Đại dịch Covid – 19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị, y tế. Tình hình dịch bệnh bước đầu đã dần được kiểm soát, cuốn sách “Nhật ký Covid-19” của bác sĩ Ngô Đức Hùng giúp người đọc hiểu hơn về những sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ các y bác sĩ và những người đang trên mặt trận tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
Tác giả cuốn sách - bác sĩ Ngô Đức Hùng, anh sinh năm 1981 tại Bắc Ninh, từng tốt nghiệp loại giỏi tại trường đại học Y Hà Nội. Hiện anh đang công tác tại khoa cấp cứu hồi sức A9 của bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên tại trường đại học Y Hà Nội. Sau thành công của hai cuốn sách trước đó là: Ba phút sơ cứu, Để yên cho bác sĩ hiền, Nhật ký Covid-19 tiếp tục được kỳ vọng sẽ là một trong những cuốn sách thành công tiếp theo của anh
Năm Covid thứ nhất – Cuộc chiến bắt đầu
Tác giả đã có những góc nhìn đa chiều về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và tại một số các quốc gia khác. Nếu như tại Anh, Pháp, Đức…số ca nhiễm tăng cao liên tục dẫn tới sự quá tải của hệ thống y tế. Tại Việt Nam, trong năm 2020 đã trải 02 làn sóng dịch vào tháng 03 và tháng 07, với sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị và y tế cùng sự đồng lòng của người dân trên toàn quốc, tình hình dịch bệnh tại nước ta đã sớm được kiểm soát và được thế giới đánh giá cao, chiếc khẩu trang đã trở thành vật dụng quen thuộc và bắt buộc đối với tất cả người dân khi ra đường và đến những nơi công cộng có tập trung người.
Tuy nhiên, một căn bệnh khác nguy hiểm không kém đó là tin giả. Với sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội, rất nhiều những thông tin sai lệch về dịch bệnh khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Tác giả gọi đó là những biểu hiện tận cùng của “sự vô văn hoá và thiếu hiểu biết” của một số bộ phận người dân khi đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người trên mặt trận tuyến đầu chống dịch – anh đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới người đọc “Thay vì bấn loạn, hãy bình yên cùng chống dịch và làm theo sự chỉ dẫn của các cơ quan chức năng”
Phía sau hậu phương, lực lượng quân đội, công an cũng cũng đóng góp một phần công sức không hề nhỏ. Câu chuyện về anh lái xe trong quân đội với nhiệm vụ chuyên chở các y bác sĩ và các trường hợp F1 phải đưa đi cách ly khiến cho tác giả vô cùng cảm phục, anh đã dành một lời cảm ơn chân thành nhất với lực lượng quân đội “Khi thảm hoạ xảy ra, quân đội và những người làm công tác hậu cần luôn luôn vất vả trong mọi tình huống, lặng lẽ làm việc đóng góp một phần tuổi thanh xuân của mình”
Những ngày bình yên:
Sau hai làn sóng dịch vào tháng 3 và tháng 7, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, không khí vui tươi, tấp nập của cuộc sống thường ngày cũng đã dần trở lại, sang đến chương này, giọng văn của tác giả lại có một chút sự lãng mãn xen lẫn với sự chiêm nghiệm cuộc sống để tạo nên những tháng ngày bình yên.
Không khí cuộc sống được tác giả mô tả “Mỗi buổi sáng, các mẹt hàng lại bày vào nhau san sát tựa vào lưng những chiếc ô tô hay những bức tường sau sân tennis”. Tất cả những điều tưởng như rất bình dị trong cuộc sống thường ngày bây giờ lại trở thành những điều vô cùng quý giá trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn.
Vào những ngày thu tháng 9, hàng cây ven đường cũng trở nên sinh động qua ngòi bút miêu tả của tác giả “Những hàng cây ven đường uốn éo như các cô vũ nữ già, bộ vỏ sần sùi nứt toác như bộ xiêm y rách rưới..”. Không gian mùa thu trở nên gần gũi khiến cho người đọc tạm quên đi những sự căng thẳng của dịch bệnh.
Năm Covid thứ hai:
Làn sóng dịch thứ ba bùng phát trở lại ở Hải Dương, Quảng Ninh vào đầu năm 2021. Tác giả cùng những người đồng nghiệp bước vào một cuộc chiến mới, đây cũng là thời điểm đón Tết nguyên đán - tất cả người dân đều mong sẽ có một cái tết đoàn viên trọn vẹn bên người thân.
Các trang bị đồ bảo hộ của các y bác sĩ luôn phải được đảm bảo tối đa nhất. Tác giả so sánh những bộ trang phục bảo hộ là những bộ đồ nuôi ong, anh cùng những người đồng nghiệp là tổ nuôi ong, để phân biệt được nhau chỉ còn cách viết tên nhận diện lên trên áo. Mặc dù toàn thân cơ thể ướt đẫm mồ hôi, khó thở do phải chịu sức nóng khủng khiếp của những bộ trang phục bảo hộ nhưng tất cả đều gạt qua một bên để hướng tới việc điều trị khỏi cho các bệnh nhân
Trong khu điều trị dã chiến tại Hải Dương, các bác sĩ phải liên tục thay đổi các phác đồ điều trị để phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân, có những trường hợp dương tính nhưng lại không có triệu chứng nào hay có những người mặc dù triệu chứng nặng nhưng kết quả tổn thương phổi lại không nhiều. Mỗi một người không may bị nhiễm bệnh, họ đều lo sợ mình sẽ trở thành gánh nặng của xã hội và chịu những ánh mắt kỳ thị của mọi người. Trong quá trình truy vết, đời tư của người bệnh trở thành đề tài câu view của một số bộ phận cư dân mạng, tác giả vô cùng bức xúc bởi nó sẽ tạo ra những gánh nặng tâm lý nặng nề cho người bệnh, họ sẽ khai báo không trung thực, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình truy vết dẫn đến hậu quả vô cùng khôn lường.
Trẻ em - đối tượng dành được nhiều sự quan tâm nhất bởi theo tác giả “Trẻ con khó theo dõi hơn người lớn nhiều lần vì chúng không biết phàn nàn hay mô tả gì chỉ biết nằm ngoan hoặc quấy khóc thôi’, điều may mắn nhất với các em khi vào khu cách ly điều trị đó là có sự đồng hành của người thân bởi đây chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất gíup cho các em bớt đi sự lo âu, sợ hãi. Những em khi có kết quả điều trị tốt sẽ được chuyển sang khu âm tính để giảm việc lây nhiễm từ bố mẹ. Mặc dù rất khó khăn nhưng các em vẫn rất ngoan ngoãn, tuân theo sự chỉ dẫn của các cô chú bác sĩ, người đọc dành sự khâm phục đối với các bạn nhỏ dù có phải ở một mình hay được ở bên gia đình các em vẫn rất cố gắng để có thể sớm được về nhà.
Không chỉ có riêng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, các bạn sinh viên tình nguyện cũng đóng góp một phần công sức rất lớn, tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình khi anh viết “Chúng nó thuộc hết bệnh nhân ở đây, nhớ rõ từng hoàn cảnh gia đình với hơn 300 người bệnh”, họ là những con người trẻ tuổi không ngại bất cứ khó khăn nào từ lấy mẫu xét nghiệm, dọn dẹp vệ sinh khu vực cách ly….tất cả đều mang trong mình sự quyết tâm, đồng lòng cùng các y bác sĩ sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Trở về
Sau thời gian 3 tháng kéo dài trong khoảng 60 ngày, làn sóng dịch thứ 3 tại Hải dương đã được khống chế, số ca mắc mới trong cộng đồng đã giảm đi được phần nào và số lượng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh cũng đã dần tăng lên. Điều thành công nhất trong đợt làn sóng dịch thứ 3 này đó là không ghi nhận trường hợp tử vong nào, đây chính một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh, để có được thành tích này không thể không kể đến sự đóng góp công sức rất lớn của tất cả hệ thống chính trị y tế trên toàn quốc với sứ mệnh cao cả “Tất cả người dân Việt Nam đều không ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết thúc 3 tháng chống dịch tại Hải Dương, anh đã có đôi dòng tâm sự rất chân thành với những suy nghĩ từ đáy lòng của mình “Sau mỗi đợt dịch bệnh, trở về ngôi nhà ngồi bên cây đàn cũ. Mỗi ngày đi trên con đường quen thuộc, nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống. Được làm người bình thường mỗi cuối tuần thảnh thơi ngồi uống cà phê đọc vài trang sách, không cần công danh lịch sử ghi nhận gì. Những điều lớn lao xin dừng lại ngoài cửa, đó cũng điều bình thường nhỏ bé mình mong muốn thực hiện với cuộc đời này”. Qua những dòng tâm sự này, ta lại càng khâm phục hơn những cống hiến thầm lặng của ngành y nói riêng cũng như của tất cả hệ thống chính trị, xã hội nói chung, tất cả đều mang trong mình tinh thần quyết tâm chống dịch như chống giặc. Họ không cần một huân chương chiến tích nào, phần thưởng tinh thần lớn nhất dành cho họ đó là mọi người dân đều bình an cùng nhau đoàn kết, chiến thắng vượt qua đại dịch.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất