Nhân đọc cuốn ‘Việt văn dẫn giải’ cùng nói chuyện về đọc thơ Nôm
Bây giờ – nhân khi vừa đọc xong – mình giới thiệu thêm cuốn ‘Việt văn dẫn giải’ của tác giả Á Nam Trần Tuấn Khải. Hi vọng gợi mở thêm một đầu sách cho những ai cùng có lòng với thơ nôm cổ điển của nước nhà
(Đăng lại một bài viết cũ)
Về thơ nôm, trước mình đã giới thiệu cuốn ‘Nam thi hợp tuyển’ của tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Bây giờ – nhân khi vừa đọc xong – mình giới thiệu thêm cuốn ‘Việt văn dẫn giải’ của tác giả Á Nam Trần Tuấn Khải. Hi vọng gợi mở thêm một đầu sách cho những ai cùng có lòng với thơ nôm cổ điển của nước nhà, vẫn đang loay hoay tìm kiếm sách vở đọc thêm và ngâm ngợi trong những ngày vào thu, hơi may hiu hắt này.
Cuốn sách là tuyển tập gồm 156 bài thơ nôm, chủ yếu rơi vào khoảng từ cuối thời Lê cho tới hết triều Nguyễn. Tập trung vào 4 tác giả chính là: Nguyễn Khuyến (39 bài), Tú Xương (51 bài), Bà huyện Thanh Quan (6 bài) và Hồ Xuân Hương (15 bài). Đây cũng là thời kỳ mà việc sử dụng tiếng Việt trong văn chương bắt đầu phổ biến và đạt được sự thành thục, điêu luyện, sau tác phẩm ‘Quốc âm thi tập’ của Nguyễn Trãi vào đầu thời Lê .
Nội dung của sách được tác giả sắp xếp theo từng nhà thơ, có chú thích những chữ cổ và các điển tích. Ngoài ra, không có phần bình như cuốn ‘Nam thi hợp tuyển’, và cũng không nhiều phần viết về các nhà thơ, hay hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Cuốn sách đơn thuần gồm những áng thơ hay, được tác giả tuyển chọn để lưu lại trong một tập sách mỏng. Vì vậy, tác phẩm không mang dáng vẻ của một công trình sưu tầm công phu, thay vào đó tuyển tập giống như những nét chấm phá trong một bức tranh thủy mặc, nó tỏa ra một điều gì gọn gàng, dung dị cùng một chút hương vị thanh tao. Điều ấy cũng phù hợp với những hồn thơ được trích dẫn trong sách, sự mộc mạc và sinh động của tiếng Việt được khéo léo đặt trong cái hàm súc, chặt chẽ của thể thất ngôn bát cú Đường luật. Những vẻ đẹp này cũng được hoàn thiện đầy đủ, khi nhà phát hành đã tái bản trong hình thức một cuốn sách nhỏ nhắn, được trình bày trang nhã. Cầm cuốn sách trong tay, người đọc sẽ có cảm tưởng về một bông hoa nhài xinh xắn với mầu trắng tinh khôi, cùng hương thơm dịu dàng, sâu lắng. Ngoài ra, do được soạn vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20, nên khi mở từng trang sách, độc giả còn có thể cảm nhận được phần nào hình bóng của thời gian, những năm tháng mà nền nho học đang lùi dần vào dĩ vãng.
Trong ‘Việt văn dẫn giải’, phần nhiều các tác phẩm mình đã được biết đến. Tuy nhiên, mình vẫn có cơ hội tiếp xúc thêm được với nhiều bài thơ hay nữa. Thêm hiểu về thơ Nôm và yêu mến sự phong phú của tiếng Việt. Ôi, thứ tiếng bình dân, thân thuộc mà ta đã quyen từ thủa lọt lòng (chẳng bác học, thời thượng như ai vẫn thích thêm thắt các từ ngoại quốc khác), cổ nhân đã khéo léo thổi vào đó biết bao cung bậc cảm xúc, bao cảnh sắc non sông và biến động của thời cuộc. Phóng khoáng, tài tình mà nồng nàn, thiết tha như thơ Tú Xương. Hồn hậu, mộc mạc nhưng tinh tế, ý nhị như thơ Nguyễn Khuyến. Trầm mặc, nghiêm trang như Bà huyện Thanh Quan. Và tinh quái, tài hoa như nàng Xuân Hương nữ sỹ. Mỗi người một tình, mỗi bài một vẻ, không chỉ chấm phá nên sự giầu đẹp của tiếng Việt, mà ẩn hiện trong đó bước đi của tháng năm, âm thanh của đất nước.
Cho dù nhiều bài trong sách mình đã thuộc từ lâu, một số có sai khác do dị bản, nhưng điều đó không làm giảm chút nào sự yêu mến, nâng niu với cuốn sách. Ôm cuốn sách trong tay, khe khẽ lật từng trang, chầm chậm đọc từng dòng, với mình vẫn luôn mang lại một cảm súc đặc biệt. Như thể để hít hà sương khói thời gian và lắng nghe âm thanh một thời xa vắng.
Việc đọc thơ nôm trong sự tĩnh lặng và chậm rãi, luôn có cái thú vị trong đó, và khó có thể bị nhám chán. Tựa như hơi may của mùa thu, cho dù đã là một điều rất bình thường của miền Bắc. Mỗi khi tiếng ve sôi dần yên, những bông sen dần tàn, là mình lại ngóng đợi. Chỉ để lặng đi trong cái se se của gió thu và tiếng xôn xao của khóm trúc, những điều với mình chưa bao giờ cũ kỹ.
Mình viết những dòng này ngay giữa những tháng ngày của mùa thu tươi đẹp, ngoài trời gió heo may lành lạnh, sợi nắng vàng óng ả, với bầu trời xanh thẳm, vời vợi trên cao. Hẳn, vẫn bầu trời ấy Nguyễn Khuyến đã viết nên ba bài thơ thu trứ danh. Chỉ có điều, hiện tại, trước mắt mình lại là một khung cảnh đang đổi khác. Những ruộng vườn đã bị phá đi, những cây cối bị chặt đổ và những ao hồ bị san lấp. Khắp nơi inh tai bởi máy cắt, máy khoan, máy trộn bê tông hoạt động ngày đêm, ầm ầm không nghỉ. Hà Nội đang bước vào quá trình đô thị hóa rầm rộ, với tua tủa những biu đinh, chung cư, nhà cho thuê, ào ào mọc lên như nấm. Cái khu Xuân Đỉnh nơi mình trọ, mầu xanh vườn cây mỗi ngày một ít, tiếng chim hót mỗi ngày một thưa, để thay vào đó những khối bê tông xù xì, tiếng máy ầm ỹ và những con người hối hả. Vẫn là đất nước ta, nhưng còn đâu những ‘ao thu lạnh lẽo nước trong veo’, ‘ngõ trúc quanh co khách vắng teo’ nữa.
Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung như một cỗ máy đã nằm yên bấy lâu, bây giờ bắt đầu khởi động, nó rung lên bần bật và phun ra những thứ khói đen kịt. Quá trình đô thị hóa, bê tông hóa rồi máy móc hóa, công nghệ hóa … đang bắt đầu. Điều đó không thể nào khác và cũng rất cần thiết. Nhưng mình nghe thấy đâu đó không chỉ nơi những con chim không chỗ làm tổ, những cây cổ thụ không chốn dung thân, những dòng sông quằn quại, ngập ngụa, những ngọn núi trơ trụi, âm thầm, đau đáu. Là âm thanh sâu lắng từ một nền văn hóa lâu đời nơi con người ta sống mộc mạc, giản đơn và gần gũi với tự nhiên. Những trăn trở, day dứt giữa cuộc tranh giành cũ - mới, của những gì truyền thống và những thứ tân thời.
Trong thời đại đang diễn ra những đổi thay lớn lao này, những người trẻ xin hay đến với thơ ca cổ điển của nước nhà. Văn chương cổ sẽ giúp chúng ta biết cách lắng nghe những thao thức của non sông, qua bao thế hệ tiếp nối dựng xây và biến động thăng trầm. Để hiểu hơn về nơi chúng ta sinh ra, âm điệu mà chúng ta cất tiếng. Để từ đó gìn giữ và bảo vệ những gì đẹp đẽ của quê hương, quê hương ta tươi đẹp tự bao đời.
09/11/2019
Thanh Phong
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất