Tranh Minh Họa: SAM ISLAND
Một vài năm trước, Wang Yi đang thực sự sống trong Giấc Mơ Mỹ. Tốt nghiệp xong từ trường Princeton, anh nhanh chóng có ngay công việc ở Google và mua một căn hộ cao cấp rộng rãi ở Thung Lũng Silicon. Nhưng vào một ngày năm 2011, anh ngồi với vợ ở quanh chiếc bàn tròn trong bếp và nói với cô ấy rằng anh muốn trở về Trung Quốc. Anh cảm thấy đã phát ngán với vai trò là quản lý sản phẩm cho gã khổng lồ lĩnh vực tìm kiếm và cảm thấy trong thâm tâm rằng anh cần phải về quê hương để bắt đầu công ty riêng của mình. Tất nhiên điều đó là không dễ, thật khó để thuyết phục người vợ của anh từ bỏ căn hộ ấm cúng ở California để về Thượng Hải mịt mù khói bụi.
“Lúc đó tôi mới phát hiện cô ấy đang mang bầu”, Wang lúc này đã 37 tuổi, hồi tưởng lại những giờ khắc anh đi lại suy nghĩ trong căn hộ của mình. “Những tuần suy nghĩ trước khi ra được quyết định cuối cùng không hề dễ dàng, nhưng rồi thì tôi cũng thuyết phục được cô ấy.”
Wang Yi - Ảnh: QILAI SHEN/BLOOMBERG
Sự liều lĩnh của anh ấy đã thu về được quả ngọt: ứng dụng dạy tiếng Anh Liulishuo hay còn gọi là LingoChamp của anh đã gọi được 100 triệu USD vốn đầu tư vào tháng 07/2017, đưa anh ấy vào hàng ngũ những cựu binh ở Thung Lũng Silicon thành danh ở Trung Quốc. Những người này đã trở về vì niềm tin vào một tương lai tươi sang hơn ở quê hương. Quyết định của Wang phản ánh một xu hướng chưa từng có, là dấu hiệu của những vấn đề sẽ gây đau đầu cho những gã khổng lồ ở Thung Lũng Silicon, từ Facebook đến Alphabet, công ty mẹ của Google.
Những nhân tài người Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ đang dần trở thành những lãnh đạo chèo lái đưa các công ty Trung Quốc ra biển lớn, tham gia sân chơi toàn cầu, đồng thời dẫn dắt đất nước đi đầu trong những công nghệ thế hệ mới như trí thông minh nhân tạo hay máy học. Trước đây thì du học sinh Trung Quốc hay mơ tưởng đến những công việc cao cấp ở những công ty đầy danh tiếng ở nước ngoài hay cố gắng được cấp quốc tịch ở nước bản địa bây giờ thì rất nhiều du học sinh đó đang nhìn vào những cơ hội phát triển ở quê nhà, nơi có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và chính phủ thì liên tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ cho việc nghiên cứu trong các lĩnh vực mới nhất, tân tiến nhất.

“Càng ngày càng có nhiều nhân tài đang trở về bởi vì Trung Quốc đang dần phát triển mạnh trong lĩnh vực sáng tạo,” Ken Qi, chuyên gia săn đầu người ở Spencer Stuart đồng thời là trưởng bộ phận công nghệ của công ty, chia sẻ. “Đây chỉ mới là giai đoạn đầu”.
Những người Trung Quốc từng làm hay là học ở nước ngoài và sau đó trở về quê hương sau một thời gian sẽ được gọi bằng biệt danh “hải quy” (rùa biển – hàm ý những người này đã vượt muôn trùng khơi để trở về). Nhưng trong khi trước đây có việc làm tại một trong những công ty công nghệ khổng lồ ở Hoa Kỳ từng là khát khao, niềm mơ ước của bao nhiêu du học sinh, thì bây giờ các công ty “gà nhà”, từ gã khổng lồ Tencent Holdings Ltd cho đến những thiếu gia mới nổi như Toutiao đều có thanh thế không kém. Baidu Inc, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm rất được ít biết đến bên ngoài Trung Quốc, đã thuyết phục thành công nhân tài Qi Lu từ Microsoft về để dẫn dắt công ty trong lĩnh vực A.I, và ông ấy đã là biểu tượng của sự tột đỉnh vinh quang mà một người đi du học xa trở về có được.
Qi Lu
Ảnh: BILLY H.C. KWOK/BLOOMBERG
Còn tập đoàn Alibaba Group Holdings Ltd thì đang dần định hình mình là một chất xúc tác. Gã khổng lồ thương mại điện tử đã hoàn thành thương vụ phát hành cổ phiếu lớn nhất năm 2014 – một kỉ lục còn giữ đến ngày nay – để thu hút dòng vốn khổng lồ chưa từng có đổ vào Trung Quốc. Alibaba và Tencent bây giờ đang nằm trong nhóm 10 công ty được định giá lớn nhất thế giới, ngang hang với những gã khổng lồ khác như Amazon.com Inc hay là Facebook. Các quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc cũng sánh ngang với đối thủ của họ ở Hoa Kỳ: ba trong số 5 startups được định giá cao nhất thế giới nằm ở Bắc Kinh chứ không phải là California. Và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục các chính sách thắt chặt người nhập cư, xua đuổi du học sinh cũng như người lao động nước ngoài càng giúp Trung Quốc nhiều hơn.
Lĩnh vực công nghệ đã vượt lĩnh vực tài chính, trở thành thỏi nam châm mạnh nhất để hút du học sinh Trung Quốc trở về, chiếm 15.5 phần trăm tổng số du học sinh trở về theo kết quả khảo sát trên 1,821 du học sinh năm 2017 thực hiện bởi think-tank Center for China & Globalization và trang việc làm Zhaopin.com. Con số đó đã tăng so với mức 10 phần trăm trong đợt khảo sát năm 2015. Các khảo sát cho thấy số lượng du học sinh trở về - chủ yếu từ Hoa Kỳ - đã tăng vô cùng nhanh lên mức 432,500 trong năm 2016, tăng 22 phần trăm so với năm 2013.  
Tuy nhiên không phải tất cả đều chọn bỏ Thung lũng Silicon. Trong khoảng 850,000 nghìn kỹ sư phát triển AI ở khắp nước Mỹ, 7.9 phần trăm trong số đó là người Hoa theo báo cáo của Linkedin công bố cho năm 2017. Số người đó bao gồm những người Hoa sinh ra ở Mỹ và không có mối quan hệ hay tình cảm gì với đại lục hay là có hứng thú trở về. Tuy nhiên có điều thú vị đó là có nhiều kỹ sư AI là con cháu người Hoa ở Mỹ hơn là ở Trung Quốc, mặc dù số người gốc Hoa này chỉ chiếm 1.6 phần trăm dân số Mỹ.
Một Nhân Viên Đang Lái Xe Trong Khuôn Viên Trụ Sở Của Googleplex ở Mountain View, California. Ảnh: Michael Short/Bloomberg
Dẫu vậy nhu cầu săn đón du học sinh trở về đang là một lĩnh vực hot ở Trung Quốc hiện nay. Trong các nhóm cộng đồng WeChat hay Facebook, những chuyên gia săn đầu người hay là kĩ sư luôn đăng hang tá ảnh, ảnh động hay khẩu hiệu với lời kêu gọi tuyển du học sinh trở về. Qi đã theo dõi mảng này từ lâu: nếu bạn đã được cấp thẻ xanh, không có con hay là con bạn sắp vào đại học, bạn hãy chuẩn bị đợi thư mời về làm việc ồ ạt ập đến.

Xem thêm:

Jay Wu đã kiếm được hơn 100 kỹ sư cho các công ty Trung Quốc hơn ba năm qua. Là nhà đồng sáng lập Global Career Path, ông đã từng xây dựng một cộng đồng online cho du học sinh và biến nó thành một mảng kinh doanh. Doanh nhân ở San Francisco này liên tục rà khắp các nhóm trên WeChat để tìm kiếm nhân tài.
Một cựu học sinh ở UC Berkeley, người chuyên tổ chức các buổi gặp mặt cho Alibaba và JD.com Inc cũng như công ty du lịch trực tuyến Ctrip, chia sẻ: “WeChat là một kênh tốt để cập nhật xem chuyện gì đang xảy ra trong giới du học sinh, đồng thời giúp quảng cáo về các buổi họp mặt của chúng tôi”.
Phải rời bỏ những nơi làm việc tuyệt vời như Cupertino hay Mountain View để về lại Bắc Kinh không phải là điều dễ dàng khi mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch thanh tẩy mạng Internet lớn nhất trong lịch sử. Nhưng những công ty công nghệ quê nhà có ba ưu thế cho giới du học sinh: lương tăng nhanh, nhiều cơ hội cũng như cảm giác được thuộc về một cộng đồng lớn.
Lĩnh vực Internet ở Trung Quốc đang phát triển bùng nổ với mức lương chi trả đôi lúc vượt qua cả những đối thủ bên Mỹ. Một Startup được cho là đã mời một kĩ sư AI về làm việc với mức lương cộng với cổ phiếu thưởng lên đến 30 triệu đô la cho 4 năm đi làm.
Còn với các kĩ sư còn lưỡng lự chưa muốn rời bỏ sự tiện nghi ở Mỹ thì các công ty quê nhà vươn tay ra với họ. ALibaba, Tencent, Didi Chuxing – kẻ đã tiêu diệt Uber ở Trung Quốc, và Baidu đều đang xây dựng hay mở rộng them các phòng nghiên cứu của họ ở Thung Lũng Silicon.
Nhân Viên Và Khách Thăm Quan Trụ Sở Của Alibaba Group's Ở Hangzhou, Trung Quốc.
PHOTOGRAPHER: QILAI SHEN/BLOOMBERG
Còn cơ hội phát triển sự nghiệp thì được đánh giá là tốt hơn nhiều ở Trung Quốc so với ở Mỹ. Mặc dù có rất nhiều kỹ sư phần mềm của Trung Quốc làm việc ở Thung Lũng Silicon, quan niệm chung cho rằng rất ít người có thể vươn lên được vị trí lãnh đạo cao cấp, một hiện tượng mà người ta gọi là “Rào Cản Tre”.
“Có ngày càng nhiều kỹ sư Trung Quốc làm việc một thời gian dài ở Thung Lũng Silicon thấy rằng về mặt sự nghiệp , sẽ tốt cho họ hơn nếu họ rời bỏ và tham gia vào một ngôi sao mới nổi ở Trung Quốc,” chia sẻ bởi ông ông Hans Tung, quản lý ở quỹ đầu tư mạo hiểm GGV, người chuyên tổ chức các sự kiện thu hút nhân tài. “Ở Google hay là LinkedIn, hay là Uber, AirBnB, các công ty đó đều có các kỹ sư Trung Quốc hằng ngày đặt câu hỏi: ‘Tôi nên ở lại hay là tôi nên về’”.
Một điều hấp dẫn ngoài việc được thăng tiến là lượng dữ liệu khổng lồ ở mức độ cực kì riêng tư ở thị trường Trung Quốc, giúp các công ty tha hồ các thủ nghiệm mới. Phần mềm WeChat của Tencnet, vốn trước đây chỉ là một phần mềm thử nghiệm nhỏ xây dựng trong vài tháng bởi một nhóm kỹ sư, giờ đây đã là biểu tượng của sự sáng tạo cho công nghệ phá triển trong nước và bây giờ đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Người dân ở đây đã quen với việc bị theo dõi bởi chính quyền và do đó họ không ngại ngần cung cấp chia sẻ các thông tin đời tư, điều này hoàn toàn trái với người dân ở phương Tây. Do đó các công ty Trung Quốc có đủ loại dữ liệu để thử nghiệm điều mới. Ví dụ như startup SenseTime đã phối hợp với hàng chục sở cảnh sát địa phương để giúp thiết kế phần mềm theo dõi mọi thứ, từ những người mới chuyển đến địa phương cho đến các cuộc đua xe trái phép, và nhờ đó giúp tạo nên hệ thống mạng lưới an ninh tinh xảo bậc nhất thế giới.

Có thể nói toàn bộ 751 triệu người dung Internet ở Trung Quốc đang trở thành một phòng thí nghiệm khổng lồ, nơi mà những dòng thác tiền và dữ liệu lớn đang giúp các kỹ sư hàng đầu biến những gì trên lý thuyết thành hiện thực.

Xem thêm:

Xu Wanhong tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Khoa học máy tính ở Đại học Carnegie Mellon vào năm 2010 rồi gia nhập vào Facebook để lo về mảng news feed. Một cuộc gặp tình cờ với một nhóm doanh nhân Trung Quốc đến từ startup UCAR Technology đã nhanh chóng phát triển từ tình bạn thành đồng nghiệp và khiến anh đổi việc vào năm 2015. Hiện nay anh làm ở Kuaishou, một dịch vụ video trực tuyến được định giá hơn 3 tỷ đô la và anh phải di chuyển hơn 20 km ở ngoại ở Bắc Kinh để đi làm. Đó là một sự thay đổi một trời một vực so với những quán bar và quán ăn sang trọng ở trụ sở của Facebook ở Menlo Park.
“Tôi không đến Mỹ để sống trong các căn nhà to. Tôi đến để giải quyết những vấn đề thú vị”, anh nói.
Và nhiều người chọn về nhà là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người – được kết nối. Không có công nghệ nào hiện nay có thể xóa đi được sự thật là Thượng Hải và San Francisco thì cách nhau 11 giờ bay và khoảng cách văn hóa thì là mênh mông bất tận.
Sing ra và lớn lên ở Chongqing, Yang Shuishi lớn lên với sự tôn sung văn hóa Tây Âu, anh chọn tên mới là Seth và có được công việc mơ ước là kỹ sư phần mềm ở Microsoft, làm ở khu Redmond. Nhưng mà cuộc sống thị thành ở Mỹ không phù hợp với người đàn ông sinh ra và lớn lên ở một tỉnh có dân số gấp 40 lần dân số ở Seattle. Trong khi anh ấy thăng tiến ở Google và Facebook, anh vẫn thấy rất cô đơn ở Mỹ và anh quyết định quay lại Trung Quốc sau quãng thời gian buồn chán.
“Ở đó bạn chỉ là một mắt xích trong một guồng máy khổng lồ và bạn chẳng bao giờ thấy được đại cục. Bạn tôi ở Trung Quốc thì luôn nghĩ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như các xu hướng xã hội,” anh nói. “Cho dù tôi có bị giết chết bởi không khí độc hại hay tuổi thọ giảm đi 10 năm, tôi nghĩ như vậy vẫn là tốt hơn là ở Mỹ”.
Tác giả: David Ramli và Lulu Yilun Chen
Đăng trên tạp chí Bloomberg ngày 11/01/2018.
Bài gốc:
-------------------------

Ủng Hộ Tác Giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Sự ủng hộ của bạn sẽ giúp mình có động lực tìm hiểu và viết, dịch thêm các bài mới. Chân thành cám ơn bạn đọc! :)