Giá

Hôm qua mình đã viết về chuyện trả giá, người ta hay bảo cái gì cũng có giá của nó, theo mình câu này chuẩn đét luôn. Nhưng rất nhiều người hiểu không hết, hoặc hiểu sai điều này, lắm kẻ còn lợi dụng nó để đạt được cái họ muốn bằng cách thao túng người khác. Bản thân mình có những trải nghiệm tương đối hay ho với vấn đề này. Tuy không hẳn là nạn nhân, nhưng mình đặc biệt không thích những hành vi kiểu như này, nên nếu trong bài mình có lộ ra nhiều cảm xúc, mong bạn thông cảm.

Mentor

Ngày mới ra trường, mình có một khao khát là tìm được một "mentor", một người soi đường chỉ lối cho mình trên con đường sự nghiệp. Quan hệ không, trình độ không, nhưng do quyết tâm hành động bất chấp nỗi sợ hãi, mình tìm ra giải pháp là đi hóng hớt trên mạng. Phàm là người có nhiều like, chắc là sẽ giỏi. Hóng mãi thì mình cũng có duyên gặp được một nhân vật khá nổi tiếng, nếu đánh giá theo các thang đo thông thường thì ông ấy thành công. Có tiền, có địa vị, có danh tiếng, thế là mình xin đi theo.
Bài học đầu tiên mình được nghe chính là câu chuyện trả giá này, để thành công trên con đường công danh, có những thứ chắc chắn sẽ phải đánh đổi. Các doanh nhân thành công hầu hết đều đánh đổi sức khoẻ, đánh đổi hạnh phúc gia đình. Để thành ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, hầu hết đều đánh đổi bằng thân xác (mình chỉ thuật lại, không phán xét). Rồi ông ấy hỏi mình, có dám đánh đổi mọi thứ để đổi lấy thành công hay không. Mình bảo không, có đổi, nhưng tuỳ. Voilà, mình "được" đánh giá là tư duy kém, nếu còn nghĩ như thế, đời sẽ không bao giờ khá lên được.
Đâu chỉ có một lối

Kém

Được đâu hơn tháng nói không như thế, mình bỏ, hay nói là bị đuổi cũng được. Có lẽ mình kém thật. Những thứ ông ấy chỉ dạy và muốn mình làm theo, mình luôn thấy lấn cấn và không làm được. Mình vẫn nghĩ cách đánh đổi ấy không phải là con đường duy nhất để "khá" lên được.
Không biết quyết định bỏ đi của mình là đúng hay sai, những người ở lại "có vẻ" đều rất thành công. Nhìn cái cách họ làm việc, nói chuyện, giống y như những gì ngày xưa mình được học, mình thấy không ham. Mình biết nếu mình làm giống họ, mình sẽ không vui và bị dằn vặt suốt đời.

Nghĩ khác


Có / Không

Bạn nhận ra ý mình muốn truyền tải qua câu chuyện này không? Chúng ta nhiều khi bị kẹt ở cái lối tư duy có / không. Bạn có sẵn sàng đóng tiền ngay bây giờ để trở nên giàu có không? Thế bây giờ em chọn anh hay chọn thằng kia?
Cuộc sống tràn ngập những lựa chọn kiểu này, nếu không đủ tỉnh táo, ta rất dễ chọn có hoặc không. Bạn cứ thử chậm lại xem. Bạn có thể lựa chọn ngày mai đóng tiền sau, có khi vừa có giảm giá mà vẫn "thành công". Sao lại phải chọn khi bạn có thể yêu luôn hai anh một lúc, hoặc đá cả hai để đến với anh thứ ba ngon hơn.

Không trả

Câu trả lời cho những câu hỏi có không ấy, đôi khi là ta có nên trả lời hay không. Không trả lời, thật ra cũng là một câu trả lời. Cái gì cũng có giá của nó, nhưng có những cái giá, ta không nên trả. Ngày ấy bỏ đi khỏi người mentor ấy, mình có nói câu "Anh muốn nói gì cũng được, miễn sao tối đến, em kê gối ngủ ngon là được". Đến bây giờ, khi cần phải ra quyết định, mình vẫn tự hỏi câu "Nếu làm thế này, tối đến mình có ngủ ngon được không?". Nếu câu trả lời là không, mình sẽ nhất quyết không làm. Tặng các bạn câu này.
What discriminated Socrates from the run-of-the-mill person was that when his concience told him not to do something, he didn't do it

Thuốc lá

Các bạn biết đấy, người hút thuốc rất "hay ho" và "có sức hút". Nhưng cái giá phải trả thì lại là "hay ho" và "hết sức thở". Cái giá này mình không muốn trả, mình sẽ hay ho và có sức hút theo một cách khác vậy.
Thế nhé, hẹn gặp các bạn ngày mai.