Tôi rất thích nhìn vào tình yêu của những thế hệ trước....
Người trẻ bây giờ yêu nhau tính tháng kể ngày mà quên mất ông bà, bố mẹ họ đã có khoảng thời gian sống bên nhau còn lâu hơn quãng thời gian độc thân của họ.
Thay vì đọc những câu chuyện tiêu cực trên mạng xã hội vẫn nhan nhản hàng ngày tôi chọn ngắm nhìn câu chuyện của thế hệ trước, thời mà ông bà, bố mẹ còn viết thư tay, thời mà đến cái nắm tay cũng còn ngại ngùng đến đỏ mặt, thời còn e ấp đèo nhau trên chiếc xe đạp và cho đến khi, năm tháng phủi bụi tuổi trẻ và còn lại hình ảnh ông bà dắt tay nhau đi dạo, hình ảnh ông nhổ tóc sâu cho bà cùng ngắm nhìn con cháu chơi trong sân vườn; hay là bố phụ mẹ nhặt rau, cùng nhau nấu ăn.
Tình yêu bình dị này qua ngày không còn say đắm, nồng nhiệt, đầy những nhớ nhung, vương vấn như tuổi trẻ thay vào đó là tình thương. Tôi rất thích chữ “thương” trong Tiếng Việt, nghe rất êm tai nhưng lại nặng một nỗi lòng. Thương có lẽ là loại tình cảm vượt xa khỏi tình yêu hay cách khác là yêu chỉ nằm một góc bé nhỏ của thương. Không có một định nghĩa chính xác nào cho tình cảm này cả nhưng nó lại là sự hòa quyện của rất rất nhiều cảm xúc: yêu, quan tâm, chăm sóc, lo lắng, chia sẻ - lắng nghe, bên cạnh. Và hẳn nặng nhất của chữ thương là “sự thấu hiểu”, vui trong niềm vui, buồn cùng nỗi buồn cùng với một người khác là rất khó. Sự đồng điệu tâm hồn không phải ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình, nó được chứng minh qua thời gian. Bởi lẽ hai người từ khi sinh ra đã quá khác nhau, khác về gia đình, về môi trường sống, môi trường giáo dục, mối quan hệ xã hội từ đó hình thành nên quan điểm, suy nghĩ và lối sống khác nhau. Từ đó mới thấy để thấu hiểu và đồng điệu tâm hồn cũng cần một quá trình dài như thế. Có những khoảng khắc tôi còn thấy ganh tị với bố mẹ mình, khi họ nhìn vào mắt nhau không cần mở lời cũng hiểu đối phương đang nghĩ gì. Và đó còn là thấu hiểu cho sự im lặng, đúng vậy giao tiếp bằng lời nói đôi khi còn không thể hiểu nhưng lại hiểu được sự im lặng của đối phương lại là một điều đặc biệt.
Thời gian bên nhau đủ lâu, cảm xúc mãnh liệt dần vơi đi, ví như bếp lửa ban đầu cháy rực, bùng lên mạnh mẽ sau dần lại cháy âm ỉ rất lâu. Nếu hai người yêu nhau đã qua dần giai đoạn tìm hiểu, không còn đủ thấy mới mẻ để khám phá thì thường là giai đoạn điểm dốc để nói lời chia tay rồi vươn mình tìm một cái mới hơn để chinh phục. Nhưng nếu vượt qua được nó, dần dần con người lại học được chữ thương.
Suy cho cùng hạnh phúc không phải là đích đến mà là một cuộc hành trình. Chuyến hành trình học yêu, học được cách quan tâm, học cách chăm sóc, cùng nhau chia sẻ để thấu hiểu. Và “thương” theo đó mà được “đơm hoa kết quả ngọt”