1.
Tình cờ đọc được facebook Youth Memories có một post khá thú vị
"Tôi rất thích ai đó hỏi tôi: "Ngày hôm nay của em như thế nào ?"
Có thể người hỏi cũng không để ý lắm và với họ đôi khi cũng chỉ là một câu hỏi xã giao. Nhưng tôi bị cảm động bởi câu hỏi đó. Bởi khi nghe một câu hỏi như vậy, tôi cảm giác mình được quan tâm. Có một ai đó tò mò rằng tôi đang trải qua những gì, cuộc sống hàng ngày của tôi như thế nào ?
Và quan trọng hơn, tôi cảm giác như họ sẵn sàng lắng nghe những gì tôi sẽ kể. Không hẳn họ sẽ giúp được gì, đưa ra lời khuyên thế nào. Được lắng nghe với tôi, đã là đủ làm tôi thấy ấm áp rồi."
Mình lại nhớ về một video về sự đồng cảm và thấu hiểu của Simon Sinek
Mình nhận ra, bản thân mình có thừa sự tò mò, nhưng sự tò mò đó đặt sai chỗ. Tò mò để khiến cái tôi của mình to hơn (tò mò kiến thức), tò mò tọc mạch (tò mò chuyện người khác để đánh giá), tò mò vặn (tò mò để bắt lỗi sai người khác). Trong khi đó, tò mò để quan tâm, thấu hiểu người khác thì mình không bao giờ sử dụng.
2.
Từ trước đến giờ, khi mình nhờ ai đó, mình luôn tìm cách trả lại bằng cách mời cà phê hay giúp lại điều gì đó.
Thời gian gần đây, mình nhận ra việc này rất rất sai trong quá trình xây dựng một mối quan hệ lâu dài.
Khi mình làm như thế, mình sẽ để lại ấn tượng với người kia là mình giúp họ là để trao đổi lợi ích- anh giúp tôi thế này, tôi sẽ giúp anh thế kia. Đó là mối quan hệ dựa trên lợi ích không bền lâu.
Nếu mình cần sự giúp đỡ, hãy tìm kiếm, tin cậy và nhờ cậy người khác.
Nếu người khác cần giúp đỡ, hãy giúp bằng tất cả khả năng, không bao giờ nghĩ đến việc người ta sẽ giúp lại thế nào.
Mình nghĩ đó là cách xây dựng mối quan hệ dựa trên niềm tin. Tôi tin bạn nên tôi muốn bạn giúp tôi một việc tôi không thể làm được một mình. Tôi biết bạn tin tôi nên bạn mới nhờ tôi, tôi sẽ giúp hết khả năng của mình để đáp ứng niềm tin của bạn dành cho tôi.
3.
Dạo này, mình đang tập luyện để tò mò quan tâm và thấu hiểu.
Câu hỏi mình hay dùng nhất là: Dạo này/ Tuần vừa qua của bạn/anh/chị thế nào? Bạn/anh/chị có thể kể mình/em nghe được không?
Điện thoại cất balo chế độ im lặng, người hơi hướng phía trước và nghe. Chỉ nghe thôi. Mình nghe để khiến người khác có cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu. Trong một môi trường ai cũng thể hiện cái tôi và luôn cố gắng thể hiện quan điểm cá nhân, thì cảm giác được lắng nghe là điều gì đó xa xỉ.
Sắp tới, mình sẽ cố gắng sử dụng thêm để giúp mọi người có cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu:
- Mình thấy bạn...., bạn có thể chia sẻ với mình không?
- Mình thấy bạn...., bạn có gặp khó khăn gì không?
- Có thể bạn chưa muốn chia sẻ bây giờ, nhưng nếu bạn cần ai đó lắng nghe, mình luôn ở đây sẵn sàng lắng nghe bạn."
4.
Tuần trước, mình nghe podcast của bà chị nói về chuyện "đức tin". Một chủ đề thú vị. Bạn sử dụng đức tin trong mọi hoàn cảnh, trong mọi vấn đề trong cuộc sống.
" Đức tin là một quyết định tin cậy điều gì đó, ai đó mà không thấy được hoặc không thể hoàn toàn chứng minh một cách logic."
Ví dụ, từ cuộc sống đời thường, bạn nhờ ai đó đèo bạn đi đến đâu đó, tức là bạn tin bạn đó lái xe cẩn thận và an toàn.
Hay như ở cơ quan, bạn chia sẻ với đồng nghiệp những câu chuyện trong cuộc sống của bạn, tức là bạn tin họ lắng nghe và có thể chia sẻ với bạn.
Hay như đặt hàng online, bạn phải tin vào rất nhiều thứ bạn chưa thấy, chưa chạm, và không có thông tin ngoài mấy chữ tào lao ai cũng viết được trên một website và số điện thoại để liên hệ.
Bạn cứ ngẫm mà xem, hóa ra, câu đùa "Sống bằng niềm tin" lại là câu rất thật và rất thực tế.