới, tuy tên sách vẫn mang dáng vẻ "thực dân", qua chữ "la geste" ngụ ý: "huân trạng", "thiên anh hùng ca" của người Pháp tại Đông Dương. Bìa tập I, in chân dung Chaigneau, người được các sử gia thuộc điạ coi là "một trong anh hùng có công đầu giúp Vua Gia Long chiến thắng và là đại sứ Pháp đầu tiên ở Việt Nam". Cuốn sách của Taboulet ảnh hưởng rất nhiều đến các sử gia Việt Nam sau này.
Daniel Hémery cho in cuốn Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en indochine (communistes, trotskystes, nationalistes à Saigon de 1932 à 1937) (Cách mạng Việt Nam và chính quyền thực dân ở Đông Dương (cộng sản, trốt-kít, quốc gia tại Sài Gòn từ 1932 đến 1937). Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ colonial (thực dân) xuất hiện trên bìa một cuốn sách lịch sử do người Pháp viết. Tác phẩm đi sâu vào nội tình của nhóm La Lutte (Tranh Đấu), tuần báo viết tiếng Pháp, xuất hiện ở Sài Gòn thập niên 1930, do hai nhóm Cộng sản và Trốt kít chủ trương. Tác giả mở rộng địa bàn vào cuộc cách mạng chống Pháp của thành phần trí thức và lao động ở miền Nam, phơi bầy bộ mặt thật của chính quyền thực dân.
Philippe Devillers có cuốn Paris-Saigon-Hanoi, Les archives de la guerre 1944-1947 (Paris - Sài Gòn - Hà Nội, Những văn kiện về cuộc chiến 1944-1947) dựng lại bối cảnh lịch sử giai đoạn 1944-1947 qua các văn bản. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên vạch ra trách nhiệm của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhờ kho tài liệu mới của bộ quốc phòng.
Charles Fourniau với cuốn Vietnam domination coloniale et résistance nationale (1858-1914) (Việt Nam, đô hộ thực dân và kháng chiến quốc gia (1858-1914)). Dày 845 trang. Lần này cả bốn chữ: đô hộ, thực dân, kháng chiến, quốc gia, đều có mặt trên bìa sách, chứng tỏ một tương quan đồng đẳng. Tác phẩm bao gồm hơn nửa thế kỷ lịch sử trong cái nhìn mới, xứng đáng là một cuốn sử hiện đại, trung thực. Tác phẩm đào sâu vào mặt sau của nhiều sự kiện mà các sử gia lớp trước chỉ nhìn thấy bề mặt, hoặc không muốn đi sâu. Chính Fourniau đã ít nhiều vẽ lại khuôn mặt đích thực của các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dựng lại sự thật về các chính sách của triều Huế để bảo tồn nền tự chủ của dân tộc trong thế kỷ XIX. Dựng lại các trận chiến một cách trung thành, không tô hồng phiá Pháp, không bôi nhọ phía Việt.
Gần đây hơn, François Guillemot, với cuốn Đai Viet indépendance et révolution au Viet Nam (Đại Việt, độc lập và cách mạng Việt nam), 738 trang, nghiên cứu về đảng Đại Việt, đồng thời tìm hiểu và trình bày những phong trào cách mạng quốc gia đã bị bôi nhọ, chôn vùi, dân tộc bỏ quên hoặc không hề biết đến.
Céline Marangé với cuốn Communisme vietnamien (1919-1991) (Cộng sản Việt Nam (1919-1991)) mở ra một lối nghiên cứu mới về Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản khác hẳn các sử gia thiên tả đi trước như Hémery, Brocheux, Fourniau.
Như vậy, có thể nói, các sử gia Pháp lớp sau, đã phần nào làm xong công việc của họ: tìm cách viết về giai đoạn lịch sử đẫm máu giữa hai dân tộc, một cách trung thực hơn, gần với sự thực hơn. Làm như vậy là họ đã ít nhiều trả được món nợ mà tổ tiên thực dân của họ đã gây ra và lấy lại danh dự cho nước Pháp.
Về phía Việt Nam
Người đọc Việt Nam vẫn chờ đợi những tác phẩm lịch sử đứng đắn, viết bằng tiếng Việt, theo tinh thần mới, bởi những gì Trần Trọng Kim viết dù đáng trọng, cũng đã được 100 năm rồi. Lịch sử về giai đoạn nào cũng cần cả. Không lẽ chúng ta lại phải dịch sách của Fourniau để có một cuốn sử đúng đắn, mặc dù việc dịch là cần thiết, nhưng nó không miễn cho chúng ta việc viết lại lịch sử nước mình.
Sự nhìn nhà Nguyễn theo quan niệm của các giáo sĩ và quân đội viễn chinh của các sử gia lớp trước, từ Trương Vĩnh Ký đến Trần Trọng Kim, Phan Khoang… trong một thế kỷ nay, đã ảnh hưởng sâu xa đến đầu óc mọi người: chúng ta "xấu hổ" về "sự yếu đuối và thiển cận" của triều đại cuối cùng.
Vì một số nhận định thiếu khách quan của một số sử gia nên đã để lại nhiều băn khoăn trong đánh giá vai trò của Nhà Nguyễn trước đây.
Ảnh hưởng bởi câu "Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà", bên cạnh một số ý kiến sổ toẹt nhà Nguyễn, thì nhiều học giả sử gia ở Viện Sử học như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp, Nguyễn Ngọc Tỉnh, … dịch những bộ chính sử của nhà Nguyễn như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ… Đó là đóng góp lớn lao của Viện Sử học, mà ngày nay phần lớn các dịch giả ấy đã qua đời.
Nhờ công lao của họ mà những người nghiên cứu không biết chữ Hán, có những tư liệu đúng đắn về phía Việt để đối chiếu với phía Pháp. Và cũng vì lẽ đó mà chúng ta không thể lười biếng mãi, cứ để cho người Pháp viết hộ, nghiên cứu hộ, phải tự cầm bút viết sử nước mình.
Đại Nam Thực Lục do Vua Minh Mạng cho soạn, sai người đi khắp các nơi tìm tài liệu lịch sử, nhưng nhà vua kiểm duyệt. Sách bắt đầu in khi vua đã qua đời, dưới triều Tự Đức. Vậy có thể nói là các sử thần đã được tự do viết sử dưới triều Minh Mạng. Sử viết theo lối biên niên, ghi các chuyện xảy ra hàng ngày, ghi lại cả những lời vua nói với các quan trong triều. Tổng tài (tức chủ biên) là các quan đầu triều có uy tín, liêm khiết, như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản… đã sống cả ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cho nên mọi việc xảy ra khó có thể chép sai. Nhờ thế mà ta biết được những gì đã xảy ra trong nội bộ triều chính, những bàn luận giữa vua và các đại thần về chính sách đối phó với ngoại xâm. Nhờ những ghi chép này, mà ta biết Vua Minh Mạng nói gì về việc cấm đạo, Vua Thiệu Trị có phản ứng thế nào đối với việc hai chiến thuyền Pháp gây hấn ở cửa Đà Nẵng ngày 15/4/1847; biết được những bàn bạc của vua Tự Đức với Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tường,… về chiến lược đối đầu với Pháp trong suốt thời đại Vua Tự Đức trị vì.
Đại Nam Thực Lục phản ảnh chính sách cai trị, cách điều hành nhà nước, sự thất bại và thành công ở mỗi chặng đường, tư cách của các vua, các quan. Nhờ vào đó mà ta có thể gột rửa nhãn hiệu "bạo chúa", "Néron Annam", mà các thừa sai đã gán cho vua Minh Mạng từ hơn 100 năm nay.
Cũng nhờ vào Thực Lục, Liệt Truyện, mà ta biết Vua Gia Long làm những việc gì, lính Pháp giúp gì cho Nguyễn Ánh? Ai xây thành? Ai đắp luỹ? Ai đóng thuyền? Ai đúc súng? Chúng ta có chứng cớ để bác bỏ hoàn toàn luận điệu của các sử gia thực dân, không những họ đã cướp nước, mà còn cướp cả quá khứ, cả lịch sử của ta nữa.
Gần đây hơn, Võ Đức Hạnh đã sưu tầm các tư liệu gốc thời kỳ Vua Tự Đức đánh nhau với Pháp trong tập La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Việt Nam de 1870 à 1886 (Vị thế của đạo Chúa trong quan hệ Pháp Việt từ 1870 đến 1886). Bộ sách này cũng là một kho tự liệu quý giá cho những người nghiên cứu cuộc chiến 30 năm này.
Viết lại lịch sử theo tinh thần mới là một nhu cầu, một kinh nghiệm, một cần thiết cho dân tộc, nhất là cho giới trẻ, trước cuộc đấu tranh với Trung Quốc, để dành lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bối cảnh đó, bộ sách Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị xuất hiện đúng lúc, góp phần vào những bước đầu xây dựng lại một nền sử học đúng nghĩa.
Trích: Vua Gia Long và người Pháp - Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn của Thụy Khuê, NXB Hồng Đức, 2017.
Bài tiếp theo: Giới thiệu bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị.
Đọc thêm:
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất