Nhân chi sơ tính bản ác
“Bản chất con người là tốt hay xấu?” là câu hỏi mà đáp án chuẩn chỉnh và thống nhất của nó có thể thay đổi cả thế giới. Tuy vậy, tin buồn là hiện tại chưa nhà nghiên cứu nào, chưa triết gia lỗi lạc nào đem đến một câu trả lời có thể thống nhất ý chí của tất cả mọi người.
Từ xa xưa, trước cả thời người ta tạo ra các phương pháp nghiên cứu về bản chất con người bằng triết học hay tâm lý học, vấn đề thiện ác trong tâm chúng ta đã được quan tâm và đem ra bàn luận. Hiện nay, ta hầu như chấp nhận quan điểm của triết gia Nho giáo Mạnh Tử: “nhân chi sơ, tính bản thiện”, hoặc quan điểm của triết gia vĩ đại người Hy Lạp Platon  và triết gia Jean Jacques Rousseau: con người sinh ra không hề hung ác. Những quan điểm này phổ biến bởi sự công nhận, an ủi, và khích lệ chúng ta bộc lộ phần tốt, phần thiện trong bản thân mình. 
Tuy vậy, một trường phái ngược lại cho rằng con người sinh ra đã mang trong mình những cái xấu, cái ác, và chúng ta phải cố gắng chế ngự những thứ tồi tệ ở sâu thẳm trong trí óc, bản năng, hay tâm hồn để không rơi vào sa ngã. Những quan điểm này không phổ biến và được coi trọng, thậm chí bị bài trừ mạnh mẽ, bởi cho cùng chẳng ai muốn mang danh xấu xa từ khi lọt lòng. 
1. . Cơ đốc giáo - Thiên Chúa giáo
Cơ đốc giáo, Kitô giáo hay Thiên Chúa giáo là một tôn giáo lớn mạnh và có ảnh hưởng khắp toàn Thế giới. Các tín đồ của Thiên Chúa giáo tin rằng Jesus là con của Thiên Chúa, ngài đã giảng dạy cho con dân khắp nơi, chịu đau khổ, bị đóng đinh và chết trên thập giá, và đến ngày thứ ba sống lại từ cõi chết. Ngài cứu rỗi nhân loại.
Thiên chúa giáo giảng dạy qua Kinh thánh, về sự hình thành của Thế giới, sự xuất hiện của con người, về cái thiện cái ác, và làm sao để sống một đời thật lương thiện.
Như bất kỳ tôn giáo nào khác, Thiên Chúa giáo cũng xoay quanh những niềm tin bất diệt, nhằm điều chỉnh hành vi con người đến cái đúng, cái thiện. 
Khác với Phật giáo cho rằng con người là vô ngã - không có một "cái tôi" hay "bản ngã" vĩnh cửu, không thể tách rời, tự trị và riêng biệt, Thiên Chúa giáo cho rằng con người là những thực thể tách biệt với Thế giới, họ sống ở nhân gian với sự nhận biết về tốt xấu, và mang trong mình đầy tội lỗi. 
Theo Kinh Thánh, từ buổi sáng thế, Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài: chúng ta có những hiểu biết về Chúa, về những thiết kế vĩ đại của Ngài. 
Chúa  ban cho con người những đặc tính: tình yêu, lòng thương xót, thành thật, tử tế, kiên nhẫn... Nhưng Kinh thánh cũng nói rằng con người không giữ được các bản tính lương thiện hoàn hảo đó mà để tội lỗi bóp méo. Tội lỗi cũng nằm trong bản chất của con người.
Một câu chuyện trong kinh thánh thường xuyên được đem ra khai thác là câu chuyện về sự sa ngã của Adam và Eva. Theo Kinh thánh, Adam được Chúa tạo ra từ cát bụi và Eva được tạo ra từ xương sườn của Adam. Lúc đó, họ là những con người thiện lành và trong sáng, không đến tội ác và lỗi lầm. Họ được định sẵn là sống một cuộc sống tốt đẹp và bất tử trong vườn địa đàng, được tận hưởng và ăn mọi thứ trừ trái cấm.
Tuy nhiên, sau đó, một con rắn, là biểu hiện của tội ác và lỗi lầm, đã dụ dỗ Eva ăn thứ trái cây mà Chúa không cho họ ăn. Đây là trái cây tri thức về thiện và ác, người ta ăn vào sẽ có thể biết điều gì là tốt, điều gì là xấu để lựa chọn đi theo. Adam và Eva đã bị dụ dỗ và ăn trái cấm đó, đây gọi là sự sa ngã. Điều này đánh dấu cột mốc hai người chính thức không còn là những con người trong sáng nữa, mà đã biết đến cả những cái xấu xa trong đời. Trái cấm đã mang lại khả năng gợi lên những khái niệm về sự tiêu cực, việc ác... 
Từ việc cả hai cùng sa ngã, phạm phải điều cấm của Chúa trời mà Adam và Eva đã không giữ được sự trong sáng và thiện lương hoàn hảo của bản thân mình. Họ phải nhận hình phạt cho sự sa ngã ấy, đó là việc bị tước đi cuộc sống tươi đẹp vĩnh viễn tại vườn địa đàng, mà bị đẩy xuống trần gian và chấp nhận cái chết. Cũng chính từ tội lỗi sa ngã của Adam và Eva mà bản chất tội lỗi đã bị truyền lại cho toàn bộ dòng dõi loài người. 
Trái ngược với quan điểm của Thiên chúa giáo, Phật giáo không cho rằng con người là do một đấng tối cao nào tạo ra,cũng không đơn thuần mang cái tốt, cái xấu, cái thánh thiện hay tội lỗi trong mình.
Đạo phật cho rằng con người là một chỉnh thể vũ trụ, là một tiểu vũ trụ, là kết quả của sự kết hợp giữa danh và sắc. Nghĩa là con người có đầy đủ cả hai phần sinh lý và tâm lý. 
Đức Phật cho rằng con người bao gồm có hai phần vật chất và tinh thần kết hợp với nhau. Nhưng con người không phải tự nhiên mà sinh ra. Con người là một pháp duyên sinh, con người sinh ra là do nhân duyên hòa hợp và thức chuyển biến mà thành. Phật phân tích có mười hai nhân duyên là: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thụ, Thụ duyên ái, ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão, Tử. Các yếu tố vật chất khi hội đủ nhân và có duyên cần thiết sẽ hợp thành những thực thể hữu hình (thân xác con người) gọi là "sắc" và có "tâm" (ý thức) thì con người sống, hoạt động (tồn tại).
Con người sinh ra là do nhân duyên, nhân duyên hòa hợp thì con người sinh, nhân duyên tan rã thì con người diệt.
Con người sống trên đời có thể lựa chọn khổ đau hoặc giác ngộ. Chúng ta khổ đau vì chúng ta còn ham muốn, còn sợ hãi, nhưng khi thấu hiểu quy luật của tự nhiên, thấu hiệu sự vô thường của cõi đời, ta có thể đạt đến cõi niết bàn để vượt xa mọi khổ đau. 
Đạo Phật khác với Thiên chúa giáo là vậy. Con người dưới góc nhìn của Phật giáo, không được Chúa tạo ra, không bị dụ dỗ khỏi sự trong sáng, không mang tội lỗi đến muôn đời. Con người trong góc nhìn của Phật giáo là tổng hoà những yếu tố của vũ trụ.
2. Quan điểm của Tuân Tử
Chúng ta vẫn quen với quan điểm “Nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng Tuân Tử lại đưa ra quan điểm ngược lại: “nhân chi sơ tính bản ác”.
Tuân Tử là một trong 7 nhà nho lỗi lạc của Trung Quốc, ông sống tại nước Triệu những năm 316 - 237 trước công nguyên, ở cuối thời Chiến Quốc. Tuân Tử là hậu thế của Khổng Tử, ông lĩnh hội và kế thừa sâu sắc quan điểm Nho giáo, ông cũng tham gia hoàn thiện, phát triển và hệ thống hoá các tác phẩm của Khổng Tử.
Tuy là một nhà Nho lỗi lạc, ông không hoàn toàn ủng hộ các tư tưởng của Nho giáo. Thay vì dùng “nhân” để trị nước, đề cao bản chất nguyên thuỷ của con người như Khổng Tử, Tuân Tử ưu tiên dùng lễ và hình để trị nước, bởi đối với ông, “nhân chi sơ tính bản ác”, con người sinh ra đã mang phần ác bên trong, cần rèn luyện, bồi dưỡng và giáo dục để có được phần thiện. 
Đi sâu vào tư tưởng của Tuân Tử, ông cho rằng con người sinh ra đã có đủ dục vọng: ham lợi, đam mê sắc dục, ích kỷ, tham lam. Đây là những thứ sinh ra đã có, không thể tự tạo ra. Tính thì ai cũng như ai, dù là thánh nhân hay người thường, đều mang tính ác trong mình.
Nếu con người cứ sống theo bản năng và để yên cho bản năng đó thống trị thì con người sẽ có xu hướng hành động tiêu cực, tranh đấu, và tạo nên một xã hội hỗn loạn. Tuân Tử hướng đến việc dùng “lễ”, dùng “hình” để điều chỉnh hành vi và bản tính của con người. Tuy nhiên, chính Tuân Tử cũng cho rằng việc sửa đổi bản tính là rất khó và chỉ giới tinh hoa mới làm được. Sự khác nhau giữa thành nhân với người thường là ở sự kìm hãm bản chất ác trong mình và hướng đến tính thiện.
Nhưng thế nào là thiện, thế nào là ác?
Tuân Tử cho rằng, bất cứ điều gì mang lại thái bình thịnh trị, muôn dân ấm no, ấy là thiện; những gì mang lại chiến tranh bạo loạn, ấy là ác. Suy cho cùng, Tuân Tử cũng giống như nhiều nhà triết học phương Tây sau này, đề cao hạnh phúc chung của cả tập thể lớn, và hướng con người ta đến các hành vi giữ gìn sự hạnh phúc lớn lao ấy.
Quan điểm của Tuân Tử bị bài xích một phần vì người ta nhìn nó là một quan điểm cực đoan. Tuy vậy, mục đích của Tuân Tử ngay từ đầu vẫn là hướng thiện, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn từ cả trong tâm ra hành động.
Bản chất con người là ác, vậy nên họ cần phải có những biện pháp để kìm hãm, thay đổi. Theo ông, giống như cây bị cong, bị vênh muốn uốn cho thẳng thì trước hết cần phải luộc, phải hơ nóng và phải có khuôn để uốn. Dao bị cùn thì cần mài, dũa mới bén được. Với con người, muốn trở nên tốt đẹp thì phải được giáo dục, đặc biệt là giáo dục cái tâm. Giáo dục tâm trong con người có nghĩa là giáo dục về ý thức, về sự hiểu biết. Khi tâm trong con người được giáo dục, được huấn luyện, nó sẽ giúp con người phân định hoặc nhận ra được điều gì là tốt, điều gì là xấu, điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Quan điểm này của Tuân Tử sau này được học trò của ông là Hàn Phi phát triển thành “Học thuyết pháp trị”, tư tưởng này nổi bật trong tác phẩm “Hàn Phi Tử” mà sau này trở nên vô cùng nổi tiếng không chỉ ở phương Đông. Cho đến thời điểm hiện tại, tác phẩm “Hàn Phi Tử” và tư tưởng của Hàn Phi vẫn được phân tích và bàn luận. 
Tuân Tử dường như đang mâu thuẫn trực tiếp với người sáng lập Nho giáo là Khổng Tử và truyền nhân - Mạnh Tử khi ông sẵn sàng tuyên bố “Nhân chi sơ tính bản ác” sau khi Mạnh Tử cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Hai luồng quan điểm này đã tạo ra những nền móng vững chắc để hậu thế phát triển ra nhiều học thuyết cho thế giới hiện tại.
3. Quan điểm của Freud
Sigmund Freud là nhà thần kinh học người Áo, là nhà tư tưởng gây nhiều tranh cãi nhất nhì thế kỷ 20, và được biết đến như “cha đẻ của nền tâm lý học hiện đại”. 
Ông đã đưa ra nhiều học thuyết tâm lý học làm cơ sở cho nghiên cứu và phát triển nhiều phương pháp điều trị với sức khỏe tâm thần. Các học thuyết nổi tiếng của ông có thể kể đến như: “Lý thuyết về tâm trí vô thức”, “Lý thuyết về tính cách”, “Lý thuyết về bản năng sống và cái chết”… Trong đó, công lao chủ yếu của Freud là khám phá ra vô thức (unconsciousness) như tầng tư duy nền tảng định hướng mọi hành vi của con người.
Giống như Tuân Tử, các học thuyết của Freud cũng được nhiều người đương thời biết tới và gây ra nhiều tranh cãi, có người khen kẻ chê. Nhiều người đã dựa vào các học thuyết của ông làm cơ sở để phát triển các nghiên cứu về tâm lý hoặc liệu pháp trị liệu. Một số nhà tâm lý học lỗi lạc chịu ảnh hưởng của Sigmund Freud như Anna Freud, Carl Jung, Alfred Adler, Melanie Klein, Erik Erikson, Ernst Jones.
Freud sống cách chúng ta gần 2 thế kỷ, nhưng con người ở 2 thế kỷ trước hay hiện tại đều không thay đổi về bản chất. Freud nghiên cứu và nhận định, có 2 xu hướng đối lập trong bản năng con người, đó là eros và thanatos. 
Eros là bản năng sống hướng tới thỏa mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn của con người. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Quan điểm này có phần giao thoa với quan điểm của Tuân Tử ở phương Đông của địa cầu, đều thể hiện sự ham muốn của con người. 
Thanatos, death wish, bản năng chết. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là trạng thái nóng giận mà ai cũng có thể có. Đây là trạng thái nhẹ nhất của việc phát tiết theo hướng tiêu cực ra môi trường để giải tỏa cảm giác khó chịu bên trong. Đó là lúc bản năng thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát hoặc không có sự kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn, và thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.
Hai bản năng trên, một cái là ham muốn, khi không đạt được thoả mãn nhờ ham muốn thì dẫn tới phá hoại, nhìn chung dẫn tới nhiều hệ quả xấu cho cá nhân và xã hội, cũng tương tự như cách Tuân Tử lập luận về bản ác trong quan điểm của ông.
Freud cho rằng nếu con người có xu hướng hành động từ bản năng, thì lý trí sẽ là thứ kiềm hãm xu hướng hành động đó.
Nếu cứ để eros và thanatos trong phần bản năng lên ngôi thì con người sẽ có xu hướng hành động ích kỷ và cực đoan đến tột cùng. Và chỉ có ý chí - thứ ý thức làm con người trở nên khác hẳn so với con vật, mới có thể ngăn chặn những hành vi ích kỷ và cực đoan ấy. 
Tuy vậy, lý trí có thể hoàn toàn kìm hãm bản năng hay không, và lý trí có thể kìm hãm bản năng đến đâu còn là một câu hỏi lớn chưa có đáp án chính xác. Nếu lý trí chiến thắng bản năng, con người sẽ hành động nhân văn, xã hội phát triển. Nếu không, một bức hoạ đen  nhanh chóng được hình thành. 
Thực tế cho thấy tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với Eros và Thanatos là khác nhau. Chúng ta, theo lời Freud, chỉ còn cách rèn luyện và kỉ luật bản thân để giữ được lý trí.
img_0
4. Niccolò Machiavelli và Thomas Hobbes 
Theo sự phát triển của nền khoa học, con người bắt đầu nghiên cứu các vấn đề triết học một cách bài bản hơn, và việc tốt - xấu trong tâm con người cũng được bàn luận bài bản hơn. 
Niccolo di Bernardo Machiavelli sinh năm 1469 mất năm 1527, là chính trị gia tài ba và nổi tiếng trong chính quyền cộng hoà Firenze, cũng là nhà triết học chính trị lỗi lạc nhất thời kì Phục hưng. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm triết học chính trị vĩ đại, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử triết học phương Tây.
Niccolo Machiavelli được những người theo chủ nghĩa Marx đánh giá cao vì quan điểm chính trị phi tôn giáo và gạt thần quyền ra khỏi thế quyền. Các quan điểm của ông như đứng tách xa các quan điểm chính trị khác đương thời. 
Quan niệm của Niccolo Machiavelli về bản chất của con người được ông thể hiện trong tác phẩm “II Principe”. Ở đây, ông phân tích bản chất con người như là tổ hợp những đặc điểm cực đoan, và nhấn mạnh đó mới là bức chân dung chân thật cần được nhìn nhận về chính giống loài mình, từ đó những biện pháp chính trị để điều chỉnh hành vi con người. 
Trong cuốn “II Principe”, ông viết con người vô ơn, gian trá, luôn muốn trốn tránh sự nguy hiểm và ham muốn lợi ích… Trong cuốn Quân vương (The Prince) ông viết “đặc điểm chung của con người là vô ơn, hay thay đổi, đạo đức giả”. Trong nhiều tác phẩm khác, ông cũng liên tục nhấn mạnh bản chất đen tối của con người.
Niccolo Machiavelli cũng cho rằng, không phải lúc nào con người cũng bộc lộ bản chất xấu xa của họ cho người khác nhìn thấy, nhưng khi hội tụ đủ điều kiện và thời cơ chín muồi thì không ai từ chối làm điều ác. Ông cho rằng con người chỉ làm tốt khi họ không còn lựa chọn nào khác, mọi hành động tốt đẹp của con người đều xuất phát từ bối cảnh mà họ không thể làm gì khác. 
Cùng quan điểm với ông, nhà sáng lập nền dân chủ Mỹ John Adams (1735-1826) đã viết “mọi người đều trở thành những tên bạo chúa nếu có cơ hội”.
Như vậy, muốn đảm bảo con người chỉ làm điều tốt đẹp và không phạm vào việc ác thì không khác ngoài tạo cho họ môi trường chỉ có thể hành động tốt đẹp. Pháp luật là công cụ duy nhất làm được điều đó.
Thomas Hobbes, hậu thế của Niccolo Machiavelli, là một triết gia, nhà khoa học và sử gia người Anh. Hobbes là con của một tu sĩ nghèo, nhưng ông may mắn được cho ăn học và nâng đỡ, vì vậy ông nhìn thấu các tầng lớp trong xã hội và đặt họ vào tầm nghiên cứu của mình. Sau này, với các tác phẩm nổi tiếng như “leviathan or the matter, form and power of a commonwealth ecclesiastical and civil” (Thuỷ quái, hay là vấn đề, hình thức và quyền lực của nhà nước giáo hội dân sự” đã đưa ông trở thành một trong những nhà chính trị gia lỗi lạc nhất của nước Anh. 
Thomas Hobbes đã có một tác phẩm nổi tiếng được cho là kế thừa tư tưởng của Niccolo Machiavelli về bản chất con người. Hai người tuy ở hai quốc gia, hai thời thế, nhưng lại có chung góc nhìn về vấn đề này, do đó họ đưa ra những biện pháp tương đồng trong việc cai trị, hay đúng hơn là điều chỉnh hành vi con người. 
Tương tự Niccolo Machiavelli, Thomas Hobbes cũng cho rằng bản chất con người là tham lam, ích kỷ và hám danh lợi, điều đó khiến họ không ngừng ganh tị và tranh đua. Ông đã khẳng định trong tác phẩm của mình: “Con người, mà sự vui mừng của họ cốt ở việc so sánh bản thân với những người khác”. 
Nếu cứ để mặc con người tự do sống với bản chất xấu xa của họ, thì thế giới sẽ toàn ganh đua, đố kị, xâm chiếm, chiến tranh, mà vốn thực tế đã xảy ra rất nhiều rồi. Vậy nên, Thomas Hobbes đề xuất một quyền lực chung đủ cho mọi người kính sợ, để ngăn chặn họ làm điều xấu, để hướng họ đến việc tốt. Ông đã chứng minh việc con người sống với tự nhiên không có nhà nước sẽ chỉ có thể dẫn đến chiến tranh và nguy hiểm, từ đó vẽ ra con đường tất yếu của con người để có được cuộc sống an toàn và hạnh phúc, đó là chuyển từ trạng thái xã hội không có nhà nước sang xã hội có một nhà nước đủ mạnh để điều chỉnh và bảo vệ con người.
Chỉ có pháp luật và nhà nước mới đưa chúng ta ra khỏi vòng xoay của bản năng tầm thường.
Quan điểm của cả Niccolo Machiavelli và Thomas Hobbes đều không được đánh giá cao trong xã hội đương thời, nguyên nhân lớn là do góc nhìn có phần cực đoan và ngôn ngữ gay gắt của hai tác giả. Cho đến hiện tại, quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi, dù nó đã trở thành nền tảng cho rất nhiều học thuyết về sau. Suy cho cùng, con người vẫn ưu tiên những thứ lọt tai.
Thực tế, có một học thuyết trái ngược hoàn toàn với quan điểm của những nhà nghiên cứu trên, phổ biến hơn, nổi tiếng hơn, và được công nhận nhiều hơn. Đó là thuyết tiến hoá của Darwin và các nghiên cứu dựa vào nó. Một luồng quan điểm cho rằng con người qua hàng vạn năm đã tồn tại dựa trên những “cá thể thân thiện” trong khi những loài cùng gốc với con người đã tuyệt chủng dù chúng có sức mạnh hơn, tinh nhanh hơn, leo trèo và chống chọi tốt hơn. Và bản chất con người, để tồn tại được với tự nhiên, phải là hỗ trợ và gắn bó với nhau. Điều đó giải thích vì sao nhiều loài động vật to lớn hơn, mạnh mẽ hơn nhưng lại không thể sống trường tồn đến thời kỳ hiện tại như loài người.
Nghiên cứu bản chất của loài người là một công việc rất khó nhưng cũng cần thiết. Một câu trả lời đúng đắn và thống nhất có thể đặt nền móng cho các phương pháp giáo dục và nghiên cứu tâm lý, xây dựng hành lang pháp lý để điều khiển hành vi của con người. Tuy vậy, bởi vì đây là một công việc khó, và đáp án chúng ta đưa ra đều chưa thể thống nhất, nên các học thuyết vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn và phản biện lẫn nhau, từ đó có nhiều phương pháp nghiên cứu và xây dựng khác nhau.