Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một diễn đàn cấp quốc gia dành cho trẻ em gái, để các em được lên tiếng và bày tỏ những suy nghĩ, câu chuyện của bản thân, của bạn bè mình với các bác là Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Nói riêng trẻ em gái ra với trẻ em trai hay trẻ em nói chung, nghe thì phân biệt nhưng diễn đàn cho trẻ em gái thực sự cần thiết khi xã hội Việt Nam ít nhiều vẫn còn xem nhẹ vai trò của các em gái và chưa thực sự trao cho các em quyền bình đẳng xã hội. 100 em gái từ 12 địa phương trên khắp cả nước đã cùng nhau làm việc, thảo luận về chủ đề “An toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng” cùng với “Tảo hôn và các hệ lụy”. Trong đó, 40 em gái nòng cốt đã có thời gian làm việc cùng nhau lâu nhất, và mình may mắn là một trong 40 em gái đó. Dưới đây là câu chuyện của mình về diễn đàn vừa qua.

Đầu tiên, mình muốn kể về nhóm các em nhỏ ở Lai Châu - Hà Giang và Quảng Bình - Quảng Trị, nơi mà Plan International tại Việt Nam triển khai dự án về “Tảo hôn và các hệ lụy”. Sống ở Hà Nội, mình biết rất ít về tảo hôn và khi tham gia diễn đàn, thế giới quan của mình hoàn toàn mở rộng với những câu chuyện rất thật từ chính các em vùng xa. Các em chia sẻ câu chuyện bé gái tại địa phương phải kết hôn sớm vì kinh tế gia đình bởi khi kết hôn, gia đình sẽ bớt đi một phần kinh tế nuôi em gái, và còn nhận thêm được tiền lễ từ nhà trai, nhà trai cũng có thêm một nhân lực lao động trong nhà. Cha mẹ ở bản thường nghĩ gả các em đi sớm, cho các em vào gia đình giàu có trong bản là các em sẽ có cuộc sống sung túc hơn. Vậy nên các em gái thường bỏ học từ tuổi 14, cái tuổi mà vẫn còn đang dang dở với sách vở, trường lớp, bạn bè. Và tại bản làng, cộng đồng địa phương của các em hình thành trong các em những suy nghĩ về việc đến trường như đi chơi, gặp bạn bè thôi, đến tuổi lấy chồng là nghỉ học, học cũng bằng thừa. Không có được sự khuyến học cần thiết, dễ hiểu phần nào các em trở nên chán nản với việc học tập và chọn lấy chồng ở cái tuổi vừa bắt đầu có những cảm xúc giới đầu tiên. Tại bản các em, nếu có em gái nào tiếp tục học hết cấp 3, về bản sẽ bị coi là con gái ế, không lấy được chồng, da dẻ trắng trẻo thế kia thì làm sao mà biết lao động giúp đỡ gia đình. Ngoài việc kết hôn, nghỉ học ngay từ tuổi đến trường, tảo hôn còn đem lại những hệ quả kinh khủng khác khi mà các em gái mang thai, làm mẹ ở tuổi vị thành niên, trẻ em sinh ra trẻ em, trẻ em làm mẹ trẻ em. Ở vùng xa, các em ít được giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, những rủi ro của việc tình dục và sinh sản không an toàn vì thế khó có thể tránh khỏi. Có trường hợp em gái sinh ra con thiếu tháng, nhẹ cân, hoặc cái thai chết lưu trong bụng và tồi tệ hơn là các em phải đặt rủi ro tính mạng của mình khi sinh nở ở tuổi còn quá nhỏ. Các em đến với diễn đàn, gửi tới những nhà lãnh đạo, nhà làm luật thông điệp:
Chúng cháu không muốn lấy chồng ở tuổi đến trường


Và chủ đề còn lại là “An toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng”. Nói về an toàn ở nơi công cộng của trẻ em, đặc biệt hơn trẻ em gái, ta có nhiều cái để bàn luận tới. Với chủ đề này, những vấn đề được đem ra thảo luận tập trung chủ yếu vào việc trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở cả đời sống thực và môi trường mạng, vấn đề bạo lực tinh thần trên MXH và sự an toàn của các em khi tham gia giao thông trên đường. Mối quan tâm chủ yếu là quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Theo quan sát của nhóm em gái tham gia diễn đàn, hầu hết các em gái đều bị quấy rối tại nơi công cộng, phổ biến nhất là những lời trêu ghẹo bông đùa hoặc những lời buông ra tục tĩu nói về cơ thể các em. Khi chứng kiến việc đó, sẽ có người có thể lên tiếng nhưng hầu hết mọi người chọn bỏ đi. Có thể họ nghĩ đó không phải là việc của họ và từ xưa các cụ đã có câu “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Có thể sẽ là: "Ôi dào! Vài chuyện thường nói làm gì, nó có làm gì mình thì chỉ thiệt thân thêm". Bản thân các em gái khi bị quấy rối bằng lời nói như vậy sẽ nhiều em chọn cách im lặng, làm ngơ, bỏ qua nó đi. Và quấy rối tình dục tại nơi công cộng không chỉ là môi trường công cộng ở cuộc sống thực mà còn là môi trường mạng công khai. Quấy rối trên môi trường mạng thực sự phức tạp, có nhiều tranh cãi xoay quanh nên việc đầu tiên mà nhóm em gái đề xuất là các em gái nên tự trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định để tránh được nguy cơ khi tham gia môi trường mạng. Thông điệp mà nhóm em gái gửi tới trong diễn đàn hôm đó là:
An toàn cho trẻ em gái là an toàn cho tất cả mọi người


Bên lề chuyện về diễn đàn là chuyện về những em gái tuyệt vời mà mình được gặp.
Vừa đặt chân tới nhà khách, mình đã được em gái tên Tâm Ngân ở đoàn Bình Thuận said “Hello” thân thiện hết tầm. Tối đó có ice-breaking với các em, giới thiệu để biết mặt biết tên nhau, và với mình, đó nhà những cái tên rất đáng nhớ: Mai Anh, Giàng A Chư, Hoàng Hà, Việt Hà, Gia Hân, Tâm Ngân, Minh Ngọc, Trúc Quỳnh. Riêng Minh Ngọc, mình chưa có cơ hội nói chuyện, nhưng cực kì ấn tượng với cách nói chuyện quyết đoán của cô bé này khi em trình bày các giải pháp cho vấn đề "An toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng". Sau ice-breaking, ai về phòng nấy, nhưng bản thân mình thấy thế là chưa đủ, và một lần nữa, mình trở thành kẻ cầm đầu một lũ trẻ nghé đi phá làng phá xóm. Cả thảy 7 đứa đổ bộ xuống phòng của các em gái tham gia diễn đàn trẻ em năm trước, năm nay tiếp tục làm lực lượng nòng cốt cho diễn đàn. Bang trẻ nghé của mình ngoài đi chơi kết bạn còn là xin kinh nghiệm khi làm việc ở một diễn đàn to to như thế này nữa. Càng nói thêm nhiều chủ đề thì càng ngưỡng mộ các em "tuổi trẻ tài cao", đứa nào đứa nấy cũng có quan điểm, lập trường rất riêng, rất màu sắc: Trúc Quỳnh với chia sẻ về tảo hôn gần như là nét văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, quan điểm về victim-blaming của Gia Hân, suy nghĩ về luật pháp của Việt Nam khác với nước ngoài trong việc bảo vệ trẻ em của Hoàng Hà,... Nói chuyện với các em xong thấy hoảng quá, thường ở nhà thấy mình to to, mà giờ suy nghĩ chỉ bằng phần nhỏ của mấy em, và thế là cu géi ngồi tới 2h sáng ngay lập tức bổ sung kiến thức. Thức cùng cu géi khi đó còn là người đồng đội Huyền Pinkeu với ly mì Cung Đình chua cay húp sùm sụp, một đứa ngồi trên vừa ăn vừa đọc, vừa xuýt xoa mì ngon, đứa còn lại ngồi dưới sàn ăn mì kèm bò khô với dáng ngồi hạp hơn bao giờ hết, 2 cu géi khác là Linh Will và Vanh Ka ngồi trải tarot thì thầm to nhỏ với nhau, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.
Ngày thứ 2 tại diễn đàn mình biết thêm về các em hơn. Đó chính là nhà thơ, nhà văn Mai Anh yêu viết lách, nên là mình ngay lập tức PR cộng đồng yêu viết Spiderum cho cô bé, còn hứa sẽ là một seeder có tâm khi bé đăng bài lên. Đó cũng là chuyện em Chư may mắn được ở thành phố, được đi học, khác với các bạn cùng lứa tại bản quê em phải bỏ học, lấy chồng ở tuổi đến trường. Và chắc chắn không thể thiếu chuyện kể của Gia Hân về những gì em được đọc, được biết đến về vấn đề an toàn không những của trẻ em gái mà còn là an toàn của phụ nữ ở nơi công cộng. 
Ngày cuối cùng tổ chức diễn đàn, mình có ngồi với em Hồ Thị Lủy, dân tộc Vân Kiều. Em có chia sẻ thêm về tục lệ "đi sim" của người dân trong bản, cứ đến đêm trăng tròn là trai gái lại rủ nhau vào rừng. Em kể chuyện ở bản vui lắm, em cùng các bạn vào rừng chơi, bị cha mẹ cấm nhưng vẫn cứ thích đi. Đây là lần đầu tiên Lủy được ra Hà Nội, vậy mà diễn đàn tổ chức hết 3 ngày, em không có thời gian đi Hà Nội nhiều nên cũng buồn. Được đi thăm nhà Quốc hội, thăm lăng Bác, nhìn thấy bác Hồ, em rất thích và chắc chắn sẽ về kể với các bạn ở nhà về Hà Nội vui đến nhường nào.
Xuôi xuôi theo mấy câu chuyện rồi cũng đến lúc diễn đàn xong xuôi tất cả, mình lại hơi loăng quăng chút nên lượn lờ khắp nơi, tiếc nuối khi chưa chính chức chào các em, mong rằng sẽ sớm được gặp các em rồi lại cùng ngồi kể chuyện trên trời dưới biển cho nhau.