Trong bài viết Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17, Jason Gibbs có lập ra một danh sánh sơ bộ những ca khúc của người tập kết từ Nam ra Bắc và của người di cư từ Bắc vào Nam, sau hiệp định Genève 1954. Tuy nhiên, Jason Gibbs bỏ sót mất một ca khúc của người di cư mà cá nhân mình thấy là một trong những bài hay nhất, đó là bài Nhớ bến Đà giang của nhạc sĩ Văn Phụng.

Trên trang Một thời Hà Nội hát của anh Trương Quý, có thông tin ca khúc này được Văn Phụng sáng tác trong khoảng 1958. Thực ra mình vẫn chưa hiểu từ đâu mà anh có cái mốc này, vì theo nhiều nguồn khác thì Văn Phụng đã vào Nam từ khoảng 54 rồi. Tại sao bài hát này không ra đời sớm hơn, vào khoảng 55 hay 56?

Có lẽ anh dựa trên thông tin ghi trên các tập nhạc sau chăng?

Ca khúc này đã từng được nhiều ca sĩ trình bày, nổi bật là Thái Thanh, Hoàng Oanh và Phương Hồng Quế, và mỗi người đều có cách hát riêng. Nhưng mình rất thích cách hát câu đầu tiên của Hoàng Oanh và Thái Thanh.
Cái cảm giác hoài hương của người xa xứ trong Nhớ bến Đà giang dường như lặp lại rất nhiều lần trong văn chương và âm nhạc của xứ sở này:
Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
(Văn Cao, Ai về Kinh Bắc, 1941)
Nghe Nhớ bến Đà giang của Văn Phụng và Chiêu Tranh, cũng như nghe Mưa trên phố Huế của Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương, mình muốn một hôm nào đó nhiều sức khỏe và thừa tiền bạc, sẽ một lần được đi thuyền trên những dòng sông quê hương. Sẽ theo dòng Đà giang mà trôi qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, đi bắt cá ngần trắng như tuyết, đi xem người ta bán côn trùng ở chợ quê Hòa Bình và ăn thử cái món đặc sản cá Ốt đồ của người Mường. Qua nửa đời phiêu dạt, cũng phải có lúc về úp mặt vào sông quê chứ, phải không?








Chao ôi trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà)
Không biết chờ đến khi mình có thể thực hiện cái việc ấy, thì Đà giang có còn nước biết hay không, hay đã bị làm cho đen thui rồi.

Hẳn xúc động lắm khi đứng ở đầu mũi thuyền trôi giữa hai bờ là những khối núi đá vôi bị phong hóa của cảnh quan Karst, mà nhìn cảnh nắng xuống trời lên sâu chót vót, để nối lại một niềm thân mật với người xưa. Tự nhắc mình rằng, ở khúc sông này đã từng có ông Nguyễn Tuân, có ông Văn Phụng đi qua.
20.08.20