Bạn thân mến,
Tôi viết những dòng này dành cho bạn, dù chúng ta chưa biết nhau. 
“Những chân trời bụi đỏ” là một trải nghiệm mới mẻ trong nghe - cảm (và nhận) âm nhạc thể nghiệm Việt Nam. Với tôi là vậy. Nếu bạn đã từng nghe nhạc thể nghiệm của trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm trước đây, có thể bạn sẽ có những cảm nhận khác. Còn nếu bạn chưa từng hoặc đã quên những cảm giác khi bạn thưởng thức, một lúc nào đó xa trong quá khứ, tôi sẽ cầm lái và chúng ta làm một cuộc dạo chơi cảm xúc ngay bây giờ nhé? 
Năm bài nhạc thể nghiệm trong Những chân trời bụi đỏ là các tác phẩm, sản phẩm của khóa sáng tác tự do được Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm giảng dạy và tổ chức. Người nhạc sĩ, nghệ sĩ giảng dạy cũng là người chăm chút giới thiệu từng tác phẩm và từng tác giả trong buổi diễn. Bạn đừng lo, chúng ta đang đi đúng hướng. Những chi tiết đời thực này không chỉ là thông tin, chúng có ảnh hưởng đến những thứ tôi cảm nhận.
Bài đầu tiên là Dạ nhiên. Tôi chỉ nghe được một đoạn ngắn lúc đầu. Khi những âm tiết đàn bầu vừa cất lên, mọi thứ thành tĩnh lặng. Cái tĩnh từ bên trong, có chút hoang mang vì mức độ đột ngột, và lúc ấy tôi nhớ rõ tôi đã hoài nghi chính mình. “Đã giữ đầu thật rộng và thoáng rồi mà”, tôi tự nói trong đầu. Thậm chí trong một hai giây tôi cố nhớ lại mình đã lơi lỏng khi nào và để thứ gì xâm nhập vào đầu mà không hay. Đến với nhạc thể nghiệm, trước tiên phải lôi hết mọi thứ trong căn phòng suy nghĩ và cất vào ngăn tủ. Người đầu tiên cầm tay dẫn dắt tôi phiêu lưu và mở cánh cổng vào dòng chảy nhạc thể nghiệm đã nói thế. “Để chiếc đầu rỗng” có thể là thứ duy nhất cần thiết cho chuyến hành trình vào thế giới Đom Đóm và nhạc thể nghiệm Việt.
Sau giây phút định thần, tôi phát hiện mình bị mất kết nối mạng. Mọi thứ vẫn tiếp diễn khi tôi loay hoay đợi được nối lại với thế giới thanh âm đầy năng lượng, nơi không thể tiên đoán diễn biến của giây phút tiếp nối. Xin bạn đừng cười, tôi nghe nhạc thể nghiệm trực tuyến bằng nhiệt huyết và lòng yêu mến chân thành, không thể giống trải nghiệm sân khấu thật thụ, nhưng cảm nhận và sự nồng nhiệt không vì thế mà nguội nhạt. Điều này cũng nói lên phần nào khả năng ngấm và thổi lửa của nhạc thể nghiệm vào tâm hồn người thưởng thức, ở những góc tối khuất và lạnh lẽo.  

Nguồn:  Đom Đóm - Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm
Tôi trở lại ‘Những chân trời bụi đỏ’ vào mấy nốt cuối cùng bài đầu tiên, bản nhạc kết khá nhẹ và ngắn như một cái vuốt vào má. Tôi không nhớ tên bài trình diễn thứ hai cho đến ngày hôm qua khi bắt tay vào viết những dòng tâm tư này. Không nhớ cả tên nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn. Nhưng tôi biết đó là bài tôi thích nhất đêm diễn. Có một sự trầm lặng hiếm có trong bài trình diễn nhạc thể nghiệm này. Cả những đoạn cao trào, khi âm thanh rơi trên nền sỏi, kim loại miết vào nhau và va vào những khoảng không, tôi nghe tiếng mình gào thét trong thinh lặng. Nếu diễn tả một cách cá nhân, bài nhạc là một lời thủ thỉ, một câu chuyện tự sự, có mở có khép, có lên có xuống, kết bằng một tiếng thở dài, nhưng tất cả đều như một vở kịch câm, hoàn toàn không có âm thanh, khi hoàn toàn được thể hiện bằng sức sáng tạo của nhạc cụ và âm thanh. 
Hơi khó hiểu bạn nhỉ? Tôi thật mong bạn nói câu ấy. Vì tôi đang mô tả cảm xúc, thứ vốn không có hình dạng màu sắc, tất cả là qua bạn, qua tôi, qua chính cá nhân tiếp nhận sự tồn tại và sức mạnh vô hình của những cảm xúc được khơi gợi. Và tất cả chúng ta sẽ không bao giờ giống nhau, cả khi mô tả cùng một sắc đỏ, đỏ của bạn không phải đỏ của tôi.
Bản nhạc chạm đến mảng tối lớn trong lòng tôi là bài nhạc nối tiếp. Một sự khác biệt rõ nét là có tiếng người gần như xuyên suốt trong bài biểu diễn này. Bắt đầu bằng tiếng người phụ nữ, lúc âm sắc lúc âm tà, nhưng bấu víu và dằn vặt. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe nhạc thể nghiệm, âm thanh con người, (đôi khi không phải là ngôn ngữ) luôn gây cảm giác bất an trong lòng. Một chút hoảng sợ, một chút bực bội, một chút lo lắng. Cảm giác đọng lại lần này không còn sự bất an, chỉ còn chút quấy nhiễu. Trong khi tôi đang cố tâm định hình âm tiết nổi trên bề mặt, những mô thức lập lại trong tiếng nói phía sau như những bàn tay vô hình thoắt ẩn thoắt hiện, tạo những cử động tới lui liên hồi, phá vỡ mọi ý niệm vừa phát dựng trong đầu. Một ngày nào đó, tôi biết mình sẽ sống hài hòa với tiếng người trong nhạc thể nghiệm, hoặc chuyển hóa nó sang một dạng năng lượng khác, nhưng chưa phải bây giờ, đó là cả một quá trình... của riêng tôi.                


Nguồn: DomDom - The Hub For Experimental Music
Hai điều đọng lại với bài nhạc thứ tư là niềm tiếc nuối và những phân chuyển gần như ngẫu nhiên, một sự vụn vỡ chăng? Như lời người nghệ sĩ dẫn chuyện nói về tâm sự của tác giả-người biểu diễn bài nhạc: “Giá như em gặp cô mười năm trước...Giá như em đến với nhạc thể nghiệm sớm hơn...” Giá như là một mẫu câu đắt giá với mọi thứ trên đời này, dù bạn ở đâu hay làm gì.. Không có câu chuyện nào được kể trong bản nhạc này. Nó như một sự chồng chềnh có chủ ý, những bước nhảy chắc và đầy tự tin qua những kí ức sáng tối, không thứ tự, chỉ thi thoảng trồi lên một chút nỗi niềm. Cảm giác này thân thuộc với tôi, cái bạo dạn, cái tỏ ra bản lĩnh, cái nhếch mép (gần sát một nụ cười) như một lời thách thức và lời khẳng định mọi thứ trong tầm kiểm soát. Và cái kết ‘giá như’..
Bản nhạc làm tôi lạc một thoáng trong chính tâm sự của mình. Mãi đến khi bài nhạc cuối cùng đã bắt đầu và vào một đoạn cao trào tôi mới thật chú tâm. Có một sự cô độc trong bản nhạc khép chương trình này mãi về sau tôi mới nhận rõ, nó ẩn giấu mà thách thức: “nếu bắt được nhịp, hãy tìm tôi đi”. Giống như bản nhạc thứ nhì, nó kể một câu chuyện, có gì đấy dàn trải và gấp rút hơn. Người nghe có thể đoán được diễn biến, khó liên tưởng ra nội dung, mức độ chuyển dịch trong tiết tấu  biến hóa và linh hoạt. Và đúng phong cách đó, bất ngờ, bài biểu diễn kết thúc, nhưng như thể hứa hẹn phần hai sẽ tiếp diễn trong tương lai. Nó là một câu chuyện mở, để người nghe háo hức đón chờ. 
Kết thúc một chuyến phiêu lưu nữa với nhạc thể nghiệm. Điểm khác mà “Những chân trời bụi đỏ” mang lại là một cảm giác kết nối trong từng bài biểu diễn. Cả khi mỗi tác phẩm truyền tải thông điệp riêng biệt và thể hiện tính cá nhân cao, các tác phẩm sâu kết thành một bức tranh sinh động-hài hòa, luôn có tâm sự và nỗi niềm nhưng luôn chứa một chút hy vọng trong khao khát mãnh liệt như một cơn bão. Điều này cũng có sự đóng góp của người thầy, người dẫn dắt, người kể chuyện, qua lời dẫn chuyện tình cảm, với một ít mủi lòng và niềm hãnh diện không giấu giếm. 
Tính cả tạp âm và vài lần nhiễu tín hiệu (may là rất ít và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh), tôi đã được xoa dịu và truyền năng lượng  bằng những kết nối âm thanh đầy ngẫu hứng: những va đập, rơi vãi, tiếng cắt xẻ, đứt quãng, chà sát, và những khoảng không. Chúng tra nhờn và cố đẩy cánh cổng gỉ sắt nặng nề một góc sâu trong tâm hồn tôi. Tôi thấy mình đi qua, nhìn ngắm, và đóng những ô cửa cần đóng thật nhẹ nhàng mà dứt khoát. Rồi lại bước tiếp, thập thò hay mạnh dạn, mở những tay nắm cửa mới và nói lời chào chân thành, với hiện tại và tương lai... 
Bạn thế nào rồi, tay lái tôi đủ tin cậy chứ? Chuyến này có mấy đoạn vòng cung, không thấy rõ cho đến khi mình tiến gần đủ, cả một góc trời rộng sẽ mở ra..nếu bạn đủ dũng khí đón nhận, cảm giác mới mẻ và hân hoan sẽ ôm ấp bạn vào lòng và truyền thật nhiều sức mạnh. Rất có thể lần tới mình sẽ cùng đến tận nơi với Đom Đóm và thưởng thức nhạc thể nghiệm bạn nhé!

Đường tiệm cận là hành trình ghi lại những rong ruổi tìm kiếm con người sâu bên trong mình. Tớ viết những câu chuyện, dịch những tin tức và thể hiện ra những cảm xúc được ẩn giấu trong cá thể bằng các phương thức vận hành khác nhau như nghệ thuật, tâm lý học và những câu chuyện kể. Với mục đích là để chữa lành và sống với chính mình. Nếu cậu cũng là một người trăn trở tới quá trình phát triển bản thân và tìm kiếm những người bạn đồng hành, chúng tớ vui đón cậu ghé qua: duongtiemcan.com. Yêu mến!