"Có lẽ việc ta làm là cái gì đó đang hợp thời, cũng vui vì làm chiếc lá trong vô vàn hoa lá bay trời rợp...
Nếu mỗi người cho ta một ngàn, là ta sẽ có một tỷ ngay, lấy tiền đó lên vùng xa xây được mấy cái lớp học vỡ lòng."
Đen Vâu đã gửi gắm vào bản hit "một triệu like" những ý tứ rất đời, đó là cách mà những bài hát của Đen nổi.
Một câu chuyện về trẻ-em-nghèo-đi-học mình đọc gần đây khiến mình trả lời đứt câu hỏi vui:
"Bạn chọn học dốt mà giàu hay học giỏi mà nghèo?"
À hóa ra:
Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa. Rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.
Nhưng thật khó để cái ánh sáng ấy len được vào tâm trí của những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo chẳng mấy hy vọng được tới trường, phải cật lực với cái ăn cái mặc hằng ngày vì sự phân biệt đối xử.
Thế nên, trường làng thực ra đã rất có ý nghĩa. Nếu chỉ có một nguồn sáng văn minh, thì con đường nào rồi cũng dẫn tới đó. Chỉ là có những đứa trẻ đã phải đi những đoạn rất xa rất xa với đôi chân trần hoặc đôi dép bẩn trên chiếc xe đạp liên tục xì lốp và tuột xích.
Mình mãi không viết được thứ gì lên hồn về trẻ em nghèo đói. Cũng không phải vì chưa chịu cực khổ bao giờ. Mình cố kết nối những lấm lem nhem nhuốc nhất trong đời mình với các cuộc sống các em nhỏ để liên tưởng.
Mình tự nguyện tạo cơ hội cho bản thân làm những điều đó. Chưa bao giờ mình dùng dằng đòi một chiếc xe tốt hơn, chưa bao giờ cố kiếm một đôi giày hiệu đắt, ăn xiên bẩn, ngồi quán vỉa hè, cười nói bô bô, quan sát những điều vụn vặt nhỏ bé... Đó là cái giá cần trả để đổi lấy sự thấu cảm thực sự chân thành.
Lúc trước, mình thích ai đó vì lòng thật thà, trắc ẩn.
Bây giờ, mình thích họ vì những nỗ lực học hành.
Đi học là để chọn bạn, bản thân là trung bình của 5 người ảnh hưởng. Khi lớn cũng giống như là khi nhỏ thôi, tìm người phản ánh bản thân mình mà chơi.
Có 3 đứa bạn mình thu hoạch được trong tổ Đội hồi sinh viên: một đứa ham học hỏi, một đứa vui vẻ hồn nhiên yêu đời, một đứa cố chấp sĩ diện..
Cũng có 2 đứa bạn đại học thương mến thương: một đứa rượu chè quảng giao muôn nơi, một đứa hướng nội kiêu căng thích tỏ ra ngầu đời...
Chúng ta rồi thay đổi nhiều quá nhưng không đứa nào chịu sống "mặc định" kiểu bảo gì nghe nấy, mà càng bảo càng không nghe ấy.
Có một triết lý rất hay trong cuốn trẻ em nghèo mình đọc này:
Rằng cái nghèo là một món hàng, giá trị thị trường của nó chỉ có khi được người giàu khai thác.
Dân nghèo vùng mỏ sẽ được biết tới khi chấp nhận một khoản tiền đền bù to to của công ty khai thác xúc cần cẩu đào khoáng sản vàng đen dưới móng nhà họ.
Trẻ em nghèo vùng cao chỉ được biết tới khi có người nổi tiếng, tổ chức tình nguyện hay người giàu làm từ thiện.
Người nghèo ngày càng được quan tâm trên báo đài, truyền hình, phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những trang báo, truyền hình và PR vốn dĩ không viết hay đăng tin vì người nghèo. Họ viết và đăng tin vì người nổi tiếng và tổ chức thiện nguyện đang bảo vệ giúp đỡ người nghèo.
Tất cả những điều này khiến mình nghĩ và tin rằng, những nỗ lực làm từ thiện của người nổi tiếng hay bất kì tổ chức nào đi chăng nữa đều không hề hời hợt. Cho dù động cơ thực sự của họ là gì, giá trị thị trường của cái nghèo cũng đã được tăng lên.
Bởi khi khước từ sự trao đổi để bảo vệ lòng tự trọng, khước từ sự giúp đỡ, người nghèo không những không hết nghèo mà còn chẳng ai biết tới.
Khi họ đồng ý và chấp sự sự giúp đỡ, họ vẫn nghèo thôi, nếu không chịu để ánh sáng văn minh của tri thức len lỏi vào từng đứa trẻ một.
Cuốn sách rất hay về trẻ em nghèo với khát khao học tập mạnh mẽ: Chiến binh cầu vồng.