Nhân sinh như bát mạt trà
Tìm trong dâu bể chẳng ra tiếng cười
Soi gương, ngẫm lại cuộc đời
Thì ra hạnh phúc là trong mỗi người!
Mạt trà, bột trà dạng hạt cực mịn, làm từ những chiếc lá trà được phủ dưới bóng râm nhiều tuần trước khi hái để giữ chất diệp lục, caffein, amino acid... không cháy sém dưới cái nắng gắt của mặt trời. Lá xanh được hấp, rồi phơi khô, tách cành và nghiền thành bột. So với các dòng trà khác, mạt trà có vẻ là loại trà sản xuất đơn giản nhất. Nhưng phàm là cái gì càng giản đơn, thì thật ra lại càng cầu kỳ và khó đạt đến cái đẹp nhất.

Cầm trên tay chasen (dụng cụ tre để đánh bọt cho trà), tự pha cho mình một bát usucha (trà lỏng - trái với dạng pha mạt trà đặc hơn là koicha), hớp từng ngụm, thả mình vào toàn bộ quá trình, đặt cả tâm trí vào từng hành động, từng giác quan, từng cử động mới dần hiểu tại sao Chanoyu - trà đạo Nhật lại không chỉ đơn giản là uống trà, mà còn là một buổi thiền trà thật sự.

Mỗi lần pha mạt trà, tôi lại lẩm nhẩm trong lòng vài câu Tam Tự Kinh...

Nhân chi sơ, tánh bổn thiện
Tánh tương cận, tập tương viễn
Cẩu bất giáo, tính nãi thiên

Với mạt trà, làm chủ nhiệt và nguồn nước là điều quan trọng nhất. Nước quá nóng hay chất lượng nước tệ sẽ làm bát mạt trà thảm hại vì đắng chát xấu màu. Tôi thấy từng li ti hạt mạt trà, cũng như con người vậy. Tốt xấu, không do ở tâm tính, mà là do giáo dưỡng và môi trường sống. Chúng ta đều là những tinh linh có khởi nguyên trong vắt như hạt sương sớm mai trên cành lá, nhưng rơi xuống đám cỏ hay bốc hơi lên tầng mây lại là chuyện của ông trời - hay đúng hơn là ở cái quãng không gian - gia đình - giáo dục mà ta được sinh ra và nuôi lớn.

Nếu chỉ pha mạt trà với nước nóng mà không đánh bọt bằng chasen, thứ mà ta nhận về, là một thứ nước tanh tanh mùi rong biển, mùi rau xanh không nịnh miệng. Uống được không? Vẫn được chứ, trà vẫn là bản chất đấy của trà thôi, vẫn có chát, có ngọt, nhưng không làm ta thật sự hài lòng. Tôi đột nhiên lại nhớ đến câu:

Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri lý

Bát trà không đánh bọt, như con người không trui rèn, sẽ không tài nào sinh trái ngọt. Chasen đưa vào bát trà, những lần đầu tiên khi pha, tôi chỉ tâm niệm "Đánh sao cho thât nhiều bọt", đánh mà khớp vai mỏi nhừ vì cử động nhanh trong thời gian ngắn, rồi chợt nhận ra "Hữu dũng vô mưu, khó thành đại sự". Võ biền, âu cũng là vô dụng. Đánh bọt trà, là cử động nhịp nhàng của cổ tay và khớp vai, gồng quá nhanh mỏi, nước trà tung toé, nhẹ quá lại lâu đạt thành quả. Chẳng khác gì sự cố gắng của một đời người, đủ lực, đủ mưu thì không phí sức!

Bát trà đầy bọt mịn, khi hớp vào miệng, mở ra một thái cực hoàn toàn khác cái thứ nước màu nhờ nhợ xanh nếu chỉ pha mà không đánh. Những bọt bong bóng trôi cùng hớp nước trà vào miệng, tạo nên một cảm giác mượt mà, béo ngậy lấn át hẳn vị chát trước đó mà mình đã thấy với bát nước trà thô. Cái thoả mãn của vị giác cũng là cái cảm giác hoan hỷ như khi ta tận hưởng thành quả của mình sau bao cực nhọc. Không còn mùi rong biển tanh, thứ nước mượt mà trôi vào cổ kia đã dậy lên hương trà xanh mát, thoảng hương hoa nhè nhẹ hắt lên mũi, miệng. Khuôn lưỡi không chát xít mà rất nhanh chuyển sang vị ngọt thanh đậm từ phía sau cuống họng. Khi hớp một ngụm trà, tôi thường nhắm mắt để cắt bớt đôi mắt phán xét, dành trọn tâm trí mình vào sự bùng nổ của cảm giác trong miệng, lưỡi, họng, để tận hưởng sự biến chuyển dịu dàng nhưng cũng rất cuồn cuộn sóng trào của vị giác và khứu giác.

Viết hỷ nộ, viết ai cụ
Ái ố dục, thất tình cụ

Mừng, giận, bi thương, sợ, yêu, ghét, muốn - thất tình ai cũng có, bát trà cũng có thất tình. Hạt bã trà li ti, như cản trở sự mượt mà của nước trà ngọt, càng về cuối càng rõ trên môi lưỡi, như chính cuộc đời mình, gạn đục khơi trong, sống càng lâu, càng hiểu thấu lòng người, đâu là chân tình, đâu là giả ái. Mà đời này, phàm còn sống với người, thì giả ái nhiều vô kể, lợn cợn kia, nếu không chấp nhận như nó vốn phải vậy, mà lấy làm khó chịu, thì đột nhiên khiến cho tâm ý phiền lòng, mà quên đi mất cái thơm, ngọt mà bát trà mang lại. Cũng như việc sống mà quá câu nệ bám víu vào những cái hữu hình ngắn hạn, thì đánh mất luôn cái hỷ lạc trong tâm hồn vô hạn của mình.

Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, chính là câu "Biết đủ sẽ thấy an vui, không tham ngũ dục cả đời bình yên". Chén trà đủ nước - vừa trà, chính là thành quả ngọt lành nhất. Tham thêm chút trà, vị càng chát, lưỡi càng bột; tham thêm chút nước ngọt, trà loãng, vị mỏng. Khi không biết đủ, đời mãi là chuỗi ngày thiếu thốn mà ta không diễn tả được, như khoảng trống tâm hồn mà ta luôn thấy thiếu nhưng không bao giờ tìm được thứ gì có thể bù đắp đến khi ta thực sự nhận ra nó vốn phải tồn tại ở đấy, ta phải sống với khoảng trống ấy thế nào để lòng đủ hoan hỷ. Bạc tiền, sắc dục, danh vọng, quyền lực, tất thảy, cũng chỉ là ném vật chất vào hố đen vũ trụ mà thôi.

Chén trà thiền cho ta ngẫm ra thêm rất nhiều điều.
@chezfifivn