Xếp hàng – một việc làm cần thiết để duy trì trật tự của đám đông. Hôm nay tôi lại phải chờ nghe gọi tên, điểm danh và đứng vào hàng như những gì đã diễn ra khi tôi từng ở trong một tập thể con người – tôi rất ghét điều này vì tôi thấy mình lọt thỏm giữa những cái đầu cao lêu khêu.
Chúng tôi được gọi tên và bước lên đứng trước toàn thể những học sinh cấp ba. Tôi cảm thấy mỗi hành vi của mình, trước ánh mắt của đám đông, không còn tự nhiên nữa. Tôi luôn có cảm giác phải tập trung kiểm soát từng hành vi nhỏ nhặt như giữ lưng thẳng khi đi đứng, cố gắng hóp bụng vào một chút để trông bụng mình không bự lắm, và khi phải cúi xuống để lượm một thứ gì đó, vì cơ thể ục ịch của mình tôi cảm thấy như mỡ đang dồn lại và gây áp lực lên những những thớ vải quần áo, khiến chúng gào thét chực chờ rách toạt, và tôi còn ko biết nếu giữ thẳng chân hay là khụy xuống một chút thì trông tư thế của mình sẽ bớt kì cục hơn… Cảm giác khi cơ thể của mình bị lột trần bởi hàng vạn ánh mắt, với một kẻ bị ám ảnh cơ thể, là một cảm giác rất không thoải mái. Giữa đám đông, tôi không thể tự chủ được suy nghĩ. Tôi nghĩ về các khái niệm être-pour-soi và être-en-soi rồi tự hỏi, phải chăng chính vì Sartre cũng là một gã lùn, lác mắt và xấu xí, nên ông mới nghĩ ra được những khái niệm này?
Trước khi lễ chào cờ bắt đầu, một giọng đọc vang lên: “…chúng ta đang sống trong một đất nước tươi đẹp, phồn vinh và thịnh vượng như hôm nay là nhờ công lao to lớn của…”. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình đã đi một chặng đường quá xa, hoặc đủ xa để không còn tin được vào những lời này nữa rồi. Tôi đang làm gì ở đây thế này? Cố gắng lờ đi cái sâu rộng phức tạp đến ngạt thở của sự thật để truyền dạy một tín điều riêng biệt, ấu trĩ và giản đơn cho thế hệ tương lai ư? Và khi bài quốc ca vang lên, tôi không còn thấy mình hát theo một cách dõng dạc tự tin và đầy xúc cảm như những ngày trung học nữa, tôi thấy ngại ngùng và xấu hổ như sắp bị bắt quả tang là đang vụng trộm vậy.
Trong thịnh vượng, làm sao chúng ta hiểu được giá trị của thịnh vượng? Siêu anh hùng chỉ xuất hiện khi có siêu phản diện, cái tốt cũng cần cái xấu để hiện thân.
Trẻ em chúng không hiểu tại sao lại phải làm hoặc ko được làm một cái gì đó, và người lớn chỉ đơn giản ko đủ kiên nhẫn để giải thích cặn kẽ nên nói rằng ‘không cần hiểu, chỉ cần làm theo’.
Ngay cả khi đã được giải thích, nếu thiếu trải nghiệm thì đến một lúc, chúng cũng sẽ hoài nghi: “Lửa có thật sự nóng?” hay “Tại sao lại phải sợ ông Kẹ?”.
Nhưng dường như hầu hết đang đều bị ru ngủ bởi những câu khẳng định và họ quên bẵng cả nghi vấn. Ngay cả nghi vấn, ở thời đại mà dường như không còn cần thiết phải hỏi “Là cái gì?” nữa, nhiều người chỉ thiết tha trả lời cho câu hỏi “Như thế nào?” thay vì lẽ ra nên tự hỏi trước câu hỏi “Tại sao?”.
Ôi tôi khao khát một cuộc chiến tranh hay thảm họa. Để lúc đó, tất cả đều bắt đầu hoài nghi mọi thứ quanh mình. Và rồi chúng ta sẽ dựng xây một thế giới con người mới, dù biết rằng rồi một ngày tương lai sau đó nó sẽ lại bị phá bỏ – cũng như luật pháp hay nguyên tắc.
Đập đi và xây lại những ngôi nhà – chẳng phải đó là một hoạt động sống duy nhất của chúng ta?
Wait, did I just reveal my political stance? Nah, I don't even have a "stance". :))))