Khiêu vũ với chính mình là những gì các nhân vật trong truyện làm, "chính mình" là cái bóng của chính bản thể dưới bối cảnh của cuộc sống hậu hiện đại đan xen với những ảo ảnh. Bản thân tiêu đề, với sự lặp lại ba lần của từ nhảy, ngụ ý một vòng tròn của hành động không hành động, một vòng luẩn quẩn. Nhân vật chính tưởng chừng nó là một ý chí tự do dẫn đến một sự giải thoát và thậm chí còn tự tin vào sự bắt nhịp của mình với cái bóng và cuộc sống thụ động. Nó khiến ta liên tưởng đến dòng chảy liên tục của hình ảnh của chủ nghĩa tư bản. Khiêu vũ là biểu tượng của sự hòa hợp, sự giải phóng tinh thần kết hợp lãng mạn, nhưng khiêu vũ với những cái bóng trong một xã hội hậu hiện đại hỗn loạn, cằn cỗi về mặt tinh thần sẽ là một biểu tưởng cần suy xét. Murakami triển khai hành động nhại lại một cách kỳ lạ từ "Nhảy" để chứng minh tư tưởng của chủ nghĩa tư bản làm cho mọi người "nhảy múa" với dòng chảy không ngừng, khắp nơi, chóng mặt với hình ảnh của chủ nghĩa tư bản.
Mở đầu câu chuyện, nhân vật chính đã tự giam mình sáu tháng tại nhà, không giao tiếp, không kết nối với thế giới bên ngoài. Anh ta cố gắng đứng dậy sau những mất mát mà anh đã trải qua trong cuốn tiểu thuyết trước: anh mất đi người bạn Rat, vợ anh bỏ anh và cô bạn gái Kiki có đôi tai ma thuật (gái gọi cao cấp) biến mất tại khách sạn Dolphin. Sau khi trở lại xã hội và tiếp tục công việc không thú vị của mình là một nhà văn viết những chủ đề trần tục và sáo rỗng cho các tạp chí, một cảm giác mất mát khủng khiếp trong tiềm thức thôi thúc anh tìm kiếm hy vọng. Vì vậy, những giấc mơ không ngừng của anh ấy về khách sạn Dolphin và cảm giác rằng ai đó (anh ấy nghĩ đó là Kiki) đang khóc vì anh ấy và cần anh ấy. Đây là biểu hiện rất dễ hiểu của sự cô đơn, anh ấy cảm thấy nhu cầu được thuộc về một nơi nào đó và một ai đó. Do đó, anh ta nuôi ảo tưởng rằng anh ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn nếu có thể tìm thấy Kiki. Theo đuổi giấc mơ đến Khách sạn Dolphin là sự khởi đầu của cuộc hành trình thể chất và tinh thần của anh ấy để tìm kiếm ý nghĩa nào đó trong đất nước Nhật Bản hiện đại.
Phản chiếu điên cuồng của xã hội chủ nghĩa bậc cao
Nhân vật chính trong Dance Dance Dance chỉ trích chủ nghĩa tư bản tiên tiến ở Nhật Bản, nơi hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa dựa trên tiêu dùng, sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên, ảo tưởng được tạo ra bởi những dấu hiệu bề ngoài trống rỗng và sự băng hoại đạo đức của chính phủ . Lái một chiếc Subaru đã qua sử dụng thay vì một chiếc ô tô hào nhoáng, tự giặt quần áo và tự nấu đồ ăn là biểu hiện cho thấy nhân vật chính đang cố gắng tránh xa nhu cầu giả tạo mà một xã hội tư bản chủ nghĩa tạo ra đối với mức tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, anh ta biết rằng, trớ trêu thay, anh ta chắc chắn không thể thoát khỏi mớ bòng bong này. "Không ai là một hòn đảo" - Thomas Merton - bởi những liên hệ với những cá thể, chúng ta đã và đang ở trong xã hội này. Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật chính không chỉ không thể thoát ra cái bóng của chủ nghĩa tư bản bậc cao một chút nào mà còn cuốn dần sâu vào nó, thậm chí hưởng thụ nó như một đặc ân khi dùng những đồng tiền "công tác phí" để đắm chìm trong những cuộc vui và những chuyến du lịch đắt đỏ. 
Từ đầu đến cuối, Dance Dance Dance vẫn là một đại diện cho thế giới hậu hiện đại của một xã hội tư bản phiền muộn và những nhân vật ít nhiều là nạn nhân của xã hội chuộng tiêu thụ. Ngoài những mối quan hệ vô nhân đạo và vô cảm được miêu tả trong cuộc sống gia đình của Yuki, thể hiện những con người thiếu tình yêu, ham mê tiền bạc của Nhật Bản đương đại còn có những cô gái gọi không có danh tính, bị sở hữu như những món đồ vật vô tri. Trong truyện, các nhân vật đã đánh cược sự hoang mang và vỡ mộng về một lối sống phân liệt trong một thế giới hậu hiện đại. 
Theo Jean Baudrillard, con người trong thế giới hậu hiện đại sống trong "siêu thực" của sự mô phỏng, trong đó hình ảnh, những lớp lang và trò chơi ngầm hiểu của các dấu hiệu thay thế thực tế. "Trong thời đại công nghệ truyền thông tiên tiến, vật thể không còn phản chiếu chủ thể nữa và tấm gương được thay thế bằng bề mặt không phản xạ của tivi, biến cơ thể của một người và toàn bộ vũ trụ thành một màn hình điều khiển." (The Ecstasy of Communication, Baudrillard). Sự phong phú của các thông tin, sự xuất hiện của giao tiếp và sự kết nối liên tục tạo nên sự quá ngợp. Chính tấn công từ các hình ảnh trên phương tiện truyền thông và vô số những quan niệm đạo đức và lối sống đã dẫn đến trạng thái rối loạn và mất phương hướng. 
Cái bóng - The shadow
 "Everyone carries a shadow and the less it is embodied in the individual's conscious life, the blacker and denser it is." - Carl Jung
Trong trường hợp của Gotanda - bạn của nhân vật chính. Anh ấy rõ ràng đã tạo ra một nhân cách (persona) bằng cách làm những gì xã hội mong đợi anh ấy làm, nhưng cùng lúc đó anh ta có những thôi thúc xấu xa và bệnh hoạn nhưng được giấu rất kỹ (shadow). Anh ta đã tuột mất ranh giới nào giữa bản thân và hình ảnh của anh ta và không có sự bảo vệ riêng tư nào trước dòng chảy của hình ảnh, mà là sự gần gũi tột độ với hình ảnh và thông tin tức thời trong một thế giới trong suốt. Anh ta trở thành màn ảnh tinh khiết, bị những hình ảnh trên phương tiện truyền thông chiếm hữu và rọi lại tư tưởng. Chính do sự chìm đắm trong ảo ảnh này, anh ta đã mất đi ranh giới giữa cái bóng và nhân cách (persona) của chính mình. Thật và ảo lẫn lộn, Gotanda chấp chới giữa những gì anh ta giả vờ để tròn vai và những thôi thúc bí ẩn mà chính anh ta cũng không hiểu nổi.
Anh ấy bối rối đến mức không thể phân biệt thực tế với tưởng tượng và không chắc liệu mình có giết Kiki - một nhân vật nữ mà anh ta cho là cái bóng của mình. Chắc hẳn suy nghĩ được giết chết phần tối trong mình sẽ đem lại cho anh ta một sự giải thoát cho những bão hòa ảo ảnh của mình. Giết chết hình chiếu của mình đã đem lại một cái kết đau lòng cho nhân vật Gotanda này khi anh ta phải tìm đến cái chết. Theo học thuyết của Carl Jung, một nhân cách (Persona) không thể tồn tại thiếu cái bóng (Shadow), cũng hiển nhiên như việc trắng phải có đen.