Tôi vừa bắt đầu học Văn bằng 2 ngành Tâm lý học. Tôi vốn rất quan tâm đến chủ đề này và thích đọc sách về tâm lý, và giờ tôi cảm thấy đã đến lúc theo đuổi nó một cách bài bản và nghiêm túc.
Tôi học Tâm lý vừa để theo đuổi bước chuyển mình cần thiết trong sự nghiệp, vừa để hiểu bản thân và người xung quanh hơn. Và trong quá trình đó, không ít lần tôi đã rơi nước mắt vì một điều tôi học đã chạm tới vết thương sâu thẳm nhất bên trong mình.
Hôm nay tôi vừa đọc tới giai đoạn phát triển tâm lý 3-6 tuổi của trẻ và bắt gặp dòng này:
img_0
Tôi đã bật khóc. Khi đọc dòng này, tôi biết mình đang nhìn vào điểm khởi đầu của căn bệnh rối loạn lo âu và những cơn hoảng loạn mà bản thân đã và đang phải vật lộn chung sống suốt những năm vừa qua.
Chỉ một câu đơn giản như thế là đủ để đẩy tôi vào một trải nghiệm flashback - nhìn sâu về điểm bắt đầu của một hành trình đau thương mà chính mình đã đi qua.
Rất khó để giải thích cảm xúc ấy, cảm xúc đau đớn của chính "đứa bé" trong cuộc đã chịu nhiều tổn thương kia, và lồng vào nó là cảm xúc thương hại của người đứng ngoài chứng kiến quá trình bị tổn thương của "đứa bé" ấy.
Mẹ tôi - một nhân vật xuất hiện đi xuất hiện lại trong những bài viết của tôi, luôn là điểm khởi đầu. "Một người dễ bị kích động, căng thẳng, hay doạ dẫm, đánh mắng" là một tóm tắt hoàn hảo về bà.
Trong trí nhớ của tôi, mẹ luôn như một tổ kiến lửa, một trái bom sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Chỉ cần một tác động nhẹ, một lỗi lầm nhỏ của tôi, dù vô tình hay cố ý, đều có thể kích nổ trái bom ấy. Tôi nhớ nỗi sợ hãi gần như tê liệt mỗi khi tôi mắc lỗi và phải chờ mẹ về.
Tôi biết sau đó sẽ là khuôn mặt méo mó vì giận dữ của mẹ, ánh mắt hằn học muốn ăn tươi nuốt sống tôi của mẹ, tiếng chửi rít lên của mẹ và những tràng roi giáng xuống. Tôi không nhớ mình đã bị đánh bao nhiêu roi, bị chửi bao nhiêu lần trong suốt thời thơ ấu, nhưng cái còn đọng lại, lâu dài và khó gỡ bỏ nhất, là nỗi sợ.
Như một thứ bệnh đã đâm rễ và ăn sâu rất sâu vào tim gan, rồi lan dần ra bám rễ vào mọi ngóc ngách trong con người bạn, nỗi sợ hãi bao trùm và biến thành chính bạn. Từ một nỗi sợ nhỏ nhoi "mẹ sắp về rồi", nỗi sợ trở thành bạn. Bạn chính là nỗi sợ. Tôi - một con người đầy sợ hãi.
Mà sợ hãi đâu có đi một mình, nó đi cùng với căng thẳng, lo âu và những thứ đáng sợ hơn về sau, như trầm cảm chẳng hạn. Chúng ở bên trong bạn lâu đến nỗi dần trở thành căn bệnh mãn tính với biểu hiện là tim bạn bắt đầu đập nhanh mất kiểm soát, những cơn khó thở dồn dập, cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay và ngón chân lan dần lên bụng, lên ngực, lên cổ, rồi lên mặt, khiến bạn rơi vào trạng thái mất cảm giác và hoảng loạn trong khi đầu bạn rối rắm trong hàng ngàn suy nghĩ loạn xạ
"Chết rồi, sẽ ra sao nếu mình thế này? Sẽ ra sao nếu mình thế kia??? Mình chết mất! Mình không thở được!! Mình không cảm nhận được chân nữa! Mặt mình cũng tê cứng rồi! Mình đang chết! Cứu với!!!
Não bộ và cơ thể của bạn cho bạn trải nghiệm như thể bạn đang cận kề cái chết, nhưng thực ra bạn không hề gặp nguy hiểm thực sự nào cả. Tất cả nằm ở trong đầu bạn. Đó là cảm giác của người bị cơn hoảng loạn như một di chứng của rối loạn lo âu.
Tôi có thể kể cho bạn bởi vì tôi đã phải trải qua nó không ít lần và có thể phải học cách sống với nó suốt đời, vì thỉnh thoảng nó sẽ quay lại, không báo trước chỉ cần tôi có chút lơ là.
Đúng vậy, sống như thế rất mệt mỏi, vô cùng mệt mỏi. Sau mỗi cơn hoảng loạn như vậy, tôi lại phải tập các kỹ thuật grounding, tự mình tìm lại cảm giác cân bằng trong hiện tại thay vì chìm đắm trong nỗi sợ về tương lai, phải tự an ủi mình "Không sao đâu, cứ tập trung hít thở đi, đếm 5 màu sắc xung quanh mình đi, kể tên 5 mùi mình ngửi thấy đi, kể tên 5 đồ vật mình nhìn thấy nào, rồi sẽ ổn thôi, nào thở đi nào..."
Cái quá trình cảm nhận nỗi sợ và cơn hoảng loạn đang dần trào lên, hơi thở bị rút cạn và cơ thể dần tê liệt, sự nỗ lực của chính mình để ổn định, từng chút từng chút một, thực sự là thứ không ai muốn phải trải qua dù chỉ một lần. Nhưng tôi và nhiều người khác vẫn ngay đêm sống cùng nó.
Và tất cả có thể đã bắt đầu từ đó, từ nỗi sợ phải đối diện với mẹ tôi và những cơn giận của bà, sự kích động của bà mà tôi không thể hiểu và không thể kiểm soát. Làm sao tôi có thể kiểm soát những cơn giận đó khi chính mẹ tôi không thể? Giờ đã trưởng thành và hiểu biết hơn, tôi nhìn ra được chuỗi dây chuyền lây lan trong đó đứa con là tôi đóng vai một nạn nhân bất đắc dĩ.
Tôi không còn trách mẹ tôi nhiều như hồi mới bắt đầu chữa lành cho mình nữa. Giờ tôi cũng đã vững vàng hơn, hiểu và thương chính mình và thương cho mẹ mình trong câu chuyện này hơn. Nhưng hôm nay tôi vẫn phải bật khóc vì những tổn thương cũ một lần nữa bị kích hoạt.
Tôi biết mình còn phải sống và tiếp tục chữa lành cho chính mình như một "đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ" mà người ta thường nhắc đến. Nhưng đó là số phận, là điều tôi không được lựa chọn và không thể thay đổi, chỉ có thể chấp nhận nó, thậm chí là yêu lấy nó. Amore Fati.
Nhưng hôm nay tôi viết ra, để cho mình một cơ hội nhìn lại, một cơ hội được khóc và được ôm lấy chính mình và những tổn thương mình đã đi qua. Cũng viết để những ai ngoài kia có trải nghiệm giống tôi có thể thấy họ không hề cô đơn.
Và viết để gửi tới những ai đang và sắp làm cha mẹ, làm ơn xin hãy làm việc với chính mình, và nếu cần thì chữa lành cho chính mình trước khi trở thành cha mẹ của ai đó. Vì bạn không biết những gì bạn làm một cách vô thức có thể để lại vết cắt khắc sâu cuộc đời của con bạn sâu tới mức nào và lâu tới mức nào đâu... Làm ơn, hãy thận trọng~