Một ngày trong tháng năm không nhớ,

Gửi những người mang tâm sự,

Mình có thật nhiều tâm sự. Trước đây, mình không có bạn bè, mình không biết phải chia sẻ những tâm sự này với ai. Không một ai lắng nghe mình, mình nghĩ mình cô đơn. Nhưng hiện tại, mình đã có thêm nhiều bạn bè, mình đã chia sẻ họ một vài chuyện, tâm sự đã vơi đi ít nhiều. Nhưng mình vẫn còn những cảm xúc không thể nói thành lời, những suy nghĩ quá nhỏ để nói ra vẫn khao khát được chia sẻ. Mình vẫn cô đơn ư? Mình không nghĩ vậy. Vậy là mình đã đi tìm một giải pháp cho vấn đề này qua những trang sách. Và thật bất ngờ, giải pháp ấy vừa quen thuộc mà cũng thật đặc biệt - nhật ký.

NHẬT KÝ ĐÃ GIÚP MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
Như phía trên đã nói, nhật ký là một công cụ hữu hiệu để giải quyết nhu cầu được chia sẻ của bản thân. Ngoài việc chia sẻ với mình những suy nghĩ chân thật nhất thì mình còn nhận ra được những chuyển biến trong suy nghĩ của mình qua từng ngày, từng tháng, từng năm, từng giai đoạn trong cuộc sống.

Mình sử dụng các cách khác nhau để nhật ký như là ghi vào điện thoại, máy tính hay ghi âm,... nhưng mình vẫn ưu tiên ghi chép bằng tay ra giấy hơn tất thảy. Bởi lẽ với mỗi thời điểm khác nhau, mỗi cảm xúc khác nhau, chữ viết của mình cũng sẽ khác đi, lúc tròn vành rõ chữ, lúc ngoáy đến khó dịch, lúc mực nhạt nhạt, lúc lại đậm đến in cả ra trang sau,... Mỗi chữ viết vào mỗi thời điểm khác nhau lại bộc lộ một cảm xúc khác, một thái độ khác của mình. Thêm vào đó việc viết sẽ giúp mình chậm đi phần nào, bình tĩnh đi phần nào cho dù lúc đó mình có xúc động ra sao. Nó đã giúp mình điều chỉnh, cân bằng lại cảm xúc có khi không đáng để cảm thấy thế nhưng lại đang bị mình làm quá lên. Lúc đó mình sẽ nhìn nhận, quan sát lại suy nghĩ của mình. "Quan sát suy nghĩ" nghe có vẻ hơi kì cục nhưng thực sự việc quan sát diễn biến dòng suy nghĩ đã giúp mình rất nhiều trong việc cân bằng, điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành động.

Việc ghi chép nhiều cũng khiến vốn từ của mình tăng lên đáng kể, cách diễn đạt của mình cũng lô-gic và dễ hiểu hơn. Mới đầu mình viết cũng lủng củng và loạn lắm. Điều đó đòi hỏi mình phải tìm hiểu nhiều hơn những từ ngữ, những cách diễn đạt để cảm xúc, suy nghĩ được rõ ràng, mạch lạc và để bản thân mình sau này đọc lại cũng dễ hiểu hơn.

MÌNH "NHẬT KÝ" NHƯ THẾ NÀO?

Ai cũng biết nhật kí thì chỉ cần viết lại một cách chân thật nhất. Thế nhưng nhiều khi, khi mình ngừng lại một lúc trước khi đặt bút viết, mình lại thêm thắt vào những cảm xúc mới, từ ngữ mới để biến những tâm sự thành một “Câu chuyện đời tôi” hoàn hảo, có thăng trầm cảm xúc và tự lừa dối bản thân bằng một câu cổ vũ tinh thần như một cái kết đẹp. Có vẻ mình đã làm cho nhật kí hoàn hảo một cách dối trá. Mình đã “vô tình” không chân thật.

Vì vậy hãy chân thực mà viết không ngừng lại, cứ để cảm xúc tuôn ra thành chữ - rõ ràng, thông suốt. Nhật kí không hoàn hảo, nhật kí thành thật.

Vậy có những lúc cảm xúc tuôn trào quá nhanh mà tay không kịp ghi, thành ra chữ không đọc được thì sao? Mình nói ra và ghi âm lại nhưng cũng cố gắng điều hòa cảm xúc không trở nên thái quá và ghi lại nó. Mới đầu mình cảm thấy việc ghi âm lại có vẻ hơi kì kì, cảm giác như tự kỉ ấy. Nhưng những lúc mà mình cảm thấy quá khó để bình tĩnh, để viết thì mình sẽ nói ra hết thành lời cho hả hê, để "xả" cảm xúc ra vậy đó.

Mình viết ngày-tháng-năm trước mỗi lẫn “tâm sự” và khi đọc lại theo ngày, theo tháng, theo năm, mình đã rất bất ngờ với những chuyển biến trong suy nghĩ của mình. Mình cho rằng đó là sự trưởng thành (Thực ra là nhiều cái hề hước trong đó lắm, cười chảy cả nước mắt ý chứ). Ngoài ra, khi bắt đầu thật sự viết nhật ký, mình ghi ra một quyển sổ nhỏ vì trước đấy mình đã tốn kha khá mấy quyển sổ to để viết được mấy trang "nhật ký giả" làm màu. Mới đầu mình cũng chỉ viết về việc mình ăn thế nào, ngủ ra sao, ngày hôm nay vui hay buồn,... những điều vô cùng đơn giản. Càng về sau, mình lại càng đào sâu hơn vào chính mình với hàng loạt câu hỏi tại sao liên tiếp. Vì thế tần suất viết nhật ký của mình tăng lên, từ 1 lần/tuần thành mỗi ngày. Mỗi lần viết, mình cũng viết nhiều hơn, thành thật hơn và đa dạng chủ đề hơn. Cứ vậy, việc lấp đầy hẳn một quyển sổ với những suy nghĩ của mình khiến mình cảm thấy mình như đã đi một hành trình dài, như đã trưởng thành hơn, sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn nhiềuuuu ấy.^^

Vậy những người mang tâm sự, bạn đã trút ra hết những tâm sự của mình chưa? Nếu chưa, sao bạn không thử chia sẻ với mình hoặc một bạn nhật ký nhỉ?
Thật cảm ơn các bạn đã chia sẻ tâm sự này với mình!

Từ một người mang tâm sự.