Ô là để che nắng che mưa, không phải để trôi
Ô là để che nắng che mưa, không phải để trôi
Hiện tại tôi đang ở quê vì bố mẹ muốn tôi thực hành lái ô tô nên tôi đưa họ đi và kẹt lại đây sau khi họ nhận kèo ăn lẩu. Do tôi bị luôn trong tình trạng thiếu thời gian, bạn cũng sẽ thế nếu có quá nhiều điều muốn làm, ý tôi là thực sự muốn làm, bạn làm vì khi làm bạn vui vẻ chứ không phải làm vì sau khi làm nó bạn sẽ đạt đc điều gì đó hoặc bị ép phải làm. Vậy nên trong lúc ngồi không này tôi sẽ viết một chút về đề tài Nhạy cảm và Vô cảm, đc truyền cảm hứng từ những câu chuyện mà cá nhân tôi cảm thấy hết sức sân si từ thế hệ cha mẹ chú bác.
Khi các bác tôi đã ăn lưng chừng no, tức là bụng thì đã căng nhưng đồ ăn vẫn còn, nồi lẩu thì còn nước và cốc rượu vẫn chưa cạn, họ bắt đầu kể cho nhau nghe về những câu chuyện của hàng xóm láng giềng, về những điều xảy ra xung quanh họ chứ nhất định không nói về chính họ :(())) "Ui cái con Mai Quế em con Mai Hoa, cháu ông Mai Chiến vừa mới ly hôn... Trời ơi nghe chưa con bà Mai Kia mới bị tai nạn, cái đứa đen đen bẩn bẩn hay bắn thuốc lào với mấy lão già ở cuối xóm ý... Hôm nọ bà Mai Vàng bị ông Mai Đỏ đánh gãy cả răng đấy, sợ chưa, thế mà hàng xóm không ai can, khổ thân..." 
Những câu chuyện mà tôi không hề muốn nghe, không hề muốn góp mặt dù chỉ là có đôi chút lọt tai cũng khiến tôi phản cảm. Trước hết, tôi không biết những người xuất hiện trong câu chuyện là ai, tôi chưa từng gặp họ, chưa hề tiếp xúc với họ và càng không đủ hiểu rõ về họ để đánh giá bất cứ điều gì nên tôi không thể xác thực độ chính xác của câu chuyện, từ tổng thể nội dung đến tình tiết trong đó. Tiếp nữa, dù tôi có biết họ thì tôi cũng không phải người trong cuộc nên tôi tự thấy mình không có đủ sự thấu hiểu để bình luận hay suy diễn bất cứ điều gì. Cuối cùng, việc quan tâm đến những câu chuyện không chính xác và đậm vị phán xét qua lời trần thuật của những người nghe lại từ những người khác hoàn toàn vô dụng với tôi, đơn giản vì chúng không hoặc chưa đc xác thực và việc biết về câu chuyện đó không giúp đầu óc tôi có thêm chút kiến thức hữu dụng nào, cũng không kiếm thêm được đồng nào mà chỉ khiến tôi bị tốn thời gian. Đó là tất cả lý do khiến tôi không muốn dính dáng đến những câu chuyện này và cũng vì thế, tôi bị lên án, tội vô cảm :(()))
Sau đây là lời tự bào chữa mà tôi nghĩ là sẽ có tác dụng với nội tâm của chính mình cũng như các bạn có quan điểm và cảm nhận tương tự khi chịu sự công kích sai lầm và vô lý từ những người thuộc thế hệ cũ hoặc những người mà tôi cho là đang áp đặt tư tưởng lên các bạn. 
Đầu tiên, theo nhiều bài báo mà tôi tìm được qua google với từ khóa "vô cảm là gì" thì vô cảm không phải là bệnh trong y học, vô cảm được cho rằng là tên của một loại biểu hiện ở những người trơ lì cảm xúc, thờ ơ với mọi sự việc xung quanh họ và chỉ quan tâm đến bản thân. Có nghĩa là nếu bạn hoặc tôi một ngày cảm thấy mọi thứ trên đời đều nhàm chán, xám xịt và không có động lực để làm gì cả thì chia buồn là bạn đã bị trầm cảm và tình trạng sức khỏe tinh thần đã đi đến nấc báo động. Hãy lùi lại 1 chút và dừng lại ở cảm giác khi mà hết thảy mọi người xung quanh đều thật vô lý, mọi điều họ làm đều thật vớ vẩn nếu nó không phục vụ mong muốn hay vô tình thỏa mãn mong muốn của bạn, đồng thời bạn có thể thỏa hiệp với tất cả các quan điểm miễn là nó có lợi cho bạn, cuối cùng là mọi điều xảy ra với người khác đều chẳng liên quan đến bạn, bạn cảm thấy chẳng có lý do gì để đồng cảm với họ vì họ không phải bạn thì bạn đã vô cảm. Trong khi đó, với trường hợp cụ thể mà tôi vừa nói thì sao, tôi có thực sự vô cảm không? Hãy cùng tôi xem xét điều đó.
Đầu tiên tôi không hề phớt lờ sự đau khổ hay tiêu cực từ bất kỳ đâu. Tôi hoàn toàn có sự đồng cảm với họ, cả khi nhìn thấy, nghe từ ai đó, đọc ở đâu đó thì tôi cũng vô thức đặt địa vị mình vào họ và cũng tự nói với lòng: "khỏi thân; tội nghiệp; thương quá; nếu mình là họ thì chết mất..." Tuy nhiên, ngay khi những điều như vậy xuất hiện, tôi nhận thức được nó và rất nhanh nhớ ra rằng, mình đang thương hại họ, một hành động vô ích. Bạn và tôi, chúng ta đều không phải những người đang phải trải qua những điều mà ta nhìn, nghe hay đọc, có thể đối với chúng ta, những người may mắn có hoàn cảnh và điều kiện sống tốt hơn những người đó nên khi nhìn họ, ta đã vô thức nhìn xuống họ. Sự thương hại này hoàn toàn là cảm quan của chính chúng ta, tôi và bạn đang dùng những quan niệm, kinh nghiệm và trải nghiệm mình có trong quá khứ để đánh giá hoàn cảnh của người khác. Việc này hoàn toàn vô căn cứ và khiếm nhã, họ không cần sự thương hại từ bất kỳ ai và hầu hết chúng ta đều quên điều này khi đặt mình vào hoàn cảnh của những người yếu thế hay kém may mắn hơn, chúng ta đánh giá họ và tự thấy đau khổ thay cho họ. Không phải cá làm sao biết cá vui.
Hãy cùng xem xét thước đo đồng cảm mà tôi hình dung ra sau đây, thứ dùng để đo độ đồng cảm, bắt đầu ở mốc vô cảm, sau đó là kém tinh tế, bình thường, tinh tế và cuối cùng là nhạy cảm. - Vô cảm là khi ta chẳng cảm thấy tí gì, ok chúng ta đã nói rồi. - Kém tinh tế theo tôi là có để ý, có cảm nhận nhưng mà không nổi hoặc không chính xác chứ không phải là không muốn cảm nhận gì và không hoàn toàn mất đi sự đồng cảm với người khác.- Mốc bình thường là khi chúng ta cư xử với mọi người, không ai phàn nàn gì về ta cả, ta hòa nhập thậm chí hòa tan luôn vào tập thể thì cũng là bình thường vì bản chất từ bình thường đã có ý là tương đối giống hoặc na ná những sự vật tương tự nên mốc này tôi sẽ không nói nhiều.- Tinh tế đối với tôi là sự đồng cảm của bạn là vừa đủ, nó đủ để khiến bạn đọc được cảm xúc của đối phương và quan trọng hơn là có kỹ năng và khả năng để xử lý tình huống. Đồng cảm với một bà cụ bán kẹo cao su ở đèn đỏ, nhìn vào mắt bà và từ chối mua mà không cảm thấy áy náy, tôi gọi đây là tinh tế. Khi một cô bé xinh xắn đáng yêu không có được thứ mà mình muốn đã gào khóc và ăn vạ hòng có được sự chú ý và xử lý vấn đề của mình bằng sự thương hại của những người có quyền lực trong hoàn cảnh đó, có thẻ là bà mẹ chua ngoa luôn nuông chiều đứa con của mình, xử lý tinh tế khiến con bé thiếu giáo dục này và cả mẹ của nó im mồm đồng thời bản thân người xử lý cũng không cảm thấy áy náy. 
- Nhạy cảm là điều mà tôi bị dị ứng, với tôi, những người dễ dàng nhập tâm vào hoàn cảnh của người khác đến mức họ có thể tự viết ra kịch bản về cảm nhận của đối tượng họ đang quan sát sau đó hóa thân vào nhân vật chính trong kịch bản đó một cách xuất sắc.
Tôi từng thấy bố tôi xử lý mọi chuyện một cách “tinh tế” khá thường xuyên, ý tôi là ông đạt được tất cả những tiêu chí trên nhưng phương pháp của ông là nhún nhường và thỏa hiệp, điều khiến ông có tiếng nói trong thế hệ của mình. Bản thân tôi khâm phục ông nhưng không thể học được những gì ông dạy. Lý do tâm trí tôi từ chối làm theo những gì bố tôi dạy, nhún nhường và thỏa hiệp để tất cả mọi chuyện đều êm xuôi, ít nhất là tại thời điểm đó. Trong khi tranh cãi xảy ra, mâu thuẫn xuất hiện, có thể mâu thuẫn đã tồn tại từ rất lâu và bây giờ nó bộc phát, cũng có thể là vừa mới phát sinh. Với trường hợp phát sinh, tôi đồng ý với bố tôi rằng dĩ hòa vi quý, một điều nhìn chín điều lành có thể chấp nhận được nhưng khi và chỉ khi sau khi căng thẳng hạ xuống, các bên sẽ ngồi xuống và nghiêm túc xử lý cốt lõi vấn đề để tìm ra giải pháp giải quyết dứt điểm chứ không phải xuề xòa rồi cho qua. Các bác nhà tôi thường xuyên xảy ra tranh cãi vì nhiều vấn đề và bố tôi được gọi tới để làm trùng không khí và dập tắt đám cháy nếu có thể. Nhưng điều làm tôi thất vọng là khi mọi chuyện êm xuôi, những con dao được đặt xuống, tiếng chửi bới vơi dần và tông giọng trở lại bình thường, bố tôi nói nhỏ với người này “tính ông ý thế, đừng chấp” rồi quay sang nói nhỏ với người kia “kệ ông ý đi, bỏ qua, sau không nhắc lại nữa”. Vấn đề vẫn còn đó, không hề được giải quyết, nó chỉ bị che đi và chắc chắn vào lần tới, họ vẫn sẽ lao vào nhau và theo tôi quan sát thì lần sau sẽ kịch liệt và gay gắt hơn lần trước. Những lần vấn đề “được giải quyết” theo kiểu trì hoãn giống như que củi được rút ra từ bếp lò đang cháy, nó dần biến thành than và thích hợp để đốt hơn trước. Khi tôi chọn cách phản kháng, nói ra quan điểm của mình, bảo vệ lý lẽ mà mình cho là đúng, thì thường sẽ có người đủ quyền lực xuất hiện để khiến tôi dừng lại, thường là bố hoặc mẹ tôi, họ dùng quyền mà mình có, quyền ra lệnh cho con cái, ít nhất là cho đến khi nó còn có tác dụng. Bố và mẹ tôi dùng quyền lực để bắt tôi im mồm hòng che đi vấn đề, giấu đi mâu thuẫn càng nhanh gọn và kỹ càng thì càng tốt. Họ có lý do cho việc dĩ hòa vi quý này và nó khá hợp lý, đối với hầu hết mọi người, họ nói: “tính người ta thế; bản chất người ta nó vậy; nhưng mà cả xã hội này nó thế; không có ai làm như con cả; bây giờ con nói thắng thì người ta chỉ ôm hận thôi, người ta không phục đâu, mình không ở với người ta thường xuyên, cãi thắng bây giờ không khiến người ta thay đổi…” 
Phải công nhận rằng những lý do này nghe rất hợp lý, đặc biệt là cái cuối cùng. Nếu lần nào những cái sai, cái chưa hợp lý, cái lạc hậu, cái cổ hủ, cái “tính cách” tệ hại và cái “bản chất” không đổi kia cũng được buông tha, đến khi nào mới có sự phát triển, sự thay đổi, sự tiến bộ? Nếu xã hội này sai, cộng đồng này vô lý, quan niệm đám đông cổ hủ, tôi sẽ không nhượng bộ, KHÔNG THỎA HIỆP. Trong tưởng tượng của tôi, nếu như mỗi lần vấn đề xuất hiện, tất cả mọi người đều đi tìm giải pháp thay vì đùn đẩy trách nhiệm, bao che lẫn nhau và “dĩ hòa vi quý”, ai cũng chân thành và thẳng thắn thì sẽ chẳng có vấn đề nào có thể dễ dàng lặp lại cả, nếu có thì cũng không quá nhiều đâu, tôi muốn tin là như vậy. 
Như vậy, đâu là điểm phù hợp để hướng tới hoặc dừng lại trên thang đo đồng cảm này? Theo tôi là chúng ta nên vượt ra khỏi sự tầm thường vốn có và hướng đến nơi xa hơn: “từ bi”. Không phải tinh tế và chắc chắn là không phải nhạy cảm. Sự tinh tế khiến bạn dễ bị lợi dụng, sai khiến hoặc bị nhờ vả liên tục và đặc biệt là phải chịu một áp lực từ mọi người xung quanh, họ vô thức kỳ vọng vào sự trợ giúp của bạn, rất phiền phức. Chúng ta chỉ có thể cho những gì chúng ta có, chúng ta có thể giúp đỡ người khác nếu chúng ta có khả năng và thời gian, thiếu một trong hai thứ này cũng không được. Tuy vậy nhưng rất nhiều người không thể hiểu được điều đơn giản ấy và họ quạo ngay khi chúng ta từ chối giúp đỡ, những người này quên rằng họ đang XIN, và người kia có thể CHỌN cho hoặc không chứ chưa nói đến trường hợp họ không có để cho. Việc giúp đỡ người khó khăn hơn là rất tốt, thế giới cần nhiều hơn những điều tốt đẹp, nhưng ai là người cần giúp đỡ, thực sự cần? Vì bạn phải công nhận với tôi rằng dù là ai đi nữa cũng sẽ có lúc thực sự cần giúp đỡ từ ai đó và hầu hết những lần xin trợ giúp trong ngày mà chúng ta nói ra hoặc nghe được đều không thực sự cần thiết. Hoặc là bạn tự mình có thể làm nó nhưng bạn lười hoặc là có kẻ nào đó đang lợi dụng lòng tốt của người khác, hẳn rồi. Vậy là tôi không rõ phải làm sao để phân biệt được một người đang thực sự cần giúp đỡ hoặc 1 kẻ lợi dụng lòng tốt trừ khi có thể đọc suy nghĩ nhưng tôi luôn có thể chọn giúp hoặc không giúp, đó là lựa chọn mà, lựa chọn của tôi và việc mà tôi cần làm ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Mặt khác, tôi muốn nói rằng chúng ta cũng không nên chủ động yêu cầu trợ giúp người khác trước khi họ chủ động nhờ cậy. Hãy nhớ lại một chút, bạn sẽ không thể ngẩng cao đầu khi xin sự trợ giúp từ ai đó được đúng không, trừ phi bạn là chủ nợ đang đòi lại món nợ ân tình từ con nợ của mình thì bạn có thể tự tin mà đàm phán với đạo đức và lương tâm kẻ kia, điều này dễ dàng hơn khi mang theo hợp đồng. Những trường hợp khách tôi thấy khi ai đó xin cái gì đó từ người khác thì họ đều cúi đầu và tự hạ thấp bản thân để mong rằng người kia mở lòng với họ, thương hại họ mà giúp họ. Hãy nhớ lại lần cuối bạn được một ai đó xin trợ giúp, bạn có thấy thỏa mãn không? Có cảm thấy mình tốt đẹp hơn một chút không? Có cảm thấy mình cao thượng hơn một chút không? Và trong khi giúp đỡ người khác hoặc thậm chí là trước cả khi làm việc đó, bạn có nghĩ về phần thưởng mà mình sẽ được nhận, sự tạ ơn từ họ hay họ sẽ giúp đỡ lại bạn khi bạn cần không? Nếu câu trả lời là có ở 1 trong số những câu hỏi này thì bạn không tốt đẹp đến thế đâu, bạn cũng không giúp đỡ ai ngoài bản thân mình cả. Bây giờ hãy nghĩ về lần cuối bạn xin sự giúp đỡ từ ai đó, việc gì cũng được, dù là nhỏ nhất, hãy nghĩ nhé, chờ 30 giây, hoặc 1 phút. Bạn có nhớ ra được lần cuối đó không, đó hẳn là một việc gì đó trọng đại hoặc rất có ý nghĩa với bạn và đã khá lâu trước đây. Hẳn rồi, bạn sẽ nhớ những lần ở xa một chút rõ ràng hơn chứ không nhớ việc sáng nay chiếc xe ô tô đã nhường đường cho bạn khi bạn vội và xin đường họ với một cái nháy đèn, hay một ai đó giữ cửa cho bạn khi bạn đang khệ nệ ôm một đống đồ đạc, bạn không nhớ đâu. Chúng ta thường ghi nhớ những khoản nợ phải trả và những khoản đã cho vay dù là 0 lãi suất đi nữa. Khi bạn giúp đỡ ai đó bạn sẽ nhớ và có thể sẽ lại giúp họ vào lần tiếp theo còn điều ngược lại thì không xảy ra, bạn sẽ dễ quên đi những lần mình xin giúp đỡ và thường không muốn xin giúp đỡ từ một người nhiều lần. Điều này được chứng minh từ khá nhiều thí nghiệm với tâm lý học và tôi đọc được nó trong cuốn sách "Bạn không thông minh lắm đâu" của tác giả David Mcraney viết về những hiệu ứng tâm lý thường gặp chứ không phải những căn bệnh tâm lý hiếm gặp. Cơ mà tôi không ở đây để nói về hiệu ứng tâm lý này, cái tôi muốn nói đến là cảm giác khi bạn giúp ai đó và khi bạn xin sự giúp đỡ. Hẳn là bạn sẽ không mấy thoải mái khi phải xin điều gì và thường cảm thấy tốt đẹp hơn một chút khi giúp đỡ ai đó. Đúng vậy, hãy là một người tốt bụng và giúp đỡ người khác khi họ chủ động nhờ chứ đừng đi tìm cảm giác tốt hơn một chút và đi hỏi mọi người xem họ có cần giúp không. Mong muốn giúp đỡ người khác là tốt, rất rất tốt, điều đó thể hiện bạn đang có nhiều thời gian và sức lực hơn mức bạn cần và bạn chọn dùng nó để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, những người cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, việc chủ động chạy tới và yêu cầu giúp đỡ thật không nên vì ngay khi bạn có suy nghĩ đó trong đầu, thì bạn đã đặt địa vị mình cao hơn người kia, họ là người đáng thương cần giúp đỡ trong khi bạn là người cao thượng xuất hiện để giúp họ. Suy nghĩ này vừa không tốt cho người nhận sự giúp đỡ vì nó gián tiếp làm hạ thấp sự nỗ lực tự thân của người đó và cũng cùng lúc khiến bạn tự cao. Nếu bạn khát khao việc giúp đỡ người khác, hãy tham gia những công việc thiện nguyện chứ đừng thương hại những ng không cần điều đó. Tóm lại, hãy nâng đỡ những người đã chủ động tự hạ thấp mình và cầu xin sự giúp đỡ từ bạn bằng cách đồng ý giúp họ khi có thể và thẳng thắn từ chối khi không thể và tuyệt đối không hạ thấp ai bằng sự thương hại áp đặt dù là vô tình hay cố ý.
Và cuối cùng, hãy từ bi chứ không nhạy cảm. Như đã viết bên trên, nhạy cảm đối với tôi là những người tự cho mình quyền quyết định người khác cảm thấy điều gì trước cả chính họ. Những người này tự cho là mình hiểu cảm xúc của người khác, họ có thể hiểu những gì người khác cảm thấy hơn cả những ng đó. Thật ngớ ngẩn. Mẹ tôi và rất nhiều các bác tôi làm điều này như một thói quen, một sở thích vô bổ và khiếm nhã. Họ dùng thời gian rảnh của mình để gặp nhau và kể cho nhau nghe về những người hàng xóm, những người xung quanh rồi dùng sự nhạy cảm của mình để phán xét những người đó. "Ôi con bà Nam nhà hàng xóm nó bỏ đi, khổ thân bà ấy. Trời ơi bạn thằng Hưng nó đi tu, tệ thật, nó vô trách nhiệm với bản thân, gia đình cộng đồng. Úi giời ơi nhà ông Hoàng bị mất trộm, chắc tại ăn ở". Những mệnh đề này bắt đầu những cuộc tán gẫu của các bác các mẹ của tôi. Mẹ tôi nói rằng mình phải biết, phải quan tâm, phải bình phẩm để còn biết. Tôi nghĩ mẹ tôi nên cố gắng hơn khi đưa ra lý do biện hộ cho hành vi tọc mạch hay thói quen độc hại của mình. Con bà Nam phải gặp chuyện gì tệ lắm, phải có xung đột gì đó, biến cố gì đó nó mới bỏ nhà đi, xung đột đó có thể đã tích tụ từ lâu và giờ thì nó bộc phát, có thể nó mới phát sinh nhưng điều đó chỉ ng trong cuộc mới nắm rõ, họ không trực tiếp kể cho mình thì mình không có tư cách suy đoán và truyền bá điều đó vì nó ảnh hưởng lớn đến những ng đó và thường là theo hướng tiêu cực. Hơn nữa, thậm chí chính những người trong cuộc kể cho chúng ta thì ta cũng không thể hiểu 100% được vì ta không phải họ, không ở trong hoàn cảnh chính xác của họ nên sẽ không thể hiểu 100%, vậy nên để bảo vệ tính trung thực của câu chuyện khỏi sự thêu dệt của trí tưởng tượng, ta không nên kể lại cho ng thứ 3. Những người đi tu, họ từ bỏ cuộc sống bon chen và tự cứu lấy tâm hồn của mình cũng chẳng có gì sai trái, họ đưa ra quyết định cho cuộc đời họ, họ có quyền làm vậy và tất cả những người khác không có tư cách đánh giá quyết định đó. Ai cũng có quyền quyết định cuộc đời mình và sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định đó, những người khác là ai mà có quyền phán xét họ, chẳng là ai cả. Tiếp nữa, nếu cộng đồng người cố gắng để phát triển và những "người bình thường" cố gắng bon chen, phấn đấu, đấu tranh với chính họ từng ngày để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội của họ, những ng đổi thời gian, công sức và sức khỏe để làm ra nhiều tài sản, ta dễ thấy họ là những dấu +, họ thêm vào xã hội những điều có giá trị cho đám đông. Ngược lại, những người phá hoại cuộc sống của người khác, phá hoại nỗ lực của những người dấu +, những tội phạm cướp giật, ma túy, những kẻ lừa đảo, những tệ nạn xã hội, họ là những dấu -. Những dấu - này khiến xã hội suy tàn và kìm chân sự phát triển, họ cần được giúp đỡ để không làm vậy nữa, không phải sự trừng phạt. Và những người tu hành, họ là số 0. Những tăng ni kia họ không cố gắng làm gia tăng tài sản và cũng không phá hoại hay níu chậm sự phát triển của xã hội vật chất, không tăng cũng không giảm. Thậm chí những số 0 này còn tạo ra nơi để điều hòa 2 dấu còn lại. Chúng ta không phải họ, không hiểu họ, nhưng hẳn là việc họ ở đó phải có lý do, có giá trị thì họ mới có thể tiếp tục xuất hiện qua hàng thế kỷ, hẳn vậy, vì nếu họ thực sự vô trách nhiệm và hèn yếu thì họ đã không thể duy trì sự hiện diện của mình suốt ngần ấy thời gian. Ta không phải họ, không hiểu họ và cũng chẳng là ông thần bà chúa nào đó mà có tư cách phán xét họ, vậy sao ta còn sân si, còn cố làm điều đó? Vì khi làm điều đó, ta tự lừa mình rằng mình tốt hơn họ, mình đúng còn họ sai, một cách hay để bảo vệ hạnh phúc: cho rằng nhiều người bất hạnh hơn mình. Đó chính là lý do những câu chuyện kiểu này thường bắt đầu với 1 kẻ phản diện hay một sự kiện tiêu cực chứ hiếm khi là ngược lại vì nếu một nhân vật tuyệt vời xuất hiện, hình ảnh đó sẽ khiến những kẻ đáng thương đang nghe chuyện cảm thấy mình kém cỏi và dừng câu chuyện đó ngay. Vậy còn nhà ông Hoàng bị trộm thì sao? Thay vì ngồi đó và thương hại ông ta, sao không đến hỏi thăm ông ta và giúp đỡ ông ta nếu ông ta cần, sao không bắt trộm vì biết đâu kẻ trộm kia sẽ trở lại và nạn nhân tiếp theo là nhà mình thì sao? Tại sao vậy, vì những người này chỉ nhạy cảm thôi, họ cảm thấy những gì họ nghĩ là họ sẽ cảm thấy, họ không hành động. Khi bạn gặp một vụ tai nạn, liệu bạn sẽ giúp đỡ người gặp tai nạn, giữ nguyên hiện trường, gọi xe cấp cứu hay chỉ đứng nhìn và xuýt xoa? Khi gặp ng đuối nước bạn nhảy xuống vớt, tìm cách hỗ trợ hay chỉ đứng đó và hoảng loạn? Hẳn là bạn đã thấy những trường hợp tương tự trong cuộc sống của mình, những người không màng nguy hiểm hỗ trợ người khác, những người xử lý vấn đề chứ không bàn luận về nó là những người từ bi, họ có sẵn điều đó trong người mà không cần học hay luyện tập. Còn những người khác, những người đứng xem những người bàn luận, đàm tiếu sôi nổi chỉ là người nhạy cảm mà thôi. Việc nói về vấn đề không làm nó biến mất cũng không giải quyết nó, vậy tại sao phải mất thời gian để làm vậy, hãy nghĩ cách giải quyết và xử lý vấn đề, hãy có lòng từ bi, với chính mình và với người khác.
Khi tôi đc biết về từ bi qua cuốn sách cùng tên của Osho, tôi thực sự bị thuyết phục bởi những gì ông từng nói và được các môn đồ ghi lại thành sách. Bài viết này là sự nghiệm lại của chính tôi về từ bi và thang đo sự đồng cảm, không phải bài tóm tắt cuốn sách tuyệt vời của Osho. Tôi không có nhiều từ bi trước khi đọc sách và đang cố gắng để hoàn thiện bản thân như bao người khác, hi vọng rằng chính tôi sẽ có thêm động lực để duy trì sự phấn đấu này và rất vui nếu bạn đọc cũng có được điều gì đó hữu ích.
Cảm ơn vì đã đọc đến tận đây, tôi rất vui nếu có thể tranh luận, phản biện với những quan điểm khác biệt, hãy trao đổi thêm nếu bạn hứng thú. Cảm ơn và hẹn gặp lại.