Trong một vài năm trở lại đây, song song với sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh số, có một trào lưu đang nhem nhóm trở lại đó chính là nhiếp ảnh Film. Chỉ cần một vài cú click trên Instagram với hashtag #filmphotography hay #filmisnot dead cũng đủ để bạn thấy được sự trở lại mạnh mẽ và sức lôi cuốn của những cuộn film nhựa trong thời đại ngày nay. Nằm trong số không nhỏ những người trẻ bị hấp dẫn với sự cổ điển, vẻ đẹp của những bức ảnh được ghi lại qua tấm film. Mình đến với nhiếp ảnh film khá muộn (khoảng đầu năm 2019).
Ảnh chụp bằng Kodak Colorplus - cuộn Film đầu tiên của mình
Tại sao lại chọn nhiếp ảnh Film ?
Không giống như nhiếp ảnh số, chụp film có khá nhiều bất lợi, lại đòi hỏi tính kiên nhẫn vô cùng lớn. Để có được cuộn âm bản đã qua xử lý, file ảnh đã được scan trên máy, người chụp film phải bỏ ra một khoảng thời gian, công sực không hề nhỏ. Đấy là chưa kể đến quá trình chọn Film rồi chụp hết một cuộn. Tuy nhiên, chụp Film luôn mang lại những cái hay, sự độc đáo mới mẻ mà nhiếp ảnh số không thể có được.
Sự đa dạng của film
Với sự bùng nổ của nhiếp ảnh số, thị trường film hiện nay đã không còn đa dạng như những thập kỷ trước. Tuy nhiên số lượng film hiện nay còn trên thị trường vẫn là một thứ đáng để mọi người trải nghiệm và việc chọn một cuộn film mới cũng là điều mà mình vô cùng thích. Mỗi loại film có một công thức màu riêng, cho một tone màu đặc trưng mà anh em hay bảo là Kodak ám vàng, Fuji ám xanh, Konica ám tím,… rồi thì chụp cảnh thì Fuji, chân dung thì Kodak. Đó là chưa kể đến các loại film outdate có thể bị color shilf cho ra “một chiếc màu xinh”.
Kodak Tmax 400 - đỉnh cao của Film đen trắng
Vision 2 250D - Film điện ảnh

Điều đáng buồn là với cú búng tay của Thanos vào tháng 4 năm 2019, Kodak tuyên bố tăng giá film, Fujifilm quyết định khai tử một số dòng film, Agfa ngừng sản xuất,…Thị trường film hiện nay đã trở nên khá ảm đạm, sự đa dạng của film giảm dần, giá film tăng mạnh thậm chí là gấp đôi so với cuối năm 2018 và gấp 3 so với những năm trước đó.
Phần lớn tiền dành dụm của mình đều đổ vào đống này
Quy trình tráng & scan ảnh
Không chỉ phân biệt về màu sắc, iso, hãng mà film còn chia ra làm đủ các thể loại như film màu tráng theo công thức C-41, film điện ảnh tráng theo quy trình ECN-2, film Slide tráng E-6 rồi film BW thì mỗi một loại lại có thời gian, nhiệt độ tráng khác nhau. Mỗi loại film với quy trình tráng riêng biệt đều mang theo một đặc điểm, trải nghiệm riêng đến người chụp.
Chắc hẳn đối với những người đam mê chụp film hoặc đã gắn bó với nhiếp ảnh film lâu năm thì đây chính là phần thú vị nhất. Việc nhốt mình hàng giờ trong phòng tối “quay tay” để ra sản phẩm đó chính là cuộn âm bản hay dương bản được tráng ưng ý trên tay đó chính là cái thú, sự mãn nguyện mà chỉ những ai từng trải qua mới hiểu được.
Mình luôn quan niệm rằng bất cứ ai nếu muốn trải nghiệm nhiếp ảnh film cũng nên trải nghiệm cảm giác được tự tay tráng rửa cuộn film của mình ít nhất 1 lần (cho dù kết quả không được ưng ý cho lắm ))). Bản thân mình dù họ Đỗ tên Khỉ nhưng cũng đang cố gắng đi làm tích cóp để sắm được cho mình 1 bột kit tráng BW tại nhà.
Phòng tối vẫn luôn là cái thú của người chụp Film
Tương lai của nhiếp ảnh Film 
Mặc cho sự trở lại mạnh mẽ của nhiếp ảnh Film trong những năm trở lại đây. Tương lai của nhiếp ảnh Film không mấy sáng sủa điển hình với việc Fujifilm quyết định khai tử một số dòng Film giá rẻ và restock những dòng Film Professional nhằm hướng đến một thị trường, phân khúc cao cấp hơn. Nhìn chung, Film đã thực sự trở thành một nghệ thuật sắp bị đánh mất, và thậm chí điều đó đang được đẩy nhanh hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới như hiện nay.
Tái bút:
Mình hi vọng nhiếp ảnh Film sẽ không biến mất (ít nhất là trong một vài năm tới) vì vũ trụ ảnh Film vẫn còn quá nhiều thứ để mình học hỏi và trải nghiệm.