Vào đầu tháng 9, mình khá rãnh rỗi nên lên Đà Lạt thăm bạn. Lúc này đang thất nghiệp không còn nhiều tiền, nên thay vì đi xe đò, mình chạy xe máy từ Bảo Lộc lên. Mình nghĩ bụng rằng đi xe máy cũng vui, vì lúc lên Đà Lạt đỡ tiền đi grab, mà còn được chạy lòng vòng khám phá thành phố nữa.
Sáng sớm hôm đó trên Đà Lạt, khi mới rút tiền để đổ xăng xong, có một cô đang ngồi bệt xuống đường với mấy túi nylon to đùng nhìn thấy mình, liền hỏi: 
“Con đi về hướng nào?" 
Dạ con đi về hướng này,” mình chỉ tay về trước mắt.  
Cô nhờ con chở đi đây chút được không? Cô trả tiền xăng cho
Dạ được cô. Mà thôi được rồi con không lấy tiền đâu
“Con chở cô tới Phạm Ngũ Lảo nhé" 
“Dạ cô chỉ đường nha" 
“Ủa con không phải người ở đây à?" 
“Dạ con từ Bảo Lộc lên chơi với bạn" 
“Uhm. con gặp bạn chưa?"
“Dạ con mới gặp xong. Ủa cô đang đi đâu đây?" 
“Cô đi đưa đồ ăn cho má" 
“Ủa cô không ở với má à?" 
“Uhm cô có gia đình riêng. Con ơi ngừng trước chùa chút được không? Con chờ cô chút được không?" 
“Dạ được" 
Ảnh: Hương Võ
Ảnh: Hương Võ
5 phút sau cô ấy quay lại, nhìn mình và ngượng ngùng hỏi: 
“Con ơi, con cho cô mượn 46 ngàn được không? 
“Ủa chi vậy cô?" 
“Cô mượn đưa tiền cho sư cô" 
“À dạ…”
Mình không có tiền lẻ nên đưa cô tờ 50 ngàn. Vừa cầm tiền cô vội hỏi tiếp: 
“Con cho cô mượn thêm được không?” 
“Thêm nhiêu cô?" 
"200..” 
“Dạ thôi thôi con đâu có tiền đâu.” 
“Thế 100 được không con. Cô đưa tiền cúng cho sư cô để sư cô tụng kinh cho bố cô. Lễ vu lan đó con...tý qua nhà má cô trả lại cho con." 
Mình nhìn xuống thấy hai tay cô cầm tờ 50 ngàn run run với một vẻ mặt rất thành khẩn. Mình thấy thấy móng tay dính nhiều đất, da sậm và nhăn nheo, tự nhiên thấy tội nghiệp. 
“Dạ ok đây cô. Chờ bao lâu nữa vậy cô?" 
"Năm phút thôi nha con" 
Năm phút không thấy cô quay lại, mình chủ động lên chùa tìm. Mình ngó vô thấy sân chùa khá vắng vẻ. Có vài con chó thấy mình thì sủa, nhưng mình vẫn tiến vô tìm. Đi vào tới chính điện nhưng cũng không thấy cô đâu. Có một sư cô thấy mình nhìn tới nhìn lui bèn hỏi: 
“Có cần gì không chú?” 
“Dạ con tìm cô này mới mượn tiền con để đi cúng xong." 
“Cô mặc áo đen lùn lùn cầm mấy cái bịch đúng không?" 
“Dạ đúng rồi" 
“Cô ấy đâu có lên cúng đâu. Thấy để mấy cái bịch đó rồi đi đâu rồi. Con có quen không mà cho mượn tiền vậy?" 
“Dạ con không. Thôi con cảm ơn sư cô nhé" 
Mình chạy xuống chỗ cũ cũng không thấy cô ấy đâu. Thấy trời sắp mưa, nên mình không đợi nữa mà chạy đi lo công việc của mình--chấp nhận mất 150 ngàn. Khi chạy đi, có nhiều suy nghĩ tiêu cực lướt qua đầu mình: 
“Haiz. cố làm chút chuyện tốt cũng bị lừa nữa" 
“Nếu cổ cần tiền sao không nói thẳng? mà lại lừa mình chi vậy trời" 
“Sao mình ngu thế không biết”  
Vừa chạy xe trong mưa, vừa thấy bức rức trong lòng. Sự kiện này bỗng gợi lại cho mình một ký ức có liên quan. Hồi lúc học mẫu giáo, mình cũng từng trải qua một sự kiện tương tự. Lúc đó mình cầm năm ngàn qua chùa để mua cái gì đó cũng không nhớ nữa. Nhưng qua chùa thì mưa to, mà cái hội quán thì không mở cửa. Mình vừa đứng đợi vừa cầm tờ năm ngàn trong tay. Có một chú nọ đạp xe ngang qua hỏi mượn mình năm ngàn, rồi chút nữa chú quay lại trả. Mình cho chủ mượn không suy nghĩ gì, và chủ chạy xe đạp đi mất trong mưa. Mình đứng đó đợi một hồi cho tới khi tạnh mưa, không thấy chủ quay lại, đành phải về nhà tay không. Khi về bị mẹ quánh một trận. 
Lúc còn nhỏ, nếu lớn lên trong điều kiện đầy đủ, thì chắc là đa phần tâm hồn chúng ta đều rất ngây thơ và thuần khiết. Chúng ta tin người vô điều kiện, và chúng ta tự nhiên muốn giúp người mà không cần phải nhận lại bất kỳ lợi lộc nào. Lúc ấy, mình sống mà không có nhiều hoài nghi, với một trái tim không nhiều rào cảng.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong quá trình mình trưởng thành. Khi ra đời, ta buộc phải cọ xát, phải tranh đấu, phải hơn thua, phải sinh tồn. Trong quá trình này, mình đã phải trở nên cẩn trọng hơn, đề phòng hơn, và "khôn ngoan" hơn. Có đôi lần mình tự hỏi rằng: "mình của ngày ấy đâu rồi?"
Phải chăng mất đi hồn nhiên là cái giá của sự trưởng thành? 
Vừa chạy xe trong mưa mình vừa mỉm miệng cười. Sau hơn hai mươi năm, thì mình nhận ra rằng đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên ấy vẩn còn đâu đó trong mình. 
Ảnh: IG @hien. sg
Ảnh: IG @hien. sg
Nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ vẫn chọn cho hai cô chú mượn tiền. Vì mình biết tuy mất tiền, tuy bị đánh đòn, nhưng mình giữ lại được một thứ quan trọng hơn—đó là lòng trắc ẩn. Mất tiền, nhưng không đánh mất chính mình. Thà bị thiệt, nhưng không cho phép trái khép kín trước những người đang cần được giúp đỡ, và không cho phép mình là người đứng ngoài cuộc chơi của tạo hoá. Khi ý thức được như vậy, mình không hối hận vì mình đã cho họ mượn tiền. 
Nhìn sâu hơn, mình nhận ra rằng những suy nghĩ tiêu cực nhất thời kia thực ra chỉ sự vận hành của cơ chế phòng vệ đang cố bảo vệ cái tôi của mình. Cái tôi của mình đã cảm thấy bị tổn thương, bị “gạt,” bị “lợi dụng,” bị "đánh tráo niềm tin." Vì vậy, cơ chế này đã vẽ nên một câu chuyện mang tính lưỡng nguyên rằng: mình là người tốt, còn họ là người xấu. Và cái kết luận hợp lý cho lối suy nghĩ này là đừng làm chuyện tốt nửa, kẻo bị lừa; đừng có ngu mà cho ai mượn tiền nữa, hãy khôn ngoan lên đi; đừng vội tin người ngoài, phải luôn đặt một dấu hỏi.
Cơ chế phòng vệ này quy cho cùng, cũng là muốn bảo vệ mình để mình không bị tổn thương nữa. Đằng sau những danh từ như là "khôn ngoan," hay là "lý trí," thì ra mình đang nuôi dưỡng nhiều nổi sợ—sợ bị phản bội, sợ bị tổn thương, sợ bị đánh mất niềm tin, sợ lòng tốt không được đáp trả, vv. Vậy thì mình đang thực sự trưởng thành, hay mình chỉ đang dung túng cho những nổi sợ đang dần đưa mình xa hơn với những người xung quanh?
Mình nhớ thầy mình có một lần nói rằng:
Đôi khi người ta khó khăn, cần lắm mới phải lấy đồ của người khác, chứ không hẳn người ta là người xấu, không hẳn là họ cố ý lừa gạt.” 
Nếu không bước qua những nổi sợ kia, thì ta sẽ không thể mở lòng để nhìn câu chuyện một cách tổng quan hơn, để thấy câu chuyện từ những góc nhìn khác, để thấy rằng mình không phải là cái rốn của vũ trụ. Nếu mình mở lòng ra, câu chuyện sẽ không đơn thuần được kết luận bởi cái thấy hạn hẹp rằng họ đã “lừa” mình. 
Sẽ có nhiều ý nghĩa, nhiều “có thể hơn.” Có thể chờ thêm hồi lâu, họ sẽ quay lại. Có thể họ đã quay lại, và chờ mình. Có thể, và có thể. 
Nhưng mình không biết được, và sẽ không bao giờ biết được. Mình chỉ có thể biết chắc một điều: rằng trong giây phút đó, mình đã không chọn nỗi sợ. Mình đã không chọn sự nghi ngờ—rằng người này đã lừa gạt mình, rằng người này đã không thành thật.
Mình đã chọn tình thương. Mình đã chọn niềm tin—tin là họ muốn mượn, và muốn trả. Không phải là 5 phút sau, thì là hôm sau, tháng sau, năm sau, hoặc kiếp sau. Và không hẳn là trả lại cho mình, mà là trả với đời, với muôn loài, với muôn vàn hình thức khác. 
Có thể nhiều người cho đó là sự ngây thơ khờ dại, một sự thiếu khôn ngoan. Và đúng là khi ra đời, ngây thơ khờ dại thì dễ bị lừa gạt, bị lợi dụng. Sống chân thật và chân thành phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng đối với mình, khi nhìn về đường dài, sống không chân thành, không chân thật sẽ còn phải trả giá đắt hơn—đó là đánh mất chính mình, và đánh mất niềm tin vào cuộc sống. 
Nếu có buồn thì mình không buồn hai cô chú, cũng không buồn là mình đã mất tiền. Mình buồn vì xã hội quá tàn nhẫn với những người yếu thế, để mà ép vào mức đường cùng. Ai cũng có khó khăn riêng, và chắc chắn là cô ấy cần 150 ngàn đó hơn mình lúc đó. Chắc chắn là chú ấy cần năm ngàn hơn mình hồi đó.
Thôi vậy cũng được. Miễn sao tiền đi đến nơi nó cần đến là được rồi. "Lừa gạt" hay không cũng tuỳ mình chọn góc nhìn nào thôi, vì suy cho cùng, không có gì thật sự là "của mình" cả. 
Vài hôm sau, khi đang de xe chuẩn bị về nhà trong một đêm tối cỡ 10h, một bác gái bán vé số tóc bạc phơ hỏi mình: 
“Con đi về hướng nào?" 
“Dạ con đi về hướng này” 
“Con cho bác đi nhờ qua đường chút….được không? 
Phản xạ đầu tiên của mình là muốn từ chối ngay, vì sợ sẽ lại bị “gạt.” Nhưng mình biết là cơ chế tự vệ đang vận hành, và mình quyết sẽ không bị dắt mũi bởi nổi sợ. Mình chọn niềm tin, và mình chọn tình thương, vì đây là những giá trị mình muốn sống với. 
Vừa cười, mình vừa nói:
“Dạ con không biết đường nên bác chỉ đường con nha.”