(Bài viết ghi chép lại những điều đã học được)

LỖI KHI DÙNG TỪ

Lựa chọn từ là vấn đề đau đầu, bạn có thể dễ dàng rơi vào cách chọn từ ngữ sai âm điệu của bài, sáo rỗng, lặp từ. Để khắc phục, bạn nên viết càng cụ thể càng tốt, nâng cao vốn từ vựng và biên tập bài viết dưới con mắt của một nhà phê bình. 
Không sử dụng các từ sáo rỗng đã được hàng ngàn người dùng hoặc được đưa vào các bài văn mẫu như một tôn chỉ cho người học đi theo vết xe đó. (Trắng như tuyết, lạnh như băng, cao như núi, thế giới bé nhỏ… những cụm từ siêu quen thuộc này đã nhấn chìm những bài văn đi vào quên lãng của tui). 
Viết cụ thể có nghĩa bạn sẽ thu hẹp lại đối tượng người đọc, dễ dàng lựa chọn cách xưng hô và từ chuyên môn. Nếu đối tượng rộng, bạn nên lựa chọn những từ dễ hiểu được biết đến rộng rãi hơn thay vì từ ngữ chuyên ngành. Không phải lúc nào viết cụ thể cũng đem lại hiệu quả.
Nâng cao vốn từ càng nhiều càng tốt. Bản thân mình sẽ tìm đọc các tác phẩm văn học kinh điển, các tác phẩm có tuổi đời vài chục năm và tìm thêm từ điển tiếng Việt để học lại tiếng Việt từ những điều ban sơ nhất.
Biên tập bài viết dưới con mắt của một nhà phê bình, sẵn sàng gạch bỏ những từ thừa thãi hay dùng chưa đúng cách. Mình sẽ không vì độ dài lê thê của bài viết mà biến nó trở thành một bài viết nhàm chán. 

LỖI SAI KHI VIẾT

Trì hoãn viết. Điều này bản thân mình đang mắc phải. Lên kế hoạch viết quá lâu hoặc suy nghĩ về bài viết lâu sẽ cản trở não bộ hoạt động để tuôn chữ nghĩa. Tốt nhất nên dành khoảng 20 phút cho vấn đề này thôi.
Sử dụng những cụm từ mơ hồ hoặc mô tả bằng các trạng từ quá phổ biến như “rất”, “quá”. Ôi đây là lỗi to đùng của mình hiện giờ và mình cũng cảm thấy khó chịu vì cái lỗ ẩm ương này. Lý do chính là cạn kiệt ngôn từ sử dụng. Mình cần thay thế bằng các cụm từ đồng nghĩa với nó. Ví dụ như thay thế “rất thông minh” bằng “thông minh hơn người” chẳng hạn, nhỉ.
Một lỗi khác nhiều người mắc mà đôi lúc bản thân mình cũng mắc là viết câu dài lê thê không rõ ràng. Viết đơn giản hơn, ngắn gọn mà đủ ý hơn.
Đối với người Việt, sử dụng từ Hán Việt đã trở nên quen thuộc. Sử dụng quá nhiều từ đi mượn sẽ làm câu văn bị choáng ngợp. 
Trong các bài viết đời sống hay chuyên môn, sử dụng các từ thể hiện sự không chắc chắn như “có thể”, “có lẽ”... sẽ làm giảm bớt sự tin tưởng của người đọc. Ôi trời ôi mình đang bị cái điều này quật lên quật xuống đây. Lúc nào cũng lo sợ điều mình viết có đúng không, có gây ảnh hưởng với người đọc không. Thế là lại viết mấy từ kia vào mà không dám viết câu khẳng định.