Lần đầu tiên gặp gỡ, cái vẻ ngoài phong trần chững chạc của H. đã khiến mình không thể không gọi bạn là anh. H. là huấn luyện viên thể hình và bữa đó mình mời H. cafe để hỏi vài vấn đề cho chương trình phát thanh chuẩn bị lên sóng. Mình cũng chẳng rõ làm thế nào mà câu chuyện đang từ 'những sai lầm thường gặp của những người mới tập gym' lại vọt sang chuyện cá nhân đời thường, bắt đầu từ thời ấu thơ cho tới những năm tháng lăn lộn đường đời, rồi chuyện tình yêu tình báo.
H. bằng tuổi mình, nhưng thuộc tuýp người từng trải sớm. Vào cái thời điểm mà mấy đứa tầm tuổi mình đang mài đít trong giảng đường hoặc cố làm bản thân bớt ngố bằng cách tham gia hoạt động của các câu lạc bộ này kia, thì H. quyết định bỏ đại học, ra đời làm đủ thứ nghề. Có dạo grab, uber chưa mấy nổi, H. chạy cả xe ôm kiếm sống. Ai cũng biết dân xe ôm có địa bàn và được bảo kê, vớ vẩn cướp khách có ngày no đòn chứ chẳng chơi. Nhưng hoàn cảnh gia đình cộng cái tính không biết sợ ai từ nhỏ của H. đã đúc cho cậu một độ liều và lì tới sợ, H. đi thăm dò địa bàn khắp thành phố, rồi sau chuyên chạy xe ở các khu vực giữa các địa bàn, hoặc canh lúc xe ôm đang không có ở địa bàn để bắt khách. "Kiếm được nhiều phết chứ chẳng đùa đâu" - H. bảo, rồi kể tiếp về hành trình đến được với nghề huấn luyện viên khi tay không một tấc sắc như thế nào.
22 tuổi, H. lấy vợ. Trong mắt gia đình và bè bạn của vợ, H. dường như kém nàng nhiều quá. Vì nàng là thạc sĩ, lại hơn H. những 3 tuổi. Thì cũng phải, con trai 22 tuổi mấy ai được công nhận là đã thành người lớn. Ngược lại, trong mắt gia đình và bè bạn H., nàng cũng chẳng đến mức quá xuất sắc gì. H. làm huấn luyện viên thể hình, một ngày gặp không biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp trẻ tuổi hơn. Đấy là chưa kể đến chỉ riêng vẻ ngoài phong trần tự tin của H. đã đủ để khối em xin chết. Nhưng H. bảo, H. và nàng đã đi qua những ngày gian nan nhất. Khi H. nghèo khó và đuối sức, chính nàng là người đã kiên trì ở bên. Kệ người khác cho rằng H. có thể kiếm được những người xinh đẹp và có điều kiện tốt hơn; với H., nàng mới là người phải chịu thiệt thòi. 
Dạo mình gặp H., vợ H. đang có bầu, còn H. đang trong giai đoạn đầu mở một phòng tập thể hình riêng. H. bảo, mình là huấn luyện viên, luôn luôn phải khuyên khách tập phải tập điều độ, có chừng mực, trong khi bản thân mình một ngày có khi làm việc tới 20 tiếng, chẳng có nhiều thời giờ dành cho vợ con. Vợ H. đang có bầu nên càng tủi thân, nàng chỉ muốn chiều chiều H. về sớm một chút cho vợ chồng con cái được bên nhau quấn quýt. Lúc nàng buồn và dỗi, H. điềm tĩnh bảo vợ, "Em tính xem, giờ em không đi làm, kinh tế trong nhà phụ thuộc cả vào anh. Hai đứa mình phải biết hi sinh." Nhưng lúc nói chuyện với mình, H. lại kêu, H. không phải kiểu người quá đặt nặng sự nghiệp mà coi nhẹ gia đình. Sự nghiệp và gia đình là hai thứ phải cân bằng. H. cũng muốn ngày ngày về với sớm với vợ con, đỡ đần vợ được việc này việc nọ. Nhưng công việc của phòng tập mới quá bộn bề, không thể nào bỏ dở được, nên H. đành phải vì tương lai mà trở nên vô tâm hơn với vợ trong những ngày này. Được cái, sau bữa đó thì nàng cũng hiểu, hai vợ chồng lại níu lấy mà đỡ đần cuộc sống cho nhau...
* * *
Dạo vừa mới ra trường, mình và T. - con bạn thân tách ra mỗi đứa một nơi. Mình ở lại Hà Nội, còn nó quyết định về quê ở Ninh Bình làm việc. Về quê làm việc cũng có nghĩa nó và người yêu nó mỗi đứa một nơi. Mình nghe nó kể thì thấy lòng gờn gợn không thôi, vì lẽ thường, mấy chuyện tình sinh viên dù say đắm tới đâu chăng nữa thì y như rằng cứ tới lúc ra trường lại kết thúc lãng xẹt. Cuộc sống thay đổi, môi trường sống thay đổi khiến lòng người cũng thay đổi theo. Hai người ra trường đi làm trong cùng một thành phố còn như thế, huống chi còn yêu xa yêu xôi như vậy.
Nhưng đó vẫn chưa phải chuyện tệ nhất. Chuyện tệ nhất là những ngày con bạn mình về quê nó bị trầm cảm nặng. Mình nhắn tin nó không trả lời, gọi điện nó không nghe máy. Có ngày mình tức quá, gọi điện cho người yêu nó, kêu: Bảo nó nếu không liên lạc gì với em thì đừng có bạn bè gì ráo. Lúc ấy, nó mới yếu ớt nhắn tin: khi nào đó tao sẽ nhắn lại với mày sau. Thế là giai đoạn này, muốn biết gì về nó, mình đều phải qua kênh thông tin của người yêu nó cả. Dạo đó, cuối tuần nào người yêu nó cũng về nhà nó chơi. Những đợt lễ 8/3, 20/10 này kia, thế nào ổng cũng nhắn tin hỏi cái đứa FA kinh niên là mình coi có thể mua cho con bạn mình quà gì. Lúc nó trầm cảm, làm mình giận, ổng lại nhắn tin giảng hòa, kêu mình hiểu và thông cảm cho nó. Rồi ông bảo, "Anh sẽ lôi T. về Hà Nội làm, không để cho ở quê nữa. T. ở quê tâm trạng cực tệ, giờ gầy lắm." Vậy là sau 8 tháng xa cách, T. trở lại Hà Nội, hai đứa thuê một căn phòng chỉ gần 20m2, sống những ngày đúng kiểu một túp lều tranh hai trái tim vàng. Mình so sánh cuộc sống của hai đứa với một túp lều tranh vì quả thật, hai đứa nghèo ghê lắm. Hồi đó, kinh tế gia đình T. sa sút, còn T thì vẫn chưa kiếm được việc làm nên phải phụ thuộc kinh tế vào người yêu. Trong khi đó, anh người yêu cũng là trụ cột gia đình, đang phải lo ăn học cho em trai của mình nữa. Mình nhớ hồi đó, cái đệm T. mua cũng phải là loại rẻ nhất có thể, cái rèm treo cửa sổ cũng là T. cắt ra từ một mảnh vải cũ, cái giá để đồ cũng là đồ thừa do chủ nhà cũ để lại. Thế nhưng cái phòng nhỏ bé, đồ đạc cũ xỉn, tuềnh toàng đã được T. bày biện trở nên xinh xắn và chứa đầy phong vị của gia đình.
Sống với người yêu, sức khỏe T. cũng tốt lên nhiều, nó béo lên, mặt mũi cũng trở nên sáng sủa hơn rất nhiều. Nó bảo, may có ông ấy, nếu không nó chắc đã chết rồi. Cứ nghĩ về ông ấy, nó lại không nhịn được cười với những trò bựa mà ổng bày ra. Không biết bạn có để ý không, rằng trên gương mặt của những kẻ yêu nhau thắm thiết bao giờ cũng tỏa ra cái mùi hạnh phúc sáng rỡ khôn cùng. Giờ hai đứa đã lấy nhau, và chuẩn bị đón một thiên thần nhỏ rồi. Cuộc sống vẫn nghèo, vẫn khó khăn nhưng dường như không gì là không vượt qua được hết.
* * *
Thời gian này, mỗi lần mình dẫn chương trình trực tiếp trên radio, rất hay được trò chuyện với những anh chồng yêu vợ. Có anh tuổi ngoài 40, lần nào nói chuyện cũng nhắc đến vợ của mình. Anh bảo, anh ở trong Nam chục năm, ăn rất nhiều món ngon, nhưng không món nào ngon bằng đồ ăn vợ anh nấu. Anh lại bảo, giờ vợ anh cũng ngoài 40 rồi, nhưng trong mắt anh, không cô nào đẹp bằng vợ anh. Anh còn bảo, mỗi lần nghe có ai đó mắng chửi, đánh đập vợ con, anh lại thấy rất buồn. Tại sao người ta lại có thể làm như vậy? Nghe những gì anh kể, mình thấy chao ôi mà ấm lòng.
Mình nhớ, có lần buôn chuyện với mẹ, mình mới than thở, sao toàn nghe thấy chuyện đàn ông thế này thế kia, chán thế nhỉ? Mẹ mình mới rất thấu tình đạt lý mà rằng: đàn bà cũng nhiều chuyện thế này thế kia, nhưng phụ nữ thì hay buôn hơn thôi. Nghe lý giải của mẹ, mình gật gù tâm đắc lắm. Mình tin rằng những lời chỉ trích suông không khiến những người đàn ông trở nên thương yêu phụ nữ hơn, mà ngược lại, sẽ chỉ khiến tình cảm giữa đàn ông và phụ nữ trở nên nhiều phần rạn vỡ. Bởi vậy nhân ngày 8/3 hôm nay, mình không muốn nói về những người vợ, những người phụ nữ mà muốn nói về những người chồng đang hết lòng yêu thương người phụ nữ của mình nhiều hơn. Những người chồng ấy chắc hẳn cũng có những điểm xấu này kia, có thể có anh thì hơi vô tâm, có thể có anh hơi lười, có anh lại không giỏi kiếm tiền cho lắm. Nhưng ở các anh ấy có tình yêu, tình thương và lòng cảm thông dành cho người phụ nữ của mình. Và mình nghĩ, chính tình thương yêu ấy mới là món quà quý nhất mà chị em mong nhận được trong cả cuộc đời này, bạn có đồng ý không?
Trên đây mình đã kể tới 3 câu chuyện về những anh chàng yêu vợ rồi. Vậy còn bạn thì sao? Bạn có chứng kiến câu chuyện nào tương tự như vậy không? Hãy cùng kể nhau nghe với nhé!

Yo Le. 8.3.2018