Một chiều hạ, nắng và mây xô đẩy vào nhau đem cảnh vật của thị trấn nhỏ hâm đi hâm lại cái cũ kỹ. Góc chợ ồn ào bởi tiếng la ó của một già một trẻ, cả hai thu hút hết thảy mọi sự chú ý.
-  Lão đi chỗ khác cho tôi còn buôn bán.
- Bác có nhìn thấy con tôi không? Sáng nay đáng lý ra nó phải phụ tôi dọn hàng ở đây.
Không khí có chút kỳ lạ khi lão già đề cập đến con của lão, vài người xung quanh dường như biết một điều gì đó mà lão không biết, nhưng lại không nói ra. Một số khác thì xua tay bỏ đi như chuyện lão tìm con diễn ra hàng ngày. Nhưng tuyệt nhiên không ai trả lời lão, không một ai. 
Ầm ĩ sẽ còn kéo dài giữa  hai người đang dần mất đi khả năng đối thoại bình thường, nếu không có sự xuất hiện của bảo vệ kéo ông lão đi khuất về một góc phố. Tay vội với lấy cái gì đó trong túi áo, một bức ảnh, rồi vội huơ huơ trước mặt mọi người "con tôi, con tôi!", giọng mếu lại nhưng cũng chẳng thốt lên được một câu trọn vẹn.
Đâu đó trong đám đông, một quyển sổ rơi ra, ghi chép lại đôi dòng rời rạc, vô nghĩa.
2/1/1979, báo cháy nơi xóm Củi
Bốn mươi năm trước, tiếng oa oa dội khắp gian phòng hộ sinh của bệnh viện. Hôm đó cũng sẽ bình lặng trôi qua như mọi ngày, nếu không có một người đàn ông điên cuồng chạy khắp thôn mà khoe thành tựu mới nhất của gã. Cả làng đã được một phen sợ mất mật, tay cầm xô nước, lao ra trong vội vã vì lầm tưởng là hỏa hoạn. Câu chuyện chỉ có như vậy, nhưng rất nhiều năm sau người ta vẫn còn bàn cãi với nhau về ngày hôm đó, có đúng là đã có hỏa hoạn, hay chỉ là một đứa bé ra đời. Không ai còn chắc về điều đó, ngoại trừ một người.
2/2/1979, Trường An
Bồng đứa con trên tay, người cha đã không kiềm được cảm xúc của mình, phải mất cả một ngày mới có thể bình tâm trở lại, lúc đó gã mới nhớ ra rằng đứa con mình cần một cái tên, suy nghĩ hồi lâu, ngơ ngẩn mà thốt lên: "Trường An, Trường  An, cả đời trường an". Thời khắc đó, một đứa bé đã đến thế giới này với cái tên an tĩnh, trái ngược hoàn toàn với ngày nó ra đời, Trường An.
4/9/1985, ngày đầu tiên đến trường.
Trường học ở thị trấn, cách xa thôn gần cả chục cây số, hàng ngày người cha phải cùng chiếc xe đạp chạy đua với ánh mặt trời vào mỗi sáng để đưa đứa con đi học. Mọi thứ đều đặn như vòng đạp bánh. Từng vòng từng vòng vẽ lên hy vọng về một tương lai xa xăm.
11/6/1988, lần đầu đạp xe.
Vào giữa năm lớp ba, đứa con đã biết tự mình đến trường. Từ ngày đó trở đi, mỗi bữa sáng, đâu đó bên khép cửa, có hai người trông nhìn một bóng hình nhỏ bé khuất dần trong nỗi bất an.
Những câu chuyện kể mãi...
Đứa trẻ đúng là có chút thiên tư, từ nhỏ đã thông minh và hiểu chuyện nên mọi người trong thôn ai cũng yêu mến. Ngoài việc học, đứa con hay giúp đỡ mẹ bày hàng ra chợ, có khi còn làm thay cả người mẹ một ngày. Tối về lại say sưa đếm từng đồng thành quả lao động. Đôi khi là cùng người cha tập đánh vần trên cuốn sách giáo khoa rách nát. Người cha nhận mình là kẻ thất phu ít học, vốn liếng cả đời cũng chỉ có thể đọc viết vài chữ đơn giản, nhưng bằng cách nào đó, vài năm ngắn ngủi, ông cùng người con trở thành một trong những người  biết nhiều chữ nhất thôn.
Sau này khi nhớ lại những ngày tháng ấy, người cha không bỏ qua bất cứ cơ hội để kể lại ông đã có một người con hiếu thảo như thế nào, nhiều đến mức người làng đã xem nó như một giai thoại.
3/6/1996, Trường An lên phố.
Một ngày, thầy giáo trong thôn nói với người cha rằng con ông có thể lên đại học. Đêm đó, có hai ánh mắt đã thức trắng không ngủ, một vì vui sướng, một vì dao động.
Đầu đông, con trâu trong nhà biến mất.
Vài tuần kế tiếp, người cha bắt đầu về trễ hơn mọi ngày.
Vài tháng sau, có một người trẻ xách ba lô rời vùng quê yên bình.
Lần xa nhà đầu tiên, chớp mắt liền cướp đi những hơn ba năm ròng rã. Trong khoảng thời gian dài đằng đẳng, luôn có một bao thư từ nông thôn được gửi lên thành thị hàng tháng, kèm sinh hoạt phí, trao tận tay một người. Gia đình nông phu nông phụ thời ấy, căn bản là không thể chu cấp cuộc sống ở phố thị, nhưng bằng cách nào đó họ đã kiên trì vượt qua.
5/6/1998, Lá thư đầu tiên.
Một ngày, một lá thư ngược dòng với bao cái khác, trong đó là tháng lương đầu tiên và một câu vỏn vẹn: "Cha mẹ, mọi người vất vả rồi."
Vô số lá thư và số tiền sau này đều được hai ông bà cất kỹ trong một chiếc hộp, không dùng đến, mà lần đầu tiên cũng là vì chuyện bất khả kháng của người con.
4/2/1999, Trường An về nhà.
Lần về đến quê nhà, có gì đó đã thay đổi, người cha tráng kiện ngày nào, giờ đã có vẻ già nua, trên mặt mẹ cũng có thêm vài nếp nhăn. Người con ở lại với gia đình nhỏ của mình một khoảng thời gian, vẫn công việc cũ, vẫn chiếc xe đạp ngày nào, nhưng giờ đây người ngồi sau yên đã không còn là gã nữa.
Tất cả cứ thế êm đềm trôi. Và... tất cả đã có thể trở nên tốt đẹp.
3/3/2001, Trường An về phố.
Lần thứ hai xa nhà mang theo giấc mơ nơi thành phố hoa lệ.
Lúc quay người, đứa con không dám ngoảnh lại, vì gã biết chỉ cần chạm khẽ ánh nhìn của cha mẹ, gã sẽ không còn dũng khí để bước thêm bước nữa.
Sau bóng lưng đó, có thứ gì đã vỡ ra, tôn nghiêm của một người đàn ông, không phải của gã, mà là người cha. Một đời người, có lẽ đây là lần đầu tiên ông thật sự muốn khóc.
Vận mệnh trêu ngươi, khoảnh khắc đó, có hai việc đã mãi mãi thay đổi: lần trở về cuối cùng  của người con, nhưng lại không phải là lần cuối người cha rơi lệ.
3/3/2006, Trường An thành đạt.
Ban đầu khi mới trở về thành phố, họ vẫn giữ liên lạc với nhau qua những bức thư hàng tuần. Sau đó, người con tìm được một công việc  kiếm rất nhiều tiền, nhiều hơn cả con số lớn nhất mà cả tuổi thơ của gã  có thể đếm. Lần đầu tiên sau ngần ấy năm, số tiền người con gửi về đã không còn có thể nhét vừa trong bao thư nữa. Trong làng ai cũng vui cho người cha vì có một đứa con đầy triển vọng.
10/12/2009, những lá thư sau này.
Lầu dần, góc khuất của thời gian xuất hiện, một sát thủ giết đi mọi tình thân của thế gian. Công việc ngày càng bận rộn, nội dung thư theo đó từ vài ngàn chữ hỏi han ân cần biến thành vài câu đơn giản. Cứ thế cứ thế vơi đi từng chút. Mãi đến một ngày trong phong thư chỉ còn mấy tờ tiền lạnh băng.
Tiền càng lúc càng dày, tình càng lúc càng mỏng.
Sau này, cũng chỉ còn mình người cha là duy trì việc viết thư, những tờ giấy viết đi viết lại câu hỏi:
"Ổn không con? Chừng nào về nhà, mẹ mày nhắc mày suốt!"
3/3/2010, Trường An mất tích.
Bỗng một ngày, người con biệt vô âm tín.
Những bức thư của người cha trôi đi trong im lặng, không một lá nào được gửi về nhà nữa.
4/4/2010, lên phố.
Lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm, người cha sử dụng tiền đứa con gửi về, lặn lội một mình lên thành phố chỉ để tìm con.
Người nông dân chân chất lên nơi đô thị phồn hoa, không một ai thân thích, lại phải tìm người đã mất tích ba năm không dấu vết, có thể tưởng tượng được điều đó là bất khả đến nhường nào.
Lần bị người khác lừa đến quán bar, rồi một toáng người vô lương tâm cướp mất phần lớn số tiền phòng thân.
Tại bến xe buýt đêm khuya, có một bóng hình gầy gò cuộn mình lại mà ngủ.
Lần sốt đến rang người, may mắn được người dân đưa đi trạm xá.
Lần một nhóm người tốt bụng đưa đi khắp thành phố.
Lần chờ đợi ở đồn cảnh sát với niềm hy vọng. "Xin hãy chờ, chúng tôi đang điều tra."
Cuối cùng, sau ba năm bôn ba nơi đất khách, tiền tiêu hết, lão buộc phải trở về dù lòng không cam. Sau đó, vì đau thương mà sinh bệnh.
Chờ đợi ...
Một thời gian sau, nhiều người đem đến cho lão vài thông tin về người con.
Có người nói, đứa con đã trốn ra nước ngoài, lần khác thì họ thấy anh đang trên một chuyến xe.
Ngày người mẹ mất, cả nhà ba người giờ chỉ còn một mình người cha đứng bên linh cữu.
Sau tất cả, người con không về.
Trường An không về, mang theo cả bình an một đời.
Sau này, ...
Vài năm trôi qua, người cha lớn tuổi đã trở thành ông lão lẩn thẩn,  hằng ngày đi đến khu chợ. Cho dù hứng chịu ánh mắt khinh miệt người khác, cho dù bị mắng là bệnh thần kinh, lão vẫn kéo từng người đi qua để thăm dò tin tức của đứa con, mãi đến khi bị người ta đuổi đi.
Câu chuyện về một người cha điên, một người con đã từng hiếu thảo.