Làm gì khi muốn được hiểu nhưng lại không muốn nói ra? Dỗi. Cần quan tâm chết đi được, nhưng lại ngại mang tiếng đòi hỏi? Dỗi là thượng sách.
Khi cảm thấy lời nói của mình không còn đủ giá trị, ta bắt đầu dùng đến sức mạnh của sự im lặng. Nhưng im lặng thôi thì chưa đủ, nó phải đi với một thái độ rõ ràng, tạo cảm giác răn đe và mang tính trừng phạt. Ta dỗi khi cảm thấy không được lắng nghe, hoặc thấu hiểu, hoặc cả hai.
Dỗi khác với Tức giận ở chỗ, khi tức giận, ta phơi bày tất cả quan điểm “Không thể chấp nhận được” bằng việc to tiếng, bằng khuôn mặt đỏ găng và bàn tay nắm chặt. Còn khi dỗi, ta chỉ làm một việc duy nhất. Ấy là làm mình làm mẩy, hoặc cao cấp hơn, là làm thinh. Nghĩa là “Không cần nữa, đừng lại gần, để tôi yên” hay nhanh gọn hơn, là một cú block. Nói cách khác, khi tức giận, ta thể hiện nó để đẩy đối phương ra xa. Khi dỗi, ta giấu nhẹm đi mong muốn của mình và tạo một khoảng cách pha-ke với hi vọng được kéo lại gần.
Nhưng dỗi chỉ có tác dụng khi người bị dỗi biết bạn đang dỗi. Sẽ thật mất thì giờ nếu ta cứ im lặng hết ngày này qua ngày khác, mà người kia thì chẳng mảy may để tâm. Ngược lại, bạn biết công cuộc dỗi hờn của bạn thành công đến 78,29% khi nhận được câu hỏi “Dỗi à?”. Dĩ nhiên rồi, ai lại nhận mình dỗi khi đang dỗi bao giờ. Dỗi đúng nghĩa phải là dỗi mà không nói ra mình dỗi nhưng vẫn để cả thế giới biết mình đang dỗi. Đơn giản vậy thôi.
Ta vẫn nghĩ dỗi là hình thức phạt tối thượng cho người đang vô tâm với mình. Nhưng suy cho cùng, dỗi trước hết là để dọn dẹp quả bóng kì vọng vừa mới vỡ tan trong trái tim, của những kẻ cứng đầu. Ta dỗi vì chắc mẩm người kia hiểu mình, vì mình, nhưng té ra lại không phải thế. Bỏ đi không được, ta vớt vát bằng sự phụng phịu và bơm thêm một quả bóng hi vọng, thầm cầu nguyện nó đừng vỡ thêm lần nữa.
Cũng giống như bất kì nhu cầu cảm xúc nào, bạn được quyền dỗi khi muốn dỗi. Sẽ thật kinh khủng nếu muốn dỗi mà không được dỗi. Dỗi ai và vì việc gì cũng được, chỉ cần nhớ dỗi chống chỉ định sử dụng với 3 đối tượng: người không quan tâm đến bạn, người EQ thấp, và sếp.