Hôm nay tôi sẽ nói về 1 cuốn sách liên quan đến ngành Luật, một sự trải lòng về hành trình đi tìm Công lý cho những kẻ tử tù của Bryan Stevenson, một luật sư thích chơi những ván cờ khó.
Cái tiêu đề của quyển sách đã nêu bật được nội dung chính rồi. Các thân chủ của Stevenson khó có thể được xã hội dân chủ đánh giá là một con người lương thiện được nếu dựa vào những tội ác mà họ bị cáo buộc: Một chàng trai cố ý gây hoả hoạn để dẫn đến chết người, một người đàn ông đặt bom trên hành lang nhà bạn gái cũ, vô tình làm chết đứa cháu của cô ấy…
Chắc chắn rồi, chưa cần phải là bồi thẩm đoàn, chúng ta đều sẽ thấy những trường hợp này là những kẻ táng tận lương tâm, phải loại bỏ ngay khỏi xã hội bằng ghế điện (nếu còn được phép), một mũi thuốc độc là quá nhân từ với loài quỷ dữ!!! Thế nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, chúng ta mới nhận ra bọn chúng còn là những người da màu nữa. Giữa lòng nước Mỹ mà những kẻ với gốc gác Châu Phi này dám phạm những tội tày đình đó ư, trước mũi tất cả những cơ quan công quyền, hành pháp toàn dân da trắng nữa, bọn mọi rợ này một là quá ngu xuẩn, hai là quá khinh thường trật tự xã hội của chúng ta rồi?
Voilà, nếu tôi là người Mỹ da trắng, tôi dám nghĩ như trên lắm, nhưng mà tôi cũng là người da màu (hơi ngả vàng trong mắt Mỹ trắng), nên tôi đọc tiếp và thấy hoá ra những con quỷ này vốn hoá hình ra từ những định kiến chủ quan của dân Mỹ trắng, những kẻ thượng đẳng này không tin là đồng loại cùng màu da của họ có thể gây ra những tội ác như trên và họ kiếm cho bằng được những cá nhân khác họ để gán tội (cứ như trong truyện tranh Conan, cứ đứa nào màu đen là thủ phạm vậy). Tất nhiên những bị cáo này không hoàn toàn vô tội, nhưng họ phạm những tội rất nhẹ trong quá khứ hoặc có liên quan đến vụ án, và “may mắn” có màu da phù hợp để gán thêm cho những trọng tội “tăm tối” hơn.
Hệ thống nào dù chặt chẽ và phức tạp đến đâu, nếu có yếu tố con người can thiệp vào, đều trở nên không hoàn hảo. Với những con người được xã hội đặt tay vào cán cân công lý lại có những tư tưởng bên trọng, bên khinh thì sự phán quyết không bao giờ là công bằng. Chính vì vậy, nữ thần công lý mới phải bị mù, không để định kiến che mờ mắt được.
Ngược lại, nếu có người hỏi tôi rằng, trong trường hợp những người da màu này thực sự có tội, liệu tôi có vì họ thuộc thành phần yếu thế trong xã hội mà nương tình hay không? Tôi sẽ nói là không và tôi tin rằng Công lý là cân bằng, kẻ nợ một mạng sống sẽ phải trả một mạng sống cho tạo hoá. Xin phép được trích dẫn một quan điểm về án tử hình từ một nhân vật trong sách của Mario Puzo như sau: “Bạn hãy thử tượng tượng rằng người thân yêu của bạn bị tước đi mạng sống, họ nằm dưới đất đen, không thở, không ăn, không được ôm bạn, không được nghe bạn kể những câu chuyện hàng ngày nữa. Còn kẻ thủ ác thì sao, nó ở trong tù đấy, nhưng nó vẫn sống, vẫn thở, vẫn nếm được đồ ăn ngon, vẫn được nghe nhạc và tập thể dục. Nếu bạn phản đối án tử hình, bạn là kẻ kiêu ngạo đến mức phỉ báng cả Thánh Thần. Nhân từ như Chúa Trời, mà ngài còn phải phân định ra đây là Thiên đường cho người tốt, kia là Địa ngục cho kẻ ác, bạn là ai mà dám cho mình quyền hơn cả Chúa?”.
Minh Hiếu
23/11/2020.