Đã được 2 tuần từ khi mình bắt đầu tham gia thử thách viết mỗi ngày. Có ngày mình viết blog, có ngày mình chuyển từ blog thành podcast và có ngày mình viết cho những giấc mơ của mình. Nhưng đến hôm nay, mình rơi vào trạng thái “bí ý tưởng” như biết bao nhiêu người làm nội dung khác. Chủ đề thì có rất nhiều và những chủ đề đó đều được rút ra từ trải nghiệm sống của chính mình chứ không phải vay mượn từ đâu cả. Tuy nhiên, mình vẫn chần chừ viết chúng ra, một phần vì nó không thể hiện tính cá nhân, sự nguyên bản của mình và một phần vì mình thấy có quá nhiều trường hợp phải rào trước đón sau.
Đâu thể nào áp đặt tư duy của cá nhân mình vào hoàn cảnh và cuộc sống của một ai khác mà không tách mình ra để suy xét và gọt dũa những quan điểm ấy cho phù hợp hơn với người tiếp nhận. Những cũng đâu thể nào chung chung nói chuyện cho “cả nhà đều vui” được. Mỗi khi viết là mỗi lúc đấu tranh giữa cái riêng và cái chung, giữa bản ngã cá nhân và lợi ích của người xem. Và trớ trêu thay, thật ra thì những điều mình đang viết đây cũng là những thứ rất chủ quan.
Mỗi lần như vậy thì mình nhớ đến một tập podcast của Have A Sip với bác Đặng Hoàng Giang có tiêu đề “Viết lách giống như đánh tennis mỗi ngày”. Điều này làm cho mình có thêm động lực để viết. Và kết quả thì đây là một bài viết chia sẻ về việc không biết phải viết gì. Nhiều khi nó trở thành thói quen, viết để suy nghĩ chứ chẳng phải suy nghĩ để viết nữa. Sau một gõ phím thì mình nhận ra những vấn đề của mình cũng không to tát đến vậy.
Lúc tìm hiểu về thử thách thì mình có search Ecosia keyword “write every day challenge”. Không như mình nghĩ là sẽ có những bài viết chỉ các tips để hoàn thành tốt việc này, đập vào mắt mình chính là một bài viết phân tích vì sao không nên làm theo thử thách này trên trang Cal Newport với tiêu đề “’Write Every Day’ is Bad Advice: Hacking the Psychology of Big Projects”. Tác giả nói về việc não sẽ chỉ trở nên hiệu quả và ủng hộ ta khi nó thấy cả mục tiêu và kế hoạch ta đặt ra là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, có rất nhiều việc có thể ảnh hưởng đến quỹ thời gian ta dành cho việc viết như là những buổi họp bất thường, những sự kiện đột xuất,... Và từ đó, não ta tự hiểu rằng việc viết mỗi ngày sẽ không thể thành công. Vì vậy, đối với những “cây bút không chuyên”, không sống bằng nghề viết thì khó có thể theo đuổi được thử thách viết mỗi ngày. Lúc này thì nên làm mọi việc một cách linh hoạt, không cứng nhắc và chỉ lập ra những kế hoạch bản thân chắc chắn hoàn thành được. Từ đó “huấn luyện” cho não là mục tiêu mình đang hướng tới là khả thi và sẽ thành công.
Bài blog này cũng làm mình hơi hụt hẫng một xíu. Liệu rằng việc viết mỗi ngày có dành cho mình? Nhưng, khi nhìn sâu vào bối cảnh bài viết thì tác giả đang nói về việc viết chuyên nghiệp, viết nghiên cứu khoa học, viết sách. Còn với mình, đâu phải cứ mỗi ngày viết 1000 chữ với lý tưởng vĩ đại, số liệu toàn cầu mới đúng tinh thần của thử thách. Viết, theo bản thân mình chỉ là cách truyền tải suy nghĩ vào câu chữ, làm nó rõ ràng hơn, thậm chí sống động hơn. Nếu nhìn thoáng một chút, ngày nào mà ta chẳng viết, với những dòng tin nhắn, nhật ký, bình luận... Đến đây thì cũng quy về sự phù hợp, không có phương pháp nào là “one size fits all” cả. Bản thân mình có đủ kiên trì, sức bền và sự cam kết thể viết mỗi ngày. Và mình xem mỗi lúc mình viết được vài dòng, có thêm vài ý tưởng là một thành tựu nho nhỏ, là động lực để ngày hôm sau tiếp tục viết, dù chỉ là một phút. Không cần cầu kỳ, chỉ cần làm rõ được mình đang nghĩ gì qua từng mặt chữ, dù đó là suy nghĩ “mình chẳng biết viết gì”. Với mình, như vậy đã là viết, viết cho chính bản thân mình. Và mình phải viết cho mình, hiểu mình đã mới mong viết được cho thế giới, hiểu được thế giới - như “hành trình tìm hiểu bản thân và khám phá thế giới” mình thường nói.
Trên hành trình đó, mình phát hiện ra những ý tưởng thường đến với mình một cách rất ngẫu nhiên, lúc tắm, lúc lau dọn và cả những lúc tắt đèn nghỉ ngơi. Lúc chỉ có một mình thì mình thường làm việc theo phương pháp Pomodoro, tập trung 25’ và nghỉ ngơi 5’. Ở đây thì mình không bàn về khoảng thời gian 25’ mà mình muốn đào sâu hơn vào phần 5’ nghỉ ngơi. Khi thoải mái về giờ giấc một chút thì mình không cố định nghỉ ngơi trong 5’ mà sẽ linh hoạt tùy vào cảm nhận của bản thân. Mình không thích cảm giác vừa thư giãn lấy sức, vừa phải chờ đợi tiếng đồng hồ báo bắt đầu một phiên làm việc mới. Vì vậy, sau 25’ tập trung, mình tắt hết điện và lăn ra giường nằm, mặc kệ thiên hạ :)) Mình nghĩ làm như vậy cũng sẽ giúp mắt mình đỡ mỏi nữa. Và trong lúc tắt đèn nghỉ ngơi đó, não mình bắt đầu cởi mở hơn và tiếp nhận những ý tưởng mới khi không ai bắt ép nó suy nghĩ nữa. Việc này rất có ích mỗi khi mình bí ý tưởng, căng thẳng hay mất tập trung. Tách mình ra khỏi hoàn cảnh một chút để quan sát và thư giãn là một điều cần thiết mỗi lúc như vậy. Bài viết này đi được đến đây cũng là nhờ những khoảng nghỉ đắt giá đã tạo không gian cho các ý tưởng mới được tiếp nhận và phát triển.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian tắt đèn nghỉ ngơi, mình còn có thêm được những chủ đề mới, độc lập và nguyên bản. Bạn hãy đợi xem trong thời gian sắp tới nha. Từ việc không biết viết gì, áp lực và hoài nghi, rồi viết ra, nắm bắt những dòng suy nghĩ chưa được sắp xếp, cho đến việc có thêm những “đột phá” trong quan điểm, góc nhìn, viết giúp ta hiểu và cũng giúp ta nghĩ. Vậy nên, chỉ như một lời nhắc nhở với bản thân, hãy cứ viết thôi. Mình cũng mong rằng bài blog lần này sẽ là một chút động lực gì đó cho những ai đọc được, để vững bước hơn trên con đường sáng tạo ra chính mình và thế giới. Nếu có bất kỳ thắc mắc, chia sẻ, câu hỏi hay góp ý gì, hãy bình luận dưới bài viết này hoặc nhắn tin với page, mình luôn sẵn sàng trả lời.
Bài viết số 19
Ngày 24 tháng 12 năm 2021
#growwithme #aboutwriting