Nhật thực của Trần Thu Hà
Tôi không thích Chiều trên phá Tam Giang của Trần Thiện Thanh dù tôi khá thích bài thơ đó của Tô Thuỳ Yên, những suy tư về thân phận...
Tôi không thích Chiều trên phá Tam Giang của Trần Thiện Thanh dù tôi khá thích bài thơ đó của Tô Thuỳ Yên, những suy tư về thân phận con người trong tình thế chiến tranh, sự đối lập trong thái độ cầm súng ("ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm khi cùng làm những việc như nhau"), sự nhỏ bé của các ảo tưởng chính trị trước cái mênh mông vĩnh cửu của vũ trụ. Có lẽ vì giai điệu mà Trần Thiện Thanh viết ra làm tôi liên tưởng đến một quãng thời gian của những bức ảnh màu sepia, các quán cà phê ghế nhựa mở buổi sớm ở ngã tư, nơi có các ông bác ngồi hút thuốc trên các chiếc bàn nhựa; tình yêu trong bối cảnh đó hiện ra với một vẻ lười biếng và hời hợt, như những câu đùa trên bàn tiệc của những người cách tôi ba mươi năm tuổi.
Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương thì lại khác, tôi thích Nửa hồn thương đau hơn Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền vì nó rõ ràng hơn. Dù rằng cảm xúc của Nửa hồn thương đau có phần quá nghiêm túc, nói như mấy đứa bây giờ là nó “suy” quá, chí ít nó cho tôi cảm giác rằng đó là một cuộc tình tới bến, bất kể bến vui hay bến buồn, và không ngây ngô như các cô thôn nữ dễ cười vì những câu đùa nhạt. Có phải vì thiếu tính cách bình dân mà nhạc của Phạm Đình Chương đã không đại chúng như nhạc của Trần Thiện Thanh?
Rất có thể các melody đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra những cảm giác kiểu vậy. Lịch sử thơ phổ nhạc thì nhiều thứ để nói, nhưng trong những melody thường xuyên vẳng lại trong vô thức thường nhật của tôi, có các nốt đầu trong Phía ngày nắng tắt và Tiếc nuối của album Nhật Thực.
Cách cảm nhận mỗi người về cái gọi là “sến” trong nhạc tôi thấy hơi khó nói vì chưa đủ hiểu biết lắm về nó. Nhưng với tôi “giờ này thương xá sắp đóng cửa” nghe nó sến hơn là “sau giấc mơ, em còn nguyên”, dù rằng nếu cho một đứa 2k5 nghe Nhật Thực nó cũng sẽ bảo là cũ kĩ hơn, chẳng hạn, “nếu lúc đó em không buông tay, nếu lúc đó anh không lung lay”. Gu nhạc là “dấu chỉ thời đại”. Có lẽ tất cả những niềm say mê của tôi với âm nhạc đã nằm lại những năm 2000s.
Nhưng trong những năm 2000s đó, tôi hiển nhiên không thể biết thơ Vi Thuỳ Linh gây ra những xôn xao thế nào. Về sau này, tôi cũng không đọc thơ Vi Thuỳ Linh trước khi tôi nghe những bài hát của Ngọc Đại phổ từ thơ Vi Thuỳ Linh, do Hà Trần hát. Sự thành công của Nhật thực đã tạo cho Trần Thu Hà địa vị của một người khám phá các vùng đất mới, nhưng rất nhanh, Hà Trần không thể tiếp tục đi con đường đó, lại trở về cùng Đỗ Bảo.
Ngọc Đại thì trái lại, tiếp tục đi vào những vùng nhiều tai quái hơn với Thanh Lâm và Linh Dung. Và khi Ngọc Đại đi tiếp đến Thằng Mõ thì đó là một vùng hoang vắng không ai đi theo cùng được nữa. Về sau tôi thấy hơi xấu hổ khi trong đống đá tai mèo ném vào người nhạc sĩ kiêu ngạo cô độc đó từng có cả viên đá của tôi. Nhưng trách sao được, tôi vốn không thông minh, từ nhỏ đã không có người dẫn dắt. Như Tam Ích đã trích lời ai đó khi bày tỏ những ăn năn với Phan Khôi, lịch sử làm bằng thanh niên tính và nhầm lẫn.
Nhưng rất có thể Ngọc Đại phải chịu đóng đinh lên cây thập giá thì mới tạo ra được một câu chuyện thú vị đến như vậy, và là nguồn cảm hứng cho các nhóm phản văn hoá sau 2010s tìm kiếm các chất liệu Việt Nam.
Tôi nhớ có ông nhạc sĩ nào đó gọi Ngọc Đại là “trái chín nẫu”. Các cá mập trong shark tank chẳng hay nói chuyện Việt Nam liệu đã đến thời điểm để đầu tư? Âm nhạc mà đi trước thời quá cũng là tai hại; một thứ âm nhạc như thế mà muốn đại chúng cũng là tai hại.
Đến tận 2021, Lingua Ignota mới ra Sinner Get Ready, lại được Anthony Fantano đánh giá 10/10, nhưng tôi nghe và lập tức liên hệ thứ âm nhạc nhiều tín ngưỡng đó với những gì Ngọc Đại đã làm với Đại – Lâm – Linh vào những năm 2000s.
Hà Trần về sau này đã muốn trở lại cái danh xưng người khai phá đó với Bản nguyên, nhưng hiển nhiên, mọi thứ đã khác nhiều.
Nhân tiện phát hiện:
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất