Bạn có bao giờ cảm thấy điều gì đó mà không thể nói ra thành lời không?
Bạn có bao giờ cảm thấy tức giận, buồn phiền mà không biết thoát ra như thế nào không?
Bạn có bao giờ cảm thấy cảm xúc của bản thân bị dồn nén và không biết xả ra thế nào không?
Thì ra, vấn đề không phải do bản thân mình, mà vấn đề là do môi trường xung quanh mình không cho phép mình nói ra những cảm xúc thật của bản thân. Nghĩ mà xem, nếu như bạn nói với một người bạn rằng bạn buồn vì .... mà người bạn đó nói rằng có gì mà buồn, còn ... thứ hay ho, hoặc bạn đó nói vui lên đi, cuộc sống quá ngắn để buồn. Thì bạn nghĩ sao?
Ủa, tao đang buồn mà mày bảo tao vui lên, tao vui kiểu gì?
Tao đang nói với mày là tao đang cảm thấy buồn mà mày bảo tao buồn làm gì?
Có cảm giác bản thân bị phất lờ và không được lắng nghe. Sau nhiều lần như thế, bạn không còn muốn chia sẻ cảm xúc với người khác.
Hoặc như hồi còn là trẻ con, chúng dễ dàng nói ra những điều chúng ta cảm thấy như buồn, rỗi,... và dễ dàng khóc vì điều gì đó. Bạn cứ để ý hồi con trẻ của bạn, và bọn trẻ con bây giờ, trẻ con chẳng bao giờ cảm thấy trầm cảm. Thế rồi, từ lúc trẻ con đến lúc trở thành sinh viên, chúng ta trải qua điều gì? Chúng ta bị áp đặt những định kiến như: "con trai không được khóc", "lớn rồi còn mít ướt", "có thế thôi mà cũng buồn",... Bất cứ khi nào chúng ta thể hiện cảm xúc, là chúng ta bị tấn công và phớt lờ từ bạn bè, gia đình và người xung quanh. Thế nên, mình gặp nhiều người, trong đó có cả mình, khi được hỏi "cảm thấy thế nào?" thì thường trả lời là "bình thường", hoặc "không cảm thấy gì" . Vì hoặc là cảm thấy không an toàn để thể hiện cảm xúc của bản thân, hoặc là không biết nói ra cảm xúc của bản thân thế nào.
Và vấn đề càng nghiêm trọng hơn nữa là khi bạn đọc được những bài về đối diện cảm xúc tiêu cực như hãy làm việc gì khác, thiền, ngủ,... Ok, đó là những cách để lảng tránh những cảm xúc tiêu cực. Vì sao? vì sau khi bạn làm những việc đó, cảm xúc tiêu cực của bạn chỉ chìm xuống chứ không biến mất, khi gặp xúc tác trong cuộc sống, nó sẽ lại nổi lên.
Hay bạn được khuyên là hãy đối diện với những cảm xúc tiêu cực, hãy đối diện với chúng. Đối diện như thế nào? Cố gắng nhìn vào mặt tích cực ư? Cố gắng giải quyết khó khăn mà mình đang gặp phải ư? Hay cố gắng kiểm soát nó ư? Những lời khuyên đó giống như đọc sách self help vậy, rất hay ho, có vẻ có ích đấy những chẳng giúp ích được gì cả. "Người trong cuộc thì tối, người ngoài cuộc thì sáng", nếu như ai có cảm xúc tiêu cực mà cũng tự xử được như ở trên thì thế giới chẳng ai trầm cảm cũng như chẳng còn phiền muộn gì cả.
Tệ nhất là, do hậu quả của việc bị phớt lờ và tấn công cảm xúc, có nhiều người học cách tự bảo vệ bản thân bằng lông nhím, hoặc không biết cách thấu hiểu người khác, hoặc tỏ ra lạnh lùng, mạnh mẽ trước người khác để tự phòng vệ bản thân, bị gán nhãn "trí tuệ cảm xúc" - EQ thấp. Bạn có bao giờ tự hỏi khi bạn thể hiện cảm xúc, bạn không được thấu hiểu, bạn không được lắng nghe, bạn không được quan tâm và thậm chí còn bị tấn công và vùi dập, thì bạn có thể biết cách thấu hiểu, lắng nghe hay quan tâm người khác được không?.
Trong các yêu cầu cầu về tuyển dụng hiện nay, JD nào cũng yêu cầu ứng viên phải có kĩ năng giao tiếp. Có vẻ chúng ta giao tiếp chỉ để đạt được mục đích cá nhân trong công việc, chúng ta học các phương pháp, các tip để giao tiếp với nhau dựa trên lợi ích và để đôi bên đều có lợi, chứ chúng ta không giao tiếp để quan tâm, để thấu hiểu nhau. Giữa áp lực của khách hàng và của sếp, chúng ta lại còn phải đối diện với áp lực "giả chân" với nhau để làm thế nào để giao tiếp có lợi nhất cho bản thân mình. Chúng ta không lắng nghe để khiến người khác được nghe và được quan tâm.
Không ai trong chúng ta có thể đối diện với những cảm xúc tiêu cực một mình. Mình tin vậy. Vì vậy, nếu bạn có thời gian để phát triển bản thân, hãy dành thời gian để học cách nhận biết cảm xúc của bản thân, gọi tên nó. Nếu bạn có thời gian để phát triển bản thân, hãy dành thời gian tìm hiểu về lắng nghe thấu cảm
Hãy cố gắng dành ra khoảng 15 phút mỗi mỗi ngày, hỏi thăm đồng nghiệp của bạn:
"Hôm nay, mày cảm thấy thế nào? Tao thấy mày... lắm".
Nếu đồng nghiệp nói "tao ổn", "tao bình thường"
Hãy hỏi: "Nhưng tao thấy hôm nay mày ... lắm, với cả cách mày nói không ok chút nào cả. Mày có thể chia sẻ với tao không?
Sau đó hãy im lặng và lắng nghe thấu cảm. Hãy để họ cảm thấy bạn quan tâm đến họ.
Hãy học cách tin tưởng người xung quanh và thể hiện điểm yếu, những điều khó khăn của bản thân.
Nếu như bạn có thể làm được những điều trên, bạn đang:
- Có khả năng giúp đồng nghiệp của bạn và nhiều người khác nữa không bị hoặc thoát khỏi trầm cảm.
- Giúp bạn và đồng nghiệp tăng cái chỉ số mà người ta gọi là EQ.
- Xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tình cảm thật sự.
- Bạn đang giúp người khác biết cách lắng nghe thấu cảm, và biết đâu đó, chính người đó sẽ giúp bạn san sẻ những cảm xúc trong lòng bạn thì sao!