Bài viết này được lấy cảm hứng từ một cuộc trò chuyện của Giáo sư Steven Pinker tại trường Harvard và Sadhguru - một trong những vị yogi nổi tiếng nhất thế giới - với tựa đề “Is conciousness a miracle?”.
Lưu ý: bài viết này hoàn toàn dựa trên cách hiểu của mình, và có thể sai lệch với ý kiến của giáo sư Steven Pinker và Sadhguru. Vì vậy các bạn nên xem trực tiếp video nếu muốn có góc nhìn tổng quan hơn.

Bàn về khái niệm của nhận thức và phép màu

Ngay khi vừa bước vào cuộc trò chuyện, Steven Pinker - giáo sư tâm lý học nhận thức tại Harvard đã phủ đầu rằng nhận thức (conciousness) không phải là một phép màu. Bởi thực chất khả năng nhận thức của chúng ta là kết quả của các phản ứng điện hóa xảy ra trong não bộ. Bất kỳ ý niệm nào của chúng ta về nhận thức và về thế giới xung quanh đều có thể được thay đổi nếu ta tác động vào não bộ.
Steven Pinker còn đưa thêm một ví dụ khác về hiện tượng Chi ma (phantom limb) - khi bệnh nhân mất đi một bộ phận cơ thể nhưng vẫn cảm thấy cơn đau ở phần đó. Tương tự, trải nghiệm trên cơ thể của ta hoàn toàn có thể bị thay đổi nếu phần não bộ tương ứng của trải nghiệm đó bị tác động. Nếu dây thần kinh thị giác bị cắt đi thì chúng ta sẽ mù.
Điều này chứng tỏ hầu như toàn bộ cảm nhận về thực tại của chúng ta đều bị chi phối bởi não bộ, và nếu não bộ biến mất thì sẽ không tồn tại nhận thức. Điều này đi ngược lại với một quan niệm nổi tiếng trong các tôn giáo, và trong văn hóa Á Đông, đó là có tồn tại nhận thức sau cái chết.
Steven Pinker còn đưa ra nhiều luận điểm khác nữa; và tất cả đều xoay quanh việc ý thức không phải từ trên trời rơi xuống, không có bất kỳ yếu tố tâm linh huyền bí nào ở đây; mà nó được tạo ra bởi một quá trình khoa học xảy ra bên trong não bộ.
Steven Pinker cho rằng nhận thức không phải là phép màu, mà là chuỗi phản ứng hóa sinh từ não bộ.
Steven Pinker cho rằng nhận thức không phải là phép màu, mà là chuỗi phản ứng hóa sinh từ não bộ.
Đến lượt mình, Sadhguru - vị Yogi nổi tiếng của Ấn Độ không có bất kỳ phản bác nào trực tiếp liên quan đến các lập luận về khoa học của Steven Pinker. Tuy nhiên, ông ấy có nói về sự khác biệt giữa “Awareness” và “Conciousness” (mình xin phép không dịch ra tiếng Việt vì có thể sai lệch nội dung). “Awareness” của chúng ta được hình thành từ ký ức - về cách ta được giáo dục, cách ta tiếp xúc với người khác,… Mỗi chúng ta ai cũng nhìn thế giới dựa trên lăng kính chủ quan của mình, và một điều đối với người này là chân lý thì với người khác hoàn toàn có thể là nhảm nhí.
Tuy nhiên, có một dạng trí thông minh (intelligence) khác không bị ảnh hưởng bởi ký ức. Nó là dạng ý thức nguyên thủy nơi chưa bị vẩn đục bởi thông tin từ thế giới bên ngoài, và từ nó thì ta mới bắt đầu áp dụng ký ức để biến nó thành “awareness”. Đây mới chính là conciousness mà Sadhguru muốn đề cập đến. Dạng ý thức này, theo Sadhguru, mới chính là khởi nguyên của mọi thứ chứ không phải bất kỳ vị thánh nào cả.
Ngoài ra, hai người họ còn bàn đến các mặt nghĩa khác nhau của từ ‘’phép màu”. Đối với Sadhguru, từ phép màu có thể được hiểu theo nghĩa là “nhìn nhận thế giới dưới con mắt tò mò và hồn nhiên’’. Nhận thức được bất kỳ dạng sống nào tồn tại trên thế giới này đều là một “phép màu”, và sự hiểu biết của chúng ta về sự sống là quá ít ỏi sẽ giúp ta trân trọng hơn sự sống mà mình đang có được.
Nhìn thế giới dưới đôi mắt của trẻ thơ
Nhìn thế giới dưới đôi mắt của trẻ thơ
Steven Pinker cũng đồng quan điểm về sự thần kì của cuộc sống và sự hạn hẹp về hiểu biết của con người. Tuy nhiên, ông ấy không ủng hộ từ “phép màu’’ theo nghĩa mọi thứ đều từ trên trời rơi xuống, và mọi vấn đề đều có thể được giải quyết dựa vào “phép màu” từ các bậc trên cao. Hầu như mọi vấn đề trên thế giới như đói nghèo, ô nhiễm đất,… đều được cải thiện thông qua cách tiếp cận khoa học, chứ không từ phép màu nào ở đây cả.

Sự hạn hẹp của hiểu biết con người

Có một điều cả hai người đều đồng ý, đó là hiểu biết của con người rất hạn chế. Con người vốn đã nhìn cuộc sống bằng lăng kính chủ quan của bản thân. Những gì chúng ta thấy được phản chiếu từ thủy tinh thể, những gì chúng ta tư duy được chắt lọc từ dữ liệu chủ quan mà ta tiếp nhận thông qua não bộ, và những gì chúng ta cảm nhận chỉ dừng lại ở không gian ba chiều. Chính vì vậy, còn rất nhiều điều về thế giới mà chúng ta chưa khám phá, và những hiểu biết hiện tại của ta về thế giới cũng có thể hoàn toàn sai lệch. Sẽ là ngu ngốc nếu luôn tự coi những gì mình biết là đúng.
Sadhguru còn nhấn mạnh việc chúng ta không thể nào định nghĩa mọi thứ bằng logic. Logic đúng là nền móng của cuộc sống, nhưng nếu chỉ sống ở nền móng thì ta sẽ bỏ lỡ vẻ đẹp của cuộc sống từ các tầng khác. Có những điều, ví dụ như điểm khởi đầu của vũ trụ, sẽ không thể nào giải thích bằng logic thông thường. Nếu con người nhận định rằng khoa học có thể diễn giải tất cả mọi thứ thì vô tình họ cũng đang đi trái nguyên tắc của khoa học. Bởi khoa học vốn xuất phát từ tiền đề là chúng ta không biết gì cả và chúng ta luôn đi tìm đáp án; còn nếu tự tin biết rồi mà vẫn đi tìm thì nó là sự xác nhận chứ không phải khoa học nữa.
Hiểu biết của con người quá nhỏ bé so với vũ trụ rộng lớn
Hiểu biết của con người quá nhỏ bé so với vũ trụ rộng lớn
Steven Pinker cũng đồng tình với ý kiến rằng sự hiểu biết của con người là rất mong manh, và tất cả những thông tin ‘’khoa học’’ trong thời điểm hiện tại đều có thể là sai lệch. Tuy nhiên, ông không đồng tình với việc quy những điều mình chưa biết về sự sáng tạo của đấng trên cao. Ông còn nhắc đến một dạng ngụy biện có tên là “God of the gaps” - chỉ xu hướng con người thường quy những thứ họ không biết về ‘’phép màu’’ của chúa. Khi người ta chưa giải thích được sấm chớp thì họ cho rằng là do ông trời nổi giận, hay trời mưa là do ông trời buồn, nhưng với hiểu biết hiện tại thì ta biết tính xác thực của những nhận định này là gần bằng không.
Steven Pinker tin rằng những điều mà chúng ta chưa biết về não bộ vốn đã đủ nhiều, và những ‘’phép màu’’ mà con người khẳng định rằng không thể đến từ khoa học, vẫn có khả năng giải thích được bằng bộ máy sinh học sẵn có của ta.

Dạng ý thức cao hơn

Đến gần cuối cuộc trò chuyện, có một khán giả phản biện Steven Pinker bằng cách nhấn mạnh rằng có một dạng ý thức tồn tại độc lập với thế giới quan của chúng ta. Nó tồn tại trong chúng ta, đánh giá quá trình ta lớn lên và các hành động mà ta làm, và nó sẽ tồn tại ngay cả sau khi chúng ta chết. Ông ấy không nhắc đến trong video nhưng mình nghĩ ông ấy đang đề cập đến phần ‘’linh hồn’’ của con người.
Steven Pinker hoàn toàn đồng ý về việc có một dạng ý thức cao hơn đang quan sát tất cả những gì ta làm, nhưng ông tin rằng dạng ý thức này vẫn bắt nguồn từ não bộ.
Xem đến đoạn này, mình lại liên tưởng tới một khái niệm trong tâm lý học, đó chính là siêu nhận thức (metacognition). Mình không nghĩ khái niệm này chính là khái niệm về ý thức cao hơn được nhắc đến trong video, nhưng mình vẫn viết ra vì nó khá thú vị.
Siêu nhận thức (Metacognition) là khả năng tối quan trọng để con người đánh giá sự phát triển của mình.
Siêu nhận thức (Metacognition) là khả năng tối quan trọng để con người đánh giá sự phát triển của mình.
Siêu nhận thức là khả năng chúng ta tự đánh giá những suy nghĩ và quá trình hành động của mình. Khái niệm này được dùng khá nhiều trong giáo dục, để chỉ khả năng học sinh tự đánh giá các phương pháp học của mình có hiệu quả hay không, từ đó tinh chỉnh cho phù hợp.

Suy ngẫm

Vốn dĩ, cuộc trò chuyện này không có đúng và sai, mà nó chỉ đơn giản là hai góc nhìn khác nhau về thế giới. Đối với mình, chức năng chính của một câu hỏi không phải là để tìm ra một đáp án, mà để gợi lên cho chúng ta nhiều câu hỏi khác.
Kiến thức của mình về nhận thức và ý thức của con người còn rất hạn hẹp để mình đưa ra bất kì kết luận nào. Hiện tại, mình đang hơi nghiêng về lập luận của Steven Pinker, rằng tất cả những hiện tượng liên quan đến ý thức của chúng ta đều có thể được giải thích bởi các phản ứng điện hóa trong não bộ. Tuy nhiên, mình vẫn không loại trừ giả thiết rằng có khả năng não bộ của chúng ta được thiết kế bới một đấng trên cao nào đó, và ý đồ của ‘’người thiết kế’’ vượt xa những khả năng suy luận của chúng ta.
Cơ mà mình cũng lại nghiêng về một hướng lập luận của Sadhguru, rằng không có một nhân vật nào đứng sau cả, mà chỉ đơn thuần là có một nguồn năng lượng sống, hay như ông gọi là “conciousness’’, là khởi điểm của tất cả mọi thứ.
Hành trình đi tìm kiến thức luôn khiến mình phấn khích.
Hành trình đi tìm kiến thức luôn khiến mình phấn khích.
Duy chỉ có một điều mình chắc chắn, đó chính là mình biết mình không biết gì. Tuy nhiên đối với mình, đây không phải là điều đáng buồn. Ngược lại, nó là dấu hiệu cho thấy mình còn cả đời để học, và nhân loại vẫn còn hàng ngàn năm tri thức đang chờ đón ở phía trước. Đó chẳng phải điều đáng mừng hay sao?