Những ngày cuối năm 28, 29 tết, mưa, dịch, cách ly, giãn cách, không còn gì chán hơn. Ngồi nhìn lại một năm qua mình đã làm được những việc gì và lại muốn viết. Viết cho một ngày mưa đỡ chán vì không muốn ngủ cả ngày.

Được coi là một lập trình viên, nhưng thật sự công việc chỉ là những con kiến cặm cụi gõ gõ viết viết chẳng khác nào một công nhân với đặc thù mang danh dân văn phòng cả.Một ngày hên hên thì được làm 8 tiếng xui xui thì chẳng biết nữa, nhưng năm qua cũng không phải là một năm tối tăm gì, cũng gặt hái được cho mình những kinh nghiệm, trải nghiệm mới, đặc biệt là những kiến thức đang gọi là hot trong thời gian tới đây. Lại không lo bị xác cổ ra đường vì không làm được việc rồi.Hỡi ôi, sau chuyến đi công tác dài ngày tận sài gềnh lận thì những trải nghiệm của tôi đối với vùng đất chẳng xa lạ gì khi tôi đã có những tháng năm học tập và làm việc ở nơi này trước đó rồi. Cái tôi muốn kể ở đây là những bài học mà tôi mắt thấy tai nghe tay cày cuốc cùng với những cán bộ cấp cao của công ty.Một đứa lính lác như tôi được làm với toàn những con người dữ dằn cũng học được đúc rút ra được nhiều điều.
Đầu tiên phải kể đến là với một dự án trong công ty, chẳng bao giờ lỗ cả, chỉ là ít lời thôi, tuy rằng khi nói chuyện với nhân viên bên dưới các anh vẫn than là lỗ rồi em, cố gắng làm việc chữa cháy thôi, nhưng thực tế chẳng ai biết được con số chính xác mà công ty giao dịch với khách hàng cả, nó cũng là bảo mật dự án nên không ai biết và cũng chẳng cần quan tâm là điều đương nhiên. Nhưng (lại nhưng) một công ty để có thể duy trì thì phải có lời thì họ mới làm, thường sẽ có những kỳ vọng ban đầu về mức lãi được đặt ra có thể là 200%, 300% nhưng rồi dự án không đạt được kỳ vọng đó, tức là lỗ rồi đó em. 😄
Thứ hai, con mắt đánh giá con người của các sếp là cả một kỹ năng mà nếu bạn theo hướng quản lý bạn sẽ phải học nhiều đó. Thường họ sẽ để ý ai mạnh kỹ năng nào thì sẽ được sắp xếp làm những kỹ năng đó, thứ nhất để tiết kiệm thời gian, chi phí cho dự án, thứ 2 công ty cần bạn làm cho công ty ở cái bạn có, cái bạn mạnh chứ không phải một thợ code mò mẫm công nghệ và vừa học vừa làm trừ khi bất đắc dĩ chẳng ai biết cả. Lúc này nhiệm vụ của bạn là một người tìm hiểu ném đá dò đường và đó là một chi phí cân nhắc khi đưa ra giải pháp nhân sự như vậy. Điều này dẫn tới vấn đề muôn thủa là sự bóc lột trong mỗi công ty, từ bóc lột tuy thô nhưng thật, công ty phải sử dụng tối đa thế mạnh của bạn. Và bạn có thể hiểu theo hướng khác tích cực hơn, là mình có những thứ mà công ty có thể bóc lột được là hạnh phúc rồi, mình kiếm cho công ty ít nhất 10 đồng thì công ty trả có mình một đồng là chuyện tất yếu, chỉ sợ rằng bạn không kiếm nổi con số đó thì bạn cũng chẳng mong gì công ty tăng lương cho bạn. Lại về vấn đề nhân sự thì nhân sự cấp cao thì có thang đo kết qua bằng những số liệu của dự án và có thể nắm được bức tranh toàn cảnh của sản phẩm cả đội làm ra, nhưng những nhân sự nhỏ bé như tôi thì chỉ rất khó có thể cân đo đong đếm được thành quả. Team càng đông lại càng khó, đến khi dự án còn lại một mình mình thì sự đánh giá này mới có thể cân đo đong đếm được và mới có thể chứng mình được ở gần cuối dự án khi team cắt giảm nhân sự.
Một điều nữa đối với những gì tôi học được đó là những ngày tháng ở những giai đoạn cuối dự án. Đầu dự án team lớn, cứ theo yêu cầu của khách hàng mà team làm theo yêu cầu thôi, vấn đề chưa được phát sinh nhiều vì requirement thì có đội ngũ BA lo, vấn đề công nghệ thì có đội ngũ TA, SA lo. Họa chăng mình chỉ học được những kiến thức mới khi tham gia những buổi họp khi đã có giải pháp và hướng dẫn mình triển khai nó còn tại sao lại sử dụng thì nếu mình muốn học hỏi thêm thì lựa thời điểm hỏi thì các anh chị mới trả lời thôi, bận mà, thời gian đâu mà trả lời vấn đề tại sao. Nhưng đến cuối dự án, giai đoạn UAT khi sản phẩm được hình thành thì những vấn đề phát sinh lần lượt xảy ra, khi tích hợp integration hay những vấn đề trường hợp ngoại lệ exception case đều phải xử lý, những yêu cầu được thay đổi khác hoàn toàn với yêu cầu ban đầu cũng phải cần có giải pháp xử lý mà tốn ít chi phí nhất mà vẫn đảm bảo được yêu cầu. Unit test, Performance test, Security test, những thứ khó nhằn luôn nằm ở cuối cùng, khi này giải pháp kiểu như là case by case, chẳng có thiết kế gì từ trước, vậy là chúng ta phải tìm hiểu tại sao, vấn đề tại sao lại như vậy, nó nằm ở đâu, từ đó đưa ra giải pháp cho vấn đề, tuy nhiên giải pháp đó chưa hẳn đã là tốt nhất mà vừa xử lý đáp ứng được yêu cầu logic bài toán, vừa đáp ứng được yêu cầu non-function requirement, chưa kể effort chi phí công sức bỏ ra để sửa chữa khi ở cuối dự án rồi, ngân sách giảm dần. Những vấn đề dễ thì không sao dù sao cũng có những anh chị có kinh nghiệm, hay case study từng những dự án khác để giải quyết, nhưng vấn đề khó chưa gặp bao giờ thì chẳng còn cách nào khác là phải thử. Kết hợp với những câu trả lời tại sao kia thì những thử những giải pháp cho những vấn đề như thế là cơ hội học hỏi rất nhiều, phải nói là rất rất nhiều.
Tiếp đó là những kinh nghiệm về soft skill, những anh chị cấp cao có những cách đối nội đối ngoại thực sự đáng nể, khi vẫn chiều được lòng khách hàng nhưng không mất lòng anh em trong team, những thủ thuật vực dạy tinh thần cho anh em trong nhóm thật sự rất hay ho. Với tôi đến giờ tôi mới nhận ra được, về technical, dù rằng công nghệ mới, nhưng vẫn có tài liệu nguồn, vẫn là 1 + 1 = 2, còn đối với những kỹ năng kia thì có mà dành cả đời để học. Mỗi con người mỗi cá thể đều có một cảm xúc thái độ khác nhau, đối nhân xử xử thế luôn là một quá trình học không hồi kết. Nó còn nặng đầu hơn gấp mấy lần technical, tuy nhiên có những người họ dường như sinh ra để làm những việc đó, họ lại thấy technical đau đầu còn những việc kia họ chỉ cần nhìn người nhìn thái độ là họ biết cách xử lý sao cho vẹn toàn ý vẹn tình. Hay thật đó.
Tại sao tôi lại viết lại những trải nghiệm này, không phải vì tôi muốn khoe cho các bạn những gì tôi đã học được trong một năm kinh tế buồn qua đâu. Mà có lẽ năm này tôi đã có được những góc nhìn mới về những người được gọi là sếp, tôi viết ra đây một là để những năm sau này tôi hướng tới vị trí đó tôi có thể nhìn lại thời kì quá độ khó khăn nhường nào, hai là để giúp cho bạn đọc nhất là những người ở trạng thái như tôi có thể đồng cảm được.
Cuối bài, tôi muốn gửi lời tới các sếp nếu đọc qua bài viết này (tôi biết là các anh vẫn thi thoảng theo dõi tôi qua những bài viết). Xin chân cám ơn các anh đã truyền thụ những thứ không chỉ về kỹ thuật khô khan mà còn cho em nhận được những giá trị hiện tại của bản thân cùng với những thiếu sót cần phải tích lũy thêm trong thời gian sắp tới. Xin đừng cười thằng em khờ dại chỉ biết nghĩ bậy viết bậy như thế này nhé! Ah phải cám ơn bộ môn thiền định luyện tâm tĩnh của một sư huynh nào đó rất hiệu quả trên con đường lập trình nhé. Lập trình viên nên biết qua bộ môn này 😛
Thân!
--
Ntech Developers